BS Nguyễn xuân Bích Huyên
Vui sống mỗi ngày @ blog : đây là một bài viết mà sau khi đọc đi đọc lại, tôi đã cảm thấy rất xúc động và rất thấm thía. Bài viết là của một bác sĩ đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm và cũng là một bạn học cùng lớp rất đáng khâm phục của tôi.
Ông bà ta thường nói “ Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” vậy còn “Lời nói của thày thuốc với bệnh nhân” có quan trọng không?
Sau ba mươi mấy năm trong nghề tôi đã chứng kiến nhiều tình huống trong đó lời nói của thày thuốc ảnh hưởng rất nhiều lên bệnh tình của bệnh nhân/ Sau đây tôi xin kể một vài câu chuyện có thật trong bệnh viện nơi tôi làm việc.
Những lời nói làm suy sụp tinh thần bệnh nhân:
Năm mới ra trường tôi về công tác tại khoa nội thận và trong thời gian đó tôi gặp rất nhiều trường hợp suy thận mãn rất nặng . Vào thời điểm đó (1978) ở nước ta chưa tiến hành được chạy thận nhân tạo cho những bệnh nhân này nên tương lai của họ khá mờ mịt.
Khoa tôi có nội quy BS trưởng khoa sẽ đi thẳm bệnh một tuần một lần và lúc
đó các BS sẽ trình bệnh của mình. Bản thân tôi có một bệnh nhân.nữ còn trẻ nhưng bị suy thận mãn độ III phải nằm viện cả tháng trời. 2 tuần đầu khi BS trưởng khoa đi buồng tôi còn thấy bệnh nhân đó nằm tại giường nhưng hai tuần sau thì cứ đến lúc đó là không có bệnh nhân tại giường. Lúc ra viện cô ấy mới nói thật với tôi là: “Em rất sợ mỗi khi gặp BS trưởng khoa vì lần đầu tiên đến giường em là ông ấy giảng giải cho các BS và sinh viên là bệnh nhân này chỉ sống được khỏang 1 tháng nữa thôi, tuần sau ông ấy lại nói là “cô này chỉ sống 3 tuàn nữa thôi” nên em sợ quá em trốn mất . Tôi phải động viên cố ấy mãi và theo dõi điều trị cho cô ấy , ráng giữ cho tình trạng cô ấy ổn định cho đến khi cô ấy được bảo lãnh qua Mỹ, được chạy thận nhân tạo và ghép thận và sống khỏe đến bây giờ. Năm nào tôi cũng nhận được thư chúc tết của cô ấy .. (xem thêm ...)
Có một lần khi ngồi ở phòng khám ngoại chẩn tôi có khám bệnh cho một cô bé bị Lupus ban đỏ. Sau khi giải thích cặn kẽ về bệnh tình cho bệnh nhân và người nhà tôi quay sang viết toa thuốc. Bỗng dưng cô bé và mẹ cô ta òa lên khóc. Tôi sợ quá vội hỏi: “Chị ơi tại sao chị với cháu khóc vậy ?” Bà mẹ trả lời: “Em và cháu khóc vì BS không la mắng mẹ con em mà còn giải thích cho em về bệnh của cháu” Tôi lại hỏi “Tại sao tôi lại phải mắng chị?” Bà mẹ lại nói ”Tuần trước em khám BS kia, em hay hỏi này hỏi kia vì em ở dưới quê không hiểu biết nhiều thì ông ấy la em quá trới và còn nói con chị bệnh nặng rồi, lo trị bệnh đi, hỏi gì mà hỏi hoài ...”
Những lời nói làm bệnh nhân an tâm và cảm thấy bệnh tình như nhẹ hẳn đi.
Trước đây, Tôi từng có dịp làm việc với BS DAVID , 1 BS ngoại khoa người Úc rất giỏi. Vào lúc đó, có một bệnh nhân nữ bị K dạ dày, và theo BS điều trị thì bà ấy không còn chỉ định phẫu thuật nữa. BS David này có dịp hội chẩn và hứa sẽ áp dụng một phương pháp mổ mới cho bà để phần nào ngăn chặn bệnh phát triển. Nhưng sau năm ngày, bệnh nhân này cũng vẫn chưa mổ được vì sáng nào huyết áp cũng vọt lên cao (.170/100mmHg ) mặc dù BS điều trị đã cho thuốc hạ áp và bản thân bệnh nhân cũng không hề có tiền căn cao huyết áp.
Sau khi biết việc này, BS David đã đến gặp bệnh nhân và sáng hôm sau, thật lạ lùng, huyết áp bệnh nhân chỉ còn 130/80 mm Hg và cuộc mổ đã thành công tốt đẹp. Vậy các bạn thử đoán xem BS David đã nói gì với bệnh nhân mà có thể làm cho huyết áp bệnh nhân trở về bình thường được? BS David chỉ hỏi: “Năm nay bác bao nhiêu tuổi? 62 tuổi phải không? Mẹ tôi cũng khoảng tuổi của bác đó, tôi cũng xem bác như mẹ của tôi vậy. Ngày mai tôi sẽ mổ cho bác thì cũng như tôi mổ cho mẹ tôi, như vậy chắc chắn là tôi sẽ cố gắng mổ sao cho thật tốt, mổ cho mẹ mình mà!, MẸ yên tâm nhé.”
Sau khi được gặp BS David, bác bệnh nhân bớt hẳn lo âu và tối hôm đó là đêm đầu tiên bà ngủ thật ngon, và sang hôm sau, huyết áp của bà đã trở về bình thường.
Cách đây 5 năm, vào hôm 29 Tết, tôi bỗng dưng bị đau lưng kinh khủng, đau đến nỗi không thể tự đi lại và mọi vận chuyển đều phải nhờ người thân. Dịp Tết, đa số các BS chuyên khoa chỉnh hình đều đã về quê ăn Tết hay đi du lịch nên rất khó tìm người có thể đến nhà khám bệnh dùm. Cuối cùng một đồng nghiệp trẻ đã đồng ý lại nhà khám bệnh cho tôi. Trong thời gian chờ đợi, tôi rất lo lắng, không ăn uống gì được cả vì cứ suy nghĩ lung tung, không biết mình có mắc bệnh gì nặng lắm không, sau này có tàn phế không, sao mà bây giờ phải nằm một chỗ, thấy quyển sách gần đó mà cũng không tự đi lấy được.
Cuối cùng sau khi BS đến khám, xác nhận là bệnh tôi không nặng, chỉ bị xoắn vặn cơ lưng do phải đi lên xuống cầu thang quá nhiều ( Thời điểm đó, chắc các bạn còn nhớ, BV Chợ Rẫy vừa bị cháy nên toàn bộ thang máy phải ngưng hoạt động, mà tôi lại làm việc tại lầu 8 , và thường xuyên phải đi hội chẩn nhiều nơi trong bệnh viện). BS khuyên chỉ cần nằm nghỉ, và uống vài lọai thuốc giảm đau theo toa.
Sau khi BS ấy về, tự nhiên tôi không còn cảm thấy lo lắng nữa, ăn uống ngon miệng hẳn, làm theo các lới dặn dò của anh bạn đồng nghiệp và bệnh giảm hẳn mỗi ngày.
Các bạn thân mến,
- LỜI NÓI CỦA CÁC BS RẤT QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI TƯƠNG LAI NGƯỜI BỆNH
- CÁCH THỨC MÀ BS NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI BỆNH VỀ BỆNH TẬT CỦA HỌ CÓ THỂ LÀM CHO BỆNH TRỞ NẶNG HƠN, HAY NGƯỢC LẠI, GIẢM NHẸ HƠN RẤT NHIỀU.
Một ông thầy của tôi đã căn dặn chúng tôi:
“ ĐÃ LÀ BÁC SĨ THÌ PHẢI ĐỐI XỬ BỆNH NHÂN CỦA MÌNH THẬT TỐT VÌ TRONG ĐỜI MÌNH, THẾ NÀO CŨNG CÓ LÚC MÌNH SÈ LÀ BỆNH NHÂN.”
Theo tôi, đối với Người thấy thuốc :
“ LỜI NÓI KHÔNG MẤT TIỀN MUA
LỰA LỜI MÀ NÓI CHO “AN LÒNG” BỆNH NHÂN”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét