Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

SỐNG GIẢN ĐƠN KHÔNG BẢO ĐẢM ĐƯỢC TƯƠNG LAI?

Thy Anh
simple living (thyanh photo)
Vui sống mỗi ngày @ blog : bài viết này để trả lời nhiều thắc mắc của bạn đọc gửi về blog liên quan đến  chủ đề  SỐNG GIẢN ĐƠN – AN LẠC.
          Nhiều người thắc mắc: "sống giản đơn tự nguyện không quan tâm tích lũy của cải vật chất,  chỉ cầu đủ dùng, như vậy có thể bảo đảm được tương lai khi gập bất trắc hay không?"
Đây là một câu hỏi khó nhưng không phải không có câu trả lời. Thật vậy, nhiều người tích lũy của cải không phải chỉ để làm giàu mà vì sợ tương lai không bảo đảm. Nhưng việc sở hữu thật nhiều của cải vật chất có thật sự mang lại an toàn cho tương lai hay đó chỉ là ảo tưởng? (xem thêm ...)
          Chúng ta sắm một tủ quần áo đề phòng đủ dùng trong mọi thời tiết, mọi dịp lễ hội nhưng có khi cả năm chỉ dùng một hai lần, vài năm sau đã hết mốt . . . Chúng ta xây một căn nhà thật to đề phòng khi có khách đến chơi hoặc có đủ chỗ để tổ chức party, nhưng lại rất ít có dịp sử dụng, rất lãng phí. Trong khi bao nhiêu người ở những căn nhà nhỏ hơn, tiết kiệm được điện nước, trang bị và chi phí bảo trì, tiền tiết kiệm được sẽ dùng vào những việc có ích hơn. Chúng ta cố mua một chiếc xe hơi thật to để có thể đi du lịch xa hoặc khi có người nhà bệnh cần đi cấp cứu. Nhưng xe hơi rất tốn xăng, nhiều khí thải, phải bảo trì mỗi năm, tìm chỗ đỗ xe cũng rất khó. Nghĩ lại thì thật ra mỗi năm chỉ đi du lịch có vài lần, cấp cứu thì may mắn thay, cũng chẳng có, mà nếu có đi du lịch xa hay cần đưa người đi cấp cứu, bạn có đủ sức lái xe đường dài hay chạy với tốc độ thật nhanh mà không gây tai nạn không? Gọi xe cấp cứu với đầy đủ thiết bị hồi sức trên xe có phải an toàn hơn không? Chúng ta cố mua các thiết bị điện tử như điện thoại, Ipod, laptop đời mới nhật để tránh tụt hậu, nhưng thật ra, chẵng bao giờ sử dụng hết các chức năng của chúng.
          Tích lũy thật nhiều của cải cũng không chắc đã an toàn vì chẳng ai biết chắc được tương lai sẽ xảy ra chuyện gì. Tài sản không chắc chắn thuộc mãi về mình. Thật vậy, tài sản là "vật chung" của năm tai họa: nước trôi, lửa cháy, giặc cướp, chính trị bất lương và con cái phá hoại. Hai tai họa do lụt lội và hỏa hoạn có thể hủy hoại của cải do mình làm ra. Giặc cướp và chính trị bất lương như tham nhũng có thể tước đoạt sự giàu sang của mình. Con cái phá hoại nghĩa là không chịu làm ăn, phung phí của cải tích cóp vật vả của cha ông. Hiện nay, còn có nhiều tai họa nữa, như chiến tranh, khủng bố, khủng hoảng kinh tế cũng có thể làm ta trắng tay trong chớp mắt. Không ai có thể tránh khỏi cái chết, cuộc đời là vô thường. Khi ra đi sẽ buông trôi tất cả, ngay cả của cải ta ra sức tích lũy bấy lâu nay cũng chẳng ai mang theo được, vậy tài sản thật sự có còn thuộc quyền sở hữu của ta nữa không? Lẽ dĩ nhiên, tích lũy vửa phải để đề phòng khi tuổi già hoặc gập bệnh tật tai nạn bất ngờ không thể nói là không phải. Nhưng nếu ta tích trữ tiền bạc đầy tủ mà chẳng chịu chia sẻ cho cha mẹ con cái hay làm các công việc xã hội từ thiện thì quả thật là vô ích.
          Ngày xưa, có một người nhà giàu, đem số vàng bạc châu báu không sữ dụng đi chôn dưới một gốc cây lớn trong hoa viên. Sau khi chôn đâu vào đấy rồi, mỗi ngày khi trời vừa sáng, thức dậy là ông liền đến thăm chừng một lần. Thứ nhất, để xem còn hay ,mất, thứ hai, để tận hưởng cái cảm giác hạnh phúc với số vàng bạc châu báu của mình chôn dưới đất. Ngày nào cũng đều làm như vậy. Lâu ngày làm cho người ta chú ý. Kết quả, số vàng bạc đó bị bọn trộm đào lấy đi hết.
Sáng hôm sau, như thường lệ, ông ra thăm số vàng bạc châu báu đó. Vừa thấy đất bị đào bới, kiễm tra lại thấy chẳng còn gì, ông xót của kêu trời kêu đấ, khóc than thảm thiết. Mọi người biết được, cùng nhau kéo đến an ủi, ai cũng tiếc cho số vàng bị mất của ông. Có người hỏi ông:
          - Vàng chôn ở đó bao lâu rồi? Có cần sữ dụng nó không?
Người nhà giàu vừa khóc vừa nói:
          - Tôi chôn hơn 10 năm rồi. Số vàng bạc châu báu này là chỗ dư thừa, có lẽ cả đời tôi cũng không dùng đến.
Lúc đó, có người khuyên ông:
          - Như vậy thì quá dễ giải quyết rồi. Ông có thể mang gạch đá chôn dưới gốc cây đó rồi cứ nghĩ rằng đó chính là vàng bạc châu báu. Mỗi ngày cứ ra thăm nom để tận hưởng niềm vui đó, bởi vì vốn dĩ cả đời ông cũng đâu dùng đến nó?

          Vậy người sống giản đơn tự nguyện phải sử dụng tài sản như thế nào cho hợp lý?

          Thứ nhất, phải biết sử dụng tài sản kiếm được vào những việc chính đáng mang lại hạnh phúc cho cả nhà. Nhưng phải chú ý điều độ, đủ dùng. Tuyệt đối không nên xa hoa lãng phí.
          Thứ hai, phải trích ra một phần thu nhập để dành, bất kể nhiều hay ít. Có thể gữi ngân hàng hay các tổ chức tín dụng . . . một khi xảy ra chuyện đột xuất cần sử dụng ta sẽ có thể xoay sở được vì khi gập những lúc cơ nhỡ, nhờ vả người khác không phải lúc nào cũng dễ. Do đó, tiết kiệm được lúc nào hay lúc nấy, cần tích trữ thì phải tích trữ, đó là việc làm đúng đắn trong việc sữ dụng của cải.
          Thứ ba, phải chia sẻ một phần thu nhập  làm từ thiện tức là làm những việc công ích như cứu trợ thảm họa, đóng góp cho giáo dục, văn hóa . . . Chẵng có ai bị nghèo đi do chia sẻ như vậy, mà trái lại, sự nghiệp càng thuận lợi phát triển, tâm hồn sẽ càng thêm thanh thản, hạnh phúc.
          Người biết sử dụng của cải như vậy đâu cần ra sức gom góp của cải làm chi cho mệt óc? Có như thế, tâm mới được thảnh thơi để vui sống mỗi ngày. (xem thêm . .)

1 nhận xét:

Quê hương nói...

Cảm ơn Bác sĩ! Ngẫu nhiên biết Blog của Bs, rất thú vị!