Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Những bước thăng trầm (phần 4)

Hòa thượng Narada
Phạm Kim Khánh dịch
vui sống mỗi ngày @ blog: Đây là một bài viết rất thâm thúy, dễ hiểu và cũng là cơ sở triết lý sống GIẢN ĐƠN-AN LẠC của Blog.  

  Ca Tụng và Khiển Trách (PasamsàNindà)
 

Một tiếng khen tặng nhẹ nhàng, đúng lúc, có thể giúp ta dễ dàng thâu đạt điều mong muốn
Ðược ca tụng và bị khiển trách là hai hoàn cảnh thăng trầm khác hằng ảnh hưởng đến nhân loại. Lẽ dĩ nhiên, khi được ca tụng thì ta nở mặt nở mày, hân hoan thỏa thích. Lúc bị khiển trách thì tinh thần suy sụp, ủ dột buồn rầu. Giữa những lời ca tụng hay khiển trách Ðức Phật dạy, bậc thiện trí không thỏa thích cũng không ủ dột ưu phiền, mà tựa hồ như tảng đá vững chắc, không lay chuyển dưới cơn bão táp phong ba của đời sống. Nếu chúng ta xứng đáng, những lời khen tặng quả thật êm tai. Nhưng nếu ta không xứng, như trường hợp có người nịnh bợ, thì những lời ấy dù có êm tai, cũng sẽ làm cho ta thất vọng, và là một tai hại. Dầu sao, đó cũng chỉ là những tiếng động, những âm thanh, không đem lại hậu quả nào nếu không lọt vào tai.
Ðứng về phương diện thế gian, lời ca tụng có thể đi rất xa. Một tiếng khen tặng nhẹ nhàng, đúng lúc, có thể giúp ta dễ dàng thâu đạt điều mong muốn. Một câu giới thiệu xứng đáng đủ làm cho toàn thể cử tọa chăm chú lắng nghe diễn giả. Nếu diễn giả có lời khen tặng cử tọa ắt sẽ được chú ý. Trái lại, nếu diễn giả bắt đầu bằng những lời khiển trách hay chỉ trích, thái độ đáp ứng của người nghe ắt không thuận lợi.
Người đã thuần thục không tin càn những lời nịnh bợ, cũng không muốn được nịnh bợ. Khi khen tặng ai xứng đáng, người già dặn thuần thành thật lòng khen tặng mà không ẩn ý ganh tỵ. Khi khiển trách, các Ngài khiển trách mà không ẩn ý khinh khi. Các Ngài chỉ khiển trách vì lòng bi mẫn, muốn cải thiện người lầm đường lạc nẻo.
Những bậc vĩ nhân được tất cả người lớn kẻ nhỏ khen tặng nhưng thản nhiên, không hề chao động.
Nhiều người thân cận với Ðức Phật thường ca tụng phẩm hạnh Ngài, mỗi người một cách. Upàli, một nhà triệu phú mới quy y với Ðức Phật, kể ra hằng trăm đức tánh của Ngài. Chín hồng danh của Ðức Thế Tôn thời bấy giờ người ta thường nhắc nhở, chí đến nay hàng tín đồ Phật Giáo vẫn còn đọc lên như kinh nhật tụng. Và mỗi lần tụng đến các phẩm hạnh cao quý ấy chúng ta nhìn lên pho tượng trầm ngâm tự tại với tấm lòng kỉnh mộ tôn sùng. Chín hồng danh ấy còn là đề mục hành thiền cho người có tâm đạo nhiệt thành và vẫn còn là nguồn gợi cảm quan trọng cho những ai tự xem mình là Phật tử.
Còn khiển trách thì sao?
Ðức Phật dạy: "Người nói nhiều bị khiển trách. Người nói ít bị khiển trách. Người lặng thinh cũng bị khiển trách."
Hình như khiển trách là phần di sản chung của nhân loại.
"Người thế gian phần đông sống không kỷ luật," Ðức Phật ghi nhận như vậy và dạy tiếp, "Như voi chiến ở trận địa, hứng lãnh lằn tên mũi đạn từ mọi hướng dồn dập bắn đến, cùng thế ấy, Như Lai hứng chịu mọi nguyền rủa của thế gian."
Kẻ si mê lầm lạc chỉ tìm cái xấu, cái hư của người khác mà không nhìn cái tốt cái đẹp của ai. Ngoại trừ Ðức Phật, không ai trăm phần trăm tốt. Cũng không ai xấu trăm phần trăm. Giữa chúng ta, bên trong con người tốt nhất cũng có phần hư hỏng. Trong con người xấu nhất cũng có điểm tốt đẹp. Người biết làm câm như cái mõ bể khi bị tấn công, nguyền rủa, chửi mắng, người ấy, Ðức Phật dạy, đã đứng trước Niết Bàn, mặc dầu chưa chứng ngộ Niết Bàn.
Ta có thể phục vụ nhân loại với tấm lòng cao cả nhất, nhưng người thế gian thường hiểu lầm và gán cho ta những mục tiêu, những lý tưởng mà chính ta không bao giờ mơ đến.
Ta có thể tận lực phục vụ và giúp đỡ một người bạn trong cơn nguy ngập. Lắm khi muốn được việc, ta phải vay nợ hay bán cả đồ đạc, nhà cửa. Nhưng về sau, thế gian mê lầm nầy hư hỏng đến đổi chính người được phục vụ kia trở lại phủ nhận lòng tốt của ta, phiền trách, nói xấu, bôi bẩn ta và sẽ thỏa thích thấy ta suy sụp.
Trong Túc Sanh Truyện có tích chuyện một nhạc sĩ tên Guttila, hết lòng dạy dỗ các đệ tử và không bao giờ giấu giếm điều gì. Tuy nhiên, có một người học trò vô ân bạc nghĩa nọ cố tình làm đủ mọi cách để tranh giành ảnh hưởng với thầy. Về sau người đệ tử nầy thất bại.
Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða), đệ tử, vừa là em họ của Ðức Phật, đã có thần thông, không những cố gắng làm mất thanh danh của Ðức Thế Tôn mà còn mưu toan sát hại Ngài bằng cách lăn đá từ đỉnh núi cao xuống trong khi Ngài tới lui kinh hành dưới chân núi.
Một lần nọ có người Bà La Môn cung thỉnh Ðức Phật về nhà trai tăng. Theo lời thỉnh cầu, Ðức Phật đến. Nhưng thay vì tiếp đón phải lẽ, người Bà La Môn tuôn ra một loạt những lời lẽ thô kịch và nhơ bẩn vô cùng. Ðức Phật lễ độ hỏi thăm:
-- Nầy Ông Bà La Môn, có khi nào khách đến nhà Ông không?
-- Có, Ông Bà La Môn trả lời.
-- Khi biết khách đến nhà thì Ông làm gì?
-- Tôi sẽ dọn một bữa cơm thịnh soạn để đãi khách.
-- Nhưng nếu khách bận việc không đến thì sao?
-- Thì gia đình chúng tôi sẽ hoan hỷ chia nhau bữa cơm.
-- Tốt lắm, nầy Ông Bà La Môn, hôm nay Ông mời Như Lai đến nhà để trai tăng và Ông đã khoản đãi Như Lai bằng những lời nguyền rủa chửi mắng thậm tệ. Như Lai không nhận. Vậy xin Ông vui lòng lấy trở lại.



Báo oán, trả thù không bao giờ đưa đến hoà bình và an tĩnh.
Ðức Phật không giận, không trả thù, nhưng Ngài lễ độ trao trả lại người Bà La Môn những gì người nầy đã khoản đãi Ngài.
Không nên trả thù. Không nên báo oán. Ðức Phật khuyên dạy như vậy. Hận thù sẽ đối diện với hận thù. Báo oán, trả thù không bao giờ đưa đến hoà bình và an tĩnh. Sức mạnh chắc chắn phải đương đầu với sức mạnh. Bom đạn sẽ gặp bom đạn. "Sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Chỉ có tâm Từ mới diệt lòng sân." Ðó là giáo từ của Ðức Bổn Sư. Không có vị giáo chủ nào được ca tụng và tôn sùng như Ðức Phật. Tuy nhiên, Ngài cũng là vị giáo chủ bị chỉ trích, bị khiển trách và bị sỉ vả nhiều nhất. Ðó là số phần của các bậc vĩ nhân.
Trước giữa đám đông, một thiếu phụ tên Cincà giả làm người có mang, vu oan Ðức Phật. Với gương mặt từ bi Ngài nhẫn nại chịu đựng những lời nguyền rủa, và đức hạnh trong sạch của Ngài được chứng minh tỏ rõ.
Ðức Phật cũng bị vu cáo là đã sát hại một thiếu phụ với sự đồng lõa của các vị đệ tử.
Lần kia những người khác đạo chỉ trích Ngài và các môn đệ với lời lẽ nặng nề đến độ Ðức Ànanda xin Ngài rời bỏ nơi đó để qua một làng khác.
-- Nầy Ànanda, nếu những người ở làng kia cũng chửi mắng chúng ta nữa thì phải làm sao?
-- Kính Bạch Ðức Thế Tôn, chúng ta sẽ sang một làng khác nữa.
-- Nầy Ànanda, nếu làm như thế toàn thể lãnh thổ của xứ Ấn Ðộ sẽ không có đủ chỗ cho chúng ta. Hãy nhẫn nại. Những lời nguyền rủa tự nhiên sẽ chấm dứt.
Một bà thứ phi của ông vua nọ tên Màgandiya, có nuôi mối hận thù với Ðức Phật bởi Ngài tỏ ra không tôn trọng sắc đẹp mỹ miều của bà khi, vì không biết, cha bà muốn gả bà làm vợ Ðức Phật. Khi đi ngang qua quốc gia bà đang ở, Màgandiya thuê những người say rượu công khai chửi mắng Ðức Phật vô cùng thậm tệ. Với tâm Xả hoàn toàn Ðức Phật chịu đựng tất cả.
Nhưng Màgandiya phải chịu đau khổ vì hành động sai lầm của bà.
Nguyền rủa, chửi mắng là thường tình. Càng hoạt động, càng phục vụ, chúng ta càng trở nên vĩ đại hơn và càng phải chịu sỉ nhục và nguyền rủa nhiều hơn.
Ðức Chúa Ky Tô bị chửi mắng, nhục mạ và treo lên thánh giá.
Socrates bị chính vợ ông chửi mắng. Mỗi khi ra ngoài để phục vụ đồng bào Ông Socrates thường bị bà vợ tâm tánh hẹp hòi của ông rầy rà, la mắng. Ngày kia Bà Socrates lâm bệnh nên không thể thực hành "công tác" rầy rà thường lệ. Hôm ấy Ông Socrates ra đường với vẻ mặt buồn rầu. Bạn bè thăm hỏi vì sao. Ông giải thích rằng vì hôm nay bà vợ ông đang bệnh nên không có rầy ông.
-- Sao lạ vậy? Ông phải vui mới phải chớ. Không bị rầy, tại sao ông lại buồn?
-- Không phải vậy đâu. Khi bị rầy tôi được cơ hội để thực hành pháp nhẫn nại. Hôm nay tôi đã mất một cơ hội. Vì lẽ ấy mà tôi buồn. Trên đây là bài học quý báu cho tất cả. Khi bị chửi mắng ta phải nghĩ rằng đây là cơ hội để hành pháp nhẫn nhục. Thay vì tức giận, phải biết ơn người chửi mắng ta.

Không có nhận xét nào: