trang 1
I / ĐẠI CƯƠNG :
Sống là một cuộc đấu tranh không ngừng, đấu tranh với ngoại giới và với chính mình.
Đấu tranh với chính mình là cơ bản và khó hơn cả vì người nào đã thắng được chính mình thì sẽ làm chủ được ngoại giới trong khi người thắng được ngoại giới ,chưa chắc đã làm chủ được chính mình ,như Đức Phật đãtừng nói :
“ Thắng vạn quân thù ngoài sa trường không bằng thắng chính mình. Người thắng được chính mình mới là đấng trượng phu”.
Trong khi đối phó với chính mình và với ngoại giới, chúng ta không tránh khỏi những lo âu, bực bội,vui buồn quá mức…khiến chúng ta ở trong trạng thái bất an mà người ta thường gọi là “Stress”. Vậy làm sao để có giảm Stress và sống hoà hợp,an vui với mọi người?Chỉ có NHẪN mới giải quyết được các điều trên đây. Vậy làm sao để có thể NHẪN ?
II / ĐỊNH NGHĨA CỦA “NHẪN ”:
Đức Khổng Tử nói : Trăm hạnh, Nhẫn là hơn hết ( Bách hạnh Nhẫn chi vi thượng ).
NHẪN trong chữ Nho gồm 2 phần :
Chữ Đao ở trên, chữ Tâm ở dưới với ý nghĩa là
chịu đựng như bị dao đâm vào tim hoặc có người giải thích là
nếu tâm động thì lưỡi dao vô hình ở trên sẽ đâm xuống tim.
NHẪN là chịu đựng, NHỤC là điều xấu xa, vậy NHẪN NHỤC là chịu đựng những điều xấu xa, bất như ý. Nhẫn không phải là đè nén niềm đau, sự tức giận của mình xuống, ngược lại là mở lòng ra cho Tâm càng ngày càng lớn, từ đó nỗi khổ càng nhỏ hơn.
Biểu tượng của NHẪN là ĐẤT vì đất không bao giờ phản ứng dù ai đổ lên đất những thứ sạch, dơ.
“Như Đất không giận Chân nhân sạch bụi
Như đá không lay, Sống chết hết rầy”.
Trên thế giới này, có không ít danh nhân đã thực hành được hạnh Nhẫn. Điển hình, trong thế kỷ XX vừa qua có 2 người là Thánh Gandhi (1869 – 1948) đã đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ và Mục sư Martin Luther King (1929 - 1968) đã đấu tranh chống phân biệt chủng tộc bằng phương pháp bất bạo động.
Nhẫn không phải là yếu hèn, khiếp nhược cam chịu nhục nhã. Ngược lại, Nhẫn là tự thắng được tâm mình khi nóng giận.
* Có 3 loại Nhẫn :
1. Nhẫn với chính mình : bình thản trước danh, lợi, tình và ăn ngủ.
2. Nhẫn với người khác : giữ được lòng mình vẫn bình thản, không sinh lòng giận dữ, oán thù khi bị người khác mắng chửi, vu oan, đánh đập, thậm chí còn sát hại. Ngoài ra, còn có thể làm hại đến người thân của mình để gây đau khổ cho mình.
3. Nhẫn với các hoàn cảnh khó khăn : chịu đựng được các nghịch cảnh như nghèo khổ, bệnh tật , già yếu, tai nạn, dịch bệnh, thiên tai…
Phước đức thường bị Sân hận phá khuấy, làm tiêu hao chẳng khác nào đổ “nước phước đức” vào bình bị “lỗ thủng Nhẫn nhục” dưới đáy làm chảy mất. Chính Nhẫn nhục là yếu tố giữ cho các phước đức kia được bảo toàn.
III/ LỢI ÍCH CỦA “NHẪN” :
A Lợi ích chung :
1. Trừ sự nóng giân (“ giận quá hóa ngu”)
2. Không bị hoàn cảnh tác động làm mất sự tự chủ ; nhờ đó, tránh được những cảnh xung đột, đổ vỡ, chia lìa (“ một câu nhịn bằng chín câu lành”), được mọi người thương yêu kính mến, mong được thân cận.
3. Không gây oan trái với ai, thức tỉnh, cảm hóa đối phương hết sức cụ thể
(“ Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng
Lấy Đức báo oán, oán mới tiêu tan ”)
4. Đặc biệt tránh được Stress vì 8 ngọn gió ( Bát phong) không lay chuyển được ta :
a. Được : Được tài lợi, tâm không xao xuyến
b. Mất : Bị thiệt hại, lòng vẫn thản nhiên
c. Khen : Được công kênh, tâm vẫn như không
d. Chê : Bị hủy nhục, lòng không bực tức
e. Vinh : Được ngợi khen, tâm vẫn bình thản
f. Nhục : Bị chê bai, lòng không biến đổi
g. Vui : Được việc vui, tâm không xao động
h. Khổ : Gặp đau khổ, lòng vẫn an nhiên
5. Không tạo tội lỗi mà chỉ tạo phước thiện nên tâm lúc nào cũng an lạc và lúc cuối đời, khi lâm chung, tâm trí sáng suốt, an nhiên tự tại nên sẽ tái sanh vào cõi thiện giới.
B Lợi ích với nhân viên Y tế :
1. Giảm Stress
- Nhân viên Y tế, nhất là người có chức vụ cao, phải lo toan nhiều việc cùng một lúc nên thường để bị căng thẳng về tinh thần.
- Các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý công tác tại các phòng cấp cứu, phòng săn sóc tích cực , phòng mổ, hậu phẫu v..v…dễ bực bội, cáu gắt vì cường độ lao động cao.
- Chính vì thế mà việc thực hành ĐỨC NHẪN sẽ giúp cho nhân viên Y tế bớt căng thẳng về tinh thần, giảm được Stress.
2. Phục vụ bệnh nhân tốt hơn
- Nhân viên Y tế thường nói với nhau là mình phải “làm dâu trăm họ”, điều này không phải là không có lý.(xem thêm . . .)
- Nhưng khi bệnh nhân hoặc thân nhân có lời nói khiếm nhã thậm chí là hành động thô bạo với một nhân viên Y tế nào đó thì chính người ấy phải xét lại xem mình có làm điều gì khiến họ phản ứng như vậy không ?
- Chỉ cần nhân viên Y tế có lời nói thiếu lịch sự hoặc có thái độ thờ ơ trước sự đau đớn của bệnh nhân là bệnh nhân sẽ cảm thấy bị xúc phạm, bị hất hủi.
- Nhân viên Y tế nên đặt mình vào vị thế của bệnh nhân thì sẽ dễ dàng hiểu được tâm trạng của họ và thông cảm với họ hơn.
Có 3 nhóm bệnh nhân :
a. Nhóm bệnh nhân an phận hoặc có trình độ văn hóa thấp. Nhóm này chiếm đa số .
b. Nhóm bệnh nhân đòi hỏi phải được phục vụ đúng mức. Nhóm này thường là trí thức có trình độ dân trí cao.
c. Nhóm bệnh nhân ỷ vào quyền thế, quen biết người có chức, có quyền hoặc ỷ vào tiền bạc nên thường đòi hỏi, hạch sách đủ điều.
Tuy nhiên, dù bệnh nhân thuộc nhóm nào, nếu nhân viên Y tế thực hành ĐỨC NHẪN, có thái độ ân cần, lời nói hòa nhã, biết thông cảm với sự đau khổ của bệnh nhân và có hành động sốt sắng giúp đỡ bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ an tâm điều trị và mau hồi phục hơn.
Đã có nhiều trường hợp, mặc dù bệnh nhân không qua khỏi, thân nhân bệnh nhân vẫn cảm ơn nhân viên Y tế vì người nhà của họ đã được săn sóc và cứu chữa hết mức rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét