Lâm Hạnh Nhiên
Suốt hai tháng qua, xuất hiện trên mặt báo là dồn dập những tin không vui. Trước hết là tin về thiên tai. Cơn lũ tác động vào miền Trung năm nay không phải là quá lớn, nhưng liên tục kể từ những ngày cuối tháng 9 đến tận gần cuối tháng 11, nước cứ lần lượt uy hiếp các tỉnh duyên hải miền Trung suốt từ Thanh Hóa đến tận Phan Thiết; có lúc nước đã chảy ngược lên vùng cao; ở đâu nước lũ cũng làm chết người và hủy hoại nhà cửa, hoa màu. Vậy mà nước vẫn không về đồng bằng sông Cửu Long, nơi mùa màng đang cần nước. Tuy nhiên, người dân lại bàng hoàng trước những thông tin về các hành vi đầy tính bản năng có vẻ như đang ngự trị xã hội.
Khi dư luận chưa kịp hoàn hồn về sự kiện một em bé bốn tuổi bị người bảo mẫu nhốt trong chiếc lồng thang máy công vụ, không động lòng trước những lời cầu cứu bi thiết của đứa trẻ, cho thang máy chạy lên chạy xuống liên tục, mà một mặt của lồng thang máy tiếp xúc trực tiếp với vách tường xi măng, gây nên thương tích đầy người cho cháu bé, thì lòng người lại xốn xang trước việc bốn em bé đáng thương mới từ bốn tuổi đến mười ba tuổi phải trốn chạy khỏi một nhà nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ vì không chịu đựng nổi sự hành hạ dã man có hệ thống của những người có trách nhiệm nuôi dưỡng các em. Cả hai thông tin gây chấn động này có vẻ đang bị chìm lấp trước những thông tin mới về những hành vi không kém phần tàn nhẫn. Vào chập tối, một cặp thanh niên nam nữ dừng xe trước một ngôi nhà ven đường cãi nhau to tiếng khiến người trong nhà phải đề nghị họ dời đi nơi khác; sau khi bỏ đi, nửa đêm, người nam quay trở lại căn nhà đó gọi cửa liên tục khiến chủ nhà phải mở cửa; ngay lập tức, người nam này cầm mã tấu xông vào chém túi bụi, giết chết một mạng người. Trong một vụ bắt giữ gái mại dâm, những người thi hành công vụ sử dụng máy điện thoại cầm tay có chức năng quay phim ghi lại quang cảnh vụ bắt giữ có hình ảnh các cô gái bán thân trong tình trạng lõa thể, sau đó đoạn phim trên được ai đó tung lên mạng, cho thấy người hành xử công quyền coi những người lầm lỡ như súc vật. Xen lẫn những thông tin đáng buồn ấy là hàng loạt những vụ giết người đủ hình thái; những cuộc đánh nhau, giết nhau của học sinh; những vụ nữ sinh bị đánh đập tàn nhẫn trong lúc có người bình tĩnh ghi lại hình ảnh nữ sinh bị lột áo, cắt tóc rồi tung lên mạng; những hiện tượng thanh niên tụ tập lập băng nhóm tự tạo vũ khí gây rối loạn ở khu dân cư. Tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp đã là vấn đề phải báo động và đã được báo động liên tục từ nhiều năm qua.
Nhưng điều gì đã khiến cho tình trạng bi thảm như thế chẳng những không giảm mà có vẻ ngày càng tăng, cả về tần suất xảy ra vụ việc lẫn mức độ trầm trọng của những vụ việc về sau? Có thể thấy những hành động bạo lực bạo hành trong nhiều sự kiện đã xảy ra không chỉ là sự bùng phát nhất thời của một cơn giận không thể kềm chế, mà là hệ quả của những suy nghĩ ác vẫn tồn tại trong con người một thời gian quá dài. Có thể thấy tâm lý độc ác vẫn tiềm phục trong xã hội, nay gặp điều kiện, đã nảy nở để hoành hành. Cũng có thể thấy điều kiện cho tâm lý độc ác ấy nảy nở và hoành hành chính là thái độ thờ ơ của cả xã hội trước các hành vi độc ác. Chưa kể thái độ tiếp tay cho sự độc ác đôi khi đã được thể hiện công khai.
Quả thực, trong khoảng vài năm trở lại đây, cùng với việc mở cửa tiếp nhận sự đầu tư của tư bản nước ngoài và các hình thức làm ăn theo một nền kinh tế thị trường, xã hội cũng được tiếp xúc với hầu như mọi trào lưu tư tưởng hiện đại của nhân loại. Điều đáng tiếc là trong thế kỷ 21 này, nhân loại cũng đang bị thống trị bởi chủ nghĩa tiêu thụ. Một mặt, sau khi tích lũy vật chất đủ để làm thỏa mãn đa số người dân ở xứ mình trong sự phung phí tài nguyên, các quốc gia phát triển xiển dương và xuất khẩu chủ nghĩa tiêu thụ đến các nước đang phát triển để kích thích người dân ở các xứ chậm tiến hơn khao khát hưởng thụ những thành quả phát triển hầu có thể lợi dụng thu tóm thêm tài nguyên ở các xứ ấy. Mặt khác, người dân ở các xứ đang phát triển bị choáng ngợp bởi những hình ảnh đẹp đẽ sang trọng của con người phát triển thể hiện trên các phương tiện truyền thông, vội lao vào tìm mọi cách thỏa mãn những khao khát của mình. Trong cơn mê sảng vì cố gắng tranh đoạt những phương tiện vật chất, người ta không kịp nghĩ đến những hệ quả của sự tranh đoạt ấy, ngoài việc hủy hoại môi trường sống, còn có tác dụng làm băng hoại tâm thức con người, khiến cho xã hội bị liệt kháng trước cái xấu cái ác. Tệ hơn nữa, có người thấy rằng việc tăng trưởng của những cái xấu cái ác chỉ là phó sản phải có của quá trình phát triển, đến nỗi trên thực tế, cái xấu cái ác ngày một lan tràn ở mức độ có vẻ như chưa có phương cách nào ngăn chận. Cho nên, không biết bao nhiêu lời cảnh báo đã được đưa ra về tình trạng băng hoại đạo đức xã hội sau khi có những vụ như con cái hành hạ cha mẹ, đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão để chối bỏ trách nhiệm nuôi dưỡng, như anh em chém giết nhau vì tranh giành một vạt đất, như học trò đánh thầy chỉ vì bị thầy mắng, như quan chức lạm dụng quyền lực mua dâm học sinh… mà tất cả cứ bị rơi vào quên lãng. Dư luận được quấy động lên một lúc, rồi sau mọi việc lại cứ đâu vào đó. Nhiệm vụ phát triển đang đặt lên vai người dân quá nặng nề khiến họ cứ mải miết chạy theo công việc, không có thời giờ nhìn lại. Sự chạy đuổi theo vật chất đã làm người ta nhanh chóng quên đi những sự việc bi thảm đã diễn ra và tiếp tục diễn ra hàng ngày. Chưa kể có những sự việc còn được giới truyền thông thuật lại chi tiết với mục đích câu độc giả, do đó, không đưa tin đến nơi đến chốn việc giải quyết những chuyện đã qua mà cứ lao tìm để đưa thông tin về những vụ việc mới.
Nhân danh sự phát triển về doanh số, đã có những nghiên cứu cho thấy việc nghiện game online không phải là điều quan trọng (!?). Cũng nhân danh sự phát triển, người ta cố gắng tổ chức thật hoành tráng những cuộc thi hoa hậu, những hoạt động quảng cáo trình diễn người mẫu thời trang, những cuộc thi vô bổ như tranh nhau ăn nhiều uống nhiều để được ghi vào sách kỷ lục. Với kỳ vọng mang lại nhiều nhu cầu hơn, nghĩa là khuyến khích người dân có mức tiêu thụ lớn hơn để thúc đẩy sản xuất, người ta không ngớt đưa ra những hình thức quảng cáo mê hoặc, kiểu như gửi tin nhắn ghi tên bạn và tên người ấy để nhận được những lời đoán… mò lếu láo về một cuộc tình; hoặc tìm cách nhét vào đầu người tiêu dùng quan niệm cho rằng mì chính được trích xuất từ ngọt ngào xương ống đậm đà thịt thăt hoặc khuyến dụ rằng gửi tiền là trúng liền xe Vespa một cách mập mờ, không nói ngay là phải gửi bao nhiêu tiền và dưới những điều kiện như thế nào. Người ta quên rằng đến lúc dân chúng đã có nhu cầu và ngành sản xuất chưa kịp đáp ứng nhu cầu ấy thì hàng ngoại liền sẵn sàng tràn vào lấp chỗ trống, thế là thay vì mang lại động lực sản xuất, việc kích cầu chỉ có kết quả làm tăng nhập siêu, hủy hoại tiềm năng đầu tư của người dân trong xứ. Bài học kinh tế sơ đẳng là phải có tiết kiệm thì mới có tư bản để mở rộng sản xuất đã bị quên.
Nhìn chung, trong một môi trường mà tâm thức chịu đựng sự ô nhiễm cùng cực như vậy, những người trẻ hoàn toàn không có điều kiện chống đỡ sự cám dỗ của vật chất, thế là họ chỉ có thể sống theo bản năng. Những thành trì bảo vệ sự thanh tịnh của tâm thức là tôn giáo thì cũng không khá hơn bao nhiêu khi chính các nhà chăm sóc tinh thần cho con người cũng lục tục chạy đuổi theo sự hào nhoáng của hình thức.(xem thêm . . .)
Đã đến lúc cả xã hội cần phải bình tĩnh nhìn lại những cái được cái mất trong quá trình đẩy mạnh phát triển. Một sự phát triển bền vững phải là sự phát triển dựa trên nền tảng đạo đức. Sự phát triển phải hài hòa, nghĩa là không đào sâu hố phân cách giữa người giàu và người nghèo. Trong lúc có những người thừa khả năng mua máy bay riêng mà học trò đi học có những em phải lội nước hay đu dây qua sông thì chắc chắn sự phát triển ấy không phải là hài hòa. Và chính sự thiếu hài hòa ấy đã là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự bất an của xã hội. Phải thấy, xã hội nên được tổ chức sao cho mọi người có thể hưởng thụ được sự thanh bình ngay trên con đường hướng tới phát triển, vì lẽ, trong ý nghĩa của hạnh phúc, chính sự an ổn thúc đẩy phát triển chứ không phải cứ có phát triển là có an ổn. Phải chăng khái niệm tổng hạnh phúc xã hội (GNH, Gross National Happiness) mà đất nước Bhutan đang hướng đến cũng là một gợi ý để chúng ta tham khảo? (xem thêm ...)
xin cảm ơn tác giả và tạp chí Văn Hóa Phật giáo đã cho phép trích đăng bài viết này
mời đọc thêm SỐNG GIẢN ĐƠN HẠNH PHÚC HƠN
SỐNG GIẢN ĐƠN AN LẠC
TẠI SAO TÔI THÍCH SỐNG GIẢN ĐƠN
SỐNG GIẢN ĐƠN. HỎI&ĐÁP
mời đọc thêm SỐNG GIẢN ĐƠN HẠNH PHÚC HƠN
SỐNG GIẢN ĐƠN AN LẠC
TẠI SAO TÔI THÍCH SỐNG GIẢN ĐƠN
SỐNG GIẢN ĐƠN. HỎI&ĐÁP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét