Posted by Rio
Lam on August 1, 2013
Bay qua tổ chim cúc cu |
Cách đây vài tháng, tôi có dịp đọc loạt bài “Vẻ đẹp của
chính trị”, viết bởi nhà báo Đoan Trang. Cô là người từ lâu tôi đã hâm mộ, bởi
những lời nhận định chặt chẽ, lập luận sắc bén (chứ không cảm tính chủ quan hoặc
sa đà vào công kích cá nhân như một vài người khác). Nội dung của “Vẻ đẹp của
chính trị”, nếu tóm tắt theo nhận thức còn non nớt của tôi, sẽ như thế này:
“Chính trị là quá trình ra quyết định và thực thi quyết định đó trong một nhóm,
một cộng đồng bất kỳ, có thể ở quy mô một xã hội, đất nước.” Vì như thế,
chính trị không nhất thiết phải là điều gì cao xa, không phải bầu cử quan chức
hay những đấu đá quan trường; mà nằm ngay trong việc tăng giá rau muống, nộp
thuế bất động sản, sinh con ở bệnh viện nào… Ngay giây phút này, từng người
trong chúng ta đều đang liên quan đến chính trị.
Chỉ trong vòng tháng 7 vừa qua đã có ba em bé mới sinh ra bị
chết ngay sau khi tiêm vaccine chống viêm gan B. Tôi đã theo dõi sát sao diễn
biến của chuyện này, và dĩ nhiên, như hầu hết những người trẻ khác biết chuyện,
tôi muốn ai đó phải bị xét xử, phải chịu trách nhiệm thật nặng. Sau đó, khi được
một người quen trên Facebook mời vào trang kêu gọi bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị
Kim Tiến từ chức, tôi đã từ chối không tham gia. Tôi đem chuyện này kể với mẹ,
và nói rằng, “Không làm gì thì thấy mình có lỗi; bởi lẽ những chuyện đã xảy ra
với người khác, nếu không làm gì, thì sẽ có ngày nó xảy ra với mình. Nhưng mà…”
Sự thật là một bộ phận những người trẻ, trong đó có tôi,
không quan tâm đủ đến những gì đang xảy ra ở đất nước mình. Chúng tôi không hèn
nhát hay bàng quan, mà có lẽ đúng hơn; chúng tôi không muốn quan tâm. Nhưng trước
khi đưa ra một lời chê trách nào, hãy cho chúng tôi một cơ hội giải thích.
Chúng ta hẳn đều thừa nhận một con người sinh ra với những
khả năng nhất định, sở trường, sở đoản, những mối quan tâm hữu hạn. Có người giỏi
vẽ, có người thích toán, có người lại ham sửa xe, nấu ăn, v.v… Tôi là một
người trẻ, sinh ra sau cuộc chiến cuối cùng ở đất nước này 12 năm. Tuổi thơ của
tôi và tất cả những người bạn đồng trang lứa được trải qua trong hòa bình. Đến
tuổi trưởng thành, chúng tôi bắt đầu nhận ra mình quan tâm đến điều gì: có bạn
thích chụp ảnh thời trang và tất cả những gì bạn quan tâm là Vogue hoặc Bazaar,
có bạn muốn theo đuổi con đường nấu ăn và tìm ra công thức chế biến món gà hấp
hành tối thượng, hẳn sẽ có người chỉ thích ngao du sơn thủy hay ở nhà trồng vườn
cây ao cá, có người thích đá bóng, trở thành cầu thủ nổi tiếng hoặc mang vinh
quang E-sport quốc tế đầu tiên về cho Việt Nam.
Chúng tôi đều đã lớn, đều có những sở nguyện riêng của mình,
thật khó để quan tâm đến tất cả mọi thứ, thậm chí là thật khó để nhìn-thấy tất
cả mọi thứ.
Lẽ ra, trong một vũ trụ song song nào đó, khi mỗi một ngày
hòa bình trôi qua là một ngày đất nước phát triển, thì nhiệm vụ của từng người
trong xã hội lại càng được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Anh thích nấu ăn
thì cứ nấu ăn, không cần quan tâm đến vaccine làm gì, chỉ cần làm ra món ăn thật
ngon. Chị thích đá banh cứ đá banh, chẳng có nông dân nào bị cướp đất để chị phải
thương xót, rồi có ngày đội bóng sẽ vô địch giải World Cup. Và nếu có đứa em nào
của tôi muốn chơi đàn, hẳn em không cần phải nghĩ đến giá xăng tăng (một cách
lén lút và hèn hạ), em chỉ cần nghĩ đến Mozart và Beethoven. Bạn nào làm phim cứ
nghĩ đến giải Oscar, bạn nào làm kỹ sư nông nghiệp cứ chăm chăm cải tiến lúa giống,
bạn nào nuôi heo cứ miệt mài làm phim. Cá nhân tôi nghĩ chỉ như thế sản phẩm
làm ra mới có chất lượng cao.
Nói như vậy không phải để đổ lỗi, rằng những sản phẩm kém là
do người trẻ nghĩ quá nhiều đến thời sự mà không tập trung vào điều họ muốn. Họ
đang tập trung đấy chứ, ai cấm được họ đâu nào. Nếu họ muốn nghĩ đến vaccine
thì họ cũng sẽ nghĩ thôi. Nhưng khi họ không nghĩ nhiều đến thời cuộc, người
khác lại cho rằng họ không có lòng với đất nước. Thế nhưng, chẳng ai có thể
kham hết cả những phần mình không quan tâm. Người trẻ sẽ đi uống cafe, đi nhậu;
họ sẽ nấu ăn, vẽ tranh, đá bóng; họ sẽ dựng vợ gả chồng, mở công ty
v.v… Chẳng hạn như tôi, cố gắng bao nhiêu cũng không thể quan tâm đến vụ
vaccine nhiều hơn nữa, dẫu biết rằng một ngày nào đó (nói gở mồm) có thể con cái
của ai đó quanh mình sẽ gặp điều không hay một phần bởi sự vô tâm của chính
mình hôm nay. Ngay lúc này đây, tôi đang nghĩ đến những điều khác nhiều hơn.
Đó có thể là bằng chứng cho thấy sự vô tâm của một thế hệ sống
trong sung sướng hòa bình, mà cũng có thể là minh chứng của việc chúng tôi đang
mong mỏi tha thiết được chuyên nghiệp hóa ngay từ trong suy nghĩ của mình. Việc
gì mình làm thì mình nghĩ đến, việc gì nằm trong tầm tay thì tập trung vào,
thay vì ôm đồm tất cả thế sự và cố gắng tác động vào mọi mặt. Tùy nhận định
mà hành xử như thế được xem là vô tâm hay chuyên tâm. Dẫu rằng chưa có nơi
nào trên trái đất mà mọi thứ đều hài hòa cân đối, công bằng dân chủ, đủ để tất
cả người dân sống vô lo vô nghĩ, chỉ biết phần mình; nhưng có một số nơi, nếu
ai đó muốn sống như thế, họ có thể sống như họ muốn. Nhận thức chính trị không
phải là thước đo để người này đem ra trách móc người kia.
Trong diễn văn nhậm chức của Tổng thống John F. Kennedy, ông
đã phát biểu câu nói nổi tiếng mà sau này, nhờ vào bác Vũ Hoàng, các bạn Đoàn
viên xứ ta vẫn hay trích dẫn sai lệch: “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn,
mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc.” (lời bài hát của bác Vũ Hoàng là “Đừng
hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.”) Tôi
không thích cả hai câu trên, nhưng ít ra ở câu nguyên bản của Tổng thống
Kennedy, nó còn để lại trong tôi chút thiện cảm, nằm ở ý gợi mở, “Bạn có thể
làm gì cho Tổ quốc.” Có-thể thôi mà, không phải bắt buộc, không phải nghĩa vụ,
tùy vào năng lực; không ai có quyền bảo người khác phải làm gì, vì ai. Nói gì
đi nữa, tôi vẫn không thích cả hai câu đó. Bởi tôi tin rằng đến lúc này, hầu
như không còn người nào hỏi AI có thể làm gì cho họ. Với sự chủ động của cái
tôi cá nhân trong mỗi người dù chưa biết đúng hay sai, họ sẽ tự nhận thức,
không đòi hỏi/ xin xỏ gì từ bên ngoài, và tiến hành một mối quan hệ sòng phẳng.
Sự sòng phẳng không nằm ở việc Tổ quốc phải làm gì cho họ thì họ mới đáp trả lại,
mà nằm ở việc: họ sẽ tự nguyện làm; nếu họ thích, nếu việc đó mang lại một mục
đích sống, một sự gắn kết những điều người trẻ hướng đến.
Khi viết những dòng này, tôi vẫn mang tâm thế phân trần và
xin lỗi; nhưng không có ý định kêu gọi ai thay đổi điều gì. Mọi người đều đang
làm điều họ nghĩ là đúng. Tuổi trẻ sẽ làm điều họ thích nhất, bất chấp nó đúng
hay sai và người khác nhận xét thế nào. Mặc dù vậy, tôi cũng không cổ xúy cho
tư tưởng bàng quan với thế sự; vì dựa theo định nghĩa chính trị đã nêu ra ở
trên thì tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng không thể tránh khỏi. Đến một lúc,
trước hoặc sau khi quyền lợi của mình bị tổn hại, mỗi người trong chúng ta
đều phải làm một điều gì đó. Đằng sau mỗi lời chê trách người trẻ vô tâm vẫn
luôn là một tấm lòng hy vọng mọi người cùng góp sức chung tay cho một tương lai
tốt đẹp hơn.
Chỉ mong là chúng ta hãy nhẹ tay với nhau. Trong lúc viết những
dòng này, tôi không thể ngăn mình nghĩ đến viện tâm thần trong Bay qua tổ chim
cúc cu. Phải chăng có một thứ gì đó rất tương đồng ở đây?! Sự đàn áp hà khắc của
mụ y tá trưởng, những người điên sống trong những không gian khác nhau của họ,
và McMurphy. McMurphy – con người tỉnh táo duy nhất – đã chết vì quá vội vã hối
thúc những người điên kia tìm lối thoát cho mình. Mỗi người có một con đường,
nhìn thấy những điều khác nhau. Dù rằng cái chết của anh là một biểu tượng, và
có thể là điều cần thiết, nhưng với những ai đã từng đọc qua cuốn truyện đó,
tôi hy vọng họ sẽ nhớ câu này, “You get your visions through whatever gate
you’re granted.” (Tôi phỏng dịch thành “Từ cổng nào anh đến, từ đó anh nhìn
ra.”). Mỗi chúng ta được dẫn đến một cổng khác nhau, dẫu rằng thế giới đằng sau
những cánh cổng chỉ là một. Mỗi người tự có một chìa khóa, và điều người trẻ
khao khát là được mở cổng bằng chính chìa của họ. Đôi khi, họ quên mất rằng người
bên cạnh mình cũng đang chật vật. Đôi khi, họ quên mất rằng đây là một hệ thống
cửa liên kết; nếu một cửa còn đóng thì sẽ không cửa nào mở. Nhưng vì đó là tuổi
trẻ, hãy từ tâm mà nhận lời xin lỗi này của (chúng) tôi.
Tôi mong rằng cái ngày tốt đẹp đó sẽ đến, khi những cầu thủ
đá banh, nhà văn viết lách, họa sĩ vẽ tranh, đầu bếp nấu ăn, nông dân trồng trọt,
ca sĩ hát hò; không có ai kêu gọi họ làm điều gì khác hơn nữa… Nếu có lúc nào lỡ
quên đất nước, đó là vì họ đang tập trung đầu óc và trái tim vào điều họ quan
tâm nhất, và sẽ làm ra những thành phẩm hoàn hảo nhất, đúng theo năng lực của bản
thân.
1 nhận xét:
Cảm ơn blog đã chia sẻ
Đăng nhận xét