Nguyễn Tăng Tri, D.D.S. Canada. (Nguyên trưởng Khoa Nhổ Răng và Tiểu Phẫu Thuật,Viện Răng Hàm mặt Việt Nam.1981-1988).
VUI SỐNG MỖI NGÀY @ BLOG xin gửi đến bạn đọc lá thư cuả một người bạn đồng khoá từ Canada, luận bàn tản mạn về những vui buồn trong nghề y, rất sâu sắc và vô cùng thực tế mà tôi rất tâm đắc.
Thân gởi các bạn.
Nghe của người mà không nói đến ta thì cũng không fair phải không các bạn?
Có lẽ các bạn cũng gặp không ít những hoàn cảnh tương tự như bài viết của tôi gởi theo đây, những câu chuyện thương tâm nầy có khi còn ít thương tâm hơn những câu chuyện của các bạn.
Đây là những chuyện tôi đã gặp, đã ra tay ở một mức độ nhỏ và đôi khi cũng chùn bước ở những việc lớn hơn và có khi bị phán cho một câu " đó không phải trách nhiệm của tôi".
Những ngày đầu đặt chân đến Canada, khi đi cùng em tôi đi trên đường phố, thấy có người trượt té, tôi định chạy đến đỡ dậy thì em tôi kéo tôi lại và hỏi tôi: Ông định làm gì đó ? Tôi trả lời đến giúp người, em tôi nói đừng có ẩu tả! họ không có ai để kiện, sẽ co thể níu mình để kiện mình và vu cáo mình xô họ té! và mình chưa có bằng cấp cứu nên nếu làm đúng hay không cũng có thể bị bóp méo để Claim tiền bảo hiểm, hoặc bị phạt. Ngược lại, nếu mình có bằng cấp về y tế, đi ngang thấy người bị nạn, mà mình chỉ đứng xem, nếu cảnh sát hỏi giấy tờ để mời mình làm nhân chứng, mà thấy mình là bác sĩ, nha sĩ có thể sẽ kết tội từ chối cứu người bị nạn. Làm gì cũng có thể bị kết tội hết nên lòng người hầu hết trở nên dửng dưng và có máu "lạnh".
Những câu chuyện tôi kể ra, những người có tên rõ ràng thì hoặc họ có thái độ tốt và đã qua đời. Còn những người có hành vi xấu thì tôi không nêu tên ra. Nếu họ biết được, sẽ giúp họ tránh khỏi những kiêu căng tự phụ gây chết người trong đời hành nghề của họ, mong là họ biết sửa tính nết và nếu là bác sĩ thì phải thận trọng trong khi hành nghề mới thành công và "thành người". Nếu không, cho dầu họ có giàu có bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là: xứng với câu: "Xu hào đủng đỉnh Mán ngồi xe" mà tiền nhân đã nói.
Tôi có anh bạn là bác sĩ qua đây đã lâu, rủi thay anh đậu thi viết rồi, nhưng không có chỗ thực tập, anh đành học qua ngành điện toán, hay tâm sự với tôi và nghe những chuyện tôi kể cho anh ấy cách nay vài năm, anh nói tôi nên viết lại kẻo có ngày sẽ quên hết.
Có nhiều người viết nhật ký, hồi ký nhưng tôi tự thấy mình chưa làm được gì đáng kể thì viết lại làm gì. Nhưng mấy hôm nay nhận được những bài viết về sự tắc trách ở những con người khác nhau, ở những thời điểm khác nhau và ở dưới những chế độ khác nhau và giàu nghèo khác nhau. Nguyên nhân khác nhau nhưng bản chất của hậu quả thì giống nhau đó là bệnh nhân hay nạn nhân bị thiệt mạng, mà kẻ xấu vẫn không chừa, vẫn phây phây và thoát khỏi lưới trời!
Nên mượn diễn đàn của những người bạn cùng chiến tuyến đã và đang chiến đấu với bệnh tật để cứu bệnh nhân và có khi chính bản thân, để tìm kiếm nguồn an ủi và nguồn lực cổ vũ lẫn nhau trong những ngày còn lại của "kiếp người" và mong giữ được phong thái lạc quan, yêu đời và vui sống. Vẫn còn được ca hát bên nhau như những lần hội ngộ thời trai trẻ.
Nên mượn diễn đàn của những người bạn cùng chiến tuyến đã và đang chiến đấu với bệnh tật để cứu bệnh nhân và có khi chính bản thân, để tìm kiếm nguồn an ủi và nguồn lực cổ vũ lẫn nhau trong những ngày còn lại của "kiếp người" và mong giữ được phong thái lạc quan, yêu đời và vui sống. Vẫn còn được ca hát bên nhau như những lần hội ngộ thời trai trẻ.
Thân chúc các bạn vui khoẻ.
Thân ái.
Hồi tưởng về những chuyện buồn trong Bệnh Viện – tập I
Khi tôi làm việc tại bệnh viện Đồng Nai, tôi có 1 một người bệnh nhân là một sĩ quan ngành công an trẻ đã được tôi mổ răng khôn hàm dưới nằm ngang gây pericoronitis mặt sưng lớn không há miệng được, sốt cao và mủ có khuynh hướng lan tràn xuống sàn miệng,nguy cơ nhiễm trùng huyết rất lớn… Sau khi được điều trị và lành thương anh rất vui vẻ đến mời tôi đi ăn sáng tại căng tin bệnh viện, trước khi ra về anh nói mời tôi: “ Khi nào rảnh mời anh đến Ty công an Đồng Nai chơi !”. Tôi trả lời anh ta: "Chơi chỗ nào thì chơi , chứ tôi không dám đến chỗ công an chơi đâu!”. Sau đó tôi “trả lễ” tiếp :“Khi nào anh rảnh thì đến đây chơi?”. Anh ta đáp lại : “Thôi thôi! Tôi cũng không dám đến bệnh viện để chơi đâu!”. Cả 2 đều bật cười vì ý nghĩa của các lời đối đáp đó, và có lẽ anh ta cũng sẽ nhớ mãi!
Đây là những câu nói lịch sự xã giao nhưng ngẫm nghĩ lại rất đáng để cho tôi và các bạn suy nghĩ thêm về những khía cạnh tâm lý và những lời lẽ trong khi giao tiếp giữa bệnh nhân và thầy thuốc.
Ngày nay, chúng ta gọi nơi cấp cứu và chữa bệnh là bệnh viện, nhưng tôi còn nhớ thế hệ trước chúng ta gọi là “nhà thương”. Chữ “thương” ở đây đã được những nhà báo lúc đó biến hóa ý nghĩa để phê phán và châm biếm những hành vi hoặc thái độ và cách đối xử của bệnh viện đối với bệnh nhân. Chữ thương nầy được hiểu nghĩa ngược lại với chữ “ghét”, chứ không phải ý nghĩa là thương tích.
Những câu chuyện ngắn sau đây có khi cực ngắn và rất khách quan đối với tôi nhưng đã gieo vào lòng tôi những nỗi buồn man mác và vô tận…
Chuyện buồn Số 1 /
Tôi có một người cán sự nha khoa phụ tá phẫu thuật của khoa Nhổ răng và Tiểu Phẫu Thuật/Viện RHM TW. Chú ruột của cô ta bị sa ruột bẹn bẩm sinh, đã được mổ tại Khoa Ngoại Tổng Quát Bệnh viện Chợ Rẫy và đang được tập đi dể chống dính ruột, và chuẩn bị cắt chỉ…Bỗng nhiên chết! Lý do: bị anaphylactic shock do chích penicillin bởi “y lệnh” của một sinh viên nội trú của đại học Y. bất chấp y lệnh của BS trưởng khoa là người đã mổ và không chỉ định dùng kháng sinh. Điểm quan trọng nhất là khi bệnh nhân nghe SV nội trú kia ra lệnh cho y tá chuẩn bị chích Penicillin, bệnh nhân đã la lên tôi bị dị ứng với Penicillin, nhưng SV kia đã quát lại BN là biết gì về thuốc mà cãi…
Tôi đã hỏi cô cán sự của tôi có muốn kiện để đưa “ông đồ tể “ nầy vào tù và ra khỏi ngành Y không? Nhưng cô ta nói chuyện đã lỡ rồi, SV nọ cũng đâu lấy tiền bạc gì, và sợ bị “trả thù”!!!
Tôi đã hỏi cô cán sự của tôi có muốn kiện để đưa “ông đồ tể “ nầy vào tù và ra khỏi ngành Y không? Nhưng cô ta nói chuyện đã lỡ rồi, SV nọ cũng đâu lấy tiền bạc gì, và sợ bị “trả thù”!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét