Bài viết của Rain March
Tôi không nhớ chính xác lời thoại lắm nhưng cảnh bà mẹ già khóc con thảm thiết trong bộ phim "Trái tim mùa thu" năm ấy thì tôi không thể nào quên: "Hu hu, nếu biết trước như thế này thì tôi đã không cho nó phẫu thuật,để vậy con tôi còn sống được với tôi mấy tháng trời nữa,con ơi..."
Hồi đó tôi chỉ mới 10 tuổi, cái tuổi thích ăn quà vặt nhiều hơn ăn cơm, xem xong tập phim rồi ngây ngô tự hỏi : "có khi nào mình bị máu trắng không nhỉ" hay "bệnh máu trắng là cái thứ gì mà ghê thế", hay"mình bị bệnh đó có được chữa không, cô kia giàu, nhà mình nghèo thế", rồi bụng bảo dạ "ôi dào,tới ngày mình bị máu trắng thì y học chắc đã tiến xa rồi, lo gì nhỉ".10 tuổi thắc mắc rồi lãng quên, tới tận ngày tôi vào ĐH mới biết "máu trắng" thật ra là bệnh gì. Cũng vào ĐH,tôi mới bắt đầu xài chữ "nếu" nhiều hơn, không phải "nếu của ngày hôm qua" mà là "nếu cho ngày mai hay của một ngày nào đó . . ."
Trong những tình huống khó xử của các ca bệnh thập tử nhất sinh, có thể phải có nhiều lựa chọn, nhưng tôi, chỉ có thể chọn một, hoặc cái này, hoặc cái kia.
Ngày trước tôi thật mù mờ về chuyện sống chết,chỉ biết nghĩ đơn giản là mình sống sao cho ra sống, và tôi đã sống thật vô tư, thoải mái, tự do đúng trong khuôn khổ tôi có thể. Đôi khi nghe tin về một ai đó bị ốm nặng, bị tai nạn, hay bị gì gì đó cũng làm tôi thoáng giật mình, nhưng đâu lại vào đấy, tôi lại nhanh chóng quên đi, nhanh chóng trở về hiện thực bản thân mình. Càng ngày,cái chuyện "đơn giản là sống sao cho ra sống" có vẻ như càng rối rắm, làm tôi bắt đầu phải suy nghĩ nhiều hơn.(xem thêm . . .)
Năm đầu đi thực tập nội khoa ở bệnh viện trôi qua thật êm đềm, cuối đợt thực tập, tôi nghe lũ bạn kháo nhau có thầy đã ra nước ngoài, thầy thì nghỉ hưu. Tôi miên man suy nghĩ, thế là mình không được học một vài thầy cô kỳ cựu nữa, buồn, nhưng ngẫm cho cùng, dòng đời là thế và đó là cách chọn lựa của các thầy cô.
Năm học mới, tôi bước vào giảng đường học mà lòng thấy ngậm ngùi vì một vài hôm không có ai lên dạy, tôi thầm nghĩ, thầy nghỉ rồi thì còn có cô chứ, rồi tự an ủi mình "chắc là cô bận". Rồi những tiết học khác vẫn không thấy cô đâu cả. Tôi hỏi mấy đứa bạn thì bị tụi nó nã đạn liền"con này mù tin tức quá,không biết gì thật hả?".Tôi bẽn lén nhìn đứa bên cạnh,lòng thấp thỏm mong là không phải đợi lâu.Vẻ mặt hình sự nó nhìn tôi"cô bị K hầu họng,chắc nghỉ dạy luôn".Tôi như chết trân tại chỗ, mắt chữ o mồm chữ a, tai ù ù nghĩ chắc nghe nhầm. Bạn tôi quày quả bước đi,nhăn mặt:"mày sao thế,sao mặt tái mét vậy". Tôi gượng cười rồi lặng lẽ đi bên cạnh nó, cúi gằm, cố gắng không khóc. "Tao nghe tụi nó nói thế, mấy đứa đi thưc tập nội cuối năm ấy mà".Tôi thở phào,lại là một tin đồn ấy mà,sao tin mấy đứa này được. Bẵng đi mấy hôm,tôi nhận được SMS của thầy tôi"cô bi ung thư vòm hầu, nặng lắm, đang diều trị ở nước ngòai, em da thấy yêu nghề chua?". Người tôi nhẹ bẫng,bây giờ thì tôi không thể không tin được. Ung thư giai đoạn cuối thì còn gì để nói nữa,còn bao nhiêu hy vọng. Ừ, sống là chiến đấu mà, chiến đấu đến phút giây cuối cùng,chiến đấu để chiến thắng bản thân. Đêm đó tôi khóc, khóc vì cô,vì "nếu một ngày nào đó"của tôi sau này, hoặc có thể bất cứ một ai, tôi không thể học được chữ NGỜ, và có thể không có quyền chọn lựa. Tôi không theo một tôn giáo nào,chẳng biết gì là cầu kinh, niệm phật, chỉ mong cô đừng nản lòng mà bỏ cuộc. Tôi cũng phân vân chọn lựa, áy náy nhiều,chẳng giúp được gì cho cô, chỉ biết trông chờ tin cô trong lặng lẽ.
Thấm thoắt, mùa thực tập nội lại tới, lớn thêm, năm nay chúng tôi phải học dữ dằn hơn, những đêm trực bệnh viện nhiều hơn tôi tưởng. Áp lực nặng nề, nhìn các anh chị cùng tua trưc tất bật ngược xuôi, vào vào ra ra phòng cấp cứu mà tôi ái ngại cảm thấy"mình chẳng giúp gì được cho anh chị". Những ca bệnh nặng, cả người nhà lẫn bệnh nhân quyết tâm theo đuổi tới cùng, cứ thế nhập cấp cứu không biết bao nhiêu lần, về rồi lại vào, có người kể với tôi "chú nhà cô vào bệnh viện như đi . . . chợ ấy, con ạ". Nhưng họ không bao giờ nói cho một sinh viên còn bé như tôi biết những khó khăn của họ như thế nào, tiền bạc ra sao, và tôi cũng không tiện hỏi. Cũng có những bệnh nhân bị bệnh nặng, khi tôi vào hỏi bệnh, họ cũng nói thật lòng mình "chú điều trị lâu rồi con ạ, nhưng mà bác sĩ nói bệnh chú nặng lắm, cuối tuần này chú xin về thôi, chứ chữa mãi như vầy tốn kém lắm, phải để tiền lo cho 2 đứa nhỏ, tụi nó lên cấp 3 cả rồi". Đó là những trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo, còn có thể đi đi về về, ra vao bệnh viện. Còn những trường hợp khó nghĩ hơn,vì bệnh quá nặng mà lại chẳng thể tiên lượng chính xác sẽ sống hoặc sẽ chết, người bác sĩ điều trị không những phải vận dụng kiến thức y khoa, mà họ còn phải vận dụng cả vốn sống của cả cuộc đời nhưng vẫn chưa thể đưa ra quyết định dứt khoát.
Khi còn là sinh viên Y3, trong một buổi trình bệnh án về “suy thận mạn”, thầy tôi kể, có những bệnh nhân suy thận giai đọan cuối nhưng đến quá trễ, gia đình đã bán hết tài sản, vay mượn không biết bao nhiêu tiền của để theo đuổi điều trị, nhưng chẳng bao lâu sau bệnh nhân vẫn chết mà nợ nần thì chồng chất.
Tại bệnh viện, khi điều trị bệnh nặng, các thầy thuốc thường theo phương châm: "Còn nước còn tát", nhưng thực tế thì đôi khi đã “tát hết nước" rồi mà vẫn chẳng giải quyết được gì cả, thậm chí còn làm tình trang hiện tại của gia đình bệnh nhân càng tồi tệ thêm. Người bệnh vẫn phải chết mà người sống thì trở thành "con nợ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét