Hoàng Độ - Đồ Mi thực hiện
Sam Hamill |
LTS: Sam Hamill là một
nhà thơ đương đại Mỹ. Với tư cách là chủ bút kiêm sáng lập gia của Nhà Xuất bản
Copper Canyon, nơi phát hiện ra những nhà thơ cự phách đương đại của Hoa Kỳ. Sự
nghiệp của Sam Hamill đã có ảnh hưởng lớn đến nền thơ ca Mỹ. Ông đồng thời là một
nhà phê bình, nhà biên tập và dịch giả trong suốt hơn 3 thật kỷ qua với những bản
dịch chuẩn xác, có duyên, chuyên chở được hương vị Đông phương trong ngôn ngữ
Tây phương. Ông đã từng dạy trong các nhà tu 14 năm và hoạt động giúp đỡ các phụ
nữ và trẻ em bị đối xử tệ hại. Đặc biệt, ông là một Phật tử sống và hành trì
theo tư tưởng Thiền trong hơn 40 năm qua. Ông đã dịch nhiều tác phẩm thơ Thiền
Nhật Bản và Trung Quốc sang tiếng Anh, tiêu biểu có các tập Basho tinh yếu, Qua
Hoàng Hà: 300 bài thơ Trung Quốc. Ông cũng là nhà thơ có sức viết dồi dào với
hơn 14 tập thơ, trong đó phải kể đến Điểm đến số không và Biết ơn. Ông còn là một
nhà thơ phản chiến, năm 2003, ông đã phát động phong trào thi sĩ chống chiến
tranh tập hợp hơn 13.000 bài thơ của hơn 12.000 nhà thơ sáng tác chống lại chủ
trương chiến tranh Iraq của Chính phủ Hoa Kỳ. Từ đó ông đã xuất bản tuyển tập
thơ Thơ chống chiến tranh, tập thơ này đã trở thành best – seller ở Mỹ.
Ngày 18 – 1 vừa qua,
qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Bá Chung, giảng viên Đại học Massachusetts
Boston – Mỹ, Sam Hamill đã đến thăm tòa soạn Văn Hoá Phật Giáo nhân chuyến sang
thăm Việt Nam của ông và phái đoàn nhà thơ Hoa Kỳ. Ông đã dành cho “Bên tách
trà” một cuộc trao đổi nhỏ xung quanh những suy nghĩ của ông về Phật giáo.
VHPG: Thưa ông,
được biết ông là một Phật tử. Ông có thể kể một chút về con đường đưa ông đến với
đạo Phật?
Ông Sam Hamill: Từ
khi còn nhỏ, tôi đã mơ ước trở thành một nhà thơ. Thời thanh niên, tôi rất
thích trường phái thơ Beat, một trường phái thơ chịu ảnh hưởng của tư tưởng
phương Đông. Trong nhóm thơ đó, có nhiều nhà thơ như Gary Snyder, Philip Whalen
coi sự hành trì Phật giáo là rất quan trọng. Họ khuyên tôi nên xem sự hành trì
là cốt yếu thay vì chỉ đọc sách. Và tôi quyết định gia nhập thủy quân lục chiến
để có cơ hội đi ra nước ngoài. Tôi được gởi sang đóng quân ở Okinawa, Nhật Bản.
Tôi là một người lính thủy quân lục chiến tồi bởi vì tôi thì đi kiếm tìm đạo Phật
còn quan điểm huấn luyện cho một lính thủy quân lục chiến Mỹ lại ngược hẳn với
quan điểm Phật giáo. Thời gian ở Nhật, tôi bắt đầu theo học và thực tập Thiền định.
Tôi đã trở thành một Phật tử như thế.
VHPG: Vậy bây giờ
ông có còn tiếp tục thực tập Thiền?
Ông Sam Hamill:
Đương nhiên, tôi đã thực tập Thiền liên tục trong 40 năm qua.
VHPG: Là một Phật
tử hành thiền lâu năm như vậy, khi làm thơ, ông có để cho tinh thần Phật giáo
đi vào thơ mình không?
Ông Sam Hamill:
Phật giáo đi vào tất cả những gì tôi làm bởi vì tôi là một Phật tử.
VHPG: Vậy nó đi
vào một cách tự nhiên hay do chủ ý của ông?
Ông Sam Hamill: Đối
với tôi. Phật giáo không phải là muối hay tiêu để ta có thể rắc lên thức ăn khi
nào ta muốn. Với tôi, Phật giáo là tất cả những gì nằm trong tôi. Nếu có ai đó
đọc thơ tôi và bảo rằng anh ta thích vì có đoạn này đoạn kia mang tinh thần Phật
giáo thì với tôi, lời nhận xét ấy chẳng có ý nghĩa gì. Cách đọc ấy chứng tỏ rằng
người đó đi tìm trong thơ tôi những gì có yếu tố Phật giáo. Với tôi không phải
vậy, tôi nghĩ Phật giáo thấm vào tôi và tôi cố gắng sống với nó trong từng giây
phút. Tôi hy vọng thơ tôi mang dấu ấn đó. Tôi cố gắng hành trì theo tinh thần
Phật giáo.
VHPG: Ông đã từng
học Thiền ở Nhật Bản, dịch nhiều sách và thơ Thiền Trung Hoa, ông có quan tâm đến
Thiền Việt Nam, đặc biệt là thời Lý – Trần và có nhận xét gì về nó?
Ông Sam Hamill:
Tôi đã dịch nhiều thơ Thiền Nhật Bản, Trung Qụốc và cũng đã đọc thơ Thiền Việt
Nam. Thơ Thiền mỗi nước có một đặc điểm riêng cũng giống như tinh thần của Thiền
mỗi nước vậy.
Khi còn trẻ, ở Nhật Bản, tôi đã thực hành nhiều công án theo
truyền thống của Thiền Nhật Bản. Tôi rất ngạc nhiên khi đến Việt Nam, thấy các
nhà sư Việt Nam ít sử dụng công án, có thể nói là hầu như không sử dụng.
Thực sự, tôi chỉ mới tới Việt Nam được một tuần lễ nên chỉ mới
thưởng thức được chút xíu mùi thơm của Thiền Việt Nam chứ chưa thực sự được nếm
vị Thiền Việt Nam. Khi còn thực tập Thiền ở Nhật, tôi biết rằng, Nhật Bản có rất
nhiều trường phái Phật giáo, Thiền khác nhau, khu biệt và độc lập. Còn khi đến
Việt Nam, tôi lại biết rằng ở Việt Nam có truyền thống Thiền – Tịnh song tu. Điều
này không thể được chấp nhận ở Nhật Bản nhưng ở Việt Nam thì đã trở thành truyền
thống. Tôi biết rằng trong truyền thống Phật giáo Nhật Bản và Trung Hoa luôn có
những tranh luận giữa việc thực hành công án và việc tọa thiền. Ở Việt Nam
không có sự khác biệt này. Tôi rất thích sự cắt ngang tông phái, xóa nhòa sự
khu biệt tông phái một cách hữu cơ như vậy của truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Tôi vốn không thích hệ thống truyền thừa và những khuôn khổ quá chặt chẽ. Chính
vì lý do đó, dù là một Phật tử nhưng tôi không bao giờ có ý định gia nhập một
thiền viện nào hết. Tôi sinh ra vốn không biết bố mẹ mình là ai, vì thế mà tôi
tìm thấy bố mẹ, anh chị em ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ, tinh thần Phật giáo thực sự
cũng như vậy.
VHPG: Liệu ông có
nghĩ rằng kiếp trước mình thuộc về một nước Á Đông?
Ông Sam Hamill:
Tôi không biết kiếp trước của mình như thế nào, cũng không biết kiếp sau ra
sao. Tôi vốn không tin tưởng vào những gì mình không biết rõ. Tôi chỉ biết rằng
tôi đang sống ở giây phút này và tôi muốn sống trọn vẹn với nó. Tôi nghĩ rằng,
mình còn chịu ảnh hưởng quan điểm của Khổng giáo, chuyện hiện tại của thế giới
này mình vẫn chưa hiểu hết, đừng quá lo lắng tới những chuyện của thế giới
khác.
VHPG: Trong kinh
Nhất Dạ Hiền Giả, Đức Phật có dạy: “Không truy tìm quá khứ/ Không ước vọng
tương lai/ Quá đã qua rồi / Tương lai thì chưa đến/ Chỉ quán pháp hiện tại/ Hôm
nay nhiệt tâm làm/ Ai biết chết ngày mai…”.Chúng tôi nghĩ rằng, ông là một người
rất thấm Phật pháp…
Ông Sam Hamill: Lời
khen này thật quá lớn với tôi. Thực ra, trong cuộc đời, tôi dành rất nhiều thời
gian tìm hiểu quá khứ để hiểu hơn về hiện tại. Giá thiết thực của cuộc đời
chính là giây phút hiện tại.
VHPG: Được biết,
ông còn là một nhà thơ phản chiến, ông có suy nghĩ gì về chiến tranh?
Ông Sam Hamill:
Trong chuyến thăm Việt Nam này, tôi đã có dịp thăm các nạn nhân chất độc da
cam. Tôi rất xúc động.
Trong 3 thập kỷ qua, nước chúng tôi đã xuất khẩu những chất độc
và bạo lực. Cái hay của Phật giáo là tinh thần từ bi, từ ái. Con người phải sống
với hiện tại để từ bi, từ ái. Thật đáng tiếc là người dân Mỹ không biết được những
gì mà nhà nước Mỹ đã gây ra cho người dân của nhiều nước khác trên thế giới.
VHPG: Đây là lần
đầu tiên ông đến Việt Nam. Ấn tượng của Việt Nam trong ông là gì?
Ông Sam Hamill:
Phức tạp! (Cười).
Dòng xe cộ thì dường như điên loạn. Nhưng thức ăn lại tuyệt
ngon. Người Việt Nam rất nồng hậu và thân thiện.
Một tuần ở Việt Nam, tôi chủ yếu gặp các nhà thơ và các nhà
sư nên chưa thực sự biết được đời sống của người lao động bình thường Việt Nam
như thế nào. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Phải rất cẩn thận với những cảm xúc đầu
tiên”. Bồ Đề Đạt Ma mới trông có bộ dạng như một con sư tử nhưng trong trường hợp
này ngài thực sự là một con sư tử.
VHPG: Cảm ơn ông.
Chúc ông luôn an lạc trong từng phút giây của hiện tại.
(Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 26)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét