Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

TẢN MẠN VỀ HẠNH PHÚC & ĐAU KHỔ VỚI CÁC BÁC SĨ TƯƠNG LAI

Thy Anh

Khám bệnh tình nguyện - ảnh minh họa
Ngay từ khi còn bé, ta đã biết thế nào là niềm vui, là hạnh phúc. Ta vui với những điều rất giản đơn như khi được ăn một que kem, khi được mẹ ôm vào lòng, khi được mẹ dắt đi chơi, mua quà  . . . Đến khi trưởng thành, niềm vui của ta cũng lớn theo, ta vui khi công thành danh toại, vui khi được thăng chức, tăng thu nhập, vui khi lấy vợ lấy chồng, vui khi thấy con cái trưởng thành. Chúng ta cảm nhận được rất nhiều niềm vui từ gia đình, từ môi trường làm việc, ngoài xã hội, trong sự nghiệp làm ăn, học hành . . .
Nhưng xét cho kỹ, cuộc sống của ta ngay từ lúc sinh ra đã là sự khởi đầu của một chuỗi các niềm vui và nỗi khổ kéo dài liên tục, mà vui thì chóng qua, khổ thì triền miên.
Thật vậy, khi ăn hết một que kem, ta sẽ thèm ăn một que nữa, nếu không được  ăn, thế là đau khổ, khổ vì không đạt được ước muốn. Nhưng nếu được cho ăn thoải mái, cũng lại đau khổ, khổ vì bị . . . tức bụng. Khi lớn lên, điều này lại càng rõ ràng hơn, phần lớn hạnh phúc mà ta đạt được thực ra chỉ là kết quả của biết bao nhẫn nhịn, khổ cực đã phải chịu đựng suốt trong một thời gian dài mới có được. Muốn có được mảnh bằng bác sĩ, ta phải thức khuya dậy sớm học bài, phải lê lết ngày này qua ngày khác trong bệnh viện, trên giảng đường, phải trải qua biết bao kỳ thi đầy căng thẳng trong nhiều năm trời, có khi thi đậu, cũng có lần thi rớt. Sau khi tốt nghiệp, muốn có được một việc làm phù hợp chuyên môn sở thích, ta lại phải đấu tranh khó nhọc với biết bao ứng viên khác, mà nhiều khi, chưa chắc có được công việc như ý. Muốn được thăng chức, ta phải nai lưng ra làm việc, trực gác  thêm giờ thêm buổi, phải học thêm bằng này bằng nọ, bận rộn đến nỗi quên cả cuộc sống riêng tư. Đôi khi còn phải nhẫn nhục để không làm mất lòng xếp, mất lòng đồng nghiệp. Qủa thật, không có niềm vui nào mà không phải là kết quả của một chuỗi các khổ đau.
Khi công việc đã tạm ổn định, khi ta đã kiếm được kha khá, đủ để giải quyết các tiện nghi vật chất, mua được các lạc thú phục vụ cho năm giác quan thì, thật trớ trêu, cảm nhận từ các niềm vui này lại rất chóng tàn. Hơn nữa, nếu hưởng thụ quá mức những lạc thú kiểu ấy lại thường mang lại rất nhiều "tác dụng phụ không mong muốn", khiến ta phát bệnh. Hạnh phúc lúc nào cũng có mặt của khổ đau.
Nếu sống chỉ để tìm cách thỏa mãn thú vui do năm giác quan mang lại thì thật chẳng biết thế nào là đủ. Giống như người khát nước  nhưng lại đi uống nước biển, uống xong rồi thì cơn khát khác lại đến, càng ngày càng nhiều hơn và không bao giờ hết khát. Giống như đứa trẻ ngưá mắt cứ lấy tay dụi, đỡ ngứa nhất thời nhưng càng dụi càng ngưa hơn rồi sinh ra đau mắt.
Hạnh phúc, thật vậy, chỉ là tạm bợ, không chỉ là kết quả của khổ đau mà còn chính là nguyên nhân mới cho những khổ đau khác phát sinh. Vì thế, khi nhận được một chút hạnh phúc trong đời thì cũng đừng cho rằng nó sẽ tồn tại mãi và không bao giờ thay đổi.
Tuy vậy, khổ đau không phải là điều cố định, bất biến, cũng không phải cùng sinh ra với con người nên chỉ cần chúng ta biết thay đổi quan niệm sống, có nhân sinh quan đúng đắn thì đau khổ sẽ không còn nơi để tồn tại dù bề ngoài, nhìn vào ai cũng cho là khổ. Một người có thể đang trải nghiệm cái mà ai cũng cho là khổ nhưng bản thân họ lại không cho là như vậy thì vẫn không thấy khổ. Ví dụ, khi một bác sĩ  làm việc tại một bệnh viện công, đồng lương khiêm tốn, nhưng với tinh thần hy sinh để cứu người thì cho dù phải đổ mồ hôi, phải thức trắng đêm cấp cứu, hồi sức hàng chục bệnh nhân thì vẫn không thấy khổ mà còn cảm thấy rất hạnh phúc vì đã cứu được một bệnh nhân nào đó. Với tinh thần làm việc như vậy, người ấy đã tìm thấy ý nghĩa hạnh phúc thật sự của đời mình, không thấy khó nhọc đớn đau là khổ nữa. Trái lại, một bác sĩ làm việc chủ yếu là để kiếm tiền cho bản thân thì người ấy sẽ cho rằng đồng lương ít ỏi của bệnh viện là không xứng đáng để làm việc tích cực. Khi phải trực gác, khi phải khám quá nhiều bệnh nhân, người ấy cảm thấy rất tức tối vì cảm thấy không bõ công so với thu nhập ở phòng mạch, ở dưỡng đường của mình. Vị bác sĩ ấy sẽ dễ dàng trút hết bực bội lên đầu các bệnh nhân trong bệnh viện. Đặc biệt, khi đã có kinh nghiệm kha khá (cũng chủ yếu là nhờ được "thực tập luyện tay nghề" trên chính các bệnh nhân trong bệnh viện) họ sẽ xem mình như một "siêu sao" , họ sẽ ra giá và tìm cách lẩn tránh bớt những nhiệm vụ nào có "hiệu quả kinh tế" thấp. Những người có tinh thần làm việc ích kỷ như vậy luôn cảm thấy không hài lòng với cuộc sống vì lúc nào cũng phải quay cuồng tìm cách để hơn người khác. Họ tôn thờ chủ nghĩa "càng nhiều càng tốt" và khái niệm tự do thanh thản là điều thật xa lạ đối với họ.
Vậy, trong cuộc sống hàng ngày, nếu muốn được tự do thanh thản thì ta phải biết giảm bớt ham muốn (thiểu dục) và phải biết điểm dừng, biết thế nào là đủ (tri túc). Chỉ có thiểu dục và tri túc mới ngăn chận được muôn ngàn ham muốn nẩy sinh để ta không còn phải điên cuồng tìm kiếm chúng như người đói khát. Chỉ khi nào một lòng muốn giúp đỡ kẻ khác, không còn coi trọng sự thỏa mãn dục vọng cá nhân nữa, chúng ta mớicó thể  giãm bớt được khổ đau để tìm về hạnh phúc đích thực. Thiểu dục tri túc không có nghĩa là phải từ bỏ đời sống hiện thực mà ta đang sống, chúng ta vẫn cứ sống nhưng phải xác định mục tiêu dâng hiến hết trí tuệ năng lực của mình cho mọi người. Mục tiêu sống của các bác sĩ sẽ không phải là cố gắng vơ vét tiền của bằng các dịch vụ y tế mà phải là phục vụ người bệnh được nhiều mhất với chất lượng cao nhất. (xem phim Patch Adams)
Biết "thiểu dục, tri túc" ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học thì sau này, khi ra trường, chắc chắn các sinh viên ấy sẽ trở thành những bác sĩ chân chính, không còn coi trọng lợi ích cá nhân, dù phải làm việc gì, ở đâu, cũng vẫn tìm thấy hạnh phúc.
tài liệu tham khảo: "an lạc từ tâm" , thiền sư Thích Thánh Nghiêm.

Không có nhận xét nào: