Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

MỘT NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH CUẢ THẾ HỆ CHÚNG TÔI

Bác sĩ Nguyễn Văn Đích


Gs Phm Biu Tâm vi sinh viên Y khoa SAI GON

Vui sống mỗi ngày @ blog: Có nhiều em sinh viên tò mò hỏi tôi:" Tại sao thầy chọn nghề bác sĩ ?" Nói ra thì có thể co nhiều người chẳng tin, tôi thi vào trường y cũng là do ý kiến của cha tôi. Thật sự tôi thích vẽ từ bé và rất mê được làm họa sĩ. Nhưng sau khi thi đỗ tú tài 2, cha tôi đã  khuyên tôi nên làm bác sĩ vì nghề này có thể "nuôi thân" được trong bất cứ chế độ nào, bất cứ xã hội nào . Qủa thật, mục đích của tôi khi vào trường y chẳng "cao cả" tí nào. Nhưng sau này, khi đã được tiếp xúc với các thầy, các đàn anh đáng kính trong trường và nhất là sau ngày tốt nghiệp, có dịp về làm việc tại một vùng quê nghèo hẻo lánh, tôi mới nhận thức rõ ràng, nếu người bác sĩ biết chọn cho mình một mục tiêu phục vụ đúng thì sống ở đâu cũng vẫn có thể giúp đỡ được mọi người mà không hề bị ảnh hưởng bởi những đổi thay của chế độ, nếu chúng ta làm việc tốt, thật sự vì người bệnh thì sớm muộn gì xã hội, kể cả những người không cùng chính kiến, cũng sẽ hiểu ra và trân trọng năng lực của mình. Đã có nhiều tấm gương như vậy ở trường đại học y khoa Sài Gòn sau năm 1975 và rất nhiều bác sĩ trong số đó, có người nay đã ra đi, có người vẫn còn đang làm việc rất được các bệnh nhân tin tưởng và các đồng nghiệp kính trọng.
Tôi xin gửi đến các em sinh viên y khoa  bài viết của một đàn anh và cũng là một người thầy của tôi ở trường Y Sài Gòn từ trước 1975, bác sĩ Nguyễn văn Đích. Bài viết nhắn gửi những tình cảm trân trọng đến một người thầy đáng kính của thế hệ chúng tôi, thế hệ các sinh viên y khoa Sài Gòn, thế hệ những sinh viên luôn biết kính trên nhường dưới.
Bài viết rất cảm động, hy vọng các em sinh viên y khoa sẽ rút ra được một bài học trong phép đối nhân xử thế.

TƯỞNG NIỆM GIÁO SƯ PHẠM BIỂU TÂM
Thày không dạy tôi cách khám bệnh hay chỉ tôi cách mổ nhưng thày đã ảnh hưởng sâu đậm đến sự học và hành nghề của tôi.
Khi tôi vào trường y khoa thì thày đã làm khoa trưởng. Thày đau nên vắng mặt một thời gian nhưng học trò vẫn nhắc đến “thày Tâm, thày Hữu” như những mẫu mực về tài năng, và đức độ. Thày Tâm cũng như thày Hữu không làm phòng mạch tư, không để tiền tài vật chất xen lẫn vào việc chữa bệnh vốn được coi là khoa học và không vị lợi, nêu gương sáng cho sinh viên về đời sống trong sạch và tinh thần học hỏi. Từ năm thứ tư, tôi được tuyển làm nội trú các bệnh viện và đã chọn ngành nội khoa nên không có dịp làm việc dưới sự chỉ dẫn của thày.
Tôi mong mỏi được đi Pháp học thêm để vào ban giảng huấn của trường nhưng cuộc chiến lan rộng bắt buộc tất cả các bác sĩ tốt nghiệp phải phục vụ trong quân ngũ. Không còn hy vọng về trường, tôi nhận học bổng đi Mỹ và về làm việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Trong những năm 1970 Tổng Y Viện Cộng Hòa là bệnh viện quân đội có uy tín do đó một ông nhà giàu có cô con gái độc nhất đi xe hơi từ Sài gòn lên Đà lạt bị bắn vào lưng, chạy chữa nhiều nơi mà vết thương không lành cũng xin vào Bệnh viện Cộng hòa tuy cô không phải là quân nhân và tôi không là bác sĩ giải phẫu! Ông nói: “Tôi có tiền, tôi mua cái gì cũng được nhưng không mua được sức khỏe cho con tôi!”. Tôi thăm khám, ngửi băng của vết thương thấy có mùi nước tiểu bèn chuyển cô sang bệnh viện Bình dân với chẩn đoán “dò đường tiết niệu” (ureteral fistula), sau đó tôi được thày khen vì đã chẩn đoán ngay chỉ bằng thăm khám lâm sàng. (xem thêm ...)
Thời cuộc biến đổi, đầu năm 1978 tôi từ trại cải tạo trở về đến sinh họat tại “Hội Trí Thức Yêu Nước” như được nhắn nhủ. Ai mà lại không yêu nước?. Gặp tôi, anh Trần tấn Trâm, một bác sĩ cùng làm với tôi tại TYV Cộng hòa ngày trước ôm lấy tôi, mách bảo những kinh nghiệm về cách sống và làm việc dưới chế độ mới. Anh chỉ phải học tập có 3 tháng, được cho về sớm vì là gia đình cách mạng, được coi là người có tinh thần yêu nước dù chưa giác ngộ cách mạng. Hôm đó là cuối năm âm lịch. Thày chủ tọa buổi họp với tư cách phó chủ tịch Hội Trí ThứcYêu Nước Thành Phố. Kiểm điểm công tác, thày nói: “Trong năm qua tôi có khuyết điểm đã bị đau ốm phải nghỉ mất sáu ngày…”. Khi đó tôi mới nhận ra rằng đau ốm cũng là một “khuyết điểm”. Khi thảo luận về kế họach đón Xuân, anh chị em có nhiều ý kiến khác nhau, thày Tâm hướng về phía chị V. Epsilon và nói: “Xin ý kiến chị V.”. Chị V. học dưới tôi hai lớp, là người nhanh nhẹn dễ thương, vì tầm vóc rất nhỏ bé nên được các bạn gọi là V. Epsilon. Chị được kết nạp Đảng sau Tết Mậu thân. V. Epsilon đỏ mặt lúng túng vì được thày “xin ý kiến”.
Thời gian qua đi, những sự căng thẳng và nghi kỵ phần nào giảm bớt, người ta phải công nhận khả năng và sự làm việc của các “trí thức tại chỗ”. Một hôm tôi được mời sang hội chẩn tại bệnh viện Bình dân về một trường hợp viêm túi mật ở một phụ nữ 42 tuổi. Thày chủ tọa hội chẩn, tham dự có bác sĩ Văn Tần và một bác sĩ ngọai khoa từ ngoài Bắc vào, tôi được mời vì làm nội khoa. Hội chẩn là một hình thức làm việc sau 1975 gồm một số bác sĩ chuyên môn họp bàn về những trường hợp mà chẩn đoán hoặc cách điều trị còn chưa rõ. Vào đầu những năm 1980 trong thời kỳ cấm vận, Việt nam rất thiếu phương tiện và chưa có siêu âm nên chẩn đoán chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng. Đồng nghiệp từ ngoài Bắc có ý chỉ trích các đồng nghiệp trong Nam là thường cắt túi mật trong những trường hợp nhiễm trùng đường mật vì theo ông thì bệnh lý đường mật chủ yếu là bệnh của ống mật chủ. Ông có thể đúng vì kinh nghiệm ở ngoài Bắc. Tôi hỗ trợ cho ý kiến của thày nói rằng tuy chúng tôi cắt túi mật nhưng vẫn dẫn lưu ống mật chủ. Quả thật sau 1975, bệnh tật ở trong Nam cũng thay đổi hẳn. Chúng tôi thấy rộ lên rất nhiều trường hợp lao đa dạng, lao ngoài phổi, lao màng não, cũng như nhiều trường hợp bệnh ký sinh trùng như sốt rét ác tính, áp xe gan do amíp, tràn mủ màng phổi do áp xe gan, giun chui ống mật, sạn ống mật chủ, viêm tụy cấp do giun sán, thiếu máu giun móc…ở đồng bào đi kinh tế mới, và do bón ruộng bằng phân người.
Sau hội chẩn tôi có dịp thăm hỏi thày. Thày cho biết vẫn mổ mỗi ngày “de peau à peau” (từ lúc rạch da đến lúc khâu vết mổ). Thày vẫn còn nhớ trường hợp cô D. bị dò niệu đạo mà tôi gửi cho thày từ mấy năm trước. Thày rất nhanh nhẹn vui vẻ và đơn giản. Rồi thày đứng dạy thay áo và nói “Để tôi đưa anh về”. Thày vẫn còn cái xe Deux Cheveaux nhỏ và cũ của Pháp. Tôi cảm kích vì sự bình dị của thày, tôi cảm ơn thày vì bệnh viện đã cho xe chở tôi về.
Khi nói chuyện về thày với bác sĩ Lê Xuân Chất, giáo sư cựu phó khoa trưởng đại học Y khoa Sài gòn trước 1975, bác sĩ Chất tỏ vẻ không đồng ý việc thày Tâm nhận chức giáo sư của chế độ mới: “Anh Tâm đã là giáo sư chính thức từ Pháp về, đã làm khoa trưởng mười chín năm, sao lại để cho được tấn phong giáo sư nữa?!”. Tôi đã làm nội trú với bác sĩ Chất từ khi ông du học ở Pháp và Mỹ về, là một đàn anh mà tôi rất thân cận. Ờ trường Y khoa chúng tôi có truyền thống tôn trọng đàn anh, coi người trên lớp là anh và tự xưng là em như trong một gia đình có thứ bậc. Sau 1975 bác sĩ Chất chỉ mới chung tiền đóng tàu, chưa kịp đi vượt biên thì đã bị bắt. Ông bị giam ở “Đồng Chó Ngáp” (?) ở Bến tre trong ba năm. Được thả về, ông không trở lại trường, chỉ khám bệnh tại nhà. Một số anh chị em có thể cho rằng thày Tâm quá mềm dẻo khi thấy thày xuất hiện hơi nhiều tuy rằng thày không nói và làm gì ngoài phạm vi chuyên môn.
Vào một ngày cuối năm tôi được mời tham dự buổi chiêu đãi mừng xuân do thành phố tổ chức trên tầng cao của khách sạn Rex. Tham dự có nhiều nhân vật trong số các trí thức tại chỗ, tôi nhớ có dược sĩ Nguyễn An Cư và nhiều người khác. Chủ tọa là ông Nguyễn Văn Linh lúc đó là Bí thư Thành Ủy. Sau nghi thức thường lệ, giáo sư Phạm Biểu Tâm được mời lên chúc Tết Bí thư Thành Ủy. Đây là một nhiệm vụ khó khăn và tế nhị, là một thử thách. Tôi hồi hộp không biết thày sẽ xử trí thế nào. Tôi thấy một ông già nhỏ bé, ốm yếu, xoay quanh một cái bục trước hội trường, đối diện là ông Nguyễn Văn Linh, ngồi yên không nhúc nhích. Tôi biết thày đắn đo rất nhiều, cân nhắc từng chữ. Thày nói rất khéo, tôi không nhớ được nguyên văn nhưng đại ý thày nói rằng “ Ông với tôi vốn không quen biết, vốn rất xa nhau, thông thường thì tôi không thể nào đến gần ông được nhưng trong buổi lễ hôm nay tình cờ cùng có mặt và theo thông lệ phải chúc Tết, tôi suy nghĩ không có gì để chúc đành mượn lời của Bác Hồ “Lương Y như Từ Mẫu” để chúc. Xin chúc Bí thư Thành Ủy và mọi người chúng ta sang Năm Mới được Lương Y như Từ Mẫu…..Để được “Lương Y như Từ mẫu” không phải chỉ là nhiệm vụ của thày thuốc mà của tất cả mọi người. Một anh làm trưởng phòng tổ chức, không có khả năng nhưng vì lý do gì đó phải ngồi vào chỗ trưởng phòng tổ chức thì cũng không phải là lương y như từ mẫu. Một dược sĩ trưởng khoa dược mà không cung cấp được đủ thuốc cho bệnh nhân thì cũng chưa phải là Lương Y như Từ Mẫu. Một anh tài xế lái xe, nếu không sẵn sàng có đủ xăng dầu khiến cho bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời thì cũng chưa phải là Lương Y như Từ Mẫu…”. Thày đã thẳng thắn nói đến những sự bó buộc khiến cho sự phục vụ bị hạn chế thí dụ như chức vụ trưởng phòng Tổ chức băt buộc phải là cán bộ nòng cốt của Đảng dù trình độ như thế nào.
Một thời gian sau, được tin thày Tâm bị tai biến mạch máu não, tôi đến thăm thày tại bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện Vì Dân cũ). Rất may thày chỉ bị nhẹ. Thày ngồi nói chuyện vui vẻ, khen các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị khiến cho thày bình phục sớm.
Sau khi ra viện hàng ngày thày đã đi bộ nhiều cây số từ nhà đến Trung tâm Hồi lực ở đường Bà Huyện Thanh Quan để tập vật lý trị liệu. Có lần bị biến chứng sau tai biến mạch não, thày nhắn bác sĩ Nguyễn Đương Tịnh gọi tôi đến nhà. Nhà rất kín cổng cao tường, cô và người trong nhà rất dè dặt thận trọng trước người lạ vì ngoài thày, không ai biết tôi là ai. Tôi thấy một bức chân dung của thày mà họa sĩ đang vẽ dở, với rất nhiều nếp nhăn ở mặt biểu lộ rất nhiều sự đau khổ.
Tôi hơi ngạc nhiên khi thày được đi Mỹ. Từ ngày sang Mỹ, tôi tâm nguyện sẽ đến thăm thày nhưng chưa làm được thì đã nghe tin thày từ trần. Tôi rất ân hận đã không kịp đến thăm thày ở Mỹ để bày tỏ tấm lòng đối với một vị thày dù trong nghịch cảnh vẫn giữ được tinh thần khảng khái, người đã đào tạo nên nhiều thế hệ bác sĩ nha sĩ và dược sĩ của trường Y khoa Sài gòn để làm việc vì Sự Thật, Tình Thương và Lẽ Phải.
Mồng Một Tết Mậu TÝ (7-2-2008)
Bác sĩ Nguyễn Văn Đích

Không có nhận xét nào: