Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Săn sóc những giây phút cuối đời

bác sĩ Nguyễn Văn Đích

 "L'Homme souffre et meurt tout seul." 
   (Giáo sư Trần quang Đệ)

Vui sống mỗi ngày @ blog: mời các em sinh viên y khoa tham khảo bài viết rất hay và đáng suy ngẫm cuả bác sĩ Nguyễn Văn Đích, một người thầy cuả tôi từ trước năm 1975, hiện đang sống và làm việc tại Mỹ. 
     
Một đồng nghiệp hỏi "Làm sao điều trị ung thư phổi giai đọan cuối?".  Câu hỏi biểu lộ sự băn khoăn lo lắng và tinh thần trách nhiệm đồng thời cũng cho thấy sự bế tắc.
    Khi nói đến y khoa người ta nghĩ đến chữa bệnh, nghĩa là làm cho khỏi bệnh.      Tuy đã làm được những việc không ngờ, như ghép tạng phủ, làm tim nhân tạo, có thể nhân bản làm một người mới (?)… nhưng y khoa không bao giờ có thể chữa cho con người khỏi chết.
    Chết là một điều đáng sợ, là một sự bí mật, là một sự mất mát tuyệt đối với người thân, tuy nhiên bệnh nhân và thầy thuốc, tất cả chúng ta đều phải trải qua.
    Khác với cái chết dễ dàng và không đau đớn như "chết kiểu Hollywood", hoăc "chết đứng" như Từ Hải, chết là một tiến trình xảy ra từ từ, kèm theo đau về thể xác và khổ về tinh thần.
    Tôi nhớ những kỷ niệm khi làm nội trú tại khu ung thư bệnh viện Bình dân Sài gòn đầu năm 1961.  Bệnh nhân là một ít trong số nhiều người bị ung thư từ những miền xa xôi về được thành phố, tìm hy vọng ở khoa học.
    Tôi nhớ những bà lớn tuổi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn III hoặc IV, chảy máu dầm dề, ung thư có mùi hôi như mùi chuột chết, những ông bị ung thư hàm mặt, phải mở khí quản, không nói được và sợ hãi, buổi sáng phải tự đem cái lòng của ống nội khí quản ra rửa ở vòi nước trước trại bệnh trong khi y tá ngồi ở trong nhà la mắng. Trại bệnh ung thư giống như một cái Tiền Địa ngục!
    Để bù đắp cho sự thiếu sót của y khoa chữa bệnh, đã nảy ra quan niệm về “y khoa tạm trị” - palliative medicine (xem thêm …) nhằm giảm bớt sự khó chịu do bệnh tật và quan niệm về "nhà săn sóc đặc biệt" (hospice) để giúp những người không còn chữa được do ung thư hay không ung thư và thân nhân bớt đau khổ, trải qua những ngày cuối cùng một cách dễ dàng hơn.
    Đặc tính của sự săn sóc là khung cảnh gia đình ở một cơ sở hay tại nhà riêng. Nhóm săn sóc đặc biệt gồm điều dưỡng và nhân viên thuộc nhiều ngành chuyên môn như vật lý trị liệu, tâm lý học, công tác xã hội (social workers), công tác tinh thần và tôn giáo, và người tình nguyện có huấn luyện làm việc với sự phối hợp của một điều dưỡng phụ trách, điều dưỡng phụ trách tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên về săn sóc đặc biệt. Nhóm săn sóc đặc biệt cung cấp những phương tiện tại nhà như giường bệnh viện, bình dưỡng khí, dụng cụ hút đàm nhớt, giúp và hướng dẫn xoay trở, xoa bóp, vật lý trị liệu để giảm đau và chống co rút, giúp dùng thuốc chống đau, giúp tìm cách giải quyết các khó khăn về tài chính…an ủi hỗ trợ tinh thần bệnh nhân và thân nhân, ứng trực 24 giờ/ngày 7 ngày/tuần.
    Cùng với sự phát triển kinh tế, nền y tế Việt nam cũng phải đáp ứng với những nhu cầu do sự thay đổi của xã hội đem lại. Phải sử dụng các phương tiện và cơ sở y tế sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Phải nâng cao trình độ nghiệp vụ, chú trọng không những về chuyên môn kỹ thuật mà còn cả về đạo đức văn hóa để hành nghề một cách lương thiện và đối xử hợp tình người. Cần nhận thức đúng giá trị của ngành điều dưỡng: tôn trọng, đãi ngộ xứng đáng để họ hoàn thành nhiệm vụ, giúp họ thăng tiến về chuyên môn ở trong ngành và có thể học thêm nếu muốn để đạt trình độ cử nhân, tiến sĩ điều dưỡng chứ không phải để thành bác sĩ biết ra y lệnh nhưng không có người thi hành y lệnh tốt.
    Y khoa là khoa học có tính chất nhân bản, bao gồm từ áp dụng kỹ thuật cao đến săn sóc các nhu cầu thông thường của đời sống hàng ngày.
    Với sự phát triển của kinh tế thị trường và công bằng xã hội, con người thực sự làm chủ được khá nhiều thứ, được phục vụ, được sống lâu hơn, và khi chết, mong được chết đỡ đau khổ hơn, trong sự tôn trọng nhân phẩm và được an tâm hơn vì mỗi người, bệnh nhân, thầy thuốc và gia đình đã làm hết những gì hợp lý có thể làm được. 
                   Lời khuyên . . . .
                   Nhật ký
                   Bệnh nhân chính là những người thầy tốt

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nhưng lương bác sĩ thì thấp!
http://phamngoctrungmd.blogspot.com/2013/08/tai-sao-luong-bac-si-thap.html?fb_action_ids=10151854479342639&fb_action_types=og.likes&fb_source=other_multiline&action_object_map=%5B605077482862958%5D&action_type_map=%5B%22og.likes%22%5D&action_ref_map=%5B%5D&m=1