by Linh H. Vo on Sunday, February 12, 2012 at 8:58am (facebook)
“ Mình có theo 1 vụ M&A 1 bệnh viện, trong đó có chỉ tiêu chết 3%/ năm, khi bênh nhận gần chết bệnh viện chỉ cần thuyết phục thân nhân làm hồ sơ xuất viện trước khi báo tử ..”
Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian
Đặt ra chỉ tiêu về tỷ lệ tử vong đôi khi là một việc làm rất không hợp lý. Để đạt được chỉ tiêu đó, thay vì tiếp tục chăm sóc bệnh nhân vào những giai đoạn cuối, các BS giải thích cho người nhà xin mang bệnh nhân về, để bệnh nhân chết tại nhà.
Khi đó, các BS sẽ báo cáo lý do xuất viện là ‘nặng xin về”, “thất bại’ thay vì “tử vong”. Nhờ đó, khi báo cáo lên cấp trên, tỷ lệ tử vong của đơn vị điều trị đó được giảm đi một cách giả tạo. Tuy nhiên nếu chúng ta xem tử vong bao gồm tử vong trong bệnh viện và các trường hợp “nặng xin về” và ‘thất bại” (vì trước sau bệnh nhân cũng chết) thì tỷ lệ tử vong thật sự rất cao.
Cách làm “đà điểu rúc đầu trong cát” này vừa không trung thực, vừa tạo ra những hậu quả rất nặng nề cho bệnh nhân, cho người nhà ngay cả ở góc độ y học và y đức.
Cho dù đang hấp hối, người bệnh vẫn là người bệnh, vẫn cần được chăm sóc và điều trị. Đa phần tri giác họ vẫn còn. Họ vẫn ý thức họ đang chết, vẫn đang chịu đựng nỗi đau của bệnh tật. Họ vẫn còn cái đau tột cùng của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, cảm giác ngộp thở như bị trấn nước của bệnh nhân phù phổi và viêm phổi, cảm giác khó chịu của chướng bụng với buồn nôn, nôn ói liên tục của bệnh nhân tắc ruột, cái nghẹt thở như bị thắt cổ của người bị nghẹt đàm rãi, cái đói khát của người ung thư thực quản... Họ vẫn có nỗi hoảng loạn, hoảng sợ của người tuyệt vọng khi biết mình đang cận kề với cái chết như một tử tù đang bước ra trường bắn.
Khi chúng ta cho họ về là chúng ta dừng hết tất cả những chăm sóc y tế để cho họ tiếp tục vật vã với tất cả những nỗi đau, sự hoang mang sợ hãi khôn cùng đó. Chúng ta cho họ về, “thảy” họ về nhà cho những người thân không có chuyên môn y tế, chưa được huấn luyện để chăm sóc người bệnh. Người thân cũng hoảng sợ hoang mang tột độ vì họ chỉ có một cha mẹ, một vợ chồng, một anh chị em, con cái... Những người thân của họ hấp hối lần đầu, chết lần đầu, họ không có kinh nghiệm.
Chúng ta tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân nặng xin về. Chúng ta thấy bệnh nhân vật vã còn người nhà thì hoảng hốt đi ra khỏi cửa. Chúng ta ghi hồ sơ “nặng cho về” như một hành động ban ơn. Bệnh nhân về nhà trong đau đớn và hoảng loạn còn chúng ta tự cho mình đã làm được một việc tốt, đã hết lòng vì bệnh nhân, xứng đáng với danh hiệu “lương y như từ mẫu”. Chúng ta đã được đào tạo như thế, trong điều kiện bắt buộc phải làm như thế và chúng ta đã và đang làm như thế.
“Lương Y” chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối như thế nào?
Ớ các nước có nền y tế phát triển, cụ thể là Australia và UK, họ có chuyên ngành gọi là palliative care. Chuyên ngành này chuyên phục vụ những bệnh nhân giai đoạn cuối về thể chất lẫn tinh thần. Họ hội chẩn rất cẩn thận và đầy trách nhiệm để đồng thuận bệnh nhân đã vào giai đoạn cuối mà các điều trị y khoa không còn khả năng kéo dài hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi đó, họ điều trị rất tích cực để làm giảm đi nỗi đau đớn của của bệnh nhân trong những giờ phút sau cùng. Vào những giờ phút hấp hối, họ rút hết các thiết bị điều trị không cần thiết, lau chùi sạch sẽ cho người bệnh. Tùy theo bệnh cảnh và nhu cầu của từng bệnh nhân cụ thể, họ dùng Midazolam để làm giảm sự căng thẳng và hoảng loạn, Morphine để làm giảm cảm giác ngộp thở, dùng Buscopan để chống tăng tiết đàm nhớt, Octreotide để bớt tăng tiết hệ tiêu hóa và chướng bụng. Bệnh nhân hấp hối nhưng vẫn thanh thản dưới sự chăm sóc của nhân viên y tế được đào tạo bài bản và kinh nghiệm, với người thân quay quần xung quanh đau buồn nhưng được nâng đỡ và an ủi. Người bệnh cũng có thể yêu cầu chết tại nhà và được nhân viên y tế về tận nhà chăm sóc.
Họ làm được như vậy vì họ có điều kiện làm như vậy. Luật pháp và hệ thống y tế của họ hỗ trợ và bảo vệ cho họ làm như vậy. Họ có sự đồng thuận và phân biệt rất rõ giữa palliative care và euthanasia.
Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời
Tôi đã trào nước mắt thẫn thờ khi biết trong y khoa có một chuyên ngành gọi là palliative care, khi hiểu nỗi đau khổ cụ thể của người bệnh trong những giờ phút hấp hối sau cùng, khi nhớ lại chuyện mình đã làm. Trước đó, tôi đã nhìn rất nhiều bệnh nhân phù phổi nhưng chưa bao giờ tưởng tượng cái ngộp thở bị trấn nước như thế nào, chưa bao giờ nghĩ đến cái hoảng loạn của một người tuyệt vọng đang cận kề cái chết...
Những điều tôi viết đang xảy ra hàng ngày ở các bệnh viện của các đồng nghiệp. Tôi biết luật pháp của chúng ta chưa rõ ràng về palliative care. Chúng ta chưa được đào tạo cơ bản để chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối. Tuy nhiên tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ về vấn đề này. Một ngày nào đó chúng ta sẽ có những cuộc hội thảo, đạt được những đồng thuận, xây dựng được những chính sách để cải thiện chất lượng điều trị cho bệnh nhân giai đoạn cuối.
xem thêm: săn sóc những giây phút cuối đời
6 nhận xét:
chúng ta có lẽ cần thời gian!
Người nhà xin về,chủ động và bị động!
chủ dộng:quan niệm tâm linh người VN,không muốn người thân chết ngoài đường.
Bị động:bệnh nặng xin về +tâm linh!
Bị động:bệnh nặng xin về +tâm linh và được BS tận tình động viên cho về với các viễn cảnh cực xấu nếu . . ở lại!
Năm 2003 , mẹ vợ tôi bị xơ gan giai đoạn cuối , nằm ở BV Pháp - Việt , Quận 7 , TP . HCM đã được các BS và chuyên viên y tế chăm sóc rất tận tình và chu đáo đến khi trút hơi thở cuối cùng , Sau đó BV vệ sinh nhục thân của bà trước khi cho xe đưa xác về tận nhà . Không biết tại các BV công , các bệnh nhân giai đoạn cuối có được chăm sóc như vậy không ?
Chanh Ngu Nguyen Tho BV công không chu đáo đến thế đâu
Bệnh viện ở việt nam các bác sĩ chỉ ham tiền thôi nhiều tiền thì mới chu đáo được.
Nặc danh ionline nói không đúng, không phải tất cả đều như vậy, các nhà thương thí ở những nước phát triển cũng thế thôi, quá tải, thiếu nhân viên, thiếu khinh phí là nguyên nhân chính, bạn hãy xem một bộ phim về mặt thật của các BV Mỹ dành cho người nghèo này : Bringing Out the Dead (1999)
Đăng nhận xét