Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Myxoedema

by Linh H. Vo on Sunday, March 4, 2012 at 7:23am (Facebook)

Myxoedema là một thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn vì nó được dùng để mô tả vừa dấu hiệu vừa hội chứng lâm sàng trong cả trong cường giáp (cụ thể là Graves’s disease)  lẫn suy giáp. 
Myxo có nghĩa là niêm mạc, oedema là phù nên myxoedema có được dịch là phù niêm mạc, gọi tắt là phù niêm.

Thuật ngữ myxoedema trong cường giáp
Phù niêm  trong bệnh Graves (còn gọi là bệnh Basedow) là một dấu hiệu lâm sàng mô tả sự phù nề lớp biểu bì trước xương chày (pretibial).
Phù niêm trong bệnh Graves có cơ chế trung gian miễn dịch nhưng người ta chưa xác định được tự kháng thể. Sự tăng sinh qua trung gian cytokine (cytokine – mediated proliferation)  của các nguyên bào sợi (fibroblast) trong niêm mạc làm tăng  tiết ra các glycosaminoglycan ưa nước (hydrophilic glycosaminoglycan). Điều này làm tăng thể tích dịch mô kẻ, kết hợp với sự thâm nhiễm tế bào viêm mạn tính làm cho lớp biểu bì vừa bị phù nề vừa ửng màu hồng, có khi hơi tím.
 Áp suất sau nhãn cầu tăng do phù niêm mạc làm mắt bị đẩy ra trước tạo dấu hiệu lồi mắt (exophthalmos). Vì vậy bệnh nhân bệnh Graves có biểu hiện mắt rất đặc biệt: vừa lồi, vừa có phù niêm (màu hồng hồng) quanh ổ mắt. Mắt của bệnh nhân bệnh Graves “mọng” nước, hơi “viêm” và sung huyết nên ánh mắt họ rất “long lanh”.
Phù niêm trước xương chày của bệnh Graves cũng có màu hồng hoặc mảng tím, không ấn lõm, đôi khi kèm theo ngứa và dạng da cam (“peau d’orange”). Để tránh nhầm lẫn với myxoedema trong suy giáp, người ta sử dụng thuật ngữ pretibial myxoedema để mô tả phù niêm trong bệnh Graves.

Trên bệnh nhân này (xem lại: triệu chứng, chẩn đóan?), chúng ta thấy phù niêm trước xương chày có màu hồng, nhưng có thêm những mảng xanh sậm. Chứng tỏ là bên cạnh phù niêm, bệnh nhân còn có phù do nguyên nhân khác, thường gặp ở đây là do suy tĩnh mạch mạn tính hoặc suy tim sung huyết.

Thuật ngữ myxoedema trong suy giáp 
Phù niêm trước đây được sử dụng như một thuật ngữ thay thế cho thuật ngữ suy giáp (hypothyroidism).
Phù niêm cũng được sử dụng trong suy giáp để ngụ ý một thể nặng của suy giáp, nói cách khác, ngụ ý một hội chứng lâm sàng nặng của suy giáp.
Trong suy giáp cũng có dấu hiệu phù niêm do sự tích tụ không rõ nguyên nhân của các glycosaminoglycan ưa nước như trong bệnh Graves. Tuy nhiên, da ở vùng phù niêm trong suy giáp không hồng như ở bệnh Graves  mà thường nhợt nhạt do co mạch và thiếu máu, có khi màu vàng chanh do tăng carotene máu.
Myxoedema coma là một thể biểu hiện nặng của suy giáp trong đó có sự giảm tri giác, giảm thân nhiệt (có thể đến 250C) và co giật.

Tóm tắt
Phù niêm (myxoedema) là một thuật ngữ dễ gây nhầm lẫm.
Phù niêm có thể được dùng để mô tả dấu hiệu lâm sàng (clinical sign) trong bệnh Graves. Khi đó, người ta thường dùng thuật ngữ pretibial myxoedema hoặc periorbital oedema.
Trong suy giáp, phù niêm có thể được dùng để mô tả một dấu hiệu lâm sàng hoặc một hội chứng lâm sàng ngụ ý thể nặng của suy giáp.

Tài liệu tham khảo
Davidson's Principles and Practice of Medicine 21E
DeGowin & DeGowin’s Bedside Diagnostic Examination 5E
Macleod's Clinical Examination 12E
Talley & O’Connor: Clinical Examination 5E

Không có nhận xét nào: