Bs Nguyễn Văn Đích
Vui sống mỗi ngày @ blog:Xin gửi đến các bạn những ghi chép rất cảm động từ phòng khám cuả bác sĩ Nguyễn Văn Đích, một người thầy cuả tôi từ trước năm 1975, hiện đang sống tại Mỹ.
Bình minh một mùa đông xám - Jade Mellor |
Phòng khám bệnh sáng thứ bảy bận rộn nhất là khi trời trở lạnh. Những người lớn tuổi phải chờ đến thứ bảy con cháu nghỉ mới đưa đi thăm bệnh được.
Ông Q. 83 tuổi ghi tên vào đầu tiên. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi mới gặp ông cách nay hai tuần; ông bị tiểu đường, cao áp huyết đang điều trị rất tốt, tất cả các tiêu chuẩn đều đạt. Ngoài ra ông còn có tiền liệt tuyến lớn, thăm khám qua trực tràng thấy một nhân cứng, PSA 13.5; tôi đã bàn với ông và gia đình nhưng cả ông và gia đình đều không muốn làm gì thêm vì tuổi của ông đã cao, “nếu có sảy ra sự gì thì cũng chấp nhận”..Tuy cao tuổi nhưng ông vẫn minh mẫn, người tầm thước, dáng đi vững chắc, nói rõ ràng, nhớ từng tên thuốc và hàm lượng. Ông có cá tính đặc biệt, rất đúng giờ, rất nghiêm chỉnh, xử sự đúng nguyên tắc. Những người con đưa ông đến đều phải ngồi chờ ở ngoài, khi tôi mời họ vào, trước mặt ông dù họ đã lớn tuổi đều phải đứng khoanh tay, không dám ngồi. Ông có bảy người con, năm ở Mỹ, hai ở Việt nam. Tôi hỏi cô con gái rằng ở nhà thì sao, cô nói :” Khi một đứa có lỗi, ông triệu tất cả các con lại để giảng cho nghe, sau đó người có lỗi phải xin lỗi bố mẹ trước mặt anh chị em và hứa không tái phạm”. Tôi được biết trước đây ông làm tham mưu trưởng một đơn vị. Tôi thầm nghĩ chắc là những người tham nhũng, lười biếng, quen chạy chọt và nịnh hót khó chịu với ông lắm. Tôi nói:”Nếu tất cả các bệnh nhân như ông thì việc chữa bệnh dễ dàng hơn biết bao nhiêu!”.
Ông lấy ra một tờ giấy kẻ ô khổ lớn giống như bản tường trình của một công ty trên đó ông ghi rõ ngày, giờ, số áp huyết tâm thu, tâm trương, mạch, giờ uống của từng thứ thuốc. Những con số cao hơn bình thường ông ghi bằng mực đỏ. Ông chỉ cho thấy rằng trong mấy ngày qua áp huyết bổng nhảy lên cao, áp huyết tâm thu có khi lên đến 170, nhịp tim cũng hơi tăng trong khi trong mấy tháng liền áp huyết ở mức bình thường, cao nhất là 135 và thuốc men không thay đổi. Tôi thấy ông lộ vẻ lo lắng, điều chưa từng thấy ở ông. Tôi nghĩ ngay đến yếu tố tâm lý. Vợ ông, bà Đ. đã chết vì ung thư gan. Năm ngoái ông đã đem tro của bà về Việt nam Vợ chồng sống với nhau sáu mươi năm có bảy mặt con, bây giờ một người đã chết, chỉ còn là một hũ tro. Tôi nghĩ rằng sau lễ Tạ Ơn, người ta đua nhau mua sắm, nhạc Giáng Sinh reo vang, các nhà trang hoàng đèn hoa, những người trẻ đi ăn đi chơi, sum họp gia đình, những người già như ông đứng ở ngoài lề, thấy số ngày của đời mình ngắn lại. Sự nhộn nhịp cuối năm làm cho họ nhớ lại những ngày còn trẻ, những ngày đó đã mất đi, không bao giờ lấy lại được cũng như những người thân đả mất không bao giờ gặp lại. Tôi hỏi ông một vài câu. Ông nhận rằng mấy ngày vừa qua không ngủ được và suy nghĩ nhiều. Tôi chia sẻ với ông một số điều tâm sự. Một tuần sau ông trở lại, áp huyết bình thường, giọng nói vẫn rõ ràng như ngày nào.
Ông P. 81 tuổi ngồi thu mình trên ghế, ông nói rất nhỏ: “Tôi ho, bị mất tiếng”. Tôi hiểu được ý nghĩa chữ “mất” của ông. Người khác sẽ nói ”Tôi bị khan tiếng” nhưng ông đã chọn chữ “mất” vì ông đã bị mất nhiều và lo ngại bị mất thêm nữa! Ông bị tai biến mạch não đã trên hai mươi năm, từ khi còn ở Việt nam, làm cho ông bị liệt nửa người bên trái. Theo tôi ông vẫn còn may mắn vì những người bị tai biến mạch não mà tôi gặp ở Việt nam thường bị tái phát và ít người sống được lâu. Ông là người hiểu biết và có chí khí. Tôi được biết vợ ông trong những năm khó khăn sau 1975 đã đứng bán bánh mì ở trước cửa bệnh viện Nguyễn văn Học mà tôi thường ra mua mỗi buổi sáng sau phiên trục đêm. Bà đã tần tảo nuôi tám người con. Ông gầy ốm, tay trái co quắp, chân trái cứng đơ. Mấy năm trước ông có con chó con, và thường dẫn chó đi để tập luyện, con chó đi nhanh hơn ông nên thỉnh thoảng lại làm ông ngã. Từ ngày con chó chết và ông cũng yếu hơn nên không còn đi được nhiều nữa. Ông có xe lăn nhưng vẫn muốn chống gậy để đi nhưng mỗi khi đứng dậy lại hay bị ngã. Bà vợ thường la: “Đã bảo là phải để hai chân thẳng rồi hãy đứng lên chứ cứ đang ngồi vắt chéo chân mà đứng dậy thì nhất định là phải ngã chứ còn gì nữa!”. Ông không nói gì nhưng quả thực chân trái của ông cứng đơ, lại hơi lệch vào trong, bắp thịt teo nhỏ vì liệt nên không điều khiển được chứ không phải vì ông không muốn đứng thẳng. Ông còn bị bệnh động mạch ngọai biên ở chân trái, tôi đã tham khảo hai bác sĩ giải phẫu mạch máu nhưng cả hai đều từ chối, không muốn can thiệp. Ông đi siêu vẹo như cái nhà sắp đổ, dù được cô con gái đỡ một bên. Ông biết đói nhưng không muốn ăn. Tôi hỏi “Ông buồn?”.Ông nói” “Tôi thấy sống chẳng đựoc ích gì, chỉ làm khổ vợ con!”. Tôi khuyên giải: “Ông đã làm việc nhiều rồi, bây giờ ông có quyền nghỉ để cho con cái làm việc trả lại. Cuộc đời tuy bảy, tám mươi năm nhưng cũng chẳng lâu gì, sự có mặt của ông vẫn cần để cho con cháu trông vào, noi gương mà cố gắng làm việc và học hành”. Ông yên lặng. Cô con gái vui vẻ nói: “Ba chịu khó ăn để lấy lại sức, con sẽ đi mua thuốc về cho Ba”. Không khí có vẻ đỡ buồn nản. Tôi hơi mừng vì tuy ông đã đến phòng mạch nhiều lần nhưng chưa bao giờ cô con gái út lại đưa ông đi khám và còn tỏ vẻ quan tâm. Cô trẻ và khỏe mạnh, bộ ngực no tròn. Cô vẫn đựơc coi là đứa con hư trong gia đình vì uống rượu, hít cocaine, bỏ việc làm, có khi lên cơn la hoảng, nghe tiếng nói, đập phá hoặc ngược lại nằm trong buồng suốt ngày. Hôm nay cô vui vẻ đưa bố đi khám bệnh như những người con khác. Cô nói:”Cái thuốc Bác cho con uống vào thấy khỏe và ngủ được”. Tôi khuyến khích: “Cô tiếp tục uống thuốc rồi săn sóc cho bố!”. Cô đỡ ông đi ra, vẫn dáng đi siêu vẹo, nghiêng bên này, ngả bên kia, rất khó khăn vất vả nhưng ông vẫn cố đi.
Tôi đứng nhìn theo, thầm nghĩ mùa Đông còn dài!
xem thêm: phải chăng y khoa lâm sàng đang chết dần?
cô y tá trẻ và ông bác sĩ gìa
Sống giản đơn hạnh phúc hơn
WIT (HBO) - trí tuệ và cảm xúc
xem thêm: phải chăng y khoa lâm sàng đang chết dần?
cô y tá trẻ và ông bác sĩ gìa
Sống giản đơn hạnh phúc hơn
WIT (HBO) - trí tuệ và cảm xúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét