Đỗ Công Trung
Gió thổi mạnh dần, mạnh dần. Rồi gió đùa cây lá. Gió thổi cuồn
cuộn như chém vào những vật đang cản đường nó. Lá cây, bụi đất bị gió cuốn tung
lên. Đất trời mù mịt. Gió luồn vào khe cửa sổ. Gió len vào những chỗ hở vách đất
nứt nẻ. Mái ngói như bị sốc lên. Cát sạn trên mái rơi xuống lào xào. Cả phòng học
của chúng tôi như rung lên.
Mưa. Mưa lắc cắc. Mưa rào rào. Mùi khét lẹt của đất bay lên
xốc vào mũi thật khó chịu.
Mưa nặng hạt, nặng hạt dần. Mưa xối xả. Mưa chặn đứng cả
gió. Mưa như chỉ còn biết có mưa. Thỉnh thoảng còn kèm theo sấm sét. Những ánh
chớp lóe sáng. Những tiếng đì đùng rền vang làm rung chuyển cả đất trời.
Một lát, sấm sét đã chịu im, chỉ còn lại mưa. Mưa dai dẳng.
Mưa rả rích.
Những cánh cửa phòng được mở ra. Nói tiếng cửa cho sang chứ
thật tình đó chỉ là những tấm líếp được đan bằng lồ ô chống lên, dịch qua. Lúc
này trời chưa phải là tối nhưng mưa làm cho bầu trời trở nên sẩm. Nhìn ra ngoài
trời chỉ thấy mưa và một màu trắng xóa của nước phủ trên mặt đất.
Buổi học đã kết thúc. Bọn chúng tôi lục tục ra khỏi phòng học,
đứng đầy cả thềm đất. Nhiều đứa đã được người nhà đến đón. Nhìn chúng được người
nhà mặc áo mưa, đưa lên xe chở về mà tôi nôn nao cả ruột.
Chiếc thềm chật hẹp đã thưa dần. Số học chỉ còn ít hơn nữa.
Cô giáo tôi lấy cặp che đầu chạy vội về phía nhà nội trú ở cuối mé sau vườn trường.
Chắc là cô vội về để tìm lấy những quần áo phơi khi sáng.
Trời đã bắt đầu sẩm tối. Mưa đã bớt nặng hạt. Trên thềm chỉ
còn lại mình tôi. Tôi cứ lóng ngóng nhìn ra ngoài trời mà lòng cứ băn khoăn tự
hỏi: Ba mẹ sao lại không đến đón tôi ?
Câu hỏi ấy cứ xoáy mãi trong tâm trí tôi. Nỗi buồn tăng lên
thành sự hờn dỗi, rồi tức tưởi khiến cho nước mắt tôi trào ra. Chắc là ba mẹ lo
làm mà quên tôi rồi ? Không! Thường ngày có bận rộn mấy vẫn có người đón kia mà
?
Những câu hỏi, những lời biện bạch cứ đan xen nhưng những giọt
nước mắt thì không tài nào cưỡng lại.
Bỗng có tiếng cót két của mở cửa ở phía phòng nội trú. Ánh
sáng ngọn đèn dầu hắt ra. Ừ đúng rồi! Còn có cô Lợi của mình ở gần đây mà. Chả
là ngôi nhà nội trú có ba cô giáo ở nhưng hôm nay là chiều cuối tuần nên hai cô
dạy buổi sáng đã về nhà rồi. Chỉ mình cô Lợi ở lại.
Có bóng người từ phòng nội trú đi lên. Đoán là cô nên tôi cố
nín khóc nhưng nước mắt cứ túa ra. Cô Lợi đã đến bên tôi hỏi:
- Chưa có ai đến đón em à!
Tôi trả lời lí nhí “Dạ chưa!” mà nước mắt cứ trào ra. Không
hiểu vì tâm trạng của tôi hay thực tế vốn dĩ mà tôi thấy giọng cô lúc này thật ấm.
Cô hướng nhìn về phía đường. Đường vắng hoe.
Cô nhắc ghế ngồi và kéo tôi vào lòng trò chuyện và hình như
chẳng để ý gì đến việc tôi đang khóc. Một lát sau, tôi như quên bẵng chuyện
không người đón mình mà chỉ lo trò chuyện cùng cô.
Trời tối hẳn. Lúc này cô mới nói:
- Bây giờ em ở lại với cô hay về nhà?
Tôi nằng nặc đòi về nên cô bảo chờ cô xuống nhà lấy áo mưa
và xe đạp đưa tôi về. Chẳng mấy chốc cô đã trở lại, mặc cho tôi một bộ áo mưa
thùng thình. Còn cô choàng tấm áo mưa, đội nón. Rồi cô bế tôi lên
xe chở tôi đi.
Đường về nhà tôi lúc này đi thật khó khăn. Chỗ thì trơn trợt,
chỗ thì nước tràn qua đường, chảy khá mạnh. Còn cô thì lúc đạp, lúc dắt nhưng cứ
bảo tôi ngồi yên trên xe.
Một lát mưa tạnh, ánh trăng bắt đầu tỏa sáng. Cô và tôi đã cởi
áo mưa. Không khí và khung cảnh thật dễ chịu. Vừa đi, cô vừa trò chuyện, rồi cô
kể chuyện về gia đình cô.
Nhà tôi đã ở phía trước nhưng sao không có ánh đèn. Tôi băn
khoăn, nói cô dừng xe lại, vội chạy vào sân gọi to: Ba ơi!.... Mẹ ơi!….
Không có tiếng trả lời. Đã có điều gì bất thường xảy ra.
Lòng tôi se thắt lại. Tôi và cô vào nhà. Sau một hồi tìm kiếm tôi đã nhờ cô thắp
được ngọn đèn dầu lên. Cô giáo thoáng vẻ sững sờ. Không biết có phải vì cô nghĩ
về căn nhà nhỏ bé ọp ẹp của tôi hay ái ngại vì không có ba mẹ tôi ở nhà. Còn
tôi, tôi băn khoăn lo lắng, đứng ngồi không yên, hết đi ra cửa rồi chạy vào. Bỗng
có tiếng người văng vẳng.
- Ai đó? Ai ở trong nhà Hai Miên đó?
Tôi nhận ra tiếng của bà Năm Khẩn vội trả lời: Dạ con, Thảo
đây!
Chả là nhà tôi ở Xóm Rẫy, hằng ngày mọi người thường tới làm
công việc, đêm đến họ về hết chỉ có nhà tôi và bà Năm ở lại thôi. Nhà bà Năm chỉ
có mình bà nhưng tính bà vui vẻ, hay kể chuyện xưa, hát hò vè nên mọi người thường
ghé lại nhà bà chơi. Còn đối với gia đình tôi bà chẳng khác gì người nhà.
Bà Năm tất tả vào nhà, miệng huyên thuyên không kịp để tôi
trả lời: Trời ơi bà quên con đi học. Hồi chiều mẹ con bị ngất, ba con đã nhờ
người chở ra trạm y tế sao không thấy tin gì hết. Con về với ai? Cô giáo à! Tội
nghiệp! có sợ không con? May mà có cô giáo.
Sau một hồi nói chuyện bà bảo cô ở lại với tôi và bà cho
vui. Và cô sau vài phút do dự cũng vui vẻ nhận lời. Thế là bà cùng cô lo đi nấu
cơm. Vừa làm hai người vừa trò chuyện thật vui vẻ. Tôi cũng cuốn hút theo câu
chuyện của họ.
Câu chuyện của họ cứ kéo dài cả cho đến khi bữa cơm kết thúc
và tôi đã nằm thiếp đi lúc nào chẳng hay. Nhưng tôi vẫn nghe bà Năm nói với cô
điều tốt về mẹ tôi. Đó là mẹ tôi hiền, ham làm, chắc mệt vì có thai. Lòng tôi mừng
lắm. Mừng vì tôi may mắn có được người mẹ tốt, mừng vì tôi sắp có em…
Tôi tỉnh dậy trời đã sáng. Ánh bình minh của miền rừng
núi sau trận mưa đầu mùa thật dễ chịu. Tôi nghe tiếng bà Năm ở phía trước nhà
nói chuyện nhà tôi hôm qua. Chắc ai đó đã hỏi về mẹ tôi. Tôi bước ra sân, hỏi
bà Năm về cô giáo. Bà cho biết cô đã dậy và về từ sớm. Ba tôi cũng mới về thăm
chừng tôi và lấy ít đồ đạc tới Trạm y tế, còn mẹ tôi đang chuyền cho xong chai
nước biển, chiều về.
Hôm sau, thứ hai, tôi tới trường. Cô giáo đã có mặt chờ tôi
và hỏi chuyện về mẹ tôi, về gia đình tôi. Và từ sau ngày đó cô luôn chú ý, chăm
sóc tôi. Tình cảm của cô đối với tôi chẳng khác gì người mẹ.
Bao năm đã trôi qua, giờ tôi đã là một giáo viên đứng tuổi
và đang dạy học nơi ngày nào cô giáo bì bõm đưa tôi về nhà. Nhưng có điều cô Lợi
ngày ấy đã đi đâu tôi tìm mãi vẫn không biết. Lòng tôi vẫn luôn ghi nhớ về hình
ảnh của một cô giáo mảnh mai, ở phố thị, về miền quê nghèo khó chúng tôi khi đó
đã hết lòng vì sự nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét