Thy Anh
Từ một mẩu tin thương tâm trên báo Tuổi Trẻ hôm nay
Bác sĩ tắc trách, một thiếu nữ chết oan? Trưa 29-6, cơ quan chức năng Cà Mau đã khám nghiệm tử thi Dương Thị Thu Hiền (17 tuổi, tạm trú ở khóm Sa Pô, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, Cà Mau) - nạn nhân trong vụ cưỡng hiếp khiến dư luận bất bình hai ngày nay. Sau khi khám nghiệm tử thi, thi thể Hiền được đưa ra khỏi cổng Bệnh viện Đa khoa Năm Căn nhưng sau đó gia đình lại đưa trở vào, đặt ngay hành lang lối vào chính của bệnh viện. Lúc này có hàng trăm người vây quanh.
Trước đó khoảng 3g sáng 28-6, người dân khóm Sa Pô phát hiện nạn nhân Hiền nằm vắt vẻo lề đường và đưa đến nhà bà Hồ Kim Anh (bà ngoại Hiền). “Lúc tới nhà, cháu mê sảng không nói được gì, thân thể trầy xước khắp nơi, quần áo dính nhiều máu. Một người quen ở xóm điện thoại cho công an hay, sau đó đưa cháu vô bệnh viện cấp cứu sáng 28-6” - bà Kim Anh nói. Hiền được người dì ruột là Nguyễn Thị Phúc chăm sóc tại Bệnh viện Năm Căn. Chị Phúc kể: “Bác sĩ khám và nói cháu tôi khỏe, kêu chở về. Tôi thấy cháu quằn quại, không nói năng gì được nên xin bác sĩ cho chở cháu vô viện lại. Sau đó cháu mê man suốt, đến nửa đêm 28-6 thấy cháu thở “hơi lên” như trăng trối, tôi và má của tôi kêu cửa bác sĩ trực. Bác sĩ khám rồi nói cháu tôi giả bộ, không sao hết, nằm tới sáng sẽ khỏe, rồi bỏ về ngủ tiếp. Mấy lần kêu sau bác sĩ cũng nói đừng làm phiền giấc ngủ của bác sĩ. Đến khoảng 4g sáng 29-6, cháu tôi trào nước mắt, tắt thở”. Chứng kiến cái chết của Hiền, ông Nguyễn Văn Tuấn, bị cụt hai chân, đang nuôi con bệnh tại bệnh viện, nói: “Con tôi nằm cạnh giường cháu Hiền, đêm cháu Hiền chết tôi thấy người nhà cháu đập cửa cầu cứu bác sĩ trực sáu lần, bác sĩ coi qua loa rồi đi ngủ, nói con bé không có bệnh, chỉ giả bộ vì mắc cỡ. Nếu lúc bà ngoại và dì ruột cháu Hiền quỳ lạy xin bác sĩ cho chuyển viện, bác sĩ này đồng ý thì chưa chắc con bé chết”.
Chiều 29-6, qua điện thoại, đại tá Lê Thanh Sơn - trưởng Công an huyện Năm Căn - cho biết vụ việc liên quan đến cái chết của Hiền đang điều tra, chưa cung cấp gì được. Còn giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Năm Căn từ chối tiếp xúc với lý do đang bị cao huyết áp, chỉ cho biết đã chỉ đạo ca trực làm tường trình vụ việc và sẽ thông tin sau
Khi các nhân viên y tế phạm sai lầm
Khi nhân viên y tế phạm sai lầm gây tổn hại đến người bệnh, hoặc do tắc trách hoặc do kém chuyên môn, cách giải quyết hợp lý nhất là nhận trách nhiệm và xin lỗi người bị hại. Một hành động xin lỗi kịp thời ít nhiều cũng làm giảm bớt được đau khổ và giận dữ của người bị hại,
Tuy vậy, trên thực tế, các nhân viên y tế và các bệnh viện nước ta thường không muốn công khai các sai lầm họ đã gây ra cho người bệnh và cũng rất hiếm khi nói lời xin lỗi. Họ không cho thân nhân hoặc bệnh nhân tiếp cận hồ sơ bệnh án và nếu bị bắt buộc, họ chỉ cung cấp thông tin một cách nhỏ giọt, không đầy đủ một cách cố ý, để có lợi cho bệnh viện nhiều hơn. kết quả, người bệnh thường chỉ được thông báo công khái các sai sót sau khi đã đưa vấn đề cũa mình ra tòa án hoặc đưa lên mặt báo.
Ngoại trừ những vụ việc mà sai sót đã quá rõ ràng, thường là những sai sót do thiếu trách nhiệm nghiêm trọng như quên kéo quên gạc trong ổ bụng, như buồn ngủ không khám kỹ nên bỏ sót chẩn đoán dẫn đến tử vong . . . những sai sót khác thuộc về chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị sẽ rất khó tìm hiểu cặn kẽ vì đòi hỏi một trình độ chuyên môn nhất định, mà các luật sư ở nước ta thì đào đâu ra nổi các kiến thức loại này? Các cơ quan quản lý y tế, khi đứng ra xét sử vụ việc, sẽ giải quyết bằng cách mời các bác sĩ, các chuyên gia cố vấn cho ý kiến. Nhưng ở một đất nước mà tình trạng tham nhũng móc ngoặc còn tràn lan, làm sao có thể tin tưởng vào các chuyên gia này, khi họ lại được mời bởi những người cùng phe với chính những kẻ gây hại ? Do đó, người bệnh hay những người bị hại, khi muốn đòi lại công bằng, cần tìm được các bác sĩ giỏi chuyên môn, hoạt động độc lập và có lương tâm, để tìm hiểu hồ sơ bệnh án và cố vấn cho mình trước hội đồng xét xử.
Hành động xin lỗi là một nét đẹp trong ứng xử cuả ngành y tế
Khi nhân viên y tế phạm phải sai lầm, hậu quả có thể rất nghiêm trọng và lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp cả hai phiá, bệnh nhân và bác sĩ.
Trên thế giới, càng ngày càng có nhiều khuynh hướng muốn công khai các lỗi lầm như vậy trong việc chăm sóc các bệnh nhân và điều này được xem như một phần của chiến dịch bảo đảm an toàn trong điều trị của nhiều quốc gia. Nhiều thăm dò gần đây cũng cho thấy hành động xin lỗi bệnh nhân của các nhân viên y tế hoặc của bệnh viện chính là phần cốt lõi để đem lại một kết quả tích cực khi công khai các lỗi lầm.
Xin lỗi là hành động cần có của một người khi đã gây tổn thương cho người khác. Hành động này bao gồm việc chấp nhận lỗi lầm là có xẩy ra, chịu trách nhiệm trước lỗi lầm và biểu lộ thái độ thành thật hối tiếc vì những gì đã xảy ra. Một hành động xin lỗi đầy đủ phải kèm theo lời hứa sẽ tìm cách không phạm sai lầm trong tương lai và việc bồi thường thỏa đáng cho người bị hại.
Hành động xin lỗi là một nét đẹp trong ứng xử không chỉ riêng cho ngành y tế mà của một xã hội có văn hóa nói chung.
Hành động xin lỗi sẽ mang lại nhiều hệ quả rất tích cực cho nạn nhân và cho cả người đứng ra xin lỗi. Thật vậy, khi được xin lỗi thành thật, người ta sẽ thay đổi cách nhìn đối với trách nhiệm của người gây hại, không còn kết tội quá gay gắt nữa và người ta cũng cảm thấy các nhân viên y tế vẫn còn là những người trung thục. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hành động xin lỗi có thể làm giảm tỷ lệ các vụ việc phải mang ra tòa án.
Hành động xin lỗi được xem như là một bước khời đầu rất tốt chứng tỏ các nhân viên y tế và bệnh viện sẽ tìm cách phòng ngừa các tai biến đó trong tương lai. Hành động này sẽ giúp củng cố mối quan hệ giữa bệnh nhân và các nhân viên y tế sau khi các tai nạn đã xảy ra và chính là yếu tố tối cần thiết cho việc tiếp tục chăm sóc bệnh nhân của bệnh viện.
(xem thêm ...)
(xem thêm ...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét