Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

LẼ VÔ THƯỜNG VÀ SỰ BÌNH AN TRONG CUỘC SỐNG phần 3

BS NGUYỄN QUÝ KHOÁNG
      (VN,tháng 6 năm 2011)  

   IV- LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ BÌNH AN TRONG CUỘC SỐNG?

      Để có được bình an trong cuộc sống,theo tôi,hãy làm những bước sau đây:

   A/ QUÁN CHIẾU LẼ VÔ THƯỜNG CỦA ĐỜI SỐNG,XEM CUỘC ĐỜI NHƯ GIẤC MỘNG

 Vạn vật trên thế gian này luôn chuyển động không ngừng,do đó thay đổi thường xuyên và có ngày phải tàn và tan rã.
     Trong Tăng Chi Bộ Kinh,khi giảng cho ngài Cấp Cô Độc về công đức của sự cúng dường,Đức Phật có nói: “Công đức lớn nhất trong tất cả các cách cúng dường là quan sát sâu sắc Đạo lý vô thường của sự vật.”
      Ngoài ra,Kinh Kim Cương kết thúc bằng 4 câu kệ rất quan trọng:

      “Nhất thiết hữu vi pháp             Tạm dịch    “Tất cả các pháp hữu vi

        Như mộng huyễn bào ảnh,                            như mộng,giả,bọt,bóng,

        Như lộ diệc như điển                                     như sương cũng như điện chớp,

        Ứng tác như thị quán”                                   nên khởi quán như thế”.

“Hữu vi”là tất cả những gì có tướng mạo nên đều vô thường và sanh diệt.

Tất cả các pháp hữu vi đều như giấc mộng,đều giả hợp như bọt nước trên đường khi mưa rơi,như bóng người và vật in trên tường trong ánh nắng mặt trời,như giọt sương trên hoa lá lúc ban mai cũng như luồng điện xẹt do sét đánh khi sắp mưa.
Ta hãy thường xuyên nên nghĩ cuộc đời là như vậy.Có đó mà không đó, “sắc sắc không không”.Trên đời này,đâu có gì là bền vững,đâu có gì là bất biến.
Quán như vậy,ta mới hàng phục được Tâm,mới an trụ được Tâm.
      Mặc dù biết đời là mộng nhưng chúng ta vẫn phải có bổn phận tránh làm các điều ác, nên làm các điều lành vì “nhân giả nhưng cũng có quả giả”và nghiệp báo sẽ theo ta như bóng với hình ngay trong giấc mộng.Để áp dụng trong việc sửa mình cho thật tốt,chúng ta nên nhớ lời một bậc Thầy Mật tông đã dạy:
     “Hãy luôn luôn nhận thức rõ ràng tính mộng huyễn của cuộc đời để giảm bớt luyến ái và thù ghét.Hãy có tâm tốt đối với mọi loài,có tâm thương xót bất kể kẻ khác đối xử với bạn ra sao.Những gì người khác làm đối với  bạn không quan trọng khi bạn xem chúng là mộng huyễn.Cái chính là bạn phải có những ý định tốt trong giấc mộng ,Đây là điểm cốt yếu.Đây đích thực là tu tâm.”

    B/ ĐỪNG XEM CÁI TÔI MÌNH TO QUÁ

    Lý Vô ngã là một trong các giáo lý căn bản của Đạo Phật và độc nhất vô nhị vì không có tôn giáo nào trên thế giới lại phủ nhận cái Ta như Đạo Phật cả.
    Đây không phải là một giả thuyết mà là một chân lý được soi sáng bằng sự thực chứng của Trí Tuệ.Khi đưa ra lý Vô ngã,Đức Phật không phải bảo chúng ta xoá bỏ cái thân này mà chỉ muốn chúng ta đừng có chấp vào nó,cho rằng nó có thật để bị dính mắc va tham và sân.
    Đừng tự đề cao mình quá vì mình còn nhiều hạn chế:
-Mình chịu sự chi phối bởi luật của tạo hoá: sinh,lão,bệnh,tử.
-Hiểu biết của mình còn nhiều hạn chế.
-Hãy khiêm tốn,đừng quan trọng hoá mình quá.
    Mình cũng có thể phạm lỗi như mọi người,do đó mình nên thông cảm,bao dung,tha thứ lỗi lầm của người khác.
    Thấy đời là giấc mộng,thấy mình là vô ngã thì ta sẽ tránh được “stress” vì tám ngọn gió(bát phong) không lay chuyển được ta:
-ĐƯỢC: được tài lợi,tâm không xao xuyến
-MẤT: bị thiệt hại,lòng vẫn thản nhiên
-KHEN: được công kênh,tâm vẫn như không
-CHÊ: bị huỷ nhục,lòng không bực tức
-VINH: được ngợi khen,tâm vẫn bình thản
-NHỤC: bị chê bai,lòng không biến đổi
-VUI:  được việc vui,tâm không xao động
-KHỔ: gặp khổ đau,lòng vẫn an nhiên.

      C/HÃY THƯƠNG YÊU TẤT CẢ CHÚNG SINH

      Thấy rõ được là lẽ vô thường không chừa một ai,ta hãy thương mọi người vì họ cùng cảnh ngộ với mình.
      Cuộc đời như tấm gương phản chiếu vì khi mình mỉm cười thì trong gương cũng cười lại còn nếu mình giơ nắm đấm lên thì trong gương cũng giơ nắm đấm lại.
Dadi Yanhi,hiện thân của giá trị chuyển hoá tinh thần của thời nay đã nói: “Nếu bạn gửi đi một nụ cười,bạn sẽ nhận lại nụ cười,vậy thì hãy gửi đi những nụ cười.
Teilhard de Chardin
Thế giới ngày nay ,con người có rất nhiều thứ nhưng cái họ thiếu nhất lại là sự bình an và tình yêu thương.Vậy hãy gửi đi tình yêu thương,bạn lại nhận được tình yêu thương.Hãy sống vì một thế giới tràn đầy tình yêu thương.”
       Luật nhân quả thì quá rõ ràng nhưng ta phải hiểu định luật này theo 3 thời: quá khứ,hiện tại,vị lai vì nhân gieo xuống thì phải đủ duyên,quả mới trổ.Chúng ta đừng thấy những gì diễn ra trước mắt mà vội kết luận là luật nhân quả không đúng,là “Trời không có mắt”.Teilhard de Chardin,nhà thần học nổi tiếng của Pháp,đã nói trong quyển: La vie vaut d’être vécue (Đời đáng sống) là tại sao chúng ta công nhận có những định luật về vật lý trong vũ trụ trong khi chúng ta lại không tin có những định luật về luân lý và đạo đức trong thế giới tinh thần.Trong Đạo Phật có một câu rất hay:

“Muốn biết kiếp trước người đó thế nào thì hãy xem kiếp này của họ,

  Muốn biết kiếp sau người đó thế nào thì hãy xem họ sống ra sao trong kiếp này.”

Vậy ta là chủ vận mệnh của mình,hạnh phúc hay đau khổ là do chính ta quyết định chứ không do bất cứ một ai khác,một đấng nào khác.
Vì thế,ta nên giữ ý nghĩ,lời nói,việc làm trong sạch để tạo những nghiệp tốt.
      Đức Dalai Lama,một trong những nhân cách đáng kính nhất của thời hiện đại có nói: “Tôi không quan tâm đến tôn giáo của bạn hoặc bạn là người có tôn giáo hay không.Điều thật sự quan trọng đối với tôi là thái độ của bạn trước đồng loại,gia đình,công việc,tập thể và thế giới.Bạn hãy nhớ rằng vũ trụ phản ảnh các hành động và suy nghĩ của bạn…
-Hãy cẩn trọng với những ý nghĩ của bạn vì chúng sẻ trở thành lời nói,
-Hãy cẩn trọng với lời nói vì chúng thành hành động,
-Hãy cẩn trọng với hành động vì chúng thành thói quen,
-Hãy cẩn trọng với thói quen vì chúng tạo nên cá tính của bạn,
-Hãy cẩn trọng với cá tính của bạn vì nó tạo ra định mệnh của bạn
và định mệnh của bạn chính là cuộc đời của bạn…và…”
          Từ 3 nhận thức trên đây,ta hãy để Tâm mình buông xả,không chấp vào một điều gì,không dính mắc vào bất cứ cái gì.Xả ở đây xuất phát từ sự hiểu biết,niềm cảm thông,lòng bao dung.Xả là lòng an tịnh,quân bình,không phân biệt người với mình.Cái tôi càng nhỏ thì tâm xả càng trọn vẹn:
-Từ tâm xả này,ta sẽ có tâm  hỷ nghĩa là vui với cái vui của người khác thay vì có tâm ganh ghét một cách nhỏ nhen.
-Từ tâm xả này,ta sẽ có tâm bi nghĩa là thương những người nghèo đói, bị bệnh tật, gặp hoạn nạn,đau khổ về thể xác và tinh thần.
-Từ tâm xả này,ta sẽ có tâm từ nghĩa là thương yêu tất cả mọi người,mọi sinh vật một cách không phân biệt,thậm chí đến cả cỏ cây.

                               --- MỘNG HUYỄN    ---
VÔ THƯỜNG      ---  VÔ NGà               --- XẢ  --- HỶ --- BI ---TỪ  ---BÌNH AN
                               ---  TÌNH THƯƠNG   ---


Không có nhận xét nào: