Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Tuổi teen và sự bất tuân

Nhị Tường

Con gái tôi năm nay vừa tốt nghiệp trung học. Cả một thời học sinh cấp II, con bé chưa luôn được tiếng là ngoan và lễ phép với thầy cô giáo. Tuy nhiên, khi bước vào cấp III, cháu lại có lần bị xếp loại đạo đức kém vì vô lễ với giáo viên. Điều đó làm cho tôi vô cùng đau khổ. Nhưng khi hiểu được nguyên nhân của vấn đề thì tôi không còn ưu tư gì nữa.
Đó là một ngày chợt nắng chợt mưa, con gái tôi chạy vội đến trường, để tránh cơn mưa. Vì vội vã cháu quên đem tập vở Công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn không tránh được cơn mưa  nên đến lớp với chiếc áo dài ướt sát vào da. Một người bạn cởi chiếc áo lạnh cho cháu mặc vào. Ngồi co ro trong lớp cháu mới phát hiện ra quên đem vở Công nghiệp, cháu lấy vở toán và mở ngay trang giữa để viết bài, vì có thể về nhà sẽ rứt trang vở đó ra và dán vào vở Công nghiệp. Thế nhưng xui rủi làm sao, cô giáo phát hiện và cho rằng cháu làm toán trong giờ công nghiệp, cô giáo hỏi câu gì đó của bài học và cháu không trả lời được, thế là cô giáo ghi vào sổ đầu bài là “học sinh làm việc riêng”. Vì quá uất ức, con bé đứng lên nói: “Thưa cô, em trả lời không được vì em chưa hiểu bài, chứ em không làm việc riêng, em chỉ có một lỗi là quên đem vở…” Thế là sổ đầu bài được ghi thêm là “học sinh vô lễ với giáo viên” và cháu bị xếp loại đạo đức yếu. Tình trạng không đến nỗi tồi tệ cho đến ngày 26-3, cháu không được đi cắm trại vì cái lỗi đạo đức đó. Con gái tôi khóc suốt một tuần vì bị cách ly với bạn bè một cách oan uổng như vậy. Chuyện xảy ra đã gần hai năm, nhưng tôi biết, ký ức ấy vẫn sẽ theo đuổi con tôi đến suốt đời.
Khi mới nghe chuyện, nhiều người đã cho rằng đó là do “nổi loạn” tuổi teen, nhưng thật ra không phải. Vì sao như vậy? Với một lứa tuổi còn ngây thơ chưa trải qua nhiều kinh nghiệm va chạm trong cuộc đời, tuổi teen quan niệm rạch ròi về sự công bằng, và ít khi chấp nhận sự áp đặt, sự võ đoán của người lớn. Tuổi này lại nhiều mơ ước và  muốn khẳng định mình. Chính vì vậy, về mặt thẩm mỹ, tuổi teen cũng có cách nhìn khác với người lớn. Có lần con tôi khen một thằng bé có cái đầu tóc vàng nâu, trên đỉnh đầu dựng đứng và nhuộm vàng hoe một đường dài (highlight) như bờm ngựa. Tôi giật mình sợ hãi khi thấy thẩm mỹ của con gái tôi “sa đọa” đến như thế. Nhưng rồi, nhìn lại, tôi thấy kiểu tóc đó cũng đẹp, ngộ nghĩnh, và cũng không “ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới” cả. Rồi có lần, tôi thấy con tôi giơ hai tay lên trời, chân dậm bịch bịch giống như tập thể dục buổi sáng và miệng thì “rap”: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu. Dây thép gai đâm nát trời chiều” Tôi la lên: con làm gì thế? Con tôi nói: “Con phải “ráp” bài thơ này mới mau thuộc, chứ nếu không thì khó thuộc quá”.  Nghe có vẻ hài hước nhưng tôi thấy con hoàn toàn hợp lý khi vận dụng phương pháp này để học thuộc một bài thơ nói về chiến tranh mà tuổi teen sinh ra trong thời hòa bình này chẳng có chút khái niệm nào.
Đứa con trai người bạn tôi, có lần gom hết tất cả những những bản nhạc mẹ nó thích, nhạc cổ điển, nhạc Trinh Công Sơn, đem tặng mẹ, và mở nghe trong suốt một ngày. Ngày hôm sau, nó mở toàn nhạc rock, rap mà nó thích. Khi người bạn tôi phàn nàn, cậu bé nói: “Nếu mẹ khó chịu bao nhiêu khi nghe những nhạc sôi động con thích, thì mẹ biết con cũng khó chịu bấy nhiêu khi nghe những bản nhạc ảm đạm của mẹ”. Biết sao được khi ta thấy một bộ phim hay, hay một bản nhạc tâm đắc vì nó nói lên tâm trạng và suy nghĩ của chính mình. Những gì chúng ta cho rằng “vớ vẩn” thì đối với tuổi teen  lại là “thơ mộng và cao siêu”. Nếu ai còn giữ cuốn nhật ký mình đã ở tuổi teen, thì sẽ thấy rằng tâm trạng, cách nghĩ của con mình về bố mẹ giờ đây chẳng khác gì so với tâm trạng của mình thuở ấy.

Ngày xưa, gia đình trong thời phong kiến, mệnh lệnh của người cha trong gia đình là tối cao, là bởi vì nếu một thành viên trong gia đình làm điều gì đó “mang tội khi quân” (đơn giản nhất là làm một bài thơ phạm húy chẳng hạn) thì sẽ bị toàn gia tru lục, do đó, nhất nhất con cái phải tuân theo lời cha mẹ, em phải tuân theo lời anh. Nhưng giờ đây, bậc phụ huynh chúng ta phải biết rằng không thể như thế được. Chúng ta không thể đem những suy nghĩ, những thẩm mỹ quan của chúng ta ngày trước áp đặt vào thời nay. Điều đó sẽ làm cho chúng ta khổ vì con cái chúng ta bất tuân, và cũng làm cho con cái chúng ta khổ vì cảm thấy cha mẹ không hiểu mình. Tuổi teen lại là tuổi để lại ký ức sâu sắc nhất trong đời người, không thể quên những gì mình đã yêu, cũng như đã hận; nên các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, phải sáng suốt suy nghĩ để có cách hành xử không mang lại những “áp bức” không đáng có cho con mình.  
 15/7/2007

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết của tác giả Nhị Tường rất hay và đúng với những gì đang diễn ra trong hoàn cảnh của gia đình tôi. Cảm ơn tác giả, cảm ơn trang Blog!