Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

SÀI GÒN, CHÈ MÈ ĐEN VÀ GIAI ĐIỆU BOLÉRO…

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Ngày xưa nhà Dì tôi ở đường Lam Sơn (cắt Phan Đăng Lưu). Chúng tôi, một lũ con trai, con gái ở quê vào trọ học nhà Dì; người học Y Dược, kẻ Bách khoa, người khác học Kinh tế … Thời bao cấp, ở cái tuổi phàm ăn, những bửa cơm tập thể luôn làm rột rẹt cái dạ dày. Và cảm giác… thèm ăn luôn thường trực. Thèm đủ thứ từ cái bánh mì cho đến chén chè, ly nước mía… Những đêm mưa Sài Gòn trên căn gác nhỏ, cái thèm ăn đôi khi còn lớn hơn nổi nhớ nhà (nói theo học sinh lớp 6 bây giờ thì nỗi nhớ nhà là tập hợp con của cơn thèm ăn – có thèm ăn mới có nhớ nhà, nhớ đủ thứ trái cây trong vườn, các món ăn trên bếp của mẹ…). Đã vậy, những bài hát giai điệu boléro từ xóm lao động phía sau nhà Dì tôi cứ da diết, áo não bò lên tận căn gác như cứa thêm vào nỗi nhớ nhà cái cảm giác thèm ăn đến… cháy lòng. Rồi đến khi không nhịn được, cả lũ vét túi hùn tiền mua bánh mì về ăn. Mấy nhỏ em con Dì tôi hăng hái hưởng ứng. Từ nhà Dì băng qua con hẻm nhỏ đến đường Ngô Tùng Châu, rẽ phải là chợ Cây Quéo, đủ thứ trên trời dưới biển tha hồ lắp đầy bao tử (nếu túi rủng rỉnh), rẽ trái có xe chè mè đen. Tôi và nhỏ em họ che cây dù, túm hai ống quần nhón nhén bước qua những vũng nước, rẽ phải mua bánh mì rồi ngược lại vớt thêm mấy bị chè mè đen. Đời sinh viên có gì thú hơn khi cả đám bạn bè túm tụm trên căn gác ăn bánh mì, tán dóc, vẽ vời tương lai, có chè mè đen tráng miệng trong tiếng nhạc boléro và tiếng mưa gõ đều trên mái tôn? (tôi chắc có nhân vật nào đó say sưa vẽ tương lai mình cho đến tận cùng bịch chè mè đen, quyết tâm chỉ bỏ thùng rác khi cái bị nylon chỉ còn màu trắng nguyên thủy của nó!) Hồi đó tôi ghiền chè mè đen. Khốn khổ, nó chưa bao giờ được ưu tiên “bình chọn” trước các món chè khác như đậu trắng, khoai sáp, trôi nước… Đơn giản thôi món chè loãng này là thứ xa xỉ, ăn chơi, điểm xuyết chớ không lắp đầy dạ dày. Cảm giác thèm chè mè đen thường ập đến mỗi khi tôi đạp xe về đến cây đa cổ thụ nằm trong khuôn viên Cty Xây dựng công trình bây giờ. Nuốt nước miếng, so kè với các món khác tôi đạp xe đến Ngô Tùng Châu, đĩnh đặc kéo ghế... Bưng chén chè, tôi cố gắng hớt từng chút viện cớ chè nóng quá để biện minh cho cảm giác sợ chén chè mau hết. Rồi thì cái muổng có cố múc ít thế nào đi nữa chén chè cũng sạch trong cái thòm thèm không dám ăn chén thứ hai vì có vẻ “xả láng” quá! Năm năm thời tuổi trẻ rồi cũng qua, lũ chúng tôi rời bỏ căn gác, kẻ đi Đông, người đi Tây, bon chen, chật vật trên đường đời nhiều nẻo. Kẻ thành, người bại, kẻ giàu, người không giàu. Dì tôi sau đó cũng bán nhà, ôm lũ con định cư xứ người. Ngõ Lam Sơn chỉ còn trong ký ức. Xe chè mè đen và những đêm mưa Sài Gòn xa dần, xa dần. Những lần vội vã vào Sài Gòn, cuốn theo dòng người, dòng xe trên phố tôi chẳng có dịp nào quay về con ngõ cũ, ăn lại chén chè mè đen. Một ngày tháng chín vừa rồi, tôi có việc ghé qua Chùa Thiên Long ở Thích Quảng Đức. Lòng vòng thế nào tôi ra đến Ngô Tùng Châu (bây giờ là đường Nguyễn văn Đậu). “Xe chè mè đen ngày xưa còn không?”. Tôi hỏi một người đi đường. “Chỗ cái đèn hột vịt đó”. Con đường mở rộng và láng nhựa, xe chè không còn ngang nghênh như ngày xưa mà khiêm tốn đứng một góc hiên nhà. Thời buổi làm ăn kinh tế, dòng chữ “Chè mè đen, đậu phộng” cũng đĩnh đạc trên tấm bảng có ánh đèn néon chiếu vào. Thay vị trí bà chủ đôn hậu ngày xưa là cậu chủ trẻ, nhỏ người, nhanh nhẹn với đôi bàn tay rót chè thật khéo cùng đôi chân thoăn thoắt như con thoi bưng chè, sắp ghế… Trong cái mưa lích rích của Sài Gòn, những chiếc ghế nhựa để ké vào hiên, tôi ngồi xuống cạnh vài thực khách tuổi teen đang say sưa bàn tán về một diễn viên nào đó. Chén chè mè đen thơm phức mùi lá dứa, béo ngậy nước cốt dừa. Giờ đây tôi dư “tiềm lực” ăn cho thỏa lòng nhưng chẳng dám! Những chứng bệnh của người có tuổi thường bắt nguồn từ các món ăn ngọt. Tôi nhấm nháp thật chậm, tận hưởng từng chút, cảm giác vị ngọt, béo, mùi thơm.. đang trôi từ từ qua cổ họng xuống dạ dày giống như ngày xưa và đành tiếc nuối đứng lên trong cái giới hạn tự mình cho phép đến chén thứ hai… Nha Trang mùa thu trời trong xanh và nắng rất đẹp. Vậy mà, người bạn trẻ ở Sài Gòn email cho tôi: “Sài Gòn vẫn còn mưa nhiều”. Thành phố một thời tuổi trẻ của tôi luôn nhạy cảm với những cơn bão dù ở tận đẩu, tận đâu. Phải chăng đó là tính cách của người Sài Gòn luôn mủi lòng trước những mảnh đời bất hạnh? Tôi nhớ da diết Sài Gòn mưa, giai điệu boléro ngọt ngào như chén chè mè đen thời đi học. Không hiểu giờ đây có người bạn nào của tôi lẩn thẩn đếm ngược thời gian nhớ về bịch chè mè đen trên căn gác gỗ những ngày cũ kỹ ấy…
Tháng 10/2006

Không có nhận xét nào: