Nhất Hạnh
Đọc truyện Kiều, ta thường tự đồng nhất hóa với những nỗi khổ
đau của nhân vật chính. Nhưng ta cũng phải tập đồng nhất hóa với hoàn cảnh và
những khổ đau của các nhân vật khác. Trong ta không những có chất liệu của Thúy
Kiều mà còn có chất liệu của những nhân vật khác trong truyện nữa.
Chúng ta có chất liệu của sư trưởng Giác Duyên. Chúng ta rất
thương sư em nhưng chúng ta làm ăn ra sao mà không dạy cho sư em cách thở, cách
đi thiền hành, cách nắm vững tâm ý. Chúng ta phải thấy ni sư ở trong ta. Một người
cũng có hạnh phúc, tu hành rất chân chính nhưng không biết tại sao mà không
giúp được sư em về việc thực tập! Tại lo việc chùa hơi nhiều nên không có thì
giờ? Hay sư chị chưa được học Kinh An Ban Thủ Ý? Như vậy thì ta càng thương. Ta
nói: ‘Sư trưởng Giác Duyên, em sẽ cố gắng làm hay hơn chị. Vì chị không được gặp
Sư Ông nhưng em đã có dịp gặp Thầy rồi.’ Nơi ni sư Giác Duyên có nhiều cái hay,
cái đẹp mà có thể chúng ta chưa có. Ni sư rất thương Trạc Tuyền nhưng khi Trạc
Tuyền gặp lại gia đình và được gia đình mời về thì ni sư không ngăn cản. Ni sư
làm một cái chùa nhỏ là để ở chung cùng với sư em; sư em về nhà rồi thì ni sư
khóa cửa, đi vân du. ‘Sư đà hái thuốc phương xa, Mây bay hạc lánh biết là tìm
đâu.’ Không biết địa chỉ của ni sư để gửi thư. Ni sư là một đám mây tự do,
thong dong bay, không vướng bận. Trong túi của ni sư có rất nhiều trăng. Đi tới
đâu ni sư cũng có hạnh phúc. Đó là những cái chúng ta có thể học được từ sư chị
Giác Duyên.
Chúng ta có một Thúc Sinh ở trong lòng. Không nhiều thì ít,
trong mỗi chúng ta đều có chất liệu đam mê và nhu nhược. Chúng ta phải công nhận
rằng chúng ta có hạt giống của sự đam mê nhu nhược đó. Đừng nói: ‘Đâu, tôi phải
đâu phải Thúc Sinh nà!’ Phải công nhận sự có mặt của những hạt giống đó để có
thể thực tập chuyển hóa. Thúc Sinh tuy rất thương Thúy Kiều nhưng thiếu hẳn trí
tuệ. Không biết nghe lời khuyên của Kiều. Và khi Kiều bị lâm nạn, tuy rất đau
khổ Thúc Sinh không có can đảm để hành động, cứu Kiều. Rất sợ vợ. Tuy có một ít
sự chung tình nhưng sự chung tình đó không đủ mạnh để Thúc Sinh hành động. Những
hạt giống của Thúc Sinh chúng ta đều có hết. Phải nhìn kỹ để thấy sự có mặt của
những hạt giống đó mà thực tập chuyển hóa và để đừng làm như Thúc Sinh.
Hạt giống của Từ Hải trong ta cũng có. Chúng ta cũng có khí
phách. Thấy những sự bất bình đôi khi ta cũng nổi giận như Từ Hải. Chúng ta
cũng muốn làm cách mạng. Nói như vậy không có nghĩa là chống lại với điều vừa
nói ở trên là trong ta có sự nhu nhược của Thúc Sinh. Chúng ta có hạt giống của
sự nhu nhược nhưng chúng ta cũng có hạt giống của sự khí khái. Nếu chúng ta thực
tập tưới tẩm những hạt giống khí khái, anh hùng thì những hạt giống đó sẽ lớn
lên. Chúng ta sẽ trở nên một người có cái quyết tâm của Từ Hải. ‘Quyết lời dứt
áo ra đi, Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi.’ Đi một cái rột. Người đàn bà
không thể làm tiêu hao, lung lạc chí khí trượng phu. Đó là cái chúng ta cần phải
học. Ta có Bồ Đề Tâm, có chí hướng, lý tưởng. Đừng làm theo kiểu của Thúc Sinh.
Cần hoạt động, cần quyết định thì phải hành động và quyết định một cách rất mạnh
mẽ. Nếu trí tuệ cho chúng ta biết hành động đó là hành động đúng, phù hợp với
con đường lý tưởng của ta thì ta nhất định phải làm. Đừng để tình cảm này níu
kéo, tình cảm kia xô đẩy ngày này sang tháng khác kéo dài., rốt cuộc không bao
giờ ta làm được cả. Có những người ôm một cái mộng mà ba, bốn, năm mươi năm
không thực hiện được. Đó là vì họ có quá nhiều tính chất nhu nhược của anh
chàng Thúc Sinh. Nếu anh, chị có cái mộng nào muốn thực hiện thì phải làm như Từ
Hải.
Chúng ta cũng có hạt giống của Hoạn Thư. Đừng nói: ‘Ôi Hoạn
Thư làm một người ghê gớm quá! Mình làm sao mà là Hoạn Thư được!’ Kỳ thực Hoạn
Thư và ta có những điểm giống nhau. Mỗi người trong chúng ta đều có hạt giống của
sự ghen ghét trong lòng. Có khi chúng ta ganh với em, với chị, với anh, với bạn...
Hạt giống ganh ghét đó, chúng ta không biết, không nhận diện ra và chúng ta lấy
những lý do khác để bào chữa cho thái độ của mình. Không có ai trong chúng ta
vượt ra khỏi tình trạng đó. Tôi cũng có hạt giống ghen. Trong tất cả quý vị ai
cũng đều có hạt giống ghen cả. Vì vậy chúng ta phải học thực tập Hỷ Xả Từ Bi để
chuyển hóa cái ghen của mình. Thấy một người có hạnh phúc, được thương, được
may mắn, mình mừng cho người đó, vui cái niềm vui của họ gọi là Hỷ. Trong lòng
mình có niềm vui, có sự nhẹ nhàng, thảnh thơi. Và người kia tự nhiên trở lại
thương mình, chia sẻ hạnh phúc của họ cho mình. Nếu mình ghen người kia đau khổ
và không thể nào chia sẻ được hạnh phúc cho mình. hạnh phúc của người kia bớt
đi là vì sự ganh tuông của mình. Hoạn Thư có mặt trong ta. Nhưng Hoạn Thư không
phải chỉ có ganh thôi. Trong cô cũng có lòng từ bi. Đọc tờ cung khai của Kiều,
Hoạn Thư thương cho tài văn và tâm trạng của Kiều và đã cho phép Kiều đi tu, khỏi
phải làm thân tôi tớ. Nghe lỏm được câu chuyện giữa Kiều và Thúc Sinh, Hoạn Thư
vẫn lờ đi, không canh gác, cố ý để Kiều đi trốn. Kiều trốn đi, mang theo chuông
vàng khánh bạc, Hoạn Thư vẫn không theo bắt, dù cô có đầy đủ phương tiện để
truy nã. Hành động nhân từ đó đã có kết quả rất tốt mà chúng ta sẽ thấy trong
những đoạn tới. Từ Hoạn Thư chúng ta cũng học được bài học nhân ái chứ cô không
phải là một người bỏ đi. Tất cả chúng ta, giác ngộ nào cũng có những hạt giống
tốt và xấu. Chúng ta phải chấp nhận nhau và giúp đỡ nhau để những hạt giống tốt
trong nhau phát triển và những hạt giống xấu ngày một yếu dần đi.
Rồi những Tú Bà, Mã Giám Sinh, Ưng, Khuyển... đừng nói đó là
những phường vô lại. Chúng ta cũng có hạt giống của họ. Mỗi người Việt đều có hạt
giống của Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông... mà cũng có hạt giống
của Trần Ích Tắc, Hồ Quý Ly... Nếu sống trong một môi trường không thuận lợi
thì chúng ta sẽ thành ra Trần Ích Tắc. Và nếu được sống trong một hoàn cảnh gia
đình và xã hội thuận lợi thì chúng ta sẽ thành ra những Lê Thái Tổ, Trần Thái
Tông. Đừng nghĩ rằng bọn Sở Khanh, Ưng, Khuyển, Tú Bà là nên đem đi chém hết.
Phải thấy rằng hoàn cảnh giáo dục, gia đình và xã hội của họ đã đưa họ tới chỗ
đó. Chúng ta phải có lòng từ bi với những người này và phải chăm sóc họ một
cách đặc biệt..
Đọc truyện Kiều theo phương pháp thiền quán, chúng ta phải
đi vào da thịt từng nhân vật. Chúng ta sẽ thấy rằng người nào cũng có mặt trong
ta cả. Họ ở ngay đó, trong đời sống hàng ngày. Ta chỉ đưa tay ra là đụng. Bằng
chánh niệm chúng ta nhận diện liền lập tức những hạt giống của những nhân vật
đó trong ta và trong người xung quanh. Ta phải thấy được họ và phải thấy một
cách sáng suốt để có thể giúp họ và có thể phản chiếu lại nội tâm ta. Thấy để bắt
chước những cái hay, cái đẹp cũng như tránh lập lại những lỗi lầm của họ. Và với
tình thương Từ Bi Hỷ Xả, ta tìm cách giúp họ.
(Thả một bè lau - Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán)
1 nhận xét:
Cảm ơn blog vì nó thật sự hay và đa dạng.
danh sách các thuốc giảm cân được bộ y tế cấp phép
thuốc giảm cân
thuốc giảm cân
Đăng nhận xét