Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Con cá khô ở Nuwara Eliya

 Tony Nhân Nguyễn



1. Chiều thứ Sáu cuối tuần, chạy trốn khỏi cái bức bối của một tuần làm việc đầy sự cố, tôi đáp máy bay đi Sri Lanka. Chuyến bay chuyển tiếp tại Bangkok. Từ Bangkok sang Colombo gần bốn giờ bay nhưng tôi cảm thấy thật sự thoải mái với những nụ cười và tiếng cám ơn “khọp khun khà” kéo dài của các tiếp viên hãng hàng không hoa lan (*).
Khác với những chuyến bay từ Sài Gòn đi Bangkok, dù với hơn một giờ bay thôi nhưng sự lạnh lùng, khó chịu của các tiếp viên hãng hàng không hoa sen (*) đã không ít lần khiến hành khách cảm giác hành trình quá dài và mệt mỏi. Thế mới biết, dù người Thái làm bao nhiêu chuyện phiền phức với du khách qua các trận chiến áo vàng áo đỏ, nhưng sau đó họ biết làm một chương trình Sorry Thailand (để xin lỗi chương trình Amazing Thailand), và du khách nườm nượp quay lại. Còn du khách sang Việt Nam của chúng ta thì sau khi tham quan rừng vàng biển bạc đẹp vô ngần đã... một đi không trở lại.

2. Trái với mọi tưởng tượng, sân bay Bandaranaike của thủ đô Colombo hoành tráng đến bất ngờ về độ lớn, sự sang trọng và sạch sẽ (xứng đáng là bộ mặt của một quốc gia dù Sri Lanka chỉ là một đảo quốc nhỏ, lại vừa thoát nạn “những con hổ giải phóng Tamil”). Từ Colombo, phải đi thêm khoảng 200 ki lô mét nữa mới lên tới Nuwara Eliya - một thành phố cao nguyên tương tự như Đà Lạt. Thật không ai ngờ giữa đảo quốc cận xích đạo quanh năm nóng ẩm lại có một miền đất lạnh ngọt ngào như thế. Thành phố cao hơn 1800 mét so với mực nước biển. Những đường đèo dốc hết sức quanh co, hàng loạt cua tay áo làm tôi tưởng mình đang đi trên con đường lên Lũng Cú - Hà Giang.
Nhiệt độ trung bình trong năm ở đây chỉ khoảng 16 độ C. Những đồi chè và những ruộng rau bạt ngàn một màu xanh. Cây chè được trồng khắp nơi, phủ xanh những ngọn đồi, dưới những rặng thông già, ngay cả trong một hốc đá nhỏ xíu cũng có một cây chè vài chục năm tuổi….
Nếu Đà Lạt được xem là một Paris thu nhỏ, thì Nuwara là một tiểu Anh Quốc của hệ thống thuộc địa Anh, được hình thành từ thế kỷ 19. Với thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng, người Anh đã biến nơi đây thành một vương quốc chè, cung cấp cho cả thế giới. Ban đầu là sự xuất hiện của Mr Lipton trong lần đi thăm Srilanka (tên cũ là vương quốc Ceylon) trong những năm 1890, mà chúng ta thường biết với thương hiệu trà Lipton lừng danh. Đến bây giờ, Sri Lanka vẫn là một cường quốc về xuất khẩu chè, cả nguyên liệu thô lẫn chè thành phẩm, với thương hiệu Dihmah khá nổi tiếng, cũng đặt cơ sở sản xuất tại đây. Thành phố buồn với những biệt thự cheo leo trên dốc cao, những ngôi nhà gỗ thông đẹp đến mê hoặc và cả những dáng người co ro đi lại trên những con đường dốc của một thành phố miền núi. Buổi tiệc tối ngoài trời nhưng phần lớn thực khách chọn ngồi trong nhà vì quá lạnh. Mùi thịt nướng, cá nướng thơm lừng cả một góc đồi. Và ở đó, món cá khô nướng bình dị khiến tôi chợt nhận ra sự quen thuộc trong ký ức, nó đánh bạt tất cả những cao lương mỹ vị khác. Chỉ với mùi thơm nồng nàn và vị mặn chát, con cá khô Nuwara đã chạm đến ký ức tận cùng của nỗi nhớ, của quá khứ về một miền quê đang trong cơn khốn khó với thiên tai.

3. Tôi miên man nhớ vị mặn của con cá trích khô ăn kèm với nắm cơm nóng, nhớ một chiều mưa gió vào cái mùa “trời hành cơn lụt hàng năm” nơi miền Trung đất Việt, nhớ bài làm văn năm lớp 6, tôi đã viết về khoảnh khắc hạnh phúc nhất của đời mình là một buổi chiều nước lũ trắng xóa những cánh đồng, tôi được ngồi trên cái giường kê thêm vài cục gạch cho cao cao một chút cùng với đủ thứ thóc lúa, gà, vịt, chó, mèo…, tay cầm một con cá trích khô và một nắm cơm nóng, hai chân quơ quơ dưới giường đầy nước nhìn cả nhà quýnh quáng lăng xăng dọn dẹp nước lũ tràn vào. Giờ nghĩ lại, thấy văn miêu tả hạnh phúc sao mà… quá dại!
Trên chuyến bay về lại Sài Gòn tối hôm sau, lòng tôi không sao quên được màu xanh ngút ngàn của những đồi chè, màu trắng xóa của những thác nước hùng vĩ, những áng mây lững thững trôi giữa phố, những bóng trắng thấp thoáng của các cô gái hái chè trên núi cao, những dáng người liêu xiêu trong giá lạnh trên những con dốc quanh co, mùi gỗ thông sưởi ấm cháy khét lẹt, và vị cá khô Nuwara Eliya mang vị mặn đắng nước mắt kiếp nhân sinh của đời người chạy lũ. Nhớ ngày xưa mỗi lần vào mùa lũ, mấy chị hay than với mạ: “Sao tụi con lại sinh ra ở cái vùng chi mà cực rứa?”. Mạ cười hiền: “Đời người, mình giỏi lắm thì chỉ chọn được cửa tử thôi, chứ ai chọn được cửa sinh đâu mà than với thở”. Ngẫm lại thấy mạ có lý, mạ hỉ? 

(Viết cho những ngày Huế và Quảng Trị mưa bão tơi bời.....)
*Hoa lan là biểu tượng hãng hàng không Thái
*Hoa sen là biểu tượng hãng hàng không Việt

Không có nhận xét nào: