Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

THI HÀO TAGORE VIẾNG THĂM TÒA BÁO PHỤ NỮ TÂN VĂN, NĂM 1929

THIỆN MỘC LAN


Năm 1929, thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941) đáp tàu Angers ghé thăm hòn ngọc Viện Đông từ ngày 21 đến 23 tháng 6 năm 1929. Báo chí Sài Gòn thời đó có tường thuật về chuyến viếng thăm lịch sử này như sau:
" . . . Dân trong thành phố Sài Gòn cả Tây, Ta và người Ấn Độ nghinh tiếp tiên sinh rất là trọng thể. Khi tàu cặp cầu, có quan Chánh văn phòng trên phủ Thpo61ng Đốc thay mặt chính phủ và ông Béziat, đốc lý Sài Gòn cùng bàn ủy viên nghinh tiếp, đều lên tàu chào mừng tiên sinh.
Trong mấy ngày tiên sinh ghé qua đây, có đi thăm các nhà bảo tàng, mấy ngôi chùa và các trường học. Tiên sinh có viếng trụ sở báo Phụ Nữ Tân Văn. (1)
Kể lại buổi tiếp kiến thi hào, bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhiệm báo Phụ Nữ Tân Văn viết: "Sớm mai ngày chủ nhật 23 juin vừa rồi ông Rabindranath Tagore có ghé viếng bổn báo và bổn Thương cuộc.
Nhân dịp này tôi mới được chiêm yết cái hình dung của nhà đại thi hào; thì ra những bức ảnh đã đăng trong các báo xưa nay còn kém xa cái nét tươi ở gương mặt, cái tinh thần ở đôi mắt, dường như có ánh hào quang sáng rực, của con người có "tiên phong đạo cốt" ấy.
Trước tôi vẫn tưởng ông Ấn Độ này da đen như ông Gandhi, bây giờ mới biết là mình lầm. Ông cao lớn người, tuổi gần 70 mà quắc thước lắm; nước da trắng mịn và ửng đỏ, mũi cao, trán rộng, rõ là trán của một nhà tư tưởng, bàn tay giống như bàn tay của các bà khuê các; ngón tròn mà trắng".
... Mới xem qua lối ăn mặc, thì ông Tagore mường tượng một bậc lão thành đạo mạo An Nam. Trên đội một cái mũ nhung đen, dưới mặc cái áo trắng dài và rộng; kiếng kẹp mũi, râu trắng dài; ảnh của ông chụp ngồi chung với các nhà thân hào An Nam thật là hợp cách lắm.
Tiếng ông nói như tiếng đờn; tiếc là vì tôi không thể hầu chuyện được, vì ông không biết tiếng ta và tiếng Pháp; còn chúng tôi không biết tiến Bengali và tiếng Anh. Tiếc lắm!
Rồi ông xem tới việc buôn bán của chúng tôi, có hỏi thăm hàng hóa Bắc kỳ, chúng tôi trình cho ông xem, ông có mua một cái áo gấm bông bạc. Chúng tôi có hiến cho ông một cây lãnh của hãng dệt Lê Phát Vĩnh ở Cầu Kho để làm kỷ niệm.
Chúng tôi có trình quyển danh sách các nhà đọc giả báo Phụ Nữ Tân Văn thời vị khách quý ấy có ký tên vào trang đầu, để cho chúng tôi được cái kỉ niệm quý hóa  của một bậc đại tư tưởng Á Đông ta.
Chiều lại, ông còn sai người tới mua hai cái khăng đóng. Hỏi thăm mới biết là ông có đặt may một cái áo dài An Nam, thợ làm suốt một ngày đã xong. Thì ra nhà thi hào Ấn ưng ý cái lối quốc phục của mình, cho nên sắm một bộ y phục An Nam để mặc và làm kỷ niệm ..."(2)
Chú thích: (1) Phụ Nữ Tân Văn SỐ 9 NGÀY 27 THÁNG 6 - 1929   (2) Phụ Nữ Tân Văn SỐ 10 NGÀY 4 THÁNG 7 - 1929

 

Không có nhận xét nào: