Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Thư gửi sinh viên Y Khoa 14 : chuyện buồn muôn thuở giữa bệnh nhân và bác sĩ . . .

Thy Anh
Em biết mẩu tin trên báo tuổi trẻ này chưa?
Nếu chưa, em đọc rồi cho thầy biết ý kiến, nhé.
Con tôi chết do bác sĩ thiếu trách nhiệm?
Thứ Bảy, 09/07/2011, 07:51 (GMT+7)
TT - Ngày 19-6, con tôi tên Nguyễn Minh Quang (8 tuổi) bị sốt. Vợ tôi đưa con đến khám tại phòng khám đa khoa nhi Nancy (TP.HCM) thì bác sĩ N. chẩn đoán cháu bị viêm amiđan, cho đơn thuốc về nhà uống và hẹn ngày 20-6 tái khám.  Đến ngày tái khám (20-6), bác sĩ N. chẩn đoán con tôi bị sốt ngày 3, hai amiđan to, đỏ... rồi kê toa thuốc và hẹn tái khám từ 16g-19g ngày 22-6.
Đến ngày 22-6, dù đã uống thuốc của phòng khám nói trên nhưng con tôi vẫn sốt cao nên khoảng 14g vợ tôi đưa cháu đến Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.HCM kiểm tra. Tại đây, bác sĩ Th. chẩn đoán con tôi bị viêm họng, tim bẩm sinh rồi kê toa thuốc cho cháu về nhà uống. Gia đình tôi đã tin tưởng vào chẩn đoán của bác sĩ nên đưa con về nhà. Thế nhưng đến 17g30 cùng ngày con tôi bị ngất xỉu, vợ tôi đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhưng trên đường đi cháu đã ngưng thở, ngưng tim. Tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã sốc điện và tim cháu đập trở lại nhưng vẫn không thở được. Cuối cùng cháu đã qua đời vì bị sốt xuất huyết ở giai đoạn cuối.
Vợ chồng tôi rất bức xúc trước cách khám bệnh thiếu trách nhiệm của các bác sĩ liên quan nói trên.
(Một bạn đọc)
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh (giám đốc phòng khám đa khoa nhi Nancy) trả lời:
- Bác sĩ N. trong lần khám đầu tiên đã khám kỹ toàn thân cho bệnh nhi. Lần thứ 2, khi bệnh nhi tái khám bác sĩ N. đã khám và cho bệnh nhi làm xét nghiệm, nhưng kết quả xét nghiệm chỉ thể hiện bệnh nhi bị nhiễm trùng chứ chưa thể hiện mắc bệnh Sốt xuất huyết.
Bác sĩ N. khám thấy amiđan của bệnh nhi to, đỏ nên đã chẩn đoán: viêm amiđan. Thời gian vàng để chẩn đoán bệnh Sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh, nhưng khoảng thời gian này bệnh nhi lại không đến đúng chuyên khoa để được chẩn đoán đúng, mà gia đình tự đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Tai - mũi - họng khám.
Th.S-BS Võ Quang Phúc (phó giám đốc Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.HCM) trả lời: Trong ngành y có những bệnh lý diễn tiến nhanh và bất ngờ không lường trước được. Trường hợp của cháu Nguyễn Minh Quang, theo tường trình của bác sĩ Th., có viêm họng, viêm amiđan và tim bẩm sinh kèm theo. Bác sĩ Th. có đề nghị cho bệnh nhi xét nghiệm máu nhưng người nhà cho biết đã có xét nghiệm trước đó và đưa ra kết quả bình thường nên bác sĩ lại càng nghĩ nhiều đến bệnh viêm họng hơn là Sốt xuất huyết. Vì vậy bác sĩ đã cho toa thuốc về nhà và dặn mẹ cháu khi có gì bất thường thì đưa đến bệnh viện ngay. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, ban giám đốc bệnh viện đã nhắc nhở các bác sĩ ngoài việc cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết, nếu thấy sốt kéo dài còn phải hướng dẫn phụ huynh nhận biết về các triệu chứng của bệnh Sốt xuất huyếtvà lưu ý các dấu hiệu, diễn tiến của bệnh để gia đình tự theo dõi, đến bệnh viện kịp thời và việc thử máu nhiều lần là cần thiết trong trường hợp nghi ngờ Sốt xuất huyết. (THÙY DƯƠNG ghi)
Sao, em thấy thế nào? Ai đúng ai sai?
Riêng thầy, thầy có một số ý kiến như sau, có thể em sẽ thấy có ích sau này, khi em đi làm ở một bệnh viện nào đó.
Đây là câu chuyện buồn muôn thuở giữa bệnh nhân và bác sĩ. Lúc nào bệnh viện củng đổ lỗi sai sót cho người bệnh còn mình thì vô can.
BỆNH NHÂN CÓ LỖI VÌ KHÔNG TÁI KHÁM ĐÚNG HẸN ?
Không đúng hẳn!
Đồng ý là bệnh sốt xuất huyết trong 2 ngày đầu thường chỉ có triệu chứng sốt và lúc này nếu có 2 amiđan to (nhưng thường phải sưng đỏ, đau và ho)  kèm bạch cầu máu tăng cao thì chẩn đoán viêm amiđan cũng được. Nhưng đang mùa sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng, sao không rà soát để chẩn loại trừ 2 bệnh này nhỉ? Chờ đến cái gọi là “thời gian vàng” như giám đốc phòng khám nhi Nancy để có thể chẩn đóan thì có thể đã quá muộn . . .
Nếu bệnh nhân sốt cao lừ đừ không ăn uống được, mà chẩn đoán lại chưa rõ ràng, ta nên cho bệnh nhân nằm viện, nếu thân nhân không đồng ý, nên hẹn tái khám mỗi ngày kèm xét nghiệm công thức máu máu mỗi ngày xem Hct có tăng dần và tiểu cầu có giảm dần hay không (với điều kiện có nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết).
Có thể bác sĩ phòng khám nhi thấy công thức máu bình thường (nhiễm siêu vi mà!) hoặc bạch cầu tăng nhưng tiểu cầu còn bình thường  nên chưa nghĩ là sốt xuất huyết. Nhưng đối với các loại bệnh nặng diễn tiến phức tạp và hay xuất hiện theo mùa dịch thì khi chưa loại trừ được bệnh, ta còn phải theo dõi bệnh đó. Nên nhớ, một bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn có quyền mắc thêm các bệnh khác như: viêm hô hấp trên, sốt rét, thương hàn . . v.v .. đúng không em?
Theo thầy, bác sĩ khoa nhi nên dặn dò kỹ hơn khi cho toa về, ví dụ như sau: "Hiện thời cháu có 2 amiđan to nên có thể bị sốt do viêm amiđan, nhưng đang mùa dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng, người nhà cần theo dõi xem cháu có xuất hiện thêm các triệu chứng như chẩy máu chân răng, chẩy máu cam, có ban đỏ ở tay chân hay miệng không . . . vì hiện thời chưa hoàn toàn loại trừ được 2 bệnh nguy hiểm này. Do đó, cháu rất cần được tái khám đúng hẹn, mỗi ngày. Khi có các triệu chứng như sốt cao không giảm, lừ đừ nhiều hơn, ói hay co giật . . . cần vào cấp cứu ngay. . . "
Nếu được bác sĩ dặn dò từ trước với những "câu thòng" khôn ngoan  như vậy, có lẽ người nhà sẽ không nghĩ con mình chỉ đơn giản bị viêm amiđan đâu, để rồi tự ý bỏ đến khám cho “đúng chuyên khoa” hơn, chuyên khoa tai mũi họng, nơi mà các bác sĩ lại càng có nhiều khả năng bỏ sót những bệnh . . . "không thuộc chuyên khoa" của mình.
BỆNH NHÂN CÓ LỖI VÌ NGƯỜI NHÀ ĐƯA RA KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM MÁU . . . BÌNH THƯỜNG ?
Không!
Câu trả lời của lãnh đạo cuyên khoa tai mũi họng thật  đúng là . . . chuyên khoa (vì không còn nhớ gì về các bệnh lý ngoài chuyên khoa của mình!)
Có lẽ trong phòng khám tai mũi họng này chẳng ai nghĩ bệnh nhân bị sốt xuất huyết mặc dù lúc này, chắc chắn các triệu chứng đã rất rõ ràng, có thể đã có chấm xuất huyết, tay chân lạnh toát do tiền shock . . .  vì rất nhanh sau đó (từ 14g đến 17g30) cháu trở nặng rồi tử vong.
Không thể không có triệu chứng báo hiệu theo giải thích cuả bác sĩ lãnh đạo “có những bệnh lý diễn tiến nhanh và bất ngờ không lường trước được “. Bác sĩ chuyên khoa ở đây đã NHÌN nhưng KHÔNG THẤY vì không nhớ đến bệnh sốt xuất huyết để làm chẩn đóan phân biệt. Mà nếu có nhớ thì cũng chẳng biết có xữ trí đúng được không vì chỉ thấy một xét nghiệm do người nhà đưa ra có kết quả bình thường là họ đã hài lòng không cần làm xét nghiệm lại . Lúc này chắc chắn Hct phải tăng cao và tiểu cầu phải giảm rất nặng rồi.
Dù sao thì ban giám đốc bệnh viện cũng đã rút kinh nghiệm dù có hơi muộn màng . . . nhưng có còn hơn không.
BỆNH NHÂN RẤT CẦN MỘT LỜI XIN LỖI DÙ CÓ MUỘN MÀNG . . .
Trên thế giới, càng ngày càng có nhiều khuynh hướng muốn công khai các lỗi lầm trong việc chăm sóc các bệnh nhân và điều này được xem như một phần của chiến dịch bảo đảm an toàn trong điều trị của nhiều quốc gia. Nhiều thăm dò gần đây cũng cho thấy hành động xin lỗi bệnh nhân của các nhân viên y tế hoặc của bệnh viện chính là phần cốt lõi để đem lại một kết quả tích cực khi công khai các lỗi lầm.
Xin lỗi là hành động cần có của một người khi đã gây tổn thương cho người khác. Hành động này bao gồm việc chấp nhận lỗi lầm là có xẩy ra, chịu trách nhiệm trước lỗi lầm và biểu lộ thái độ thành thật hối tiếc vì những gì đã xảy ra. Một hành động xin lỗi đầy đủ phải kèm theo lời hứa sẽ tìm cách không phạm sai lầm trong tương lai và việc bồi thường thỏa đáng cho người bị hại.
Hành động xin lỗi là một nét đẹp trong ứng xử không chỉ riêng cho ngành y tế mà của một xã hội có văn hóa nói chung. (xem them . . .)
 Mong em sau này không bao giờ gập phải những tình huống đáng buồn như vậy.
               Chào em
xem thêm : bệnh nhân chính là những người thầy tốt 
                     bác sĩ toàn là những người vô trách nhiệm
                     Mùa đông xám
                     Lời nói bác sĩ và tương lai người bệnh

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

cảm ơn thầy!
sv y khoa.

old student nói...

em k đ. ý với thầy...
bn cũng là con người thôi, không phải là thánh thần, nên đôi khi bs thật thà nhận trách nhiệm sẽ bị....hậu quả không tương xứng.
Lãnh đạo BV trong trường hợp này cũng rất khôn ngoan, phải bảo vệ đồng nghiệp mình trước búa rìu dư luận trước đã, rồi kỷ luật nhân viên sau,...
Bản thân bs cũng đã bị lương tâm phán xét rồi, nỗi đau dấu kín trong lòng...
còn cứ hở một chút là mang ra bầm dập,..thì thầy ơi, sau này kiếm mỏi mắt không ra một bs..
sai lầm dẫn đến chết người là sai lầm lớn...nhưng chẳng lẽ cứ có ..sai lầm là phải ...bỏ nghề sao thầy ?

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

Do not pray for easy lives. Pray to be stronger men.
John F. Kennedy

old student nói...

nếu thầy là lãnh đạo của bs đó, thầy ...sẽ làm gì ?