Trần Kiêm Đoàn
- Nầy, sếp nhớn! Ồn ào quá ta; để ta yên nào! (Shut up! Give
me a break, boss.)
Phải mất hơn 15 năm chí thú làm việc cần cù, trên dưới trôi
tròn, không có gì sai phạm đáng kể giữa một thực tế đầy cạnh tranh của xứ Mỹ nầy,
tôi mới nói được với gã “sếp nhỏ” đơn vị của mình (supervisor) một cách vừa
ngang phè như cua gạch, vừa thân mật kiểu bạn bè như thế mà không sợ bị giận hờn
hay mất việc.
Tôi làm cho chương trình Bảo Vệ Thanh Thiếu Niên (C.P.S.) đã
hơn 15 năm. Đây là một chương trình có mạng lưới rộng khắp, phục vụ suốt
ngày đêm tại các thành phố trên toàn nước Mỹ. Tôi ở trong đội Ứng phó Khẩn
cấp (Emergency Response). Còn nhớ hơn mười năm trước, sau 3 năm làm việc
an toàn, trôi chảy, khi đọc tạp chí Forbes nói về các nghề nghiệp “sinh tử” nhất
của Mỹ, tờ báo nầy nói lên một nhận định làm tôi hoảng hồn: “Ở Mỹ có hai nghề
dân sự bị áp lực ngoại cảnh xã hội nặng nề nhất vì có thể gây chết người bất cứ
lúc nào nếu thiếu sự cẩn trọng nghề nghiệp, đó là nghề Điều hành Không lưu (Air
Controller) và nghề Bảo Vệ Trẻ Em, đội Ứng phó Khẩn cấp” – mà tôi đang
làm. Nghề không lưu mà lơ đãng theo dõi chuyến bay để phân định không chuẩn
xác thì máy bay đụng nhau. Nghề bảo vệ thiếu niên, con trẻ mà không giải
quyết vấn đề kịp thời thì sẽ bị bức hại bởi người nuôi nấng.
Hôm nay, tới phiên tôi trực. Theo quy định, mỗi nhân
viên trực có trách nhiệm thụ lý tối đa là 2 hồ sơ trong suốt một ngày trực.
Dù hôm nay mới 2 giờ chiều, nhưng tôi đã được phân công làm việc với hai trường
hợp khẩn cấp rồi. Theo nguyên tắc chuyên ngành thì kể như xong nợ trong
ngày. Thế mà khi đang ung dung ngồi mơ mộng một chút trên chiếc máy vi
tính, gã quản lý chương trình lại lên tiếng gọi tôi, hỏi:
- Nầy, cậu có thể nhận thêm một “case” (thụ lý một hồ sơ) nữa
không? Cậu sẽ được trả thêm tiền phụ trội ngoài giờ tối đa đó nha.
Từ sáng sớm, nhận sự phân công lần thứ nhất, rồi lần thứ hai
ngay trong giờ ăn trưa, tôi đã mất hơn nửa ngày để lái xe đi gần cả trăm cây số,
điều tra qua lại nhiều nhân chứng và liên lạc, phân tích hồ sơ về các trường hợp
“trẻ con bị hành hạ” ngay tại nhà ở và trường học của nạn nhân. Tôi mệt
nhoài, còn hơi sức đâu mà làm phu trội. Nhìn đống hồ sơ giấy tờ dày cộm khô
khan như gạch ngói của hai hồ sơ mà tôi đã nhận đang nằm chờ hoàn tất thủ tục
trước mắt. Nay tay quản lý nầy lại “lì lợm” gạ gẫm tôi nhận thêm một hồ
sơ nữa làm tôi nổi cáu trả lời gắt gỏng “Shut up! – Im đi!”, thế mà hắn vẫn
chưa chịu buông tha tôi.
Tiếng Nick, gã quản lý, vẫn dè dặt và ôn tồn vang lên từ bên
kia đầu dây điện thoại:
- Thế cậu không muốn giúp “người của cậu” à?
Nghe hai tiếng “your people – người của cậu…” tôi hơi chột dạ,
hỏi gằn lại:
- Này Nick, nói cho rõ ràng, Người của tôi là ai vậy?
Tiếng Nick phát âm lơ lớ trong máy:
- Nu-yen Ven Tot! Có phải là tên người Việt Nam không?
Tôi không làm lơ được nữa. Hỏi kỹ hơn:
- Ô kê! Nguyễn Văn Tốt đúng là tên người Việt Nam.
Nhưng can tội gì vậy?
Nick đáp:
- Sexual abuse – xâm phạm tình dục – với trẻ em dưới 5 tuổi.
Tôi thót ruột. Cảm nhận bằng kinh nghiệm nghề nghiệp cho tôi
biết vấn đề nghiêm trọng của sự vụ xảy ra. Nhìn đồng hồ, đã hơn 3 giờ chiều.
Nếu gặp một hồ sơ rắc rối, làm việc đến nửa đêm chưa chắc đã xong. Sinh sống
trên đất Mỹ, hàng chục năm lần lượt trôi qua cứ ngỡ như sông nước Đông Tây đã
hòa quyện vào nhau không còn biên giới. Nhưng lai lịch Việt Nam bỗng đâu
dội tới như tiếng gọi cội nguồn đánh động lòng người. Không hỏi thêm lời
nào, tôi đồng ý nhận làm việc cho một trường hợp người Việt đang gặp nạn.
Bên kia, tiếng Nick reo lên như được thắng một ván bài tâm lý: “Hề hề! Ta
biết là cậu không từ chối được ‘ca’ nầy đâu.”
Tôi nhận hồ sơ báo cáo. Đọc lướt qua hồ sơ: Người báo
cáo là tổ hợp luật sư của cha mẹ nạn nhân. Bị cáo là một người đàn ông Việt
Nam 62 tuổi, không nói được tiếng Anh, chưa có tiền án. Nạn nhân là một
thằng bé Mỹ trắng, thiếu một tháng đầy năm tuổi. Nó học mầm non mẫu giáo
buổi sáng, buổi chiều được gởi trẻ tại nhà riêng của người đàn ông bị cáo vì
cha mẹ bận làm việc toàn thời gian. Nội vụ tóm tắt là: Người đàn ông Việt
62 tuổi tên Nguyễn Văn Tốt, cư ngụ tại Mỹ chưa tới ba năm, đã nhiều lần có hành
động xâm phạm tình dục với thằng bé da trắng và hai đứa cháu của ông ta bằng
cách dùng dao dọa giết nếu các nạn nhân không nghe theo lời dụ dỗ liên quan đến
chuyện thỏa mãn dục tính của ông ta.
Nếu bị cáo không chứng minh được sự vô tội của mình và bị hệ
thống tòa án và luật sư Mỹ chằng chịt như rừng ở xứ Cờ Hoa nầy đưa đến phán quyết
rằng: “Có tội – Guilty” thì bản án tù tội sẽ nghiêm trọng không lường hết được.
Theo thủ tục quy định, người thụ lý hồ sơ phải trực tiếp tìm
gặp ngay nạn nhân riêng rẽ để tiến hành điều tra nội vụ. Tôi đến nhà trẻ Honey
Child Care đang giữ Dany từ sau ngày nó bị “xâm phạm tình dục” để trực tiếp
quan sát và phỏng vấn theo yêu cầu nghề nghiệp.
Khi vừa đến nơi, tôi đã thấy cha mẹ của Dany có mặt ngoài
phòng đợi. Tôi chỉ chào qua loa và yêu cầu ban giám đốc cho tôi gặp cháu
bé tại phòng riêng của nhà trường. Cha mẹ nạn nhân yêu cầu được có mặt
trong lúc tôi phỏng vấn trực tiếp với Dany tại phòng riêng, tôi từ chối.
Theo luật, đứa bé có thể yêu cầu thầy giáo hay nhân viên nhà trường hiện diện
trong cuộc phỏng vấn, nhưng chỉ dự thính chứ không được hỏi nạn nhân; thân nhân
không được quyền có mặt. Bị từ chối, thế mà cha mẹ bé Dany vẫn tiến tới
xen vào việc tiến hành điều tra đang diễn ra. Tôi cố tránh, nhưng người
cha đã đến chận trước lối vào phòng nói một cách tha thiết mà lịch sự:
- Thưa ông, tôi xin lỗi. Tôi không có ý xen vào công việc của
ông đang tiến hành. Nhưng tôi chỉ muốn làm cho công việc điều tra của ông
dễ dàng hơn…
Tôi hỏi nhanh:
- Thưa ông, vậy tôi có thể giúp gì được ông ạ?
Người cha xua tay:
- Không, không, chúng tôi chỉ muốn gởi ông bản dịch tường
trình của FBI (Cơ quan Điều Tra Liên Bang) về cuốn băng có thu hình trực tiếp
các trường hợp xâm phạm tình dục.
Ngạc nhiên, tôi hỏi nhanh:
- Ai thu hình vậy, thưa ông?
Người cha trả lời càng làm tôi ngạc nhiên hơn:
- Từ máy quay phim tự động đặt trong nhà. Chính con
trai của can phạm đã giao nộp cuốn phim.
Tôi tiếp nhận bản dịch ra tiếng Anh và dĩa thu hình sao lại
cuốn phim.
Trong phòng thí nghiệm riêng của nhà trường tiểu học mà các
cháu nạn nhân đang theo học, tôi phải xem kỹ lại nội dung các sự việc trong cuốn
phim trước khi phỏng vấn các nạn nhân.
Những đoạn phim có liên quan đến nội vụ, trước hết là hình ảnh
ông già Tốt tắm cho hai thằng cháu nội và thằng bé Dany. Ông kỳ cọ cho cả
ba đứa bé trai và mỗi lần đụng đến bộ phận kín riêng của chúng, ông cười đùa hồn
nhiên, rồi đưa tay túm lấy “của quý” của mấy thằng cháu để khoác nước lên và rửa
ráy kỹ hơn. Có lẽ vì hơi tò mò một chút cái “của Tây” nó khác “của Ta”
như thế nào, già Tốt chịu khó bọt nặn thằng bé Dany hơi kỹ hơn một chút và cười
hềnh hệch, rồi đem túi khôn truyền khẩu của dân tộc ta ra làm tiêu chuẩn bình
luận, rằng: “Hì hì! D... ái đen mạnh cọ, d...ái đỏ mạnh cày. Thằng Mỹ con
nầy giống tốt!” Những mẫu hình chuyển qua phần mà cơ quan FBI cho là
“nghiêm trọng” vì những dòng văn và đoạn văn dịch in đậm và xiên. Trong
hình, ông Tốt cầm một cây dao, làm điệu bộ như chuẩn bị cắt của quý của mấy thằng
nhóc, nhất là thằng Dany không chịu làm theo lời ông mà cứ giương mắt ếch ra
nhìn. Tiếng ông già Tốt nói rặt giọng Huế thu được trong dĩa lưu phát ra
nghe rất rõ:
- Dzu (you) ít (eat) bô cu (beaucoup) thì ô kê. “No”
bô cu, thì “no” ô kê. Còn ăn ngã ngớn thì ôn cắt phứt chim tụi bay đem ra
xào nhậu ba-xi-đế liền...
Liếc nhanh qua bản dịch tiếng Anh, tôi vừa hoa cả mắt vì người
dịch chẳng hiểu gì ý người nói; vừa cảm thấy xót xa vì tai bay vạ gió ở đâu ùn
ùn kéo tới do ngôn ngữ bất đồng. Người dịch – ký tên bên dưới là Jenny
Nguyen – hẳn là một người trẻ thuộc thế hệ người Việt thứ hai trên đất Mỹ, nên
dẫu có lưu loát về tiếng Việt đến mấy thì khó mà hiểu được cái “mốt” nói tiếng
Anh, tiếng Tây xen lẫn với tiếng Việt như ông Tốt thuộc thế hệ học sinh ngữ Anh,
Pháp nhập nhằng trên quê hương một thời đi học. Bởi thế, người dịch đã diễn
ra tiếng Anh đại ý: “Làm tình ít bú cu thì tốt. Chẳng bú cu thì không tốt.
Ăn xong, nằm ngữa ra để tao cắt chim đem xào uống rượu liền!” Lời dịch
quýnh quáng không những sai lạc mà còn phản lại ý của người nói; cộng thêm với
hình ảnh ông già Tốt cầm cây dao lăm lăm hết dọa hai thằng cháu của ông, đến dọa
thằng Dany cũng đủ làm cho người Mỹ lên cơn kinh hoàng vì “thủ đoạn gian ác” của
tay tội phạm xâm phạm tình dục trẻ con.
Trong một đoạn phim khác, ông già Tốt tắm rửa cho ba thằng
con trai. Đứa nào ông cũng kỳ cọ sạch sẽ bộ phận riêng và có khi ông còn
vuốt ve nói năng đùa giỡn với cả ba thằng bé. Lại thêm một lần nữa, sự suy diễn
rằng, nghi can đã “cố ý va chạm, vuốt ve, xâm phạm bộ phận sinh dục của nạn
nhân...” càng làm cho ông già Tốt có khả năng trở thành một thứ “quỷ Râu Xanh”
trước mắt giới thẩm quyền và chuyên viên bảo vệ trẻ em, phần lớn suy diễn khá cực
đoan khi cần bảo vệ trẻ em bị nạn, trên đất Mỹ.
Nội dung phỏng vấn ba đứa trẻ con chẳng cho thêm dữ kiện nào
mới ngoài sự xác định: “Ông ấy rờ tôi chỗ nầy. Ông ấy thọc lét tôi
chỗ kia...” như đã thấy trong phim và nghe trong băng thâu.
Bước kế tiếp của cuộc điều tra là đến gặp gia đình ông Tốt.
Gặp ông, tôi hơi ngờ ngợ vì so với dáng linh hoạt của ông trong cuốn phim mà
tôi vừa coi, trước mắt tôi là một ông già hốc hác, mặt xanh xám, mắt trũng sâu,
tóc bạc rối bời bơ phờ. Vâng, nhưng đúng là ông Tốt khi ông lên tiếng:
- Dạ đúng, tôi là Nguyễn Văn Tốt, từ Việt Nam qua Mỹ được
hai năm, mười một tháng, bốn ngày...
Nói tới đây, ông Tốt ngồi phịch xuống nền nhà, hai tay ôm đầu,
giọng kéo dài run run như vừa rên, vừa nói qua tiếng nấc đầy vẻ uất nghẹn:
“Úi! Cha mẹ ơi là cha mẹ. Tụi hắn nói tui hiếp dâm thằng
con nít 5 tuổi. Trời đất lại có chuyện ‘mèo đẻ ra trứng, lợn đẻ ra hổ mang’ như
kiểu đó sao ông hè?! Tui thương thằng nhỏ như sáp cháu nội tui. Tui
nói tào lao xị đế để dọa cho hắn ăn cơm cả thấy hắn ốm tòng teo tội nghiệp.
Ai ngờ ra nông nỗi nầy. Còn mặt mũi chi mà dám nhìn bà con, thiên hạ nữa.
Ui chao! Nhục nhã không chịu nổi thì chắc tui phải uống thuốc chuột mà chết
thôi. Ông ơi! Xin ông cứu tui với! Cứu tui với...”
Giọng ông Tốt khàn khàn như tiếng khóc không thành
hình. Suốt mười mấy năm thường xuyên đối diện với cảnh kêu oan của những
nghi can trong quá nhiều trường hợp tương tự, tưởng lòng tôi sẽ trở thành thản
nhiên chai đá. Nhưng tiếng than “mất mặt không dám nhìn bà con thiên hạ”
của ông Tốt trên đất Mỹ xa xôi nầy làm tôi xúc động mạnh khi nhớ về quê hương
làng xóm. Nơi đó, tiếng chào cao hơn mâm cỗ, ăn miếng giữa làng bằng sàng
xó bếp; nơi mà phép vua thua lệ làng của nền văn hóa làng xã vẫn còn đang đậm
tình đất cát sau những lũy tre xanh.
Tiếp theo, tôi phải phỏng vấn ông Tốt để thụ lý hồ sơ.
Nhưng từ trong cái “chung” sâu thẳm tôi đã chia sẻ trọn vẹn với ông mà chẳng cần
phân bua, giải thích. Với một xã hội dân chủ pháp trị như xứ Mỹ nầy thì
pháp lý vẫn làm đầu tàu cho đạo lý. Vấn đề còn lại không phải là bày tỏ sự
cảm thông và xúc động mà phải làm gì và cứu ông Tốt được bao nhiêu.
Khi chia tay ông Tốt và những người con đều là bác sĩ, kỹ
sư... đang nhăn mặt nín thở theo dõi vụ án của cha, tôi chỉ có thể nói được một
lời khuyên vắn tắt:
- Ông Tốt và các cháu bình tĩnh. Chỉ xin nhớ cho một
điều là luật pháp Mỹ không có từ “thông cảm.” Phải đấu tận tình như chơi
“football” mới may ra gỡ rối được cho vụ nầy.
Nói cứng để làm cho bố con ông Tốt yên tâm, nhưng tôi vẫn
chưa tìm ra cách giải quyết để chứng minh ông Tốt là vô tội khi ông ta thật sự
có cầm dao dọa dẫm và trực tiếp rờ mó, đụng chạm vào bộ phận giới tính của nạn
nhân.
Tôi mang hồ sơ về tham khảo ý kiến với anh cai Nick của
tôi. Anh chàng đã cho tôi một lời cố vấn mạnh như vũ bão rằng:
- Làm sao chứng minh cho được lời cậu bảo rằng, những lời lẽ
và hành động của ông Tốt đối với thằng nhóc Dany xảy ra thường xuyên và rất
bình thường trong sinh hoạt đời sống văn hóa Việt Nam thì may ra mới có thể
thuyết phục được những con diều hâu luật pháp châu Mỹ này.
Vì là một xã hội hợp chủng nên sức mạnh của người Mỹ và luật
pháp Mỹ là tôn trọng văn hóa của các dân tộc và xem xét cẩn thận cách hành xử
khác nhau của những người xuất thân trong những nền văn hóa khác nhau. Những
ngày tiếp theo, tôi đã viết ra thành một tập tài liệu nhỏ nhằm giải thích rõ ràng
sự khác nhau giữa hành động nựng nịu – âu yếm bằng lời nói gần gũi và cử chỉ vuốt
ve – con trẻ với hành động xâm phạm tình dục trẻ con. Thậm chí, những
hành động nựng nịu đó mang tính văn hóa Việt Nam đậm đà mà đôi khi người ngoài
không hiểu nổi hay hiểu ngược lại như trường hợp ông Tốt. Bản văn tường
trình (statement) viết xong, tôi nhờ các em sinh viên đang học với tôi và các
cơ quan xã hội đi xin chữ ký giải bày sự đồng tình hỗ trợ của các bậc cao niên
và các nhân sĩ trong cộng Đồng người Việt. Nghe qua nội vụ của ông Tốt,
các vị cao niên người Việt đã tỏ ra rất nhiệt tình, sẵn sàng đến tòa án để làm
chứng biện minh cho ông Tốt, nếu cần. Một chút tình quê hương và tấm lòng
dân tộc biểu tỏ với nhau lúc lâm nguy nơi quê người thật là đẹp và đầy xúc động.
Phiên tòa luận tội ông Tốt được xử tại tòa Thượng Thẩm
(Superior Court) địa phương. Từ trên bục đối chứng (testified stand), tôi
có thể nhìn thấy vẻ mặt tái xám và căng thẳng cùng cực của ông Tốt. Bên cạnh
đó là các người con trong gia đình ông và những người chứng trong cộng đồng người
Việt. Phiên tòa diễn ra một cách êm xuôi đến ngạc nhiên khi công tố viên
và các luật sư hai phía chỉ hỏi và tranh biện chiếu lệ, nghe nhiều hơn
nói. Cách ứng xử với trẻ con trong khung cảnh văn hóa Việt Nam đã gây sự
quan tâm thú vị hơn là thắc mắc đôi chối, tranh luận.
Cho đến khi thư ký tòa án đọc phán quyết “trắng án – not
guilty!” cho vụ án thì ông Tốt trông có vẻ như thản nhiên và đang đắm mình
trong một trạng thái mộng du nào đó. Miệng ông mấp máy liên tục những tiếng
gì không rõ. Trước khi chia tay ở hành lang tòa án, tôi lại gần, hỏi ông
đang muốn nói điều gì. Ông thì thào:
- Nam mô Phật. Nam mô A-me-ri-ca!
- ...?!
Sau đó, khi đã quay lại với sinh hoạt đời thường, ông Tốt giải
thích:
- Tôi cầu nguyện mà. “Nam mô” là tiếng tôn xưng.
Tôi tin là cái đất nước châu Mỹ – A-me-ri-ca – này cũng có các đấng thiêng
liêng như Trời, như Phật cứu giúp kẻ hiền lương gặp nạn.
Lần đầu, tôi bắt gặp một nét cười tươi trên gương mặt của
ông Tốt. Tâm linh không xuất hiện như mặt hàng quảng cáo, nhưng vẫn thường hằng
có mặt ở một góc khuất nào đó cao viễn nhất giữa cuộc đời thường.
(nguồn: ninhhoatoday.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét