Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

LỜI HỨA DANH DỰ

Ngay từ khi còn học mẫu giáo, các giáo viên trường tôi đã được chứng kiến hậu quả của những cơn giận do căn bệnh nghiện rượu của mẹ tôi gây ra. Ngay trong năm học đầu tiên, các thầy cô đã nhẹ nhàng dò hỏi tôi về những bộ quần áo sờn cũ bị rách, về mùi hôi khó chịu từ cơ thể tôi, về vô số những vết bầm tím và vết bỏng trên cánh tay tôi, cũng như lý do tại sao tôi lại tìm thức ăn trong thùng thức ăn thừa của trường. Rồi một ngày kia, cô Moss, cô giáo dạy lớp hai của tôi, đã đến gặp thầy hiệu trưởng của trường và xin thầy cố gắng giúp tôi. Thầy hiệu trưởng miễn cưỡng đồng ý can thiệp và sáng hôm sau thầy và mẹ tôi có một buổi nói chuyện riêng. Kể từ đó tôi không còn gặp lại cô Moss nữa. 
Ngay sau đó, tình trạng của tôi ở nhà càng trở nên tồi tệ hơn. Tôi buộc phải sống và ngủ trong gara dưới nhà, bị sai làm công việc nhà như nô lệ, và không được ăn nếu như không làm xong công việc theo đúng thời gian mà mẹ tôi đặt ra. Thậm chí bà còn đổi tên của tôi từ "David" thành "nó", và đe dọa sẽ phạt nặng bất cứ ai trong số em tôi nếu chúng dám lén đưa thức ăn cho tôi hay mở miệng gọi tên tôi là "David", thậm chí chỉ nhìn tôi chúng cũng không được phép.

Những người duy nhất có thể cho tôi nơi trú ẩn an toàn chính là các thầy cô. Dường như thầy cô luôn cố gắng đem lại cho tôi cảm giác mình là một đứa trẻ bình thường, và vì vậy tôi luôn trân trọng bất kỳ lời khen ngợi nào của thầy cô. Những va chạm nhỏ tình cờ khi thầy cô đi ngang qua tôi hay những lúc thầy cô cúi người xuống để xem bài làm của tôi cũng khiến tôi cảm thấy được gần gũi và yêu thương. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, khi tôi ngồi run lên vì lạnh trong gara, tôi đã nhắm mất lại, thở thật sâu và cố hình dung ra khuôn mặt của thầy cô. Và chỉ khi nào hình dung ra được nụ cười của thầy cô thì lúc đó tôi mới tìm thấy được cảm giác ấm áp trong lòng mình.

Vài năm sau, vào một buổi chiều thứ sáu, tôi bỗng cảm thấy như mình không còn có thể chịu đựng thêm được nữa. "Thế là tôi lao ra khỏi lớp học và chạy vào phòng tắm, đập nắm tay nhỏ xíu đỏ bầm của mình vào bức tường một cách tuyệt vọng trong khi nước mắt cứ tuôn rơi. Tôi cảm thấy quá thất vọng vì trong nhiều tháng liền tôi không còn mơ thấy được những thầy cô giáo cứu tinh của tôi. Tôi đã tin tưởng một cách tuyệt vọng rằng bằng cách nào đó thầy cô đã cứu vớt cuộc đời tôi. Nhưng giờ đây khi không còn có sức mạnh bên trong để dựa vào, tôi cảm thấy lòng mình vô cùng trống rỗng và đơn độc. Vào cuối buổi chiều hôm đó, khi tất cả các bạn vui mừng chạy vội về nhà hoặc lao ra sân chơi, mắt tôi và thầy chủ nhiệm bất chợt gặp nhau. Tôi nhìn chằm chằm vào thầy một cách thách thức. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi tôi có cảm giác như đôi mắt thầy hiểu rõ được nỗi đau khổ tột cùng mà tôi dang phải trải qua. Tôi nhìn tránh đi nơi khác và kính cẩn cúi đầu chào thầy trước khi bước ra khỏi lớp.

Vài tháng sau, không biết vì lý do gì bốn thầy cô giáo của tôi và thầy hiệu trưởng quyết định báo cho chính quyền biết về hoàn cảnh của tôi. Ngay lập tức tôi được đưa ra khỏi nhà và đặt dưới sự giám hộ của một gia đình khác. Trước khi tôi rời trường, toàn bộ các thầy cô lớp tôi, từng người một, đã quỳ xuống ôm lấy tôi. Tôi thấy được sự sợ hãi trong ánh mắt họ. Tôi chợt nhớ đến số phận của cô Moss và chỉ muốn tan biến đi khỏi cuộc đời này để không mang lại thêm những rắc rối gì cho các thầy cô.

Cũng như mọi khi, cảm nhận được nỗi lo sợ trong tôi, thầy cô lại ôm tôi vào lòng và tạo nên một lá chắn vô hình bảo vệ tôi khỏi mọi thương tổn. Mỗi lần được ôm vào lòng, tôi lại nhắm nghiền mắt lại và cố giữ khoảnh khắc này mãi mãi. Tôi nghe tiếng của ai đó thì thầm bên tai mình: "Đây là chuyện mà thầy cô phải làm cho dù hậu quả như thế nào. Nếu như thầy cô có thể làm được một điều gì dó để giúp cuộc đời của một học trò được thay đổi và tốt đẹp hơn... thì đó chính là ý nghĩa thật sự của nghề giáo". Một cảm xúc mãnh liệt dâng trào trong tôi khiến tôi đứng như tê dại. Tôi hứa trong nước mắt với các thầy cô rằng tôi sẽ không bao giờ quên thầy cô và sẽ cố gắng hết sức để một ngày nào đó sẽ trở thành niềm tự hào của thầy cô.

Kể từ đó, không ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ về những vị cứu tinh của mình. Hai mươi năm sau, tôi quay về trường xưa để giới thiệu quyển sách "Có một đứa trẻ bị gọi là Nó" mà tôi viết để dâng tặng cho thầy cô nhân kỷ niệm 20 năm ngày cuộc đời tôi được giải thoát. Tối hôm đó trong hội trường ngồi kín người, trước mặt các thầy cô của mình, tôi đã khóc khi phát biểu: "Khi còn là một học sinh, em đã nhận ra rằng nhà giáo chỉ có một mục dịch duy nhất: đem lại niềm vui cho một đứa trẻ và hướng em đến một cuộc sống tươi đẹp hơn. Trong trường hợp của em, chính thầy cô đã bất chấp rủi ro có thể bị mất việc để cứu vớt cuộc đời một đứa trẻ bị gọi là "nó". Em sẽ mãi mãi không quên tấm lòng hết mình vì học trò và hành động dũng cảm của thầy cô. Hai mươi năm trước, em đã hứa với các thầy cô một điều. Và hôm nay em thực hiện lời hứa đó. Đối với em, đó không phải là việc thực hiện lời hứa dối với những người đã thay đổi số phận cuộc đời em, mà đơn giản chỉ là vấn đề danh dự."