bài viết của Thy Anh
ngày . . . tháng . . . năm
Thứ nhất, thầy phải chúc mừng em vì em đã đậu kỳ thi tốt nghiệp xếp loại khá, thứ hai, thầy rất ngạc nhiên vì em đã xin ngay được việc làm tại phòng khám của một bệnh viện lớn trong thành phố. Thầy thật sự ngạc nhiên đấy, vì sao em biết không? vì trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt này mà em vẫn vượt qua được biết bao nhiêu đối thủ(!)
Em hỏi thầy một câu hỏi rất hay, chứng tỏ em là một con người rất thực tế, rất phù hợp với nghề nghiệp. Thế nào là tiêu chuẩn cần có của một bác sĩ tốt? Để trả lời câu hỏi này, em biết không, thầy chắc chắn các "lý thuyết gia", các nhà "đạo đức học bàn giấy" của ta sẽ bảo ngay là em cần phải có "y đức". Thầy sợ nhất các câu trả lời kiểu mang "y đức" ra "dọa" như thế này vì nó hết sức chung chung, nói kiểu nào cũng được, hiểu sao cũng được, mà nghề y của mình thì cái gì cũng phải cụ thể, rõ ràng như guideline mới được, phải không em?
Người bệnh cần đến bác sĩ để được chữa bệnh, bác sĩ ăn lương hoạc lấy tiền công khám bệnh cũng là nhờ có bệnh nhân. Đây là một quan hệ hai chiều có lợi đôi bên, hoàn toàn không phải chuyện của kẻ xin người cho như nhiều người lầm tưởng.(xem thêm ...)
Một bác sĩ tốt phải làm hài lòng được các người bệnh của mình, không chỉ bằng việc điều trị cho hết bệnh mà còn phải đối xử với với người bệnh bằng một tình cảm chân thành, thể hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể.
Theo thầy, một bác sĩ tốt phải là người:
· Biết tôn trọng người bệnh và đối xử với họ như một "con người" chứ không chỉ như một "cơ thể bệnh tật"
· Làm người bệnh cảm thấy được chào đón, an tâm.
· Điều trị bệnh từ căn nguyên chứ không chỉ điều trị các triệu chứng của bệnh
· Luôn biết lắng nghe người bệnh và sẵn sàng giải thích cặn kẽ, dẽ hiểu mọi vấn đề của người bệnh. Không bao giờ ngắt ngang một cách thô lỗ khi người bệnh đang thắc mắc.
· Gỉai thích và thảo luận với người bệnh tất cả mọi thứ liên quan đến các chẩn đoán, các thủ thuật cần làm, các phương pháp điều trị và tương lai lâu dài của người bệnh
· Sử dụng các hình ảnh, sơ đồ minh họa để giải thích cho người bệnh dễ hiểu. Không cố ý dọa bệnh nhân bằng các từ ngữ chuyên ngành rắc rối.
· Cho toa thuốc mà người bệnh đọc được dễ dàng và hoàn toàn có khả năng mua được. Không cố ý viết chữ kiểu "mật mã Da Vinci" mà chỉ có người bán thuốc của mình mới hiểu.
· Thu xếp lịch khám cho người bệnh một cách hợp lý, trong giờ cũng như ngoài giờ. Giới thiệu trước cho người bệnh các bệnh viện cần vào khi có các biến chứng cấp cứu.
· Sẵn sàng khám ngay cho những ai bệnh nặng cho dủ lịch hẹn đã dầy đặc rồi
· Luôn cập nhật kiến thức chuyên môn nghề nghiệp với các thông tin mới nhất
· Sẵn sàng chuyển người bệnh đến các chuyên khoa hàng đầu nếu thấy có yêu cầu. Không cố giữ bệnh lại để điều trị khi không đủ khả năng chuyên môn.
· Sẵn sàng chia sẻ thông tin cho các đồng nghiệp khi người bệnh cần chuyển sang một cơ sở điều trị khác
· Gọi ngay cho người bệnh để thông báo các kết quả xét nghiệm hoặc các thông tin cấp bách
· Dành đủ thời gian tư vấn cho người bệnh
Tóm lại, đây chỉ là một số vấn đề rất cụ thể, đâu có quá khó, phải không em?
Em hãy cố gắng thực hiện, được nhiều chừng nào hay chừng nấy!
Chúc em sớm trở thành một bác sĩ được nhiều người yêu mến.
Chào em.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét