Bánh tráng phơi la liệt ngoài vườn, ngày 23 tết, chờ tiêu thụ ở chợ Mỹ Lồng |
Nép mình bên dòng Hàm Luông êm ả, dưới những rặng dừa mát rượi,
làng bánh tráng Mỹ Lồng ra đời cách nay trên 100 năm. Lúc đầu chỉ một vài hộ
tráng bánh chủ yếu phục vụ cho gia đình những ngày giỗ chạp, lễ Tết. Do đó chưa
gọi là nghề mà gọi là lò bánh tráng. Lò sản xuất theo thời vụ, và phục vụ nhu cầu
của bà con, lối xóm.
Bà Nguyễn Thị Lụa (84 tuổi), người gần như đã gắn cả cuộc đời
mình với chiếc bánh tráng Mỹ Lồng từ khi chưa nổi tiếng cho đến nay, cho biết:
"Nghề truyền thống, ông bà để sao con cháu làm vậy. Nhưng có lẽ đây là
vùng nguyên liệu phong phú, chất lượng nên bánh ngon hơn chăng? Cái khác rõ rệt
nhất của bánh tráng Mỹ Lồng với bánh các vùng khác là bánh được làm từ gạo dẻo
và nước cốt dừa đậm đặc...".
Dần dần khi chiếc bánh tráng trở nên phổ biến và vượt ra khỏi
địa phận của làng Mỹ Lồng, cũng là lúc có nhiều người sắm sửa lò tráng bánh để
kinh doanh. Và cái tên “Bánh tráng Mỹ Lồng” từ chỗ chỉ là tên gọi dân gian nay
đã trở thành thương hiệu.
Người thợ chế biến ở mỗi lò bánh tráng thường có công thức
bí truyền riêng. Tuy nhiên, khâu nguyên liệu để làm bánh là quan trọng nhất và
phải được chọn lọc kỹ càng. Gạo làm bánh phải là đúng giống gạo trắng sỏi, trắng
tép hay tài nguyên được mua từ nông dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Quyết định
độ dai, dẻo, ngon chính là khâu xay bột và pha bột. Không chỉ chú trọng chất lượng
gạo, người làm bánh còn cân nhắc khá kỹ vị béo của dừa, vị ngọt của đường, độ mặn
của muối, hương thơm của mè và một số phụ gia khác như: trứng gà, sữa...
Công đoạn tráng bánh là khâu cần những thao tác kỹ thuật nhất
định. Không ít người đã ví việc tráng bánh như một nghệ thuật. Người khéo tay
có thể tráng bánh một lúc trên 2 bếp; vừa đổ bột, lấy bánh, vừa xếp bánh ra liếp,
thoăn thoắt như một cái máy đã được lập trình sẵn.
Để có được chiếc bánh tráng thơm, béo dịu ngọt và vừa tròn,
vừa mỏng đều, phải nhờ bàn tay khéo léo và biết bao giọt mồ hôi của người thợ...
Do bánh tráng phải được phơi bằng nắng trời nên phải tranh thủ làm từ lúc nửa
đêm cho đến hửng sáng để kịp phơi bánh. Nếu chậm trễ, bánh sẽ chua, không thể sử
dụng được.
Bánh tráng Mỹ Lồng hiện có rất nhiều loại, được chế biến
theo nhu cầu của người tiêu dùng khắp nơi trong và ngoài nước. Ăn chơi mà không
cần nướng hay dùng để cuốn các loại cá thịt thì có bánh tráng cuốn, bánh tráng
sữa. Nhưng nổi danh nhất là loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, vừa đặt lên lò
than đã tỏa hương thơm lừng...
Từ món ăn được chế biến thủ công truyền thống mộc mạc trong
gia đình ngày giỗ chạp, lễ Tết, bánh tráng Mỹ Lồng đã được nâng lên thành hàng
hóa có giá trị tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Và mỗi dịp xuân về, chiếc
bánh tráng lại là thứ không thể thiếu trong mỗi nhà ở vùng quê Mỹ Lồng.
Thưởng thức chiếc bánh tráng Mỹ Lồng đâu chỉ vì hương vị ngọt
ngào khó quên mà còn thắm đẫm cả dư vị của miệt vườn Bến Tre, của dòng nước đầy
phù sa đang tuôn chảy ra biển, của thứ âm thanh vi vu từ những rặng dừa thanh
bình nơi quê nhà...
Cô chủ khéo léo lấy bánh ra khỏi mặt vải nóng hổi bằng một dụng cụ như cây thước dẹt |
đặt bánh vừa tráng, còn ướt lên một chiếc bàn nhỏ |
Người phụ lo phơi bánh lên liếp và quậy bột |
Các con chơi trong hành hiên sau lưng mẹ, được che nắng bằng các tấm liếp phơi đầy bánh tráng. Có lẽ đến tối, người cha sẽ nằm ngủ trên chiếc giường này để giữ bánh |
Bé gái con cô chủ, tóc cột 2 cọng dây thun cụt ngủn, có vẻ nhút nhát, gọi mẹ liên tục khi bị chụp hình. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét