Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

CHUYỆN KỂ ÔNG ĐỊA

Huỳnh Ngọc Trảng
Theo lược khảo thần thoại Việt Nam, thần Đất "thường hiện ra với hình dạng một cụ già". Hình dạng thần Đất như vậy chúng ta thường thấy ở các tượng Thổ Địa Phước Đức chính thần thờ phổ biến ở các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa và một vài chùa, miễu của người Việt. Còn hầu như đa số, hình tượng ông Địa phổ biến ở Nam bộ là một người trung niên mập mạp, bụng bự, vú lớn, miệng cười hể hả, tay cầm quạt, tay cầm điếu thuốc miệng cười toét và bụng lớn chang bang hầu như định hình nên đã đi vào các giai thoại. Chuyện kể: xưa, có một anh lái buôn, trước khi lên đường đi buôn chuyến đầu, vái ông Địa: "Chuyến này nhờ Địa phù hộ cho tôi đi xuôi về trót, tôi sẽ cúng Địa con hai cẳng".Địa thích chí phù hộ cho anh lái buôn tối đa, nhưng khi về anh ta lơ đi; và, trước khi khởi hành chuyến thứ hai, anh lại hứa: "O6ng Địa phù hộ cho tôi chuyến này nữa, tôi sẽ cúng ông con bốn chân". Địa nghĩ việc buôn bán bộn bề nên từ từ anh lái buôn cũng sẽ làm lễ tạ gấp đôi, nên tiếp tục phù hộ cho anh ta. Thế rồi, lần đi buôn chuyến thứ ba, anh ta lại khấn: "Ông Địa phù hộ tôi lần này, tôi sẽ cúng THổ Địa con tám chân". Địa nghĩ: "Cha, lần này thì tệ lắm cũng 4 cặp gà hoặc 2 heo ...". Thế là Địa lại tích cực phù hộ cho anh lái buôn hết mình. Sau chuyến buôn được lãi lớn, anh lái buôn nghĩ sự bất quá tam bèn lo làm lễ tạ Thổ Địa. Anh ra ruộng bắt con cua đồng về nướng, đặt trên cái đĩa con bày trước khám thờ Địa và lâm râm khấn: "Ông Địa phù hộ con làm ăn phát tài, y như đã hứa, con biện đủ lễ: con tám chân, cung thỉnh. Địa về hưởng". Biết mình bị gạt, Địa chẳng biết làm gì hơn là cười - nụ cười thế thái nhân tình!"
Chuyện kể trên đây cho thấy rằng, Ông Địa là một vị thần rất "người". Nói cách khác, vị thần này là một sản phẩm rất dân dã, do vậy, thần tượng cũa Ông Địa theo nhận xét của Bình Nguyên Lộc là "hình ảnh trung thành của nông dân Nam kỳ thuở xưa". Ông mặc quần đùi, chân không giày dép gì hết, áo bà ba không gài nút phơi ngực và bụng trần, đầu chít khăn xéo là loại khăn đặc biệt của nông dân Nam kỳ thuở xưa, vay mượn của Chàm. Bề ngoài thì như vậy, bên trong cũng thế, Ông Địa cứ là một nông dân Nam kỳ thuở xưa, tức là luôn luôn yêu đời và dễ tánh. Miệng ông Địa luôn cười toe toét. Đó là cái cười hả hê của kẻ không lo nghĩ vì thấy tương lai rực rỡ của mình khác với cái cười âu sầu nơi các tượng Phật.
(Nguồn :SÀI GÒN Xưa & Nay)

Không có nhận xét nào: