Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Chia Sẻ Chút Suy Tư về Nghệ Thật Sống

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
 
CHO VÀ NHẬN
Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.

Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm bên vệ đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.

Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày."

Vị giáo sư ngăn lại: "Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao."
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.

Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi để giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.

Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?". Người thanh niên trả lời: "Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về". (
INTERNET)

CHIA SẼ CHÚT SUY TƯ
1 / - NHỮNG CUỘC ĐÙA VUI THIẾU NHÂN BẢN ĐỐI VỚi NGƯỜI NGHÈO
Chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân”.
Có một lần tôi và mấy người bạn đi dạo chơi ở một công viên, tình cờ thấy một người mù ăn xin đang cầm cái nón rách đưa ra trước mặt. Một đứa trong bọn trẻ gần đấy đã lấy một chiếc lá khô bỏ vào nón, ông già mù vui mừng cám ơn. Ông thò tay vào chiếc nón để lấy tiền, mới biết đó chỉ là chiếc lá khô. Gần đó, lũ trẻ reo hò thích chí, ông già lặng lẽ nhặt chiếc lá khô bỏ ra ngoài. Bạn tôi nhìn lũ trẻ lắc đầu: “Mấy thằng mất dạy quá sức ! Mai sau tụi này rồi sẽ là cái thứ  hạng người gì !? ”.
Chuyện đùa vui nghịch ngợm kiểu đó, không phải chỉ có mấy đứa con nít mất dạy mà thôi đâu.
Cũng có những người lớn vô tâm đối xử với những người nghèo thật tệ bạc như vậy. Giả như không có sự can ngăn của giáo sư, thì chàng thanh niên đó chắc sẽ có một trận cười vui thích vì thái độ ngơ ngác của bác nông phu nghèo bất ngờ mất đôi giày cũ của mình ! 
CÓ NHIỀU LOẠI NGƯỜI NGHÈO
Có nhiều loại người nghèo khác nhau. Có người nghèo tiền nghèo bạc, có người nghèo trí tuệ, có người nghèo chữ nghĩa, nghèo địa vị công danh... Nói chung, nghèo là một sự thiếu thốn.
Đừng đem người khờ khạo, điên khùng ra làm trò hề cho những cuộc mua vui! Đừng cười trên sự dốt nát quê mùa của những người chân lắm tay bùn. Đừng lợi dụng quyền chức để tìm những cuộc vui thú đối với những người sa cơ, yếu thế…
Những gì xấu, những gì còn thiếu sót, những gì còn hạn chế đối với con người đều là sự bất hạnh, cần được chúng ta bù đắp, chia sẻ, quan tâm chăm sóc, cảm thông.
2 / - BIẾT TÌM CHO MÌNH MỘT NIỀM VUI LỚN !
“Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào anh nông dân này đấy !”
Không phải ai cũng “biết tìm cho mình một niềm vui lớn” trong cuộc sống của mình đâu ! Nhiều người cứ say mê với những niềm vui vụn vặt, trẻ con, có khi cả bẩn thỉu, vô bổ …
Bởi vì, để tạo cho mình một niềm vui lớn, cần có một con tim lớn - một con tim cao cả !
Cơ hội cho chúng ta có những niềm vui lớn thì có nhiều đấy, nhưng chúng ta có “nhận ra” không, có “thấy” không, có “biết tận dụng” hay không, lại là một vấn đề khác !
Cùng là một bác nông dân nghèo, mà anh sinh viên tìm thấy niềm vui tầm thường nơi bác ấy  với một trò chơi cợt đùa trêu chọc. Còn vị giáo sư tìm thấy niềm vui cao cả bằng trò chơi “phép lạ” với những đồng tiền chia sẻ đượm đầy tình thương.
Thiếu gì người nghèo khổ, ung nhọt, bệnh tật, nhưng đâu có mấy ai hứng thú gì khi đến với họ, nhưng với Mẹ Têrêxa, được chăm sóc những người bệnh tật ấy, được lau những vết thương đầy máu mủ hôi tanh ấy, lại là một niềm vui lớn, vì Mẹ có một Trái Tim Vĩ Đại.
Có biết bao người thiếu thốn quanh ta, nhưng có mấy ai tìm được niềm vui lớn lao từ nơi họ? Rất nhiều người luôn muốn lẫn tránh họ, chỉ có những người có con tim nhân ái, mới đến với họ để tìm được niềm vui chia sẻ  và “cho đi”!
Đó chính là lúc chàng thanh niên ngộ ra được chân lý: “Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu:  Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về
            Bạn đọc thân mến,
Sống là sống trong xã hội. Chúng ta không sống một mình. Chúng ta sống có người xung quanh ta. Chúng ta sống có tình liên đới. Trong tình liên đới, có chonhận, mà cho thì hạnh phúc hơn là nhận, như bạn có dịp cảm nghiệm trong bài học hôm nay.
Có rất nhiều cơ hội cho đi, nhưng chúng ta đã bỏ qua. Nếu chúng ta chấp nhận rằng “Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”, thì khi chúng ta bỏ qua những cơ hội cho đi, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã bỏ qua những cơ hội hạnh phúc.
Những lần chúng ta bỏ qua những cơ hội hạnh phúc, có thể vì chúng ta ích kỷ, chúng ta ngại khó, chúng ta sợ mất thời gian, sợ hao tốn  sức khỏe, sợ phiền toái, sợ liên lụy
Có nhiều khi, chỉ cần chúng ta cho đi một cái gì đó nhỏ bé thôi – một chút thôi – thế mà đem lại cho người nhận niềm vui lớn lao biết bao, như trường hợp bác nông phu hôm nay: "Người nông dân quỳ xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn”.
Chỉ với hai đồng tiền như mua vui vì một trò chơi thôi, mà ý nghĩa lớn lao đến thế sao ? – Đúng đó bạn ! Và như bạn thấy đấy, chàng thanh niên chỉ mất hai đồng tiền, mà đã thu về hạnh phúc lớn lao biết bao: " Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa
Ngược lại, sự ích kỷ của chúng ta, sự lạnh lùng của chúng ta có thể đem lại hậu quả trầm trọng, làm chúng ta một đời ray rứt trong hối hận khôn nguôi.
Thí dụ như câu chuyện “Cú điện thoại ” sau đây, 
Ngày lễ Thanksgiving (lễ Tạ Ơn)... Gần 9 giờ tối, chuông điện thoại lại đổ. Nam nhìn số và nhận ra số điện thoại của Aika. Tim anh nặng trĩu. Anh lưỡng lự rồi quyết định kệ cho chuông điện thoại đổ dài. Không thấy Aika để tin nhắn... Mười một giờ đêm, Nam nằm trên giường đọc sách. Chuông điện thoại lại đổ, xâm chiếm cả căn phịng. Anh nhìn số. Tim anh đập thình thịch. Vẫn Aika.
Sau đó khi căn phòng đã trở lại im ắng, Nam bấm nút vặn nhỏ chuông để nếu có ai đó gọi lại thì anh sẽ không nghe thấy. Sáng hôm sau khi Nam tỉnh dậy, trên màn hình điện thoại không báo cuộc gọi nhỡ nào.
Mọi chuyện tưởng chừng đâu chấm dứt... Nửa năm trôi qua... Nam gặp Toko trên đường về nhà.
- Cách đây lâu rồi Aika có gọi điện cho tôi. Không biết cô ấy dạo này ra sao. Đã tốt nghiệp và về Kyoto chưa nhỉ ?
Toko đang đi tháo găng tay, ngừng hẳn lại nhìn Nam:
Aika ở bên DePaul  ? Anh không biết gì sao ?
- Biết gì?
- Cô ấy chết được nửa năm rồi. Cô ấy tự tử vào đúng đêm Thanksgiving năm ngoái. Cô ấy chích dao vào bụng rồi cứ để máu chảy ra đến chết. Theo kiểu samurai ngày xưa. Thế mà nửa năm rồi...   (Trích: Phù Phiếm truyện, Phan Việt)


Đấy, các bạn xem, nếu Nam chịu khó mất vài phút với bạn mình, có lẽ điều tồi tệ đã không xảy ra, phải không các bạn ? Và niềm vui của Nam sẽ lớn lao biết bao nhiêu, nếu Nam cứu được cô bạn mình ! Còn bây giờ, Nam chắc khó mà trách khỏi sự ray rứt trong lòng !
Nói đến đây tôi lại nhớ đến chuyện một bà mẹ điện thoại thăm con, nhưng giờ đó con còn ngủ, cô bé bực bội cằn nhằn mẹ mình…
Tôi nhớ lại chính mình. Ngày xưa khi ba còn sống, một lúc nào đó, khi Ba tôi ngồi một mình mà tôi lại nói chuyện với ba, ba vui lắm. Nhưng nói chuyện với Ba thì có gì vui, nên tôi thường lờ đi, dành thời gian đi chơi với bạn bè, hay làm những việc không cần thiết gì lắm. Bây giờ nhớ lại, trong lòng buồn làm sao. Ước gì còn Ba…
            Có thật ta không có thời giờ để nghe điện thoại của những người thân không ? - Có thật ta không có thời giờ để thăm hỏi Ông Bà Ba Mẹ không ? - Có thật ta không có thời giờ viếng thăm những người già nua đau yếu không ? - Có thật ta không có chút gì để chia sẻ với những người bất hạnh không ? - Có thật ta không có cách gì để giúp đỡ những người đang cần tới ta không?
            Để trả lời những câu hỏi đại loại như vậy, cũng cần phải can đảm lắm, phải không các bạn ? Chúng ta chỉ có thể trả lời với một tâm hồn an bình, nếu chúng ta lắng nghe trong sâu thẳm lòng ta, Lời Ngài – Đức Giêsu – đã giáo huấn chúng ta: “Các con đã được cho đi cách nhưng không, thì cũng phải cho đi cách nhưng không như vậy(Mt.10,8).

CÁC LỚP HỌC CHO TRẺ EM VÙNG SÂU VÙNG XA  - “chỉ cần chúng ta biết cho đi một cái gì đó nhỏ bé thôi thế mà vẫn đem lại cho người nhận niềm những vui lớn lao biết bao”

1 nhận xét:

tiêu dao nói...

Cảm ơn bài viết ý nghĩa sâu xa !