Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

CHUYỆN RẮN NĂM TỴ

Ngô Văn Ban

Năm THÌN con rồng bay đi, năm TỴ con rắn bò đến. Hình ảnh, đặc điểm tính cách con rắn từ xa xưa đã đi vào tâm thức người Việt qua lời ăn tiếng nói, qua những câu ca câu hát, qua những chuyện cổ tích, thơ văn bác học… và mỗi lần năm Tỵ đến, mang biểu tượng con rắn, thì không thể không nói đến con vật thuộc loại bò… sát… không chân này.
Theo thống kê của các nhà khoa học, ở Việt Nam có hơn 200 loài rắn. Rắn thường sống trong hang đào sâu dưới đất. Kinh nghiệm dân gian ta biết chỗ nào là hang rắn :
Hang ếch nhẵn dưới, hang cầy nhẵn trên, hang rắn thì nhẵn hai bên.
Người Việt dân gian ta tùy theo hình dáng, màu sắc, môi trường sống, rắn không độc hay rất độc… mà đặt tên gọi từng loại. Còn các nhà khoa học thì đặt tên từng loại bằng những tên La Tinh rất khó đọc.
Dân gian ta cũng biết phân biệt rắn nào có tuyến nọc độc có thể làm chết người ngay khi nó cắn hay loại rắn nào không độc (rắn lành) và loài rắn nghi ngờ có độc.
Có những tên gọi loài rắn không độc hay nghi ngờ độc như rắn ráo, rắn nước, rắn giun, rắn săn chuột như rắn lãi, rắn hổ mây. Ngoài ra còn có rắn roi, rắn tầm lúc, rắn liu điu, rắn bông súng, rắn chuối, rắn râu, vi voi, vi cá, vi cốc… và còn có loại rắn mối, con trăn …
Loại rắn độc thì rất nhiều như có loại rắn đã độc lại kèm theo chữ hổ nữa thì thấy nó hung dữ gây chết người như thế nào. Họ rắn hổ gồm có : hổ mang bành, Cạp nong (khoang đen và vàng xen kẽ), cạp nia (khoanh đen và trắng xen kẽ), cạp nia đầu vàng, hổ mang chúa, gọi hổ trâu là lọai rất độc và rất dữ, rắn xe điếu là loại hổ mang nhỏ, rất độc. Giống  hổ mang này dân ta còn có những tên gọi khác : rắn hổ ngựa, rắn hổ mây, rắn hổ hành, rắn hổ lai, rắn hổ lửa (rắn hổ đất), rắn hổ chuông (còn gọi là rắn chòm quạt, có cái bướu lồi giống như cái chuông ở gần cổ, ít bò mà cứ lao đi vun vút)… Rắn độc còn có rắn ba khoanh, rắn cườm, rắn đẽn, rắn mai gầm, rắn mắt kiếng, rắn lục xanh, rắn lục vàng, rắn chột nưa, rắn dâu, rắn lửa, rắn mỏ vọ, rắn vú nàng, rắn tre, rắn chàm oạp, rắn hướng vỹ… Riêng rắn hổ đất hay rắn hổ lửa dân gian ta cho rằng khi rắn còn nhỏ thì rất độc, rất hung dữ, nhưng khi già, có mồng thì rất hiền.
Dân gian ta có câu rắn mai tại chỗ, rắn hổ về nhà để nói lên nọc độc của rắn độc vô cùng : nếu bị rắn mai gầm (cạp nong, cạp nia) cắn thì người bị cắn chết tại chỗ liền. Còn nếu bị rắn hổ mang cắn thì nọc độc của nó nhẹ hơn một chút, nhưng chỉ về kịp tới nhà thì chết.
Rắn là loài hung dữ, độc ác, thường bắt cóc nhái mà ăn, nên rắn rết bò vào, thì cóc nhái bò ra, tháo chạy. Đó cũng là lời khuyên dân gian, khuyên người yếu kém thấy kẻ hung dữ thì phải lánh xa, bỏ đi.
Loài rắn sống ở biển hay cửa sông thuộc họ rắn biển, ta thường gọi là con đẻn, cũng là loài rất độc. Ở biển ta có loại đẻn đuôi gai, đẻn mõm nhọn, đẻn có vảy bụng, nhiều loại đẻn biển, đẻn sọc dưa, đẻn đầu nhỏ, đẻn cơm… Nọc đẻn biển này độc rất nhiều lần rắn hổ mang.
Nọc độc của rắn có thể làm chết người, nhưng chính khoa học đã dùng nọc độc chế biến ra thuốc để cứu người bị rắn cắn. Dân gian ta còn nhận xét : Nọc người bằng mười nọc rắn để thấy con người “độc” hơn nọc rắn rất nhiều.
Dân gian ta có bài vè kể các loại rắn sau : Nghe vẻ nghe ve / Nghe vè con rắn Mái gầm, chàm quạp / Hổ lác, hổ hèo / Ri cốc, liu điu / Ri voi, hổ lửa / Hổ hành, hổ ngựa / Rắn ráo, rắn râu / Quỷ khóc thần sầu /  Hổ mang, hổ sậy / Thấy đà run rẩy / Cạp nia, cạp nong / Lặn lội dưới sông / Là con rắn nước / Rắn rồng, rắn lục / Ri cá, rắn trung / Nghe đến hãi hùng /  Hổ mây, hổ bướm / Ớn đà quá ớn...  / Chẳng dám kể thêm...
Vùng U Minh Nam Bộ ai cũng biết là nơi cả một thế giới loài rắn. Trong bài vè Rắn vùng U Minh, người dân còn dạo chơi với rắn nữa : U Minh nước đỏ / Choại, dớn, cóc kèn / Ăn ở cho hiền / Dạo chơi với rắn / Bất kỳ sâu cạn / Rắn nước, rắn râu / Bay trên trời cao / Rắn rồng uốn khúc / Chạy ngang chạy dọc / Rắn ngựa phóng theo / Hút gió thật kêu / Là con rắn lục / Mái gầm lục đục / Bò chậm như rùa / Mở xuống bất ngờ / Hổ mây ẩn núp /  Coi chừng nó quất / Là con rắn roi / Ra đồng dạo chơi / Là rắn bông súng / Đựng đầy một thúng / Là rắn cạp nia / Ăn rồi ngâm nghe / Hổ hành nấu cháo / Dữ mà nhỏ xíu / Đúng thiệt rắn giun / Chớ nên coi thường / Con rắn ri cóc / Rắn mà muốn học  / Làm cậu ông Trời / Có khách hay mời / Là con hổ chuối / Con rắn ri cà / Thấy nước thì ham /  Hình vóc hiên ngang / Rắn roi, mỏ rọ / Thật là đáng sợ / Chàm oạp, hổ mang / Xét cho đàng hoàng / Rắn thì có nọc / Đừng châm, đừng chọc / Bỏ mạng lìa đời / Trí khôn con người / Biến loài độc ác / Lấy nọc làm thuốc / Trị bệnh cứu dân / Đau khớp trật gân / Ê mình nhức mỏi / Lại còn một mối / Lấy thịt xé phay / Chiều nhậu lai rai / Bổ ơi là bổ !
Bài vè không những cho ta biết tên một số loài rắn mà còn cho biết biến loài độc ác thành thuốc chữa bệnh, lại còn dùng thịt, máu nó chiều nhậu lai rai, bổ ơi là bổ.
Tên gọi loài rắn thì rất nhiều, không kể xiết, nhưng rắn độc hay không độc, ngày nay nhiều người săn lùng quá, cung cấp cho các quán nhậu, cho các bình ngâm rượu, đem xuất khẩu, da chúng làm ví xách, dây nịt, hay chế biến thành món khô rắn cho các tay nhậu nhâm nhi… Rắn là sát chủ của loài chuột, loài rắn càng ngày càng giảm đi góp phần cho sự sinh sôi cho loài chuột, làm mất cân bằng sinh thái, môi trường. Song không phải ai cũng nhận thức được vấn đề quan trọng này, chỉ có loài chuột là vui mừng, hoan nghênh, ra sức cắn phá mùa màng một cách thỏa mái.
Tuy loài rắn càng ngày càng ít đi, nhưng hình ảnh con vật này vẫn còn nhiều trong ngôn từ Việt, trong tục ngữ ca dao, trong truyện cổ, truyền thuyết, trong các loại hình nghệ thuật của dân tộc.
Hình ảnh con rắn cùng tính cách, đặc điểm của nó, từ xưa đã được dân gian ta sử dụng để ví von, để so sánh nhằm phê phán một bộ phận người trong xã hội. Vì rắn là con vật lành thì ít, độc, ác, nham hiểm thì nhiều. Do đó con rắn được biểu hiện cho những gì xấu xa, ác độc trong hành động, tâm địa của con người.
Ngoại hình con người đã được so sánh với ngoại hình con rắn, như mắt như mắt rắn, đi vặn mình xà, bành cổ như cổ hổ mang, lưỡi như lưỡi rắn v.v… Nhưng… độc hơn là đem tính cách của rắn để nói lên sự hiểm độc của con người trong xử thế : miệng hùm nọc rắn, sư hổ mang vãi rắn rết, khẩu Phật tâm xà, cõng rắn cắn gà nhà. v.. v… Dân gian còn phê phán những kẻ theo đóm ăn tàn như như rắn cạp nong cạp nia thường bò theo tàn lửa, để chỉ những kẻ a dua, bất tài, suốt đời chạy theo người cao sang kiếm chút ít lợi lộc dư thừa nhưng cũng chẳng ngon lành gì.
Ai cũng biết rằng rắn là loài không chân, nhưng nó vẫn di chuyển được nên cần có chân làm gì cho thừa, thêm vướng. Nay có kẻ thấy rắn không có chân, tưởng rắn thiếu chân không đi lại được, nên khi vẽ rắn, vẽ thêm chân vào. Vì thế nên có câu  vẽ rắn thêm chân, đúng là những kẻ làm việc thừa, việc không có gì rắc rối, không cần thiết mà bày đặt thêm cho mất công, vô ích. Cũng như chuyện vẽ rồng vẽ rắn :  Anh vẽ rồng rắn làm chi? Cho em mệt trí nghĩ suy đêm ngày !
 Dân gian ta còn phê phán những con người thật vô tư, đứng bên lề xã hội, mặc đời xảy ra chuyện gì : Tuổi Tỵ rắn ở ngọn cây / Nằm khoanh trong bộng có hay việc gì, hay thật nhút nhát, sợ hãi quá độ như len lét như rắn mồng năm. Mồng Năm tháng Năm là Tết Đoan Ngọ, người ta trẩy hội vào rừng lên núi hái lá thuốc để về sắc uống trị bệnh hay phơi khô treo trước cửa nhà để trừ ma quỷ. Trong ngày này, loài rắn rất sợ hãi con người đi tìm lá thuốc nên rút vào rừng, vào hang sâu tránh né.
Lại còn có những người cần phê phán, đả kích là những kẻ chuyên đổ tội lỗi, khuyết điểm cho người khác, chuyên ném đá giấu tay, vu oan cho người lương thiện tựa như rắn đổ nọc cho lươn. Lươn làm gì có nọc độc, là con vật lành, thế mà bị vu oan giá họa như thế ! Trong xã hội còn có những kẻ tự cao tự đại, làm việc gì cũng không tự lượng sức mình giống như rắn con lăm (hăm) nuốt cá voi ! Rắn con có nuốt được thì nuốt loài chuột nhắt nhỏ con chứ làm sao nuốt nổi cá voi to gấp nghìn lần thân thể rắn.
Quy luật của cuộc sống cho ta thấy trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu. Liu điu là giống rắn nhỏ, sống ở ao hồ chuyên bắt ếch nhái, so với rồng là con vật được loài người cho là linh thiêng cao quý thì rắn liu điu không ra gì cả. Trứng rồng thì nở ra rồng, trứng rắn liu điu thì nở ra rắn liu điu, điều đó chắc chắn như thế. Cũng như cha mẹ khôn ngoan, có học hành thì đẻ ra con khôi ngô tuấn tú. Trái lại cha mẹ có tâm địa không tốt thì con cái sinh ra không được tốt. Điều đó là theo quan niệm của một số người, theo di truyền học, nhưng không tuyệt đối như thế. Vì cha mẹ cú có thể đẻ con tiên, hổ phụ sinh hổ tử, nhưng có khi hổ phụ sinh khuyển tử cũng có, hay cha hổ mang đẻ con liu điu, hay cha liu điu đẻ con hổ mang là sự thường.
Loài rắn xuất hiện ở đâu là loài người tìm cách đánh đuổi hay bắt bỏ bị tuy nó không tấn công người. Dân gian ta quan niệm rắn đến nhà chẳng đánh thành quái. Người bị rắn cắn, nọc độc của nó có thể làm người chết ngay, nên rắn đến nhà thì phải đánh, nếu không trở thành mối hiểm nguy cho con người. Trong cuộc sống xã hội, những gì độc hại, gây nguy hiểm cho con người là phải ra tay trừ diệt. Đó là bài học của câu tục ngữ trên muốn nói. Đánh rắn thì phải lưu ý : Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên chín tầng mây rất nguy hiểm. Và đã đánh rắn thì phải đánh dập đầu, đánh rắn cho chết nọc, không  đánh rắn giữa khúc. Do đó, rắn khôn, rắn dấu đầu. Vì rắn mất đầu thì chỉ vào cửa tử mà thôi.
Người gặp xui xẻo thì hay than cóc cắn, rắn mổ. Kinh Thi cho rằng hễ đi gặp rắn thì may, nhưng có người cho rằng về nhà gặp rắn thì hay phải đòn.
Hình ảnh con rắn cũng đã từng đi vào đời sống tình cảm của con người. Có chàng trai đã ví von :
Con quạ đen, con cò trắng
Con ếch ngắn, con rắn dài
Em trông anh trông mãi trông hoài
Trông cho thấy mặt thấy mày mới yên.
Nhưng khi thấy mặt nàng rồi thì chàng … chê :
Rắn không chân rắn bò khắp rú
Gà không vú nuôi đặng chín mười con
Phải chi nhan sắc em còn
Anh vô chốn đó chiều lòng mẹ cha.
Và sinh ra chế giễu :
Con chi rọt rẹt sau hè
Hay là con rắn mối tới ve con chuột chù
rồi sinh ra cao ngạo : Con công ăn lẫn với gà / Rồng kia rắn nọ coi đà sao nên.
Tuy nhiên cũng có những mối tình chung thủy, chia xẻ với nhau những khó khăn, ngọt bùi trong cuộc sống :
Lấy chồng thì phải theo chồng
Chồng đi đường rắn đường rồng cũng theo
Hay :
Đôi ta như rắn liu điu
Nước chảy mặc nước ta dìu nhau đi
Đôi khi phải hy sinh cho tình yêu :
Con rắn không chân con rắn biết
Đá có ngọc ẩn thì đá hay
Tội thì thiếp chịu, vạ lây chi chàng.
Rắn có điều đặc biệt là rắn già rắn lột, người già người lọt vào săng (hòm) hay rắn già rắn lột, người già người chột. Da rắn được phủ kín vảy. Hầu hết rắn di chuyển dựa vào lớp vảy này. Rắn lột da để lớn theo theo chu kỳ. Không giống những loài bò sát khác, cách thức lột da của rắn giống như người ta tháo bỏ một chiếc bít tất : nó cọ đầu và mũi vào những vật cứng, như đá, cho tới khi da rách và chúng bắt đầu lột. Mục đích cơ bản của việc này là để trưởng thành và lột da cũng khiến rắn loại bỏ ký sinh trùng bám vào da. Toàn thân rắn được bao bọc một lớp vảy. Những chiếc vảy này vô cùng cứng rắn, không lớn lên tương ứng theo sự trưởng thành của thân thể rắn. Vì vậy cứ hai ba tháng rắn phải thay da một lần.
Rắn lột da. lớn lên, sống lâu, còn con người thì già đi, cuối cùng vào chỗ chết. Nhân năm TỴ, con rắn, mong người già sống lâu trăm tuổi và cũng mong đất nước, và trên thế giới, nói theo sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, long vĩ (đuôi rồng, cuối năm Thìn, 2012) xà đầu (đầu rắn, đầu năm Tỵ, 2013) không có chuyện khởi chiến tranh, để các dân tộc trên thế giới này được sống trong Hòa Bình, Hạnh Phúc, ấm no.

(Nguồn: ninhhoatoday.net)


Không có nhận xét nào: