Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

NGỒI CHỒM HỔM - nét văn hóa của cư dân Nam bộ

Thành Trung - Kim Cương

Đến thế kỷ XVII, miền Bắc, miền Trung, rơi vào cảnh chiến tranh cát cứ giữa các thế lực phong kiến Trịnh-Nguyễn, làm cho dân tình khốn khổ, dân lưu tán ngày càng nhiều, từng đoàn người theo mùa gió bấc vào vùng đất phía nam để sinh sống. Sống trên một vùng đất mới khí hậu nhiệt đới, để có cái ăn cái mặc, họ phải thường xuyên chống chọi với thiên nhiên, và từng bước hình thành lối ứng xử riêng cho phù hợp với điều kiện sống mới, trong đó ngồi chồm hổm là một nét văn hóa đặc trưng của cư dân Nam bộ.
Trong mỗi gia đình người dân Nam bộ nói chung, ở nông thôn nói riêng, có ít nhất một hoặc vài thành viên trong gia đình ngồi chồm hổm, biểu hiện rõ nhất trong các bữa cơm thân mật của gia đình, đó la một đặc điểm lý thú trong văn hóa sống của người dân Nam bộ. Trong suốt những ngày đi dạy, cũng như thâm nhập thực tế, chúng tôi nhận thấy: rất nhiều học sinh, lúc đầu vào học ngồi rất chỉnh tề nghe thầy giảng bài, đến khi thầy gọi thì học sinh này mới giựt mình không biết là mình ngồi chồm hổm từ bao giờ! Nhiều người dân ở Nam bộ (dân đã sống nhiều đời ở Nam bộ) mà chúng tôi đã hỏi thì, tất cả đều cho biết: không hiểu mình đã ngồi theo kiểu này từ bao giờ. Trong một bữa cơm thân mật ở một xã vùng sâu của huyện Bình Minh(Vĩnh Long), chúng tôi chú ý đến một cậu bé khoảng 12 tuổi, kéo ghế ra ngồi chồm hổm. Chúng tôi hỏi: "Vì sao con lại ngồi chồm hổm?", cậu bé trả lời gọn lỏn: "Con thấy ba con ngồi vậy thì con ngồi theo hà!". Lúc này chúng tôi chợt nhớ tới câu nói của Edouart Herriot: "Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả". Và chúng tôi đã bước đầu đi vào khảo sát 2.542 học sinh thì trong phần lớn các gia đình đều có một hay nhiều người thường hoặc đôi khi ngồi chồm hổm nhất là ông, cha, anh rồi đến chị, em; có nhiều gia đình lên bàn ăn cơm đều ngồi chồm hổm cả (người dân nông thôn chiếm số đông). Vì sao như vậy?
Trước hết, có thể nói ngồi chồm hổm là một nét văn hóa sống rất độc đáo của cư dân Nam bộ. Nó từng bước được hình thành xuất phát từ yếu tố địa lý tự nhiên để ứng xử cho phù hợp với môi trường sống của đồng bằng nam bộ (nóng ẩm, đất đai cầm thủy, hoang vu …). Chẳng hạn, ở miền ngoài, nhất là Bắc bộ, lên bàn ăn cơm, người dân thường dọn lên mâm, trải chiếu ngồi xếp bằng hoặc xếp bằng trên bộ ván (miệt Cà Mau vẫn cò giữ được nét văn hóa chốn quê xưa, nhưng đã có sự kết hợp giữa ngồi xếp bằng và chồm hổm trong điều kiện cho phép). Còn lưu dân Nam bộ, ăn uống giản dị, đi ruộng họ đem theo cơm, để trên các bờ ranh, khi làm mệt, lên bờ ngồi chồm hổm ăn cơm, rồi dần quen.
Người sau thấy người trước học theo, lại cảm thấy cái ngồi này tương đối dễ chịu, và thế là ngồi chồm hổm dần trở thanh nét văn hóa sống không thể thiếu trong cư dân Nam bộ. Điều này thể hiện nét linh động trong ứng xử với môi trường sống, lối sống giản dị, chân thành. Không chỉ trong cách sống mà lời nói cũng thể hiện sự chân thành giản dị ấy, như :"Đánh! còn cái quần cũng đánh!" (Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi).
Người ngồi chồm hổm nhiều nhất vẫn là nam giới, người lớn tuổi trước kia thường ngồi chồm hổm, nay đã bỏ hoặc đôi khi vẫn ngồi như thế, số người trẻ thì từng bước có phần giảm đi, naha61t là dân thành thị, do tiếp thu nếp sống văn minh đô thị.
Nhìn chung, cư dân Nam bộ đã tạo nên các giá trị văn hóa trong đó, ngồi chồm hổm là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của họ.
nguồn: Sài Gòn - Xưa và Nay.


Không có nhận xét nào: