Thy Anh
“Ước gì tôi không phải làm phòng mạch, tôi sẽ nằm dài nghe nhạc, xem sách và đi ngủ sớm, sáng dậy tập thể dục . . .”Anh bạn bác sĩ, đồng nghiệp, thế hệ 5X của tôi vừa đứng lên vừa uống vội ly cà phê rồi xin phép về sớm cho kịp giờ khám bệnh ở phòng mạch. Ra trường năm 1978, nay anh đã là 1 bác sĩ khá “thành đạt”, chủ sở hữu 1 ngôi nhà ở quận 3, 1 ngôi nhà quận 7, vài miếng đất dự án ngoại thành, hàng ngày lái xe hơi đi làm . . . gập bạn bè, anh lúc nào anh cũng vội vội vàng vàng, rất thích bàn chuyện xe hơi, nhà đất và cũng rất hay than vãn, nào là quá bận rộn, không có thời gian học thi lấy thêm bằng này bằng nọ, nào là vẫn chưa đủ tiền để sắm thêm cái này cái nọ . . . Anh là trưởng khoa của 1 bệnh viện lớn trong thành phố, làm việc tại bệnh viện từ 7g sang đến 4g chiều, về nhà làm ngay tại phòng mạch đến 9g – 10g tối, phòng mạch anh chữa “bá bệnh”, từ chích ngừa uốn ván đến truyền dịch “phục hồi sức khỏe”, từ các bệnh tiêu hóa, bệnh tim mạch đến bệnh tiểu đường . . . mặc dù chuyên khoa của anh là bệnh truyền nhiễm, sốt rét! Gần đây, biết anh bị tiểu đường, tôi khuyên anh tập thể dục nhiều hơn, anh phân trần: ”Tôi đã mua mấy loại máy tập thể dục để trong nhà nhưng làm việc xong thì mệt nhoài chả còn hơi sức đâu mà tập, chỉ có chủ nhật, lâu lâu đi đánh tennis 1 lần, thế thôi!” anh tiếp “mình chỉ ráng làm thêm 1 thời gian nữa rồi sẽ nghĩ ngơi, sống cho ra sống!” Tôi tự nhủ, với quỹ thời gian còn lại của những người thuộc thế hệ 5X như anh và tôi, lại mắc thêm bệnh tiểu đường chữa trị không đúng phương pháp, không biết anh còn khả năng để “sống cho ra sống” cho đến lúc quyết định nghỉ ngơi nữa hay không? (xem thêm ...)
Chúng ta đang đang sống trong thời đại bùng nổ của văn hóa tiêu dùng . Sự cạnh tranh giữa các công ty, các tập đoàn sản xuất, đã tung ra các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, thường không trung thực, liên tục tấn công người tiêu dung trên tất cả các phương tiện truyền thông, từ trong nhà, nghe radio hoặc xem TV, xem báo . . . đến ngoài đường phố, với các bảng hiệu quảng cáo khổng lồ đập vào mắt người đi đường mọi lúc mọi nơi, kết quả đã tạo cho chúng ta một thói quen mua sắm và một nhu cầu giả tạo về các mặt hàng được quảng cáo. Lâu dần, một bộ phận lớn trong dân chúng sẽ tiêm nhiễm văn hóa tiêu thụ vật chất, tôn thờ của cải vật chất và sống theo quan điểm “càng có nhiều càng tốt, càng có nhiều càng hạnh phúc”. Người ta mua sắm tích lũy của cải vô tội vạ, từ giầy dép, túi sách, quần áo, điện thoại di động đến các loại xe gắn máy, xe hơi, nhà cửa biệt thự. . . và luôn cố gắng theo kịp những kiểu dáng, những “đời” mới nhất để được xem là sành điệu, để được kính nể và để được “hơn” những người khác quanh mình.
đấu trường chính trị |
Quay cuồng trong văn hóa tiêu thụ vật chất, mục tiêu sống của chúng ta sẽ luôn luôn phải là được sở hữu và sở hữu nhiều thứ hơn nữa. Để đủ khả năng mua sắm mọi thứ, chúng ta phải nai lưng ra làm việc, phải phấn đấu, phải ra sức cạnh tranh để đạt được những địa vị, quyền lực ngày càng cao hơn trong xã hội, để có thể gia tăng thu nhập, gia tăng khả năng “kiếm chác”. Chúng ta hy sinh hạnh phúc trong những giây phút hiện tại để miệt mài theo đuổi một viễn cảnh hạnh phúc hơn trong tương lai, nhưng thật kỳ lạ, chúng ta chẳng bao giờ cảm thấy đủ và chẳng bao giờ biết khi nào nên dừng lại. Ăn quá no, ta phải ngưng ăn để khỏi bị bội thực, uống quá nhiều rượu, ta phải ngưng uống để khỏi bị say, làm việc 40 giờ 1 tuần chưa làm chúng ta thỏa mãn, vậy thì tại sao không làm nhiều hơn để tăng thu nhập? còn trẻ, còn khỏe mà? để về già sẽ nghỉ ngơi cũng chưa muộn. Vô ý thức, chúng ta tự thuyết phục rằng sẽ cảm thấy thỏa mãn khi và chỉ khi các việc mà chúng ta theo đuổi đả hoàn tất, “tôi chưa thể hạnh phúc vào lúc này, ngay bây giờ, vì chưa có thời gian cho chuyện đó”. Đây chính là cách suy nghĩ sẽ làm cho chúng ta cạn kiệt sức lực và bất hạnh suốt đời(xem thêm).
Chúng ta quên mất rằng cuộc đời của chúng ta thật hết sức ngắn ngủi và chẳng có gì là vĩnh hằng, là bất biến. Hoa nở rồi cũng sẽ tàn, trăng tròn rồi trăng lại khuyết, thịnh suy biến đổi vô thường. người đang giàu có sung túc, gập bất trắc trở thành trắng tay. Người đang khỏe mạnh, sau một cơn bệnh nan y, phải nằm liệt giường liệt chiếu. Cũng có khi, đang khó khăn nghèo khổ, bỗng gập may trở nên giàu có, đổi đời. Con người sống hôm nay chẳng thể biết chắc ngày mai sẽ thế nào, vậy tại sao không tìm cách sống hạnh phúc mỗi ngày, ngay bây giờ?(xem thêm)
nụ cười Bhutan |
nụ cười Bhutan |
Đã đến lúc chúng ta phải hiểu rằng vật chất sở hữu không phải là nhân tố quyết định hạnh phúc. Thật vậy, tại các nước phát triển, mức thu nhập đầu người không ngừng tăng lên nhưng số thanh thiếu niên tụ tử hàng năm lại tăng nhiều hơn trước và chỉ số hạnh phúc quốc gia cũng không tăng theo thu nhập. Trong khi một đất nước Bhutan nhỏ bé, nằm kẹp giữa 2 anh khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc, chỉ có 700.000 dân với lối sống truyền thống cực kỳ giản đơn, tuy có thu nhập đầu người rất khiêm tốn nhưng chỉ số hạnh phúc quốc gia "gross national happiness"(GNH) index lại rất cao ( The Washington Post )
Cạnh tranh, phấn đấu thăng tiến, tích lũy, không hoàn toàn xấu nếu biết thế nào là đủ và dừng lại đúng lúc để tìm cách chia sẻ cho người khác và để có thì giờ hưởng thụ hạnh phúc ngay trong từng giây, từng phút, hiện tại. Muốn được như vậy, chúng ta chỉ còn cách đơn giản hóa cuộc sống hiện tại, loại bỏ bớt những gì không cần thiết, những nhiệm vụ, nhu cầu giả tạo, những thứ không đem lại một hạnh phúc thật sự, hạnh phúc “bên trong” mỗi con người chúng ta. Chúng ta không cần sống vì những lời tâng bốc, vì những của cải dư thừa mà hậu quả sẽ mang theo những rắc rối, lệ thuộc, biến chúng ta trở thành nô lệ của chúng. Triết họ phương Đông có câu “ người biết thế nào là đủ sẽ là người hạnh phúc”
Cuộc sống giản đơn sẽ tháo bỏ cho chúng ta những gông cùm trách nhiệm do chính chúng ta tự đeo vào cổ, giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn để sống với những người thân yêu, nhiều thời gian hơn để thư giản và thực hiện những điều mình yêu thích, nhiều thời gian hơn để chia sẻ giúp đỡ người khác. Quan niệm hạnh phúc với lối sống giản đơn không phải là vấn đề mới xuất hiện gần đây. Từ ngàn xưa, trong kinh cựu ước của Thiên Chúa giáo, trong triết lý của đạo Phật, của Lão Tử, đã có rất nhiều lời khuyên người ta phải biết sống giản đơn và hạnh phúc không phải do hoàn cảnh, vật chất quyết định mà chia sẻ mới chính là chìa khóa của hạnh phúc.
Chắc chắn, sống giản đơn sẽ hạnh phúc hơn!
Các bạn đọc có đồng ý với tôi không?
vui sống mỗi ngày @ blog : mời các bạn đón xem các bài viết tiếp theo về cách sống giản đơn yêu thích của tôi, xin cảm ơn các bạn và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
MỜI ĐỌC THÊM : SỐNG GIẢN ĐƠN AN LẠC
TẠI SAO TÔI THÍCH SỐNG GIẢN ĐƠN
PHÁT TRIỂN VÀ HẠNH PHÚC SỐ ĐÔNG
vui sống mỗi ngày @ blog : mời các bạn đón xem các bài viết tiếp theo về cách sống giản đơn yêu thích của tôi, xin cảm ơn các bạn và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
MỜI ĐỌC THÊM : SỐNG GIẢN ĐƠN AN LẠC
TẠI SAO TÔI THÍCH SỐNG GIẢN ĐƠN
PHÁT TRIỂN VÀ HẠNH PHÚC SỐ ĐÔNG
15 nhận xét:
Rất đồng ý với bạn. Mình đã và đang sống như thế.
Bs Điền hòa Lễ
có trải nghiệm đến một lưá tuổi nào đó mình mới hiểu thêm về cuộc sống và biết phải sống như thế nào . . . cảm ơn bạn đã ghé thăm blog cuả mình, chúc bạn dồi dào sức khoẻ và thật nhiều hạnh phúc.
Xin chào gia chủ của căn nhà vuisong moingay. Blog của bạn quả là thú vị và bổ ích -không uổng công tôi lặn lội từ nhà bạn Vương Đức Bình để đi tìm ...nhà bạn !Rất ngưỡng mộ một ông bác sĩ rất có TÂM!
Tiêu Dao mến
Bạn lặn lội đến tận . . . xã Phước Long huyện Giồng Trôm để đến được “ngôi nhà” cuả tôi? Ôi . . . quý hoá lắm thay! Nếu có chút thời gian rảnh rổi, mời các bạn viết cho blog về chủ đề Bến Tre đất nước, con người . . . vì đây là quê hương thứ 2 cuả tôi đấy! Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.
Thân.
Tình cờ biết blog vuisongmoingay, và đã say mê đọc liên tục mấy bài viết của bạn. Quan điểm sống đơn giản của Bạn đã giúp tôi thóat khỏi nồi buồn trong công việc và những lời khuyên của bạn dành cho các bác sỹ tương lai thật là tâm huyết và rất có ý nghĩa... vì tôi cũng có con trai là sinh viên Y 06.
CÁM ƠN BẠN RẤT NHIỀU.
cảm ơn nặc danh
có lẽ cháu là học trò cũ cuả tôi đấy!
Thật hay và ý nghĩa. Sống đơn giản cho đời thanh thản
cảm ơn bạn đã ghé thăm blog. Nếu có chút hứng thú, xin chia sẻ tâm sự với blog.
Thân.
Thầy kính mến! Có lẽ con vẫn chưa đủ để hiểu hết những chân lí, những chiêm nghiệm về cuộc đời, lối sống mà thầy đã trải lòng với mọi người. Nhưng với tuổi thơ lớn lên ở một làng quê còn nhiều nghèo khó, với những điều con mắt thấy tai nghe từ cuộc sống xa hoa, bon chen nơi thành thị đã khiến con hiểu rằng "vật chất sở hữu không phải là nhân tố quyết định hạnh phúc". Chiếc áo blouse mẹ dẫn con đi may từ khúc vải của trường tặng cho gv, mẹ đã để dành nó cho đến ngày con nhận được giấy báo, vẫn luôn là phần thưởng mà con cảm thấy hạnh phúc, ấm áp nhất khi mặc vào. Cảm ơn Thầy về những chia sẻ rất đời thường và chân thật, con mong. Tuy là lần đầu tiên con biết đến Thầy qua những bài viết không phải nói về y học, nhưng con tìm thấy hình ảnh của làng quê và nhưng suy nghĩ của mình ở trong đó, con mong Thầy luôn được nhiều sức khỏe, hạnh phúc để viết, để truyền lại chữ tâm cho những thế hệ sau.
Thầy nói Bến Tre là quê hương thứ hai của Thầy là sao ạ? con cũng là người Bến Tre nè.
minh nhut thân mến, Bến Tre là quê cuả cô, người vợ yêu quý cuả thầy, đã gập nhau khi thầy mới ra trường về Giồng Trôm Bến Tre công tác. Cảm ơn co đã cho thầy những cảm xúc chân thành nhất
Chào Thầy !
em la học trò cũ của Thầy đây ạ ! hôm nay tình cờ biết được link của Thầy qua một người bạn, đọc những dòng Thầy viết em thật sự xúc động !Thầy ơi, em chỉ mới đi làm được vài năm, nhưng trong em đã từng xảy ra nhiều cơn bão lớn. Có đôi lúc em muốn lao vào kiếm tiền thật nhiều để trang trải cuộc sống, để trả ơn người thân đã lo lắng cực nhọc vì em trong suốt 6 năm học đại học, nhưng rồi nhìn những khuôn mặt đau đớn, lo lắng, khổ sở vì bệnh tật của bệnh nhân cũng như của người nhà bệnh nhân em không sao làm được, em đã trăn trở, dằn vặt trong suốt 3 năm trời như thế. những buổi chiều ngồi ở phòng khams, lúc vắng bệnh nhân nhìn ra cửa sổ qua phòng PHCN,nhìn những bệnh nhân lớn tuổi bị tai biến tập từng động tác giản đơn như trẻ nhỏ lên 1- lên 2 em mới thấy cuộc đời đôi khi là vô định, có đó rồi mất đó,mình khổ sở để làm gì??!!. Hôm nay đọc bài viết của Thầy em như tìm thấy sự được sự đồng cảm. Thầy ơi, cuộc sống của em dẫu còn chất chồng những khó khăn, nhưng em sẽ không để mất đi bản thân mình,em trân trọng, yêu quý, và luôn tự hào về nghề nghiệp của mình Thầy ạ !Hạnh phúc khi"tri túc" phải không Thầy ? Chúc Thầy và gia đình nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui trong cuộc sống !
em vẫn có thể kiếm tiền dư để trang trải cuộc sống, để trả ơn người thân đã lo lắng cực nhọc vì em, nếu tay nghề em thật giỏi, vì lúc ấy, em kiếm được tiền không mà cần "chặt chém" mà chính là nhờ vào số đông những người yêu mến em, họ yêu mến bác sĩ chính vì bác sĩ đã đối sử thật tốt với họ. Lẽ dĩ nhiễn, không thể kiếm tiền "thật nhiều" như các doanh nghiệp hay các chính trị gia đâu . . . nhưng đồng tiền cuả mình là đồng "tiền sạch" nên sẽ đem lại nhiều hạnh phúc thật sự hơn!
chào BS
em có người nhà bị bệnh, càng thấm thía cảm giác cần BS trị bệnh cho đến thế nào...
BS là ngành cao quý thật, vì chưa bao giờ em biết mình cần một cái gì hơn là một bác sĩ giỏi chữa bệnh cho người nhà mình, mà người nhà mình có thể ở cạnh mình bao lâu, khỏe hay ko, là hòan tòan phụ thuộc vào vị BS đó..
cám ơn bài viết của BS, cũng như cám ơn lời khuyên của BS, cám ơn BS đã giành thời gian email cho em những lời khuyên chân thành....
"Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn ?" (Nguyễn CÔng Trứ)
Em là sv năm cuối, càng gần ngày tốt nghiệp em lại càng băn khoăn, không biết những quan niệm, thái độ sống tích lũy trong thời sv, có còn tồi tại lâu dài sau khi đi làm không?!
Lúc nhỏ em ngây ngô nghĩ rằng làm nghề y sẽ dễ dàng đạt được một cuộc sống tạm chấp nhận được, không làm tài phiệt nhưng cũng đủ để sống ung dung, phong thái trí thức. Mấy năm làm sv ở SG, không những em mà hầu hết bạn bè, chỉ nghĩ tới ngày phải làm bs, chăm lo cho gia đình, giúp đỡ được người bệnh...đều nổi hết da gà. Mỗi lần nói lên mong muốn được tiếp tục học cái gì đó tổng quát, như cấp cứu trước khi học chuyên khoa...để có cái nhìn rộng hơn trước bệnh nhân, các đàn anh đều mắng là thiếu thực tế, phải lo kiếm bằng cấp sớm để sớm có cơ hội, sớm có một chỗ đứng an toàn. Em chưa tự nuôi được thân, cũng thấy điều đó là cần thiết, nhưng lại sợ làm nghề y cả đời với cái hành trang những ngày đầu vội vã như thế, liệu về lâu dài sẽ thế nào?!
Em đã luôn cảm nhận về cách sống giản dị giúp ta nhìn rõ cuộc sống hơn, em luôn mỉm cười khi bạn bè họ hàng châm chọc, hay cho rằng vậy là ky bo, cố bỏ qua khi về nhà thấy một đàn em họ mới cấp 1 mà mấy ngày Tết chỉ biết có tiền... cho dù đã cố gắng như vậy, em vẫn không tài nào thoát khỏi hệ thống đó, sự cạnh tranh, so đo, khinh ghét đó đã là một quy luật, một tôn giáo gần như bao phủ mọi vùng đất văn minh trên thế giới rồi thầy, phải rèn luyện thế nào để vượt qua những hệ quả đó; làm sao để sống chân phương, không ganh đua, không cạnh tranh, không chiếm hữu... mà vẫn có động lực để đạt được tay nghề vững chắc, cuộc sống ổn định, đủ sức giúp đỡ gia đình?! Em lo rằng nếu một người trẻ sống theo hướng đó, anh ta sẽ bị cách ly, bị thải loại như một sản phẩm lỗi trước khi anh ta có cơ hội sống được như vậy, anh ta có lẽ nên từ biệt gia đình, tu luyên trên núi cao thì may ra.
Đi học những ngày này, thường tụi em luôn bị các thầy cô lớn tuổi phân tích về những hạn chế to lớn như không hết mình, không học sâu, không dành thời gian để lâm sàng, không học nghiên cứu,... chính tụi em thường cũng đau lòng không biết sao mình sống trong thời đại có điều kiện hơn, mà lại thiếu sót yếu kém đến như thế?!
Tuy nhiên, đến giờ hầu như tụi em đã dần hiểu được mấu chốt vấn đề, rằng các thầy cô tâm huyết phân tích vậy, một phần cũng do cảm giác bất lực; vì chính các thầy cô thành đạt là thế, nhưng cũng tất bật làm việc, kiếm sống, chẳng mấy khi mấy đứa sv đa khoa ngơ ngơ ngác ngác được các thầy cô hướng dẫn lâm sàng, các giảng viên trẻ tuy nhận trách nhiệm nhưng tinh thần cũng tất bật như thế. Tụi em nhận ra rằng những thầy cô chức vụ, vị trí quan trọng đến nhường ấy, cũng không thay đổi vấn đề ấy được, nên quở trách sv đa khoa, phần nào cũng là giải bày, chia sẻ... Nhưng trong ngành y, sv đa khoa là thành phần non nớt nhất, bên cạnh hy vọng cải thiện cuộc sống vẫn luôn đau đáu mơ ước làm một Bs thực sự, nhưng làm sao tất cả đều vượt qua một vấn đề thời đại như vậy được, trong khi việc làm chưa chắc có, chỗ ở chưa ổn định?! Lâu dần, các thế hệ sv tụi em lại thành ra những thành phần u uất nhất nữa, vì đứng giữa ngã ba kinh tế và y đức, hầu như ngày nào em cũng nghe có đứa ước mình đã chọn một ngành chỉ thiên về kinh tế, để tha hồ làm việc mà không áy náy lương tâm, nhưng em cũng cảm thấy tuy ước vậy thôi, các ước vọng được giúp đỡ người đau yếu vẫn âm ỉ bên trong các bạn lắm. Nhưng chỉ nghĩ đến ngày ra trường, em lại không hiểu là có ngày nào nó tắt lụi đi không.
Ba em vẫn thường nói rằng: Nếu được lựa chọn, ông vẫn chọn sống trong thời bao cấp! Hóa ra cái thời bao người nguyền rủa ấy lại hàm chứa một chút sự thật về hạnh phúc thầy nhỉ?!
Em luôn tìm được nhiều sự đồng cảm từ các bài viết của thầy.
Mong thầy luôn vui khỏe và viết hay như vậy!
comment quá tuyệt, MM
Đăng nhận xét