Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

IN A BETTER WORLD - THA THỨ HAY THÙ HẬN?

Thy Anh
 
Lang thang ở Chợ Cũ, Sài Gòn, tôi tình cờ mua được đĩa DVD của một bộ phim vừa đoạt giải Oscar 2011, In A Better World. Phim quá tuyệt, xem đi xem lại thấy không thể không giới thiệu ít lời đến các bạn đọc của tôi.
Bộ phim mở màn với ngày làm việc bác sĩ Anton trong một trại tị nạn ở Châu Phi, nơi tập trung những hậu quả thương tâm nhất của bạo lực, của xung đột và lòng thù hận. Tại đây, bác sĩ Anton thường xuyên phải cấp cứu những nạn nhân của Big Man, kẻ cầm đầu một đám quân phiến loạn, một tên đồ tể cực kỳ khát máu. Hắn chuyên hãm hiếp và mổ bụng các cô gái trẻ có thai để đánh cuộc xem là con trai hay con gái. Nhưng những ngày quay về quê nhà Đan Mạch, bác sĩ Anton vẫn không thoát được các xung đột trong cuộc sống. Anh không ngừng trăn trở, hối hận trước Marianne, người vợ không muốn tha thứ lỗi lầm của anh trong quá khứ. Anh cũng phải giải quyết các xung đột của cậu con trai Elias, thường xuyên bị bắt nạt trong trường học. Elias rất yêu bố và luôn hành động tuân theo chủ trương bất bạo động đầy bao dung của Anton. Nhưng khi Elias gập Christian, một bạn học cùng lớp mới chuyển đến từ London, người đã chứng minh cho cậu biết bạo lực có thể đối đầu với bạo lực, cậu đã biết thế nào là sự thỏa mãn của việc trả thù được dành cho những kẻ đã gây khổ đau cho mình và hai cậu bé nhanh chóng trở thành bạn thân. Christian là một cậu bé lầm lì ít nói, luôn mang trong lòng sự giận dữ từ sau cái chết của mẹ do căn bệnh ung thư. Chạy theo Christian, Elias bắt đầu bị cuốn vào giòng xoáy của bạo lực đối đầu và các biến cố cứ thế liên tiếp xảy ra, đạt đến đỉnh điểm khi hai cậu bé quyết định dùng một quả bom tự tạo để phá hủy chiếc xe của kẻ mà chúng cho là đã hạ nhục bố cuả Elias. Hai cậu bé không chấp nhận chủ trương bất bạo động, sẵng sàng tha thứ của bố Elias vì chúng cho rằng hành động như thế là hèn nhát. Chúng không hề biết tha thứ là một biểu hiện của sức mạnh.

Elias gập Christian
Thật vậy, nhiều người ngộ nhận rằng tha thứ là yếu đuối. Trái lại, tha thứ chính là biểu hiện của tự do và sức mạnh ý chí. Mahatma Gandhi đã nói " người yếu ớt không bao giờ tha thứ được vì tha thứ chính là biểu hiện của sức mạnh." Thật vậy, khi bạn có thể tha thứ được tức là bạn đả hoàn toàn tự nguyện chứ không phải do một áp lực nào từ bên ngoài bắt buộc. Tha thứ là một quyết định lựa chọn của cá nhân nhờ có lòng bao dung. Nếu không bao dung, con người sẽ sống ích kỷ chỉ quan tâm đến bản thân không biết đến người khác. Những người này không biết rằng hạnh phúc bản thân bao giờ cũng phải phụ thuộc vào hạnh phúc của tất cả mọi người. Khi ta chọn tha thứ mà không lựa chọn thù hận hay trả thù, điều này đã chứng tỏ ta đủ sức mạnh vượt lên trên tính thù hằn, cố chấp mà bất cứ tâm hồn yếu đuối nào cũng có. Thật vậy, việc bạn có muốn tha thứ hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí cá nhân của bạn. Nhưng thực tế, đôi khi, cũng khó có thể đưa ra một quyết định như vậy, và khi đó, lòng thù hận và ý muốn trả thù sẵn sàng nỗi dậy, xâm chiếm nhanh chóng tâm hồn bạn khiến bạn không thể kiểm soát được hành động của mình nữa. Đoạn phim hay nhất có lẽ là lúc tên Big Man bị thương nặng phải đến nhờ Anton cứu chữa. Với lòng bao dung và bản chất đầy nhân ái của một bác sĩ tình nguyện, Anton vẫn chạy chữa cho Big Man trước sự phản đối của các nạn nhân của hắn trong trại tị nạn. Nhưng đạo diễn tài ba Susanne Bier đã đẩy nhân vật Anton đến giới hạn cuối cùng của khả năng tha thứ. Bier cho ta thấy đến một giới hạn nào đó, lòng bao dung sẽ bị thay thế bời sự phẫn nộ và ý muốn báo thù. Sau khi đã lành bệnh, Big Man lại tỏ ra đểu cáng tàn bạo. Nổi giận, Anton lôi hắn ra giữa các nạn nhân cuả hắn trong trại tị nạn cho mọi người giải quyết.
In A Better World không đơn giản là một bộ phim tình cảm xã hội về gia đình cuả một bác sĩ.
Vấn đề mà đạo diễn Susanne Bier muốn nêu lên ở đây chính là vấn đề THA THỨ và THÙ HẬN. Thù hận nối tiếp thù hận, kết cục sẽ là thảm họa nối tiếp thảm họa. Sân hận như ngọn lửa cháy âm ỉ trong lòng, chỉ cần một hơi thổi nhẹ là có thể bùng lên thiêu cháy tất cả những gì tốt đẹp đã làm trong quá khứ. Có thể dưới mắt những người xung quanh, việc bạn quyết định tha thứ là một hành động khờ dại hay hèn nhát. Nhưng đừng bao giờ để người khác, ngay cả những người thân của mình chất vấn hay tác động đến quyết định của bạn. Nhiều khi chính những lý lẽ tiêu cực của họ cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến quyết định của bạn, khiến bạn càng khó tha thứ. Tha thứ chính là một biểu hiện của lòng nhân ái và tha thứ là biểu hiện đẹp nhất của lòng yêu thương. Bạn sẽ chưa thể tha thứ được nếu vẫn còn thiếu lòng yêu thương người khác. Mẹ Theresa đã nói:"Nếu chúng ta thật sự muốn yêu thuơng người khác, thì phải học cách tha thứ". Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống là khi con người không thể tha thứ, trở nên vô cảm, không còn biết yêu thương. Lúc đó, thế giới này sẽ nhanh chóng bị hùy hoại vì lòng thù hận. (XEM THÊM ...)
Susanne Bier là đạo diễn theo trường phái làm phim Dogme của Bắc Âu. Năm 1995, các đạo diễn theo phong trào này quyết định không chạy theo kiểu làm phim của Hollywood. Họ không chấp nhận các hiệu ứng đặc biệt, các kỹ sảo điện ảnh mà chỉ làm phim theo lối kể chuyện chân thực. Bier đã rất thành công với cách làm phim này. Trong In A Better World, phần lớn cảnh được quay bằng camera cầm tay (nhưng rất ít rung nên xem không bị chóng mặt), hình ảnh tuyệt đẹp, các diễn viên hầu như không trang điểm, diễn xuất tự nhiên như đời thường làm người xem bị cuốn hút theo mạch của bộ phim, không thể ngừng theo dõi. Nhạc phim rất ăn với các cuộc đối thoại và các diễn biến kịch tính trong phim.
Bộ phim thật xứng đáng với giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất. Theo tôi, In A Better World chính là bộ phim hay nhất cuả năm 2011. Tôi cho 5/5 điểm !

Không có nhận xét nào: