Sông Phước Mỹ, Phước Long, Bến Tre - thyanh photo - CANON 350D |
Khi được bà nội bồng lên bờ, bé Tèo mềm như bún, không rên không khóc, tôi cứ tưởng bé đã chết. Trong khi cha bé lui cui cột ghe vào bụi chuối trên bờ, người mẹ ngồi lại trên ghe, không dám bước lên, khóc nức nở.
“- Bác sĩ ơi, bác sĩ ơi . . . làm ơn cứu cháu tui . . . “ người bà vừa kêu vừa chạy lúp xúp vào nhà tôi, dáng bà nhỏ thó, 2 chân di 2 hàng, bàn chân có ngón cái to bè của những người quanh năm làm ruộng. Tôi vội đặt bé nằm ngay lên chiếc bàn nhỏ giữa nhà, bé dài không quá 2 gang tay tôi, được bọc kín trong 1 chiếc khăn lông cáu bẩn. người bà kể lể trong nước mắt,:” nó sanh mới có 2 tuần, sanh ra khỏe re à, không biết sao sáng giờ nó không thở, không nhúc nhích cục kịch gì hết trơn !”
Bé Tèo thở rất chậm, chỉ khỏang 10 lần trong 1 phút rồi lại ngưng thở từng đợt, những lúc ngưng lâu quá nửa phút, bé tím dần và nổi bông tòan thân. Mạch bẹn rất yếu, nhịp tim chỉ 30 đến 40 lần một phút, quá chậm đối với 1 trẻ sơ sinh. Ca này xứng đáng nằm trong khoa cấp cứu bệnh viện rồi, nhưng điều này lại không thể thực hiện được! nhà tôi cách xa bệnh viên huyện 30 km, và năm 1980, chỉ có thể chuyển bệnh lên huyện bằng ghe, mà theo đường sông, nếu nước xuôi cũng phải mất 2 giờ đồng hồ đi ghe máy. Gia đình bé chỉ có độc 1 chiếc xuồng 3 lá không gắn máy.
Đành phài động não và cấp cứu ngay thôi.
Vừa bóp tim cho bé bằng 3 ngón tay đặt trên trên xương ức, vừa thổi miệng qua miệng, bé hồng lên trông thấy nhưng rồi đâu lại vào đấy, lại ngưng thở, lại tím tái. . . Nếu là bệnh lý tim thì nhịp thở phải rất nhanh, nếu là bệnh lý hô hấp thì nhịp tim phải rất nhanh để bù trừ, thật lạ là cả 2 đều rất chậm!
Vừa cấp cứu, tôi vừa theo dõi đồng tử, đồng tử bé luôn nhỏ như đầu kim!
Không lẽ ngộ độc thuốc phiện? Tôi gặng hỏi, người cha rụt rè:”thấy nó ỉa rột rẹt mấy ngày nay, người ta bày, tui mua cho nó uống 1 viên thuốc cầm ỉa nhỏ xíu à!”
Rồi, thế là xong! hỏi bệnh sử có 1 câu đã có hướng chẩn đóan. Các bạn có biết thuốc cầm ỉa ngày ấy là thuốc gì không? Đó là những lọai cao thuốc phiện tên “paregoric”, đóng thành viên 5mg hoặc thuốc rượu “con rồng” vì có nhãn con rồng ngòai chai thuốc, gồm rượu pha atropine . . . Những ngày ấy, ở các vùng nông thôn, bạn có thể tìm mua nhiều lọai thuốc tây điều trị các bệnh thông thường như cảm cúm nhúc đầu, đau bụng tiêu chảy . v . v . tại bất cứ 1 tiệm tạp hóa nào trong xóm. Tại đây, bạn cũng có thể mua các lọai kháng sinh thông dụng như “ăm pi” (ampicillin), “suyn pha”( sulfatrim) hay “te ra” (tetracycline), thậm chí nếu bạn không nhớ tên, chỉ cần nói đại lọai như “ bán cho tui 4 viên đầu đỏ đầu đen , chủ tiệm hiểu ngay đó là 4 viên ampicillin . . . Vui hơn nữa, các lọai kháng sinh này không chỉ dành cho người mà còn dành cả cho . . . heo và gà vịt, trong các mùa dịch.
Trẻ sơ sinh đứa nào mà không ỉa nhiều lần trong tháng đầu? 1 viên paregoric đủ làm nín ỉa 1 ngưới lớn cả ngày! Không có thuốc đối kháng morphin, thôi thì đành tiếp tục cấp cứu hô hấp tuần hòan vậy.
Chưa có ca ngưng thở nào mà tôi cấp cứu lâu như bé Tèo. Thật vậy, người tiến hành cấp cứu ngưng thở, chỉ 30 phút là đuối, may mắn, bé Tèo quá nhỏ, cấp cứu hơn 3 tiếng đồng hồ mà tôi vẫn chưa sao, vừa cấp cứu tôi vừa uống . . . nước lấy sức.
Rồi bé cũng hồng hào dần, càng ngày càng được lâu hơn và nhịp tim, mạch quay đều bắt được. Tôi để bé nằm thêm tại nhà tôi khỏang 4 giờ nữa, thật ổn mới cho về. Cấp cứu không tốn 1 mũi thuốc.
Người mẹ lên bờ từ hồi nào, đã mon men lại sau lưng tôi mà tôi không hay, lúc này mới nói lí nhí “cám ơn bác sĩ đả cứu con tôi, tôi đội ơn bác sĩ ”. Tôi đùa:” về mần heo ăn mừng nha!” người mẹ vui vẻ “ chắc chắn rồi, sẻ mời bác sĩ vô nhà nhậu 1 bữa cho biết!”
Nhà bé Tèo ở tận trong ngọn ( đầu nguồn con sông nhà tôi) có tên là rạch Lá. Gia đình 2 vợ chồng cưới nhau hơn 5 năm mà chưa có con, cầu khẩn nhiều nơi mãi không thành công, nghe lời thầy bói, họ tìm nuôi 1 đứa con nuôi. Thật hay, chỉ sau 1 năm, người vợ có bầu bé Tèo.
Những năm sau đó, có người nào từ rạch Lá ra khám bệnh, tôi cũng hỏi thăm về bé Tèo, vì đây là ca cấp cứu ngưng thở thành công duy nhất bằng phương pháp thổi miệng qua miệng của tôi sau 2 năm ra trường ! Nghe nói bé lớn nhanh và được cưng chiều hết mức, đám thôi tôi bé, gia đình mần 1 con heo rất to, đãi bà con chòm xóm rất đông ( tôi không được mời!). Người ta cũng kể rằng, đứa con nuôi, sau khi có bé Tèo, bị đối xử rất tàn tệ, thường xuyên phải ăn đòn, thức khuya dậy sớm theo người cha đi đóng đáy, đi bán cá tép . . . Mẹ bé Tèo thì chẳng còn nhớ gì tới ông bác sĩ mới ra trường có phòng mạch bên bờ sông đã cứu sống con mình ngày nào.
Mới đây, lại có 1 bà cụ từ rạch Lá lên thành phố tìm tôi chữa bệnh, tôi lại hỏi thăm về bé Tèo. Bà cụ buồn buồn :” cha thằng Tèo là cháu kêu tôi bằng cô, tội nghiệp, 2 vợ chồng có mỗi thằng Tèo, cưng như cưng trứng, tới 12 tuối, nó bị sưng phổi, nhà mang đi chữa thầy khóan, tới lúc sắp chết, thở ngáp cá, mời bồng lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ la quá trời!”
Rồi sau đó 2 vợ chồng cũng chẳng có thêm đứa con nào, họ thường xuyên cãi nhau. Người chồng, cuối cùng bỏ đi theo 1 cô vợ bé!
xem thêm : bệnh nhân là thầy
xem thêm : bệnh nhân là thầy
3 nhận xét:
Câu chuyện rất hay nhưng kết thúc hơi buồn thầy ạh. Em thoáng thấy quy luật nhân quả như trong các câu truyện cổ tích xưa, ở hiền gặp lành, nhưng nếu đó chỉ là cái "hiền" tạm thời để đạt mưu cầu cá nhân thì kết cục ta cũng chỉ gặt được "quả" đắng.
Tri Thong Nguyen , đây kh phải là truyện hư cấu, truyệt thật khi thần mới ra trường
Em rất phục những quan sát nhanh nhạy của thầy, bây giờ tụi em đôi khi tin vào các số liệu CLS quá, đã thui chột phần nào những đúc kết tinh tế như vậy!
Tuy nhiên em vẫn băn khoăn những đúc kết đó có thực sự quan trọng chăng?! Vì thường giai đoạn đầu suy tim nhịp cũng nhanh bù trừ, suy hô hấp cũng vậy mà thầy?!
Đêm trực trước của em, cũng gặp 1 case sốt kéo dài CRNN đang khó thở, da nổi bông, em lại cẩn thận đo SpO2 và làm khí máu trước, vì phòng CC khoa lúc nào cũng quá tải! Dù KQ khí máu chỉ có toan chuyển hóa (pO2 & CO2 bình thường), với LS như vậy bn vẫn đc vào nằm box. Vậy mà khi đang can thiệp 1 case khác, bn này co giật rồi ngưng tim!
Tới lần hồi sức thứ 2 thì bn đi hẳn. Cô gái sinh năm 90,bố làm bộ đội, người miền Bắc, thế là khoa có 1 phen náo loạn. Em với 1 bs trẻ và anh nội trú phải cùng nhau ra nói chuyện với người nhà ngay tại phòng bệnh, trc mặt các thân nhân còn lại...
Tới giờ đôi lúc em cũng ngồi thẩn thờ tự hỏi có phải case đó đã diễn tiến nặng đến như thế (theo cách cố giải thích), hay mình đã thực sự kém cỏi như chính lời kêu gào của người nhà.
Đăng nhận xét