Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

KẺ ĂN MÀY

Young-beggar-and-office-workers

Một người ăn mày đến trước một trang viên, gặp nữ chủ nhân để ăn xin. Người ăn mày này rất tội nghiệp, cả cánh tay cũng bị cụt, tay áo trống trải đung đưa, người nào trông thấy cũng đều khẳng khái bố thí cho. Tuy nhiên, vị chủ nhân này lại không hề khách khí, chỉ ra đống gạch trước cửa nói với người ăn mày:
- “Ngươi giúp ta chuyển đống gạch này ra nhà sau đi”.
Người ăn mày giận dữ nói:
- “Tôi chỉ có một tay, bà còn nhẫn tâm bảo vác gạch. Không muốn cho thì thôi vậy, cần chi phải trêu ghẹo người khác ?”
Vị chủ nhân không chút nổi giận, cúi người xuống bắt đầu dọn gạch. Bà ta cố ý chỉ dùng một tay để chuyển, sau đó bà nói:
- “Ngươi thấy đấy, không phải chỉ dùng hai tay mới có thể sống được. Ngươi có thể làm, vậy tại sao lại không làm chứ ?”.
Người ăn mày lặng người đi, hắn ta nhìn vị nữ chủ nhân với ánh mắt kỳ dị, trái cổ nhô nhọn giống như một quả trám chuyển động lên xuống 2 lượt. Cuối cùng, hắn cuối người xuống, dùng cánh tay còn lại bắt đầu chuyển gạch. Một lần chỉ có thể chuyển đi hai viên gạch. Hắn chuyển như thế đúng hai tiếng đồng hồ thì hết đống gạch. Mệt, hắn thở như bò kéo xe, trên mặt dính đầy bụi, mấy chòm tóc rối bị mồ hôi ướt dính xéo trên góc trán.
Vị nữ chủ nhân đưa cho người ăn mày một cái khăn lông trắng như tuyết. Người ăn mày đón lấy lau mặt và cổ một lượt rất kỹ, chiếc khăn lông trắng đã biến thành chiếc khăn lông đen. Người phụ nữ lại đưa cho hắn 20 đô-la, người ăn mày cảm kích nói:
- “Cảm ơn bà”.
- “Ngươi không cần cảm ơn ta, đây là tiền công ngươi kiếm được dựa vào sức lực của mình”.
Người ăn mày nói:
- “Tôi sẽ không quên bà, để cho tôi giữ làm kỷ niệm vậy”.
Nói xong, hắn cúi người chào thật thấp và sau đó lên đường.
Qua nhiều ngày sau lại có một người ăn mày khác đến trang viên này. Người phụ nữ đó lại dẫn người ăn mày vào nhà sau, chỉ đống gạch, và nói:
- “Chuyển đống gạch này ra trước nhà, ta sẽ trả cho ngươi hai mươi đô-la”.
Người ăn mày với hai tay còn nguyên vẹn này bỏ đi, không biết là do không thèm 20 đô-la hay do điều gì khác.
Người con của người phụ nữ không hiểu, liền hỏi mẹ:
- “Lần trước mẹ kêu ăn mày chuyển đống gạch này từ trước nhà ra sau nhà. Lần này mẹ lại kêu ăn mày chuyển gạch từ sau nhà ra trước nhà. Rốt cuộc mẹ muốn đống gạch ở sau nhà hay là ở trước nhà ?”.
Người mẹ nói với con rằng:
- “Gạch đặt trước nhà hay sau nhà đều như nhau, nhưng chuyển hay không chuyển, đối với người ăn mày mà nói, thì lại không giống nhau”.
Sau này cũng có mấy người ăn mày đến xin ăn, đống gạch đó được chuyển đi mấy lượt.
Vài năm sau, có một người rất chỉnh tề đến trang viện này. Ông ta mặc veston, mang giày da, trông chững chạc hiên ngang như những người thành công với sự tự tin và tự trọng, chỉ có điều là người này chỉ có một cánh tay trái. Ông ta cúi người xuống, nói với vị nữ chủ nhân đã có phần già đi:
- “Nếu không có bà, tôi vẫn chỉ là một kẻ ăn mày. Thế nhưng bây giờ tôi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty”.
Người phụ nữ đã không còn nhớ ra ông là ai, bà hờ hững nói:
- “Đấy là do chính bản thân ông làm ra mà thôi”.
Người Chủ tịch Hội đồng Quản trị một tay đã mời người phụ nữ cùng cả nhà bà dọn đến thành phố sống những ngày thoải mái. Người phụ nữ nói:
- “Chúng tôi không thể nhận sự chăm sóc của ông được”.
- “Tại sao ?”
- “Bởi vì cả nhà chúng tôi ai cũng có hai tay”.
Người chủ tịch tuy đau lòng nhưng vẫn kiên trì:
- “Thưa bà, bà giúp tôi hiểu được thế nào là Nhân, thế nào là Nhân cách. Căn nhà đó là tiền công mà bà đã dạy cho tôi”.
Người phụ nữ nói:
- “Vậy thì ông đem căn nhà ấy tặng cho người nào không còn cánh tay nào cả !”.
CHIA SẺ CHÚT SUY TƯ
KẺ ĂN MÀY
1. Nữ chủ nhân.
Cung cách sống của người nữ chủ nhân thật đáng khâm phục. Bà biết khơi dậy lòng tự trọng và đánh thức năng lực làm việc đã bị thương tổn và đi dần đến mai một vì mặc cảm hay vì những cú va chạm vào tình đời lạnh lùng đầy cay đắng.
Đây thật sự là một sự chia sẻ đúng đắn. Không phải là những đồng tiền buông ra bố thí một cách dễ dãi hay hào phóng, dù thật sự từ lòng tốt hay để mua danh.
Sự chia sẻ ở đây là vực dậy một nhân cách đã có chiều hướng thoái hóa, không còn biết nhận ra sự cao quý của con người là “cần lao”, là cần cù làm việc không ngừng, làm việc với tất cả khả năng để góp phần làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn.
“Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (Kinh Thánh. St.2,15).
Đánh mất niềm vui “cần lao”, ý nghĩa cao cả của “cần lao”, con người có nguy cơ đánh mất giá trị nhân vị làm nên một con người biết sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Thế nên, con người có nhân cách, luôn muốn được “làm việc”. luôn khát khao được làm việc. Vì thật sự, một ngày nào không làm việc, đó là ngày sống trong địa ngục (xem Nơi đây chính là Địa Ngục).
Nhận ra được điều đó, ta mới thấy rằng, người cho ta tiền không quý bằng cho ta công việc. Người cho ta công việc không quý bằng cho ta nhân cách – đúng hơn, là  giúp ta sống có nhân cách, giúp ta phục hồi nhân vị của mình nếu ta đã đánh mất hay đã làm tổn thương nó.
- “Thưa bà, bà giúp tôi hiểu được thế nào là Nhân, thế nào là Nhân cách. Căn nhà đó là tiền công mà bà đã dạy cho tôi”.
Có nhân cách, ta có công việc, có công việc ta có cuộc sống ý nghĩa. Có cuộc sống ý nghĩa là ta hiểu giá trị đồng tiền, biết cách tạo ra nó và biết cách xử dụng nó để sống hạnh phúc.
Nữ chủ nhân trong câu chuyện hôm nay thật cao thượng. Bà ấy không nhắm đến một phần thưởng nào từ công đức của mình. Điều bà ấy muốn, là giúp cho “kẻ ăn mày” nhận ra phẩm giá của chính mình và nhận tình thương chia sẻ của đồng loại một cách có trách nhiệm. 
Người phụ nữ nói:
- “Vậy thì ông đem căn nhà ấy tặng cho người nào không còn cánh tay nào cả !”.
2. Kẻ ăn mày
Có thể thấy 3 hạng người ăn mày trong câu chuyện hôm nay.
# Kẻ ăn mày bằng lòng với hiện tại.
Những người ăn mày này, khi có việc làm thì cũng làm vậy, nhưng họ bằng lòng với hiện tại. Không phấn đấu vươn lên, vì họ không tìm thấy niềm vui trong công việc. Không phát huy hết tiềm năng thiên phú trong con người họ. Họ lánh nặng tìm nhẹ, chọn cái dễ loại cái khó. Bỏ qua những cơ hội vươn lên vì muốn an phận. Đời buông xuôi theo những dễ dãi của bản năng. Tìm vui bên những hưởng thụ tầm thường và thấp hèn.
Sau này cũng có mấy người ăn mày đến xin ăn, đống gạch đó được chuyển đi mấy lượt.
# Kẻ ăn mày biếng nhác.
Anh ta  là người mạnh lành, “còn đủ đôi tay”, nhưng từ chối làm việc.
Qua nhiều ngày sau lại có một người ăn mày khác đến trang viên này. Người phụ nữ đó lại dẫn người ăn mày vào nhà sau, chỉ đống gạch, và nói:
- “Chuyển đống gạch này ra trước nhà, ta sẽ trả cho ngươi hai mươi đô-la”.
Người ăn mày với hai tay còn nguyên vẹn này bỏ đi, không biết là do không thèm 20 đô-la hay do điều gì khác.
Trong xã hội hôm nay, hạng người ăn mày này ta thấy rất nhiều. Biến dạng dưới nhiều hình thức, sinh ra đủ thứ tệ nạn xã hội. Họ là những người chỉ thích “ngửa bàn tay nhận tiền” mà không muốn nhỏ một giọt mồ hôi nào. Họ không muốn làm việc.
Thời xưa, ngay khi còn Tiểu Học, học sinh đã được dạy: “Những người ăn không ngồi rồi, không chịu làm việc, sống bám vào người khác, là những ký sinh trùng xã hội”.
# Kẻ ăn mày đã vượt qua chính mình.
Chính là người ăn mày chỉ còn một cánh tay. Ông vượt qua lòng tự ái vụn vặt, biết đối diện với sự thật khi nhìn nữ chủ nhân chuyển gạch một tay. Ông thức tỉnh.
Ông ra sức làm việc, làm việc với tất cả khả năng mình, trong điều kiện và hoàn cảnh của riêng mình.
Cuộc đời ông thành đạt không phải từ sự giúp đỡ tiền bạc, mà từ sự giúp đỡ sức mạnh tinh thần cho ông sống đúng nhân vị của mình.
Ông biết nhận ra ai thật sự là người “bố thí” cho ông vì tình thương thật lòng, và biết nhận ra “của bố thí” nào  là thật sự cần thiết cho mình.
Có hiểu được những điều đó, ông mới mở lòng trí mình ra để kính phục và tri ân người đã đưa ông trở về vị trí đích thực của con người trong nấc thang cuộc sống.
“Người cho thì im lặng, người nhận thì nói lên”, Thật may mắn cho ông,  ông là một người “biết nhận” và “biết nói lên”, còn Nữ chủ nhân là người “biết cho” và “biết im lặng” !
Ông ta cúi người xuống, nói với vị nữ chủ nhân đã có phần già đi:
- “Nếu không có bà, tôi vẫn chỉ là một kẻ ăn mày. Thế nhưng bây giờ tôi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty”.
Người phụ nữ đã không còn nhớ ra ông là ai, bà hờ hững nói:
- “Đấy là do chính bản thân ông làm ra mà thôi”.
Bạn đọc thân mến,
Một chút suy tư trong những ngày đầu năm Dương lịch 2012, để cùng bạn đọc nhìn lại đoạn đường một năm qua, bên ly rượu chén trà, trong những phút tĩnh lặng, ta tự hỏi lòng mình:
Mình đã làm được gì ?
Làm thế nào ?
Làm với tâm trạng ra sao ?
Để ta có một cuộc đời vui sống
và sống có ý nghĩa.    

MAI NHẬT THI
Đầu năm DL, 01.01.2012.

xem thêm : lẻ vô thường và sự bình an trong cuộc sống

Không có nhận xét nào: