Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

HE AIN'T HEAVY, HE'S MY BROTHER

Thy Anh

Ảnh minh họa
Năm tôi học lớp tư (lớp 2 bây giờ), trong lớp có 1 anh bạn, tên là Nội, bị tật ở chân trái, cứ vào giờ ra chơi hay tan học, lại bị một đám đông các học sinh chạy theo chọc ghẹo: "Nội què, Nội què . . ." , hò hét vang cả sân trường. Bạn ấy vừa khóc vừa  chạy khập khiễng khắp sân trường, đuổi đánh những kẻ chế giễu mình. Nhiều nơi, người ta cũng hay có ác ý ghép thêm vào tên của người tàn tật chính cái khuyết tật của họ. Tôi từng làm bác sĩ  nhiều năm tại một huyện nghèo, vùng xa, và thường xuyên gập nhựng cái tên như: Sáu lùn, Tư lé, tám hí, Năm què, Chín cà lăm, Hai cà nhổng  . . . Chẳng hiểu sao người đời lại mang ra làm trò cười những khuyết tật bẩm sinh do cha mẹ sinh ra hoặc do bệnh tật đem lại như vậy? Khuyết tật cơ thể đâu phải là nhân cách? Trong khi đó, biết bao "tật" xấu xa về nhân cách, phát sinh tràn lan trong xã hội, thì không ai đặt tên như vậy, ví dụ, chẳng bao giờ nghe được những cái tên như Chú Tư "hách dịch", Chú Hai "tham nhũng", Bác Tám "thụt két", Anh Sáu "già dê" . . .  đây mới chính là những "khuyết tật nhân cách"  đáng châm chọc hơn (nhưng dù sao, cũng vẫn không nên đặt thành tên như vậy!).
"he ain't heavy Father, he's my brother"
Người khuyết tật, nếu không được người thân và xã hội đối xử đúng đắn và xem họ như một gánh nặng, sẽ khó lòng đứng vững được trong cuộc sống, họ sẽ trở nên khép kín, xa lánh mọi người và sống trong tuyệt vọng (xem thêm: người anh đần độn). Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, người bị khuyết tật cũng không bao giờ nên nản chí. Người nào biết tự nhủ "tôi phải thành công" thì người ấy sẽ đi đến đích. Người nào nản chí"tôi mất hết mọi khả năng rồi, tôi chẳng thể làm được", người đó sẽ thất bại. Người Tây Tạng có câu nói:"Đánh mất lòng nhiệt thành thì ta sẽ không sao thoát được cảnh cơ hàn". Lẽ dĩ nhiên những điều này không dành cho những người bị tổn thương não bộ vì họ đâu còn suy nghĩ bình thường được như chúng ta.
Khi một đứa trẻ bị tật nguyền bẩm sinh, ta không thể bảo rằng cha mẹ và các người thân khác trong gia đìnhkhông hề buồn rầu hay âu lo, thất vọng. Tuy nhiên, nếu nhìn trên một bình diện khác thì sự chăm sóc người khác chính là một niềm hạnh phúc hay một nguồn vui. Hãy yêu thương nhiều hơn những ai đang khổ đau và không còn đủ khả năng tự che chở bản thân. Càng giúp đỡ họ, ta càng tìm thấy một niềm vui sâu xa và đích thực vì ta sẽ cãm thấy cuộc đời mình hữu ích hơn. Theo nguyên tắc chung, cứu giúp người khác là loại hành vi tốt đẹp nhất trong số các loại hành vi. Nếu như chính trong gia đình, ở ngay bên ta, có một người nào đó mất hết khả năng, không còn một phương tiện nào để tự che chở và phải nô lệ cho những khuyết tật không chữa chạy được, thì hãy nghĩ rằng đó là một dịp may vô cùng quý giá để giúp ta tìm thấy sự hân hoan trong công việc giúp đỡ một chúng sinh. Ta đang làm một điều vô cùng tốt đẹp. Nhưng nếu ta xem đó là một việc bắt buộc phải làm, trái ngược với lòng ta, thì ý nghĩa của việc đó sẽ không còn được vẹn toàn nữa, và như thế ta đang tự tạo ra cho mình những khó khăn phi lý không đáng có.
          Tuần trước, rảnh đọc lại vài tờ báo cũ, tình cờ gập mấy bài viết về các em bé hàng ngày vẫn chịu khó cõng bạn bị tàn tật đi học, có em thì ở đồng bằng, có em lại ở tận vùng cao, nơi nào đường xá cũng xa xôi, đi lại khó khăn. thật hết sức cãm động. Chuyện các em làm tôi nhớ lại một bản ballad cũ của nhóm pop-rock Anh Quốc, The Hollies, rất nổi tiếng vào những năm 60. Những ai yêu thích nhạc dòng nhạc Pop, đặc biệt những bài hát của thập niên  60 - 70, chắc chắn phải biết bài này: HE AIN'T HEAVY, HE'S MY BROTHER. Bản nhạc do Bobby Scott và Bob Russel sáng tác, tựa đề và lời được lấy cảm hứng từ câu  "he ain't heavy Father, he's my brother" viết trên một bức tượng miêu tả hai đứa trẽ, một em lớn cõng trên lưng một em bé hơn bị tật ở chân. Bức tượng này do mục sư Father Edward Flanagan cho xây dựng vào năm 1941, để làm biểu tượng cho cộng đồng Boys Town vùng  Omaha, Nebraska, một mái nhà chung nơi tiếp nhận các trẻ em cơ nhỡ. Giai điệu bài hát rất ngọt ngào, càng hay hơn khi được trình bày bởi giọng ca vút cao của Alan Clarke và tiếng kèn harmonica du dương của anh. Tôi cũng rất thích lời bài hát này, thật vậy, khi phải chăm sóc những người mà bạn yêu thương và xem họ như chính người anh em của mình, bạn đâu còn cảm thấy đó là một gánh nặng?
HE AIN'T HEAVY, HE'S MY BROTHER

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Câu chuyện tuyệt vời về cảm nhận của một tâm hồn tuyệt vời phù hợp bối cảnh bài hát cũng tuyệt vời trong một cuộc sống nhiều tuyệt vọng. Xin cảm ơn.