Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

BÁC SĨ CÓ PHẢI LÀ MỘT NGHỀ CAO QUÝ?

Thy Anh
Nhiều người cho rằng có những nghề "cao quý" hoặc "sang" hơn những nghề khác, ví dụ như nghề bác sĩ chẳng hạn ( ! ) nhưng xét cho kỹ, nhận định này lại không hề đúng.
Thật vậy, trong công việc không có sang hèn, không có đẵng cấp. Trong công việc, chỉ có sự lớn hay nhỏ của "phạm vi" công việc mà thôi. "Chức vu" trong công việc cũng thế, chẳng qua là do năng lực của mọi người với công việc có sự chênh lệch nên địa vị, quyền hạn phải phân chia cao thấp. Một số người do năng lực thấp hơn người khác nên địa vị trong công việc thấp hơn một chút, nhưng đừng lầm tưởng địa vị thấp đồng nghĩa với nhân cách người đó thấp. Chỉ cần chúng ta luôn giữ được sự chân chính trong mục đích thì đều có lợi cho mình và cho mọi người.  Sự chân chính không tùy thuộc vào bản thân công việc mà tùy vào tâm lý, phương pháp và mục đích của ta đối với công việc ấy. (xem thêm ...)
Thế nào là một công việc chân chính?
Một công việc chân chính phải hội đủ ba yếu tố, một là công việc đó không làm tổn thương đến cuộc sống vật chất và tinh thần của người khác. Hai là công việc đó không chỉ có lợi cho bản thân mà còn phải có lợi cho mọi người. Ba là khi làm việc một cách chân chính, phải quên bớt lợi ích bản thân để nghĩ nhiều hơn đến lợi ích cho mọi người.
Vậy, thế nào là một bác sĩ  chân chính?
1# Một  bác sĩ chân chính sẽ không điều trị "quá chỉ định" để bán được nhiều thuốc, sẽ không dụ dỗ bệnh nhân chấp nhận những cuộc mổ không cần thiết và đầy rủi ro để lấy tiền, vì những việc làm đó có thể để lại nhiều tổn thương tinh thần và vật chất cho người bệnh. Một bác sĩ chân chính sẽ không phủi tay chối bỏ trách nhiệm khi lỡ tay làm tổn hại bệnh nhân . . . vì thái độ đó sẽ khiến mình trở nên ỷ lại, không thể tiến bộ và làm mất niềm tin trong cộng đồng với chính mình và cả ngành y tế mà mình đang phục vụ.
2 # Một bác sĩ chân chính sẽ phải học liên tục để không ngừng nâng cao khả năng chuyên môn, để có thể cứu chữa được nhiều bệnh nhân phức tạp hơn nữa. Họ phải tìm cách tự học hoặc tham gia những khoá học sau đại học để đạt chuẩn chất lượng của một bác sĩ  trình độ cao, nhưng không bao giờ chấp nhận cái gọi là "bằng giả" hoặc "học giả - bằng thật" để tiến thân. Thật vậy, mảnh bằng lấy được kiểu ấy chỉ có thể giúp một ai đó tăng thu nhập và leo lên một chức vụ cao trong một xã hội còn chưa biết quan tâm  đến "chất lượng" mà chỉ coi trọng "số lượng" vì căn bệnh "thành tích" mà thôi. "Học giả bằng thật" có thể giúp các vị bác sĩ ấy "đánh lừa" được các bệnh nhân của mình nhưng không thể qua mắt được các đồng nghiệp. Do đó, để giữ "thể diện" và giữ được "chiếc ghế" của mình, họ thường phải sử dụng vô số thủ đoạn xấu xa có hại cho mọi người, cho xã hội. Một giám đốc bệnh viện, một bộ trưởng trong ngành y tế nếu làm việc không chân chính, không làm tròn trách nhiệm được giao vì năng lực không phù hợp mà vẫn ngoan cố làm, thì quả thật, còn kém xa một chị y công khiêm tốn nhưng cần mẫn và luôn hoàn thành nhiệm vu.
3 # Một bác sĩ chân chính có thể chấp nhận thu nhập bớt hơn một ít nhưng vẫn vui vẻ làm nếu đó là một công việc phù hợp nhất với năng lực chuyên môn của mình. Thật vậy, hạnh phúc nghề nghiệp không chỉ quyết định bời thu nhập cao hay thấp mà tùy thuộc chủ yếu vào vấn đề công việc đó có đúng sở thích, có phù hợp khả năng chuyên môn của mình để đạt được hiệu quả phục vụ tốt nhất cho mọi người  hay không.
Nghề bác sĩ  có đáng quý hay không là tùy vào tâm lý, phương pháp và mục đích của ta đối với nghề ấy có được  chân chính hay không.
Nghề nào cũng đáng quý như nhau nếu đó là một công việc chân chính và được hành nghề một cách chính đáng.
tài liệu tham khảo: "an lạc từ tâm" và 'tu trong công viec" ; thiền sư Thích Thánh Nghiêm

Không có nhận xét nào: