NGUYỄN VĂN TUẤN
TTCT - Vụ một bác sĩ ở Hà Nội phi tang thi thể một khách
hàng đến giải phẫu thẩm mỹ làm dấy lên làn sóng phê phán về y đức, nhưng cũng
là một nhắc nhở về những rủi ro của ngành nghề đặc biệt này.
Khi kinh tế phát triển, kỹ nghệ làm đẹp bằng giải phẫu thẩm
mỹ (GPTM) tăng trưởng nhanh. Một bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết mỗi
năm có khoảng 100.000 lượt khách hàng nhờ đến GPTM các loại, trong đó có khoảng
6.500 ca nâng ngực ở phụ nữ.
Cũng như bất cứ can thiệp y khoa nào, GPTM kèm theo một số
nguy cơ về biến chứng hậu phẫu như nhiễm trùng, mất máu, máu tụ ở gan, tổn
thương đến não, tê liệt cơ, đột quỵ, thậm chí tử vong, như trường hợp một ca sĩ
người Trung Quốc 24 tuổi ba năm trước. Thật ra đây là những khách hàng kém may
mắn vì nằm trong con số thống kê.
Một nghiên cứu ở Mỹ trên 1.200 bác sĩ thẩm mỹ cho thấy tỉ lệ
tử vong từ phẫu thuật hút mỡ bụng là 1/5.000. Đó là chưa kể nhiều trường hợp
sau phẫu thuật cơ phận trở nên mất cân đối hoặc mang thẹo suốt đời.
Nhiều người nghĩ rằng GPTM (cosmetic surgery) là một lĩnh vực
y học, nhưng điều này có lẽ không đúng vì sự khác biệt về đối tượng và mục
tiêu. Trong y khoa thì đối tượng là bệnh nhân, nhưng đối tượng của GPTM là người
bình thường, khỏe mạnh, không mắc bệnh.
GPTM có mục tiêu đơn giản là làm đẹp, trong khi mục tiêu của
y khoa là phòng ngừa bệnh tật, giảm đau, chăm sóc bệnh nhân, cứu người. Điều đặc
biệt trên của GPTM từng được một bác sĩ thẩm mỹ danh tiếng (C. Siebert) viết
như sau: “Thật kinh ngạc khi chúng ta được mổ xẻ trên những người bình thường.
Ý tưởng được mổ trên người hoàn toàn bình thường quả là một đặc quyền khó tin”.
Trên tập san Annals of Surgery, bác sĩ GPTM John Davis phân
biệt khía cạnh đạo đức nghề nghiệp giữa phẫu thuật chữa bệnh và phẫu thuật làm
đẹp như sau: “Sự khác biệt giữa một ca mổ bụng và ca mổ làm phẳng những nếp
nhăn trên mặt là gì? Ca mổ bụng rất cần thiết cho sức khỏe của bệnh nhân, còn
ca mổ làm đẹp thì không thiết yếu mà chỉ là một kỹ thuật trang hoàng”.
Do đó có thể nói rằng phẫu thuật làm đẹp không thuộc phạm
trù của y khoa. Tuy nhiên, cần phải mở ngoặc ở đây để phân biệt giải phẫu chỉnh
hình (reconstructive surgery) giúp tái tạo những cơ phận bị tổn thương ở bệnh
nhân là một can thiệp y khoa.
Sự khác biệt giữa GPTM và y khoa còn nằm ở khía cạnh quảng
cáo, một hoạt động được bàn thảo khá nhiều trong thời gian qua. Do truyền thống
và y đức, các phòng mạch bác sĩ không được phép quảng cáo, nhưng các trung tâm
GPTM thì được.
Ngành y có quan niệm tương đối bảo thủ rằng bác sĩ là “thầy”
(thầy thuốc) bậc sĩ, nên quảng cáo là tự hạ thấp mình ngang hàng với... thợ.
Nhưng GPTM được xem như một ngành nghề không chịu sự ràng buộc của y khoa và được
phép quảng cáo. Tuy nhiên, vì GPTM luôn đi kèm với rủi ro nên gần đây một vài
hiệp hội đã kêu gọi cấm không cho quảng cáo các dịch vụ làm đẹp bằng GPTM.
Vì những khác biệt rất căn bản giữa GPTM và y khoa nên ngành
GPTM có điều lệ đạo đức riêng. Ở Úc, Hội GPTM đề ra những chuẩn mực đạo đức rất
khác với y đức, như xuất sắc trong phẫu thuật, thành thật và tôn kính, tình
thương, có trách nhiệm, học thức và tình đồng nghiệp.
Có thể nói rằng hành động (phi tang thi thể) của bác sĩ nói
trên đã vượt ra ngoài chuẩn mực đạo đức nghề, mà thuộc về phạm trù đạo lý làm
người. Nó không cho phép bất cứ ai trong xã hội hành xử bất kính với thi thể của
con người.
Bộ Y tế không thể nào kiểm soát tất cả cá nhân trong ngành
y, chứ chưa nói đến ngành GPTM. Chỉ có chuẩn mực đạo lý và y đức “điều khiển” họ
thôi. Có thể chuẩn mực bị lệch hoặc không được tôn trọng, hoặc một bộ phận
trong xã hội đang ở trong tình trạng mất định hướng về đạo lý. Những sự kiện xảy
ra thời gian gần đây (như giết người một cách man rợ, quảng cáo phá thai công
khai...) cho thấy chuẩn mực của đạo lý xã hội đã bị lệch.
Nguồn: Tuoi-tre-cuoi-tuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét