Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

HOMESTAY GIỒNG TRÔM BẾN TRE, KHÁM PHÁ TRÀ VINH


bài viết của Sáo Sành & Thy Anh

nhà bà ngoại
          Homestay là loại hình du lịch thong thả giúp ta có thể trải nghiệm nhiều hơn trong mỗi chuyến đi. Chúng ta sẽ cùng ăn cùng ở với gia chủ. Gia chủ có thể là một người thân, một người quen hay một gia đình chuyên làm du lịch tại địa phương. Từ nơi tạm trú, chúng ta sẽ thong thả khám phá các địa danh gần đó và khám phá cuộc sống văn hóa địa phương.
          Đầu năm, chúng tôi đã làm một chuyến homestay như thế ở nhà bà ngoại thuộc ập 5, xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau một ngày nghỉ ngơi, thư giãn giữa một rừng dừa bên bờ sông Thủ Cũ, cách thành phố Bến Tre khoảng 18 cây số, chúng tôi quyết định qua sông, sang ấp 4 xã Thạnh Phú Đông từ lúc rạng đông để bắt kịp chuyến phà qua sông Hàm Luông sang huyện Mỏ Cày. Chúng tôi sẽ đi khoảng 40 cây số đường tắt để đến Trà Vinh, trong khi, nếu theo trục giao thông chính, phải mất hơn trăm cây số.

phà Thạnh Phú Đông
          Xuống phà Thạnh Phú Đông, chúng tôi bắt đầu chạy xe gắn máy len lỏi giữa những hàng dừa cao vút, trên một con đường mòn khá tốt, hai bên là những ngôi nhà lợp bằng lá dừa nước hoặc những căn nhà tường ba căn, kiểu nhà truyền thống thường gập ở các thôn xóm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mất khoảng 30 phút chạy xe, thêm 20 phút qua sông Cổ Chiên, trên phà Mỏ Cày-Trà Vình, chúng tôi đã đặt chân lên thành phố Trà Vinh, quê hương của ao Bà Om, của những ngôi chùa Khmer và những cây cổ thụ.Sau khi ghé hàng bún nước lèo bên hông nhà lồng chợ Trà Vinh ăn cho vững bụng, chúng tôi bắt đầu tour du lịch "mini" tham quan thành phố Trà Vinh.
nhà tường ba căn
          Qủa thật, Trà Vinh là thành phố duy nhất ở Miền Tây còn trồng rất nhiều cây cổ thụ. Toàn thành phố có khoảng 29 loài cây cổ thụ, sao, dầu, me, còn vài cây có tuổi thọ đến 80 - 100 năm. Theo Sơn Nam, những giồng đất cao do người Khmer định cư lâu đời thường trồng cây sao, cây dầu, đa số hột giồng thời xưa là theo dòng nước sông Hậu đưa về, trôi tấp vào bờ. Một cư dân kỳ cựu của tỉnh cho biết, vào khoảng những năm 80, thời Việt Nam chưa "đổi mới", tỉnh đã cho đốn gần hết các cây sao để . . . đóng tàu cho dân vượt biên(!), nếu không, hôm nay, thành phố còn xanh hơn rất nhiều.

Sư Thạch Suone
          Trà Vinh còn là nơi tập trung rất nhiều chùa Khmer với kiến trúc rất độc đáo. Sư Thạch Suone, tu ở chùa Âng, đang học tiếng pali ở chùa Watsamrongek, một ngôi chuà cổ được xây vào năm 642, cho chúng tôi biết rất nhiều điều thú vị về sinh hoạt của sư sãi Khmer ở Trà Vinh. Đi tu là phải học tiến pali, học trong nhiều năm để có thể đọc thông kinh kệ. Chúng tôi còn may mắn được sư Thạch Suone  giải thích cặn kẽ ý nghĩa của các biểu tượng, các phù điêu trong chùa, đi du lịch mà được chính cư dân địa phương thông thạo làm "guide" thì còn gì bằng? Nhìn chung, các chùa Khmer thường có khuôn viên rất rộng, với nhiều vườn cây cổ thụ, không khí trong chùa hết sức yên tịnh và không hề có các dịch vụ mê tín dị đoan bát nháo như các chùa ở ngoài Bắc. Có lẽ do người Khmer tu theo Phật giáo Tiểu Thừa, không bị ảnh hưỡng bởi văn hóa Trung Hoa.
chùa Watsamrongek

Phù điêu chim thần Krud
          Chùa Âng, đối diện bảo tàng văn hóa Khmer, là một ngôi chùa có kiến trúc cổ độc đáo nhất trong hệ thống chùa Khmer của tỉnh. Chùa được xây năm 1642, tọa lạc trên một khu đất rộng khoãng 4 mẫu thuộc phường 8 , trong khu rừng cây cổ thụ bên ao Bà Om. Lang thang trong chùa, chúng tôi ghé thăm chỗ nghỉ của  Sư cả. Đó là một căn phòng nhỏ treo đầy tranh tượng và hoa trái mầu sắc sặc sỡ mang phong cách trang trí đặc trưng của Ấn Độ. Sư cả đi vắng, chúng tôi được một nhà sư trẻ ra tiếp. Sư khá đẹp trai, khoảng hai mươi, nói tiếng Việt không sõi lắm. Nghe phía sau văng lên một bản nhạc xập sình với tiếng đàn bass rất nặng, tôi nghĩ là nhạc Ấn Độ, nhưng tôi đã lầm, vị sư trẻ cho tôi biết đó là nhạc Mỹ (!), bấy giờ tôi mới nhận ra, đó là một bài hip hop, có lẽ của nhóm Black Eye Peas. Đúng là âm nhạc không có biên giới.
 Ao Bà Om
Chùa Âng
          Ao Bà Om là thắng cảnh nổi tiếng của xóm người Khmer ở Trà Vinh. Quanh ao còn rất nhiều cây cổ thụ bảo quản tốt. Không ai dám xúc phạm những cây cổ thụ, thậm chí nhiều người còn xem cây như những vật linh thiêng có thể cầu xin được. Chúng tôi đang ngồi nghỉ trên bộ rễkhông lồ của một cây sao, chợt có 3 người đàn ông đi xe hơi  đến, họ mang nào là rượu whisky, nào là heo quay, bánh hỏi, họ lom khom chui vào hốc cây dưới chỗ chúng tôi ngồi tìm tòi gì đó rồi chợt tất cả reo lên :" đúng là gốc này . . . " , họ bắt đầu đốt nhang, xì xụp lạy gốc cây, làm chúng tôi phải chạy vội đi chỗ khác. Có lẽ họ là dân làm ăn, vái trúng được mánh lớn, giờ đến tạ ơn "thần cây". Để ý quan sát, rải rác quanh ao có khá nhiều gốc cây còn dấu chân nhang như vậy.
Chùa Âng
          Thanh niên học sinh thích đến dạo bờ ao. Ao khá rộng, bờ ao không rác rến, trước kia trồng rất nhiều sen, nay không còn nữa. Theo Sơn Nam, có một truyền thuyết không rõ đúng sai, thời xưa, khi trai gái yêu nhau và được cha mẹ đồng ý thì đàn bà phải đến nhà đàn ông "cầu hôn", lễ cưới nhằm tạo cơ hội cho nàng dâu rước chú rể về nhà mình. Thấy chuyện bất công, hai bên trai gái bày cuộc thách thức, bên gái do bà Om lãnh đạo. Hai tốp trai gái hẹn nhau thi đào ao (làm thủy lợi kiểu làm hội đồng?), hễ bên nào hoàn thành trước thì thắng cuộc. Thời điểm để chấm thi là phải khởi công vào ban đêm, khi sao mai mọc, ai hoàn thành trước là thắng cuộc. Bên đàn ông cậy sức lực và kinh nghiệm, đinh ninh nắm phần thắng trong tay. Họ ăn nhậu linh đình, đào cầm chừng, say thì nghỉ, tỉnh thì đào chậm chạp rồi ngủ khò. Bên nữ của bà Om lấy siêng năng làm gốc, làm việc hì hục nhưng nủa chừng cẫn chưa thấy đạt yêu cầu bèn nghĩ ra một kế, do bà Om khởi xướng: "Các cậu đó khi say, mắt nhắm mắt mở, chẳng thấy rõ trong bóng đêm, ta thử làm ngọn đèn gió, đốt lên để đánh lừa khiến các cậu tưởng đó là sao mai". Đúng như dự đoán của bà Om, bên trai khi thức dậy, nửa say nửa tĩnh, thấy ánh sáng lơ lửng trên trời của ngọn đèn gió, ngỡ là sao mai đã mọc, bèn rủ nhau về nhà, cho rằng bên gái đã thua, khối lượng đất bên gái chưa có là bao.

đầu người đắp nổi / đại gia đình chuà Âng
Phía bà Om biết đang thắng thế, bèn nỗ lực đào đến hừng sáng, sao mai mọc, họ về xóm, đánh thức bọn con trai, tuyên bố thắng cuộc. Để rồi từ đó về sau, khi cưới hỏi, đàng trai phải cầu khẩn đàng gái.

Cuả sổ chuà Âng
Cũng như Sóc Trăng, Trà Vinh là tỉnh tập trung nhiều người Khmer. Những ai muốn du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc Khmer sẽ tìm được rất nhiều điều thú vị ở đây, đặc biệt vào các dịp lể hội như lễ vào năm mới, kiểu ăn tết theo lịch của người Khmer, nhằm tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, hoặc như lễ Đôn Ta, vào cuối tháng 8 âm lịch nhằm nhớ ơn ông bà cha mẹ, giải tỏa hờn giận giữa những người trong xóm. Náo nhiệt nhất là lễ Ốt Ăm Bóc, nội dung mừng gặt hái thành công, nhằm tạ ơn mặt trăng vì người Khmer tin nhờ mặt trăng nên có nước lớn nước ròng, có mưa thuận gió hòa.

xem thêm: Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn










Sư sãi chuà Âng
Sư sãi chuà Âng

Bên ngoài chuà Âng

Trẻ em Trà Vinh

Lá bồ đề và tổ ong chết khô trên thềm chuà Watsamrongek


Chỗ nghỉ cuả sư cả chuà Âng

1 nhận xét:

Quê hương nói...

Thanks Very much! That la tuyet!