Nguyễn Hữu Tài
1.
Nghĩ cũng lạ, cháo nấu với thịt bò thì gọi là cháo bò, thịt
gà là cháo gà, thịt vịt gọi cháo vịt, vậy mà khi nấu với thịt heo lại gọi là
cháo lòng nghe dễ thương lạ. Mà cũng đúng, ai nỡ gọi tô cháo bốc khói, có huyết,
gan, phèo, phổi và mấy miếng thịt ngon lành bằng tên giống y chang nồi cháo
toàn rau muống với cám, kèm tí nước cơm và đầu cá nấu cho heo ăn đó.
Cháo lòng là món ăn sáng thiệt ngon, thanh đạm, dẫu biết “ăn
cháo báo cơm”, chẳng thể dằn bụng tới trưa nhưng khi khi ghiền phải ăn liền mới
đã.
Hàng cháo lòng chị Mỹ nằm ngay cầu Sắt trên bến sông Dinh,
ngay trước trường Đình. Hồi lớp một, hai và ba tôi học ở đó. Bữa nào má cho rủng
rỉnh tiền, tôi đi thiệt sớm để ăn tô cháo năm trăm. Chị Mỹ thương lũ học trò
nghèo, bỏ thêm tí gan, chút lòng ăn cho mau lớn. Lúc nấu chị lấy huyến sống quậy
đều, đổ vô nên cháo có màu đen, lợn cợn huyết.
Hàng cháo mợ Bảy cũng ngon có tiếng. Con trai mợ làm nghề mổ
heo nên để lại lòng nấu cháo nuôi em. Mỗi sáng, chị Ốm với con O thay phiên ngồi
bán. O là bạn tôi, học chung trường, trong túi nó lúc nào cũng rủng rỉnh một đống
tiền. Chiều đi học về, đói bụng, nó móc ra một nắm mua bánh canh, chè, cháo vịt
đãi tôi. Vậy mà nhiều lúc vô ơn, nổi điên lên, tôi đè đầu nó xuống đánh lộn
hoài. Nhờ nấu bằng nước luộc lòng nên cháo mợ Bảy rất ngọt, gạo nở búp búp, húp
đã đời. Chỉ có điều, chị Ốm coi gan heo như vàng. Ai mua một ngàn mới thẻo cho
miếng mỏng như lá lúa, năm trăm thì miễn. Sáng nào ba cũng kêu tôi xách cà mèn
đi mua cháo, ông ăn năm này qua tháng nọ cũng không ngán. Rồi tập con Lucky ăn
riết thành quen. Hết cháo, nó chịu không nổi. Nhiều khi bệnh nằm một chỗ rên ẳng
ẳng nhưng hễ nghe mùi cháo lòng là nó ngóc đầu dậy, tỉnh bơ. Mà phải cháo mợ Bảy
nhen, của người khác nó không thèm đụng tới.
2.
Nhưng có lẽ ngon nhất là hàng cháo cô Trúc, má thằng Khoa,
ngoài chợ Dinh. Cô gốc Tàu, nhà trong hẻm chợ, trên đường ra thôn Năm, ngay xóm
Lò Heo. Nghe tên xóm cũng biết họ làm nghề gì rồi heng. Sáng nào cũng thế, mới
bốn giờ, đã nghe phía bên kia sông, tiếng heo bị đâm họng la éc éc dậy trời.
Đùi nóng hổi bỏ cho các chị làm nem chua, đầu và thịt bỏ mối cho các sạp ở chợ.
Gần nhà, quen mối nên cô lấy toàn lòng tươi nấu cháo.
Tôi với Khoa học chung cấp hai, chưa một lần nghe nó nhắc tới
ba, toàn lủi thủi với má, dì và ngoại. Tụi tôi kêu nó là Khoa cháo lòng. Mỗi lần
nghe cái tên đó, nó sừng sộ, nổi máu xung thiên, nhào tới đánh cho bỏ tức. Lớp
tôi toàn những đứa nghèo. Ba má lam lũ bám đường, bám chợ, làm đủ thứ nghề chân
tay để kiếm tiền nuôi lũ con ăn học. Họ miệt mài bên chiếc xích lô, thúng bánh,
hàng chè, hàng cháo, quán tạp hóa lèo tèo vài món, ngồi giữa trưa nắng kiếm đồng
lặn, đồng mọc vỗ về những ước mơ con. Lớn lên, bọn tôi đi làm ăn xa, mỗi dịp lễ
Tết tụ tập về, ngồi nói chuyện đời, lôi ba cái tên trời ơi đất hỡi năm nào ra
mà gọi, nào là Huy chích thuốc heo, Vi bà giá, Trung xích lô, Thanh chôm chôm…
những cái tên gắn liền với nghề nghiệp, quán hàng của ba má. Cười híp mắt, coi
như chẳng có chuyện gì. Vậy mà hồi xưa, mười bốn, mười lăm, nghe ai gọi vậy là
đỏ mặt tía tai, rượt chạy có cờ, lấy đá chọi cho u đầu, bể trán.
Nhiều người bán cháo lòng ở chợ nhưng chẳng ai trụ nổi với
nghề, có lẽ cạnh tranh không lại hàng cháo của cô Trúc. Cô bán cả ngày, cháo
lúc nào cũng bốc khói. Thau lòng heo bự tổ bà chảng để trên bàn với đủ thứ thịt
thà, tim gan, phèo phổi, không có dồi và giò cháo quảy như người miền Nam. Rổ
rau bắt mắt có rau thơm, xà lách, giá, ngò. Đặc biệt là chén mắm ớt tỏi. Không
phải là loại mắm lỏng le lỏng lét thường thấy mà phải giã ớt tỏi thiệt nhuyễn,
thiệt cay, nặn chanh cho chua, đỏ tươi màu ớt và keo của đường. Thẩu mắm ngon,
thể hiện sự hiếu khách và chỉn chu của người bán. Dù bánh trái bình thường như
bao hàng khác, nhưng làm được thẩu mắm ngon dàn trời thì mặc sức mỏi tay đếm tiền
tới sáng.
Lúc trước xây lại chợ, ban quản lý đẩy các hàng ăn lên lầu
ngồi. Được vài bữa các cô lén leo xuống dưới vì ế quá. Người ta quen ngồi bệt
bên đường xì xụp húp từng muỗng cháo chứ chẳng thích bàn cao, ghế rộng, mất đi
sự tự nhiên vốn dĩ của chợ quê.
Cô ngồi xắt lòng, cô Mai múc cháo bỏ tô, bà ngoại ở phía sau
rửa chén, lặt rau, phụ con phụ cháu. Tô cháo theo thời gian, tăng từ một ngàn,
lên tới mười ngàn nhưng chẳng thay mùi đổi vị. Đó là cách người ta giữ khách ở
gánh hàng quê. Năm tháng qua đi, người có già, nhan sắc có tàn, tuổi đời có
khác, nhưng mỗi lần ra chợ, lại cảm thấy vui khi tìm được vị đậm nhạt quen thuộc
của tô cháo, dĩa bánh, ly chè. Hễ nấu khác một chút, người ta nhận ra liền.
Không chịu quay về mùi cũ. Ế cho coi.
3.
Mỗi lần đói bụng, thèm ăn hàng, tôi thong thả đi bộ ra chợ.
Vừa thấy mặt, cô đã cười tươi, mới về hả Tài? Sao? Đủ thứ hả con? Tôi ngồi xuống,
hỏi thăm vài tin tức về Khoa, nghe cô kể chuyện thằng con trai duy nhất với giọng
tự hào dữ lắm. Ngoại đã mất, hai chị em vẫn miệt mài bên xoong cháo.
Cũng lâu lắm rồi tôi chưa gặp lại Khoa. Nghe dì nói nó có vợ
có con êm ấm ở Sài Gòn. Đôi khi cũng mong gặp lại thằng bạn cũ, rồi vô tình
(hay cố ý) nhắc lại tên Khoa cháo lòng, coi thử nó còn nhảy đong đỏng như hồi
con nít? Mà chắc không, nửa đời bươn chải, làm đủ thứ nghề kiếm sống, chắc nó
biết chẳng có nghề nào hèn, việc chi là xấu, miễn do công sức mình làm ra đồng
tiền chân chính nuôi sống bản thân và gia đình thì mắc gì phải thẹn. Chắc Khoa
bắt đầu biết thương biết nhớ nồi cháo bốc khói, thầm biết ơn ngoại, má và dì đã
tảo tần hôm sớm nuôi nó lớn khôn thay vì nổi khùng khi nghe hai chữ cháo lòng
quê mùa đó.
Lơ đễnh ngó quanh, những gương mặt giữa chợ Dinh quen thuộc.
Gật đầu chào. Họ khen tôi mới có mấy năm mà cao ráo, đẹp trai (!) dữ bây. Đúng
là Mỹ, nuôi có khác. Dạo này còn chửi lộn, chửi lạo nữa hông? Có còn dùa hàng
khi bị ai chọc tức? Có còn đòi dùa bàn thờ, lôi mười hai gánh họ nhà người ta
mà chửi nữa hông? Dạ hông. Lớn rồi, ai lại làm thế. Thiệt tình nghe nhắc lại
chuyện xưa tôi mắc cỡ muốn chết. Hình như cũng có một thời tôi dữ dằn có tiếng ở
chợ Dinh.
Tô cháo để lên bàn, rắc ít tiêu và hành ngò thơm phức, dĩa
lòng, chén mắm và mớ rau một bên. Nhìn thôi là bụng đánh lô tô, muốn bưng húp
ào ào nhưng sợ người ta đánh giá mình phàm phu tục tử. Cô luôn nhớ nết ăn của
tôi, lòng, gan, sụn thiệt nhiều, không ăn phổi với huyết. Xắt mỏng, trụng sơ với
nước cháo cho nóng. Thế mới ngon (chứ thiệt tình tôi chẳng sợ mất vệ sinh gì cả.
Về hoài, quen bụng. Đã ngồi lê lết giữa chợ mà nghĩ tới vệ sinh vệ siếc thì… khỏi
ăn cho rồi).
Trưa đứng bóng, nắng đổ lên tấm bạt nhựa nóng kinh hồn, người
như chảy mỡ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Múc một muỗng, đưa lên miệng thổi cho nguội,
húp cái rột, cháo xuống cổ, mới thấy mọi cực khổ trần thân giữa trưa nắng đi
đâu mất biệt, chỉ còn lại vị ngọt và mềm của cháo mà thôi. Gắp miếng lòng, chấm
nước mắm, nhai sừng sựt. Bao tinh túy trong ruột heo ngọt ở đầu môi. Miếng gan
bùi bùi, beo béo. Sụn giòn tan trộn lẫn nước mắm thơm lừng. Buộc miệng la làng,
có hàng cháo nào ngon hơn hàng cháo này không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét