Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Bánh bò quê

Sầm Thị Thúy Liễu – Vĩnh Long


Viết cho em trai

Hồi đó, nhà thì nghèo lại đông anh em thế mà hai chị em tôi lúc nào cũng thích giành nhau từ củ khoai đến những món đồ chơi chẳng đáng đồng tiền – điều đó nhiều lần đã khiến mẹ buồn lòng – nhưng chúng tôi nào biết.
Tôi được tám tuổi thằng em trai thì mới lên sáu thôi, nó cao và mập hơn nên tự quyền làm anh, nghỉ thật tức cười, đúng là đồ con nít.
Một lần, ngay lúc đang sửa nhà, thợ phụ thợ chính gần mười người ra vô trong nhà.  Vậy đó, mà hai chị em vô tư giành ăn …. một dĩa bánh bò của mẹ cho. Với những cái bánh bò nhỏ xíu làm từ bột gạo mà bà làm bánh đã khéo léo pha thêm màu lá dứa, màu lá cẩm cho xanh xanh đỏ đỏ để những đứa em nhỏ như tụi tui “mê tít..thò lò”. Ăn hết dĩa bánh cũng chưa đã thèm nói chi là phải chia hai, nghĩ vậy nên đứa nào cũng giành, nhất định là không cho đứa kia một cái nào. Giành giật, xô đẩy, rồi khóc um xùm.
 Mẹ bước tới hỏi, cứ nghĩ là hai đứa sẽ bị no đòn. Nhưng không, mẹ bước đi, hai chị em thở phào chuẩn bị giành hiệp hai thì thấy mẹ đem ra một túi tiền lẻ - tiền báo hôm qua bán được – ngồi đếm rồi tính tính gì đó. Hai chị em tôi khó hiểu nhìn theo. Mẹ bước ra cửa gọi bà bán bánh bò lại  mẹ nói với bà rằng “cho em thiếu lại một ít”, bà cười toe toét rồi bước đi bỏ lại một thau bánh bò chừng hai ba trăm cái. Ánh mắt hai chị em vẫn dõi theo những hành động khó hiểu của mẹ, chưa biết có nên reo lên vì mẹ mua bánh cho cả nhà và các cô chú thợ xây cùng ăn hay không – trong khi bữa nay chưa đi chợ kia mà.
Mẹ bưng một thau bánh đặt trước mặt hai chị em; “đây là phần của hai đứa, ăn cho hết, không được cho ai phụ, ăn không hết thì bị đòn, một cái bánh là một cây roi.” Mẹ còn dặn đi dặn lại những cô chú thợ xây nhà không được giúp đỡ.

 Thế là một thau bánh, nếu không đựng bánh thì tôi vào ngồi còn được, vậy thì làm sao ăn đây. Hai chị em tự động chuyển cảnh giành giật sang nhường nhịn, thay vì cứ ăn cho đã thèm đi rồi tới dâu thì tới, đánh mấy roi thì đánh. Hình như không đứa nào còn tâm trạng để mà ăn. Ngồi đếm từng cái bánh rồi tính ra từng cây roi. Hai chị em ngồi khóc thúc thít rồi năn nỉ nhau “thôi chị ăn đi, em không giành nữa”, “thôi em bự con ăn hết đi, chị ốm yếu bụng nhỏ ăn không nổi”. Cứ thể đến chiều đói bụng quá mà không cho ăn cơm nên phải ăn bánh, nhưng chừng năm hay sáu cái là cứ y như là cái bánh nuốt vô nó nằm ngang cổ họng. Lại năn nỉ, nhường nhịn rồi mếu máu trước bao nhiêu cặp mắt nhìn xong lắc đầu cứ y như là “chúng tôi đành bó tay”.
Đến lúc mà hai chị em đã bèo như …con mèo, và mâm bánh kia cũng khô queo theo hai đứa nhỏ. Câu chuyện cũng đến hồi kết thúc, mẹ bưng mâm bánh đi bỏ,  không nói lời nào, hình như mẹ khóc. Từ đó cảnh này không hề tái diễn dù chỉ một lần. Hai chị em hiểu nhường nhịn nhau có phải làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn không.

Chuyện cứ như hôm qua thế mà đã hơn hai mươi hai năm.
Chúng tôi lớn lên, trưởng thành rồi thành gia lập thất. Tôi đi làm xa nhà và cũng có những vướng mắc từ công việc, con cái. Còn thằng em nhỏ ngày nào trở thành người đàn ông cao ráo, dễ nhìn, em có vợ rồi vợ chồng lục đục đến nổi ly dị nên em đâm ra ù lì, chẳng còn sức sống. Lần này, mẹ lại lặng lẽ khóc vì đau và thương cho những nổi bất hạnh của từng đứa con.

Từ mâm bánh bò của hai mươi hai năm trước khiến tôi nghiệm ra một điều là: chưa chắc gì có được những thứ mình cố gắng níu kéo hay giành giật thì sẽ thấy vui vẻ và hạnh phúc. “ Thằng em trai của chị ơi! Cuộc sống là vậy, không ai không có điều bất hạnh nhưng làm sao để đứng lên mới là điều đáng quý nhất. Hôn nhân là chuyện của hai người chứ không của riêng em đâu, đừng giành giật níu kéo làm gì, vì chắc gì cuộc hôn nhân này trở lại thì em sẽ hạnh phúc”

Không có nhận xét nào: