Đào Thị Thanh Tuyền (nhituongsite.com)
Vị bác sĩ bỏ cây bút xuống bàn, đưa tay lấy cặp kính ra khỏi sống mũi, ngước nhìn tôi:
- Chị phải nhập viện để làm các xét nghiệm. Trường hợp của chị không có kinh một năm nay tức là đã mãn kinh, dấu hiệu bất thường này có thể là viêm nhiễm, có thể là triệu chứng của ung thư… nhiều nguyên nhân lắm, chưa biết được. Đã vào đây rồi chị an tâm, chúng tôi sẽ lo cho chị. Nếu không nhập viện, lần sau chị sẽ phải làm lại từ đầu, nghĩa là phải lấy số, xếp hàng, chờ đợi … Như chị đã làm sáng nay.
Đất trời đang sụp dưới chân, trên đầu tôi. Cổ tôi có cục nghẹn dâng lên đẩy những giọt nước mắt tuôn rơi không kìm được. Người bác sĩ có vẻ đã quen với tình huống này, giữ một vẻ điềm tĩnh hiếm thấy. Khi tôi gật đầu đồng ý nhập viện, có người mời tôi ra bên ngoài ngồi đợi. Tiếng loa phóng thanh kêu tên một người tiếp theo, bệnh viện nhộn nhịp đông đúc, những vòng tròn đủ màu sắc ẩn hiện, choáng váng. Tôi thả người xuống băng ghế và nhắm mắt. Tôi phải làm một việc gì đó, như gọi điện thoại hay nhắn tin chẳng hạn. Tôi mở túi sắc cầm lấy chiếc điện thoại di động, nhưng đầu óc trỗng rỗng, tôi lại bỏ chiếc điện thoại vào trong túi. Những tiếng ồn ào, xôn xao bủa vây lấy tôi. Rồi tôi thấy mình thật tỉnh táo cho dù những dòng nước mắt nóng vẫn không ngừng tuôn chảy. Tôi mở túi sắc một lần nữa lấy ra một miếng khăn giấy, nhưng cứ cầm mãi ở tay mặc cho gương mặt đang nhoè nhoẹt vì nước mắt.
Nhập viện là một việc nằm ngoài sức tưởng tượng của một người hoàn toàn khoẻ mạnh như tôi. Một năm lên rừng, xuống biển, đi xông xáo, nhận bất cứ nhiệm vụ nào dù khó khăn đến đâu. Trong đầu tôi những năm gần đây không hề có từ bệnh tật. Những giờ tập thể dục đều đặn, những bửa ăn cân nhắc, kỹ càng … Nói chung tôi là một người tương đối nghiêm túc trong vấn đề giữ gìn sức khoẻ và tôi luôn tự hào về điều đó. Người tính không bằng trời tính, tôi dự định kết hợp một chuyến công tác vào cuối năm để khám sức khoẻ. Ngày mai là ngày bắt đầu một năm mới, trong chương trình tôi sẽ lên trường cũ để dự một buổi liên hoan với bạn bè, thầy cô giáo. Nhập viện bây giờ có nghĩa là tất cả những điều đó trở thành vô nghĩa. Tôi ngã người ra lưng ghế nhìn lên hàng cây cao. Nắng lung linh muôn ngàn sắc màu, bầu trời len lỏi trong từng kẻ lá rằn ri những hình thù màu xanh nho nhỏ. Có người gọi tên tôi. Tôi bật đứng dậy và theo một đoàn người băng qua bên kia đường đi vào bệnh viện bằng những bước chân vô thức; cảm giác mình yếu đuối và đang là một bệnh nhân ập đến cho dù trước đây một giờ tôi vẫn là một người hoàn toàn khoẻ mạnh, tự tin và yêu đời. Nhìn đôi mắt đỏ hoe của tôi, cô ý tá làm nhiệm vụ “dẫn đường” trấn an :
- Không sao đâu chị, nhập viện vài ngày, làm các xét nghiệm xong rồi về.
Tôi nhận phòng. Hai người một giường, bênh viện đang trong tình trạng quá tải. Ngồi xuống chiếc giường sắt, công việc đầu tiên là tôi lấy điện thoại nhắn tin cho người chị dâu. Tiếng gọi hốt hoảng tiếp theo phát ra sau hồi chuông:
- Ở phòng số mấy? Chị đến ngay!
Tôi bỗng thấy mình thật nhỏ bé và những giòng nước mắt lại tuôn rơi. Cho đến lúc đó tôi vẫn chưa có một chút suy nghĩ nào về hai đứa con nhỏ, một người đàn ông vụng về nhưng chân thật đang ở cách xa tôi hơn bốn trăm cây số.
Người phụ nữ cùng giường nhìn tôi với nụ cười thân thiện :
- Chị đã ở đây một tuần, đang chờ kết quả xét nghiệm. Hôm mới vô chị cũng khóc hoài như em, nhưng riết rồi quen, thấy nhiều người như mình, có người còn nặng hơn nhiều.
Một bà cụ ngoài bảy mươi nằm ở giường kế cận nhìn tôi :
- Như qua đây, bảy mươi hai tuổi, con cháu đầy đàn, tưởng là ổn rồi, thế mà còn phải nhập viện.
Người phụ nữ bên cạnh, nói nhỏ vào tai tôi :
- Bà cụ đang có nghi vấn là ung thư. Có lẽ bác sĩ cho chuyển qua Trung tâm ung bướu. Mấy người con hôm qua bàn bạc đem mẹ về, nhưng anh con trai đầu không chịu nói là còn nước còn tát.
Tôi nhìn xung quanh mình. Giường nào cũng hai, ba người, dáng vẻ ai cũng mạnh khoẻ, không phân biệt được được đâu là người nhà, đâu là bệnh nhân. Có người đang nằm lơ mơ, có người đang ngồi nói chuyện, cũng có người đang nằm mở to mắt nhìn lên trần nhà. Hành lang phía ngoài, một người đàn ông đang cầm tờ báo đọc to cho người phụ nữ sát cạnh dáng vẻ xanh xao, yếu đuối nghe một vụ trốn thuế có liên quan đến một cô gái đẹp. Cô y tá bước vào phòng gọi tên tôi đi thử máu. Tôi lại bước đi trong vô thức, đầu óc chẳng suy nghĩ gì ngoài việc làm sao bắt kịp bước chân của cô y tá đang lẫn trong dòng người tấp nập tới lui. 5ml máu được hút vào một ống kim tiêm. Tôi không thích nhìn màu máu và những chiếc kim tiêm nhỏ xíu. Tôi nhắm mắt. Bao nhiêu năm xông xáo bên ngoài, dù vua chúa hay dân cày, khi đã là bệnh nhân ai cũng yếu đuối, nhỏ bé và bất lực như nhau. Tôi trở về phòng, người chị dâu đang đứng chờ ở ngoài hành lang, bất giác tôi gục đầu vào vai chị khóc nức nở như một em bé. Lúc này tôi mới nói được một câu hình như mình đã soạn sẵn trong tiềm thức từ lúc nào : “Chị ơi, em sợ chết bỏ con!”. Chị dâu vỗ về: “Đừng nói gở, việc gì rồi cũng sẽ qua thôi mà…”. Chị trấn tĩnh tôi bằng cách rủ đi ăn cơm. Tôi ngồi thụ động tại chiếc bàn mặc cho chị chen lấn bưng ra hai đĩa cơm. Một người dễ ăn uống như tôi giờ sao thấy hạt cơm khô cứng và đắng nghét trong miệng, cho dù trước đây khoảng mấy tiếng đồng hồ tôi vẫn còn ăn một bửa điểm tâm với bạn bè ở Dương Cầm, có đĩa bánh cuốn nóng và ly cà phê sữa thật ngon miệng.
Rồi người ta sẽ quen với hoàn cảnh, sẽ dần thích nghi để tồn tại. Những xét nghiệm tiếp theo làm tôi chẳng còn thì giờ để khóc hay suy nghĩ. Nhưng lúc trở về căn phòng có năm chiếc giường, với đầy người nằm, ngồi la liệt, những giòng nước mắt lại tuôn rơi. Người phụ nữ cùng giường với tôi tên là Gái, 52 tuổi dáng vẻ to, khoẻ đang nằm đọc báo nhích vào một chút, nói:
- Nằm đi em. Em nhỏ người nằm chung với chị vừa vặn. Vào đây ai cũng như ai, ngả lưng một chút cho đỡ mệt.
Bà cụ 72 tuổi được đưa trở về phòng trên một chiếc băng ca sau khi làm sinh thiết. Nhìn bà vẫn còn trong trạng thái lơ mơ vì thuốc mê nhẹ, mọi người cùng thở dài. Có tiếng người nào đó :
- Làm phụ nữ sao mà khổ quá ! Mình bệnh không nói gì, chỉ thương cho chồng con.
- Thân mình không lo. Mình còn là chồng con còn hạnh phúc. Mình lo thân mình tức là đã lo cho chồng con rồi đó.
Tôi chợt hiểu vì sao mình đã không nghĩ đến một người đàn ông và hai đứa con nhỏ từ sáng đến giờ. Mẹ còn là còn tất cả. Tôi lại suy nghĩ, không ai thoát khỏi nổi khổ vì bệnh tật khi đã mang làm kiếp con người. Trời cho làm mẹ, trời cũng bắt gánh đủ thứ hệ lụy tiếp theo. Tôi ngả lưng xuống giường, chị Gái nhấc người xích vô trong thêm chút nữa. Tự dưng tôi thấy nhức đầu kinh khủng, tôi hỏi xin chị Gái một chút dầu. Không ngờ chị nhỏm dậy thật nhanh và vui vẻ nói:
- Để chị bắt dầu cho. Chị vẫn làm công việc này cho mọi người trong xóm.
Tôi chợt nghẹn ngào. Tôi vẫn hay nghi ngại và dè chừng với những người xung quanh, nên chưa hề nghĩ đến tình huống này và cảm thấy hổ thẹn khi ban đầu mình đã có ý nghĩ không thích nằm chung giường với chị. Bàn tay chị gái day day trên trán tôi, mạnh mẽ và dứt khoát, mùi dầu xanh lan tỏa dịu dàng và dễ chịu. Tôi nhắm mắt, cảm giác mình đang bị ướp trong những tiếng ồn, lao xao xung quanh. Tôi lại mở mắt và nhìn ra ngoài khung cửa sổ. Mảng trời xanh đã chật hẹp và tù túng bởi mái tôn nhà để xe che chắn lại còn vướng víu thêm những sợi dây diện chăng ngang như mạng nhện. Bên ngoài kia là một trong những con đường nhộn nhịp của thành phố. Tiếng xe cộ ầm ào như những con sóng vỗ vào bờ mùa biển động. Tôi lại nhắm mắt và đếm thời gian bằng tiếng động cơ dạt xô bên ngoài. Tôi phát hiện ra những tiếng ồn cuốn đi theo từng đợt, ầm ào một lúc rồi ngừng, rồi ầm ào lại. Tôi suy nghĩ mãi về tiếng động cơ xe, hình như tôi có thiếp đi một chút khi nhận ra rằng tiếng ầm ào từng đợt là bởi bệnh viện nằm ngay ngã tư đèn xanh, đèn đỏ.
Tôi nhận giấy siêu âm tại phòng khám bên kia đường vào buổi chiều. Mai là ngày nghỉ tết mà bệnh viện vẫn nhộp nhịp như một thành phố thu nhỏ. Thời gian thả trôi một cách chậm rãi đặt đấu chấm hết theo tờ lịch cuối cùng của năm mặc cho sự đợi chờ nôn nóng. Phòng tôi có ba người cùng nhận giấy siêu âm. Phòng bên cạnh có một cháu gái mới mười lăm tuổi cũng đi siêu âm. Nhìn dáng vẻ gày gò, xanh lướt của cháu tôi chợt nghĩ đến con gái đang chạy đua với mùa thi, đang thay mẹ lo cho ba, cho em với những bữa cơm vụng về, không biết nêm nếm. Nghĩ đến đó cục nghẹn ở cổ tôi lại dâng lên. Người mẹ của cháu gái nói với tôi :
- Cháu bị rong kinh gần hai tháng nay, người xanh rớt như tàu lá, yếu như con cua lột. Nhà xa quá, hôm qua cháu vừa thi xong em vội đưa cháu lên đây.
Cầm kết quả siêu âm, người vui, kẻ buồn. Gần mười năm theo dõi sức khoẻ đều đặn, tôi đã đoán biết được sự phát triển của khối u nên không thấy hẩng lắm. Bắt đầu chỉ là một u nang cơ năng, xuất hiện theo từng chu kỳ kinh nguyệt, rồi lớn dần lên. Vị bác sĩ nói với tôi: “Chắc là phải mổ, có thể mổ nội soi được vì khối u còn nhỏ”. Tôi trở về bệnh viện. Nắng vàng cuối ngày yếu ớt trên tàng cây hoa sứ có dáng vẻ vững chãi, đính trên đó đầy những đoá hoa màu hồng pha trắng nổi rõ trên nền vôi vàng gian lầu chính bệnh viện. Tôi cuộn trôi trong dãy hành lang hun hút chật ních người. Những chiếc băng ca chở sản phụ và em bé nối tiếp nhau. Con người mở mắt chào đời đâu có chọn cho mình ngày cuối cùng hay bắt đầu một năm. Những người sản phụ có gương mặt mệt mỏi nhưng sáng ngời hạnh phúc bên cạnh những em bé nhỏ xíu nằm quấn trong những chiếc khăn lông màu trắng thật xinh xắn và đáng yêu. Tôi chợt nghĩ đến ca mổ của mình có thể có trong vài ngày tiếp theo. Cảm giác sợ hãi lại ập đến. Có tiếng chuông điện thoại. Người chị dâu sẽ đến đón tôi về nhà. Tôi vào phòng chào tạm biệt chị Gái, hẹn gặp lại chị ngày mai. Cả phòng nhìn tôi tán đồng:
- Có nhà quen về nhà ngủ cho khoẻ. Đêm ở đây ồn lắm không ngủ được đâu.
Tôi ngủ lại bệnh viện một đêm sau buổi chiều làm sinh thiết để bác sĩ theo dõi. Đêm ầm ào sóng vỗ bởi tiếng động cơ bên ngoài khung cửa sổ. Bạn bè gọi điện thoại liên tục để động viên và chia sẻ. Một đêm tôi thức trắng theo nhịp thức của bệnh viện. Tiếng người nói chuyện ngoài hành lang, tiếng bước chân chạy theo xe đẩy, tiếng em bé khóc … Thỉnh thoảng tôi lại mở mắt nhìn chiếc kim đồng hồ đeo tay. Bên cạnh tôi, chị Gái đang ngủ thật say, tôi không dám cựa quậy sợ sẽ làm chị thức giấc. Đèn trong phòng vẫn sáng như ban ngày. Mười hai giờ, một giờ, rồi hai giờ sáng … Ngoài kia xe cộ vẫn ầm ào, bên trong bệnh viện vẫn nhộn nhịp. Hình như tôi có ngủ được một lúc khi trời gần sáng.
Phải mất ba ngày mới có kết quả sinh thiết tế bào. Cô y tá nói với tôi điều đó. Có nghĩa là tôi sẽ có ba ngày thấp thỏm lo âu về những chuỗi ADN của mình đang được ngâm trong dung dịch tại phòng xét nghiệm. Hàng ngày tôi đến bệnh viện để nhận thuốc tiêm và thuốc uống. Nhận cả những lời chào đầu ngày và chúc cuối ngày của các chị cùng phòng. Tôi làm quen với một cô giáo dạy cấp hai ở Đắc Lắc, một chị bán vải ở chợ An Đông, một cô làm thư ký cho một công ty tư nhân, dì Năm làm ruộng ở Hốc Môn, hai chị quê ở Bến Tre … Mọi người ai cũng hiểu rõ về bệnh tật của mình, có chị còn giải thích rành rẽ về cơ chế gây bệnh cho người khác nghe. Cô y tá nói với tôi :
- Phòng chị chắc là sẽ xuất viện đông lắm, vì cùng làm sinh thiết một ngày.
Thấy tôi lo lắng về kết quả của mình. Cô ý tá động viên :
- Em nghĩ chắc không sao đâu.
Có một buổi sáng trong khi chờ đợi lần tiêm thuốc vào buổi chiều, tôi đi bộ lang thang ra khỏi bệnh viện, băng qua bên kia đường vào rạp chiếu bóng coi bộ phim “Người Mỹ Trầm lặng”. Một tiếng rưỡi đồng hồ theo dõi mối tình bộ ba giữa anh chàng nhà báo người Anh, cô gái Việt nhỏ nhắn và anh chàng đẹp trai người Mỹ, trái bom nổ trước nhà hát lớn …. làm cho tôi quên mất đi mình đang nhập viện. Khi tôi bước ra khỏi rạp chiếu bóng trời đã quá trưa, dòng xe cộ vẫn tấp nập, cuộc sống vẫn tiếp diễn với nhịp điệu hối hả. Tôi cuộn theo dòng chảy trở về lại căn phòng có năm chiếc giường sắt và đầy người nằm ngồi la liệt.
Ngày thứ năm phòng tôi có hai chị được xuất viện với kết quả bình thường, bác sĩ cho về nhà uống thuốc và theo dõi tái khám. Cùng đợt sinh thiết với tôi ai cũng có vẻ lo lắng hiện rõ trên gương mặt. Chị Hạnh ở Bến Tre càng lo lắng hơn khi phát hiện thêm chứng tiểu đường và cao huyết áp. Chị thở dài với tôi :
- Bệnh này chưa dứt đã phát hiện thêm bệnh khác.
Tôi biết an ủi chị điều gì khi tôi cũng đang trong tâm trạng phập phồng? Dì Năm thì lại khác :
- Hơi đâu mà lo, sống chết có số, có bệnh thì chữa.
Bạn bè gọi điện thoại rủ tôi đi ăn tối. Đêm thứ bảy tôi ngồi sau xe người bạn chạy lòng vòng khắp phố phường Saigon. Aùnh đèn màu lung linh, huyền ảo theo nhịp đời sôi động qua từng con phố. Người bạn cười thật to với tôi, nói một câu lẫn trong tiếng động cơ xe vừa ù qua mặt :
- Diện đẹp thế này, ai biết là bệnh nhân đang nhập viện.
Con gái tôi gọi báo tin kết quả kỳ thi, con trai tôi nói mua cho cháu món đồ chơi nào đó. Tôi biết mọi người xung quanh cố làm cho tôi quên đi bệnh tật. Tôi nuốt cục nghẹn xuống cổ cố ngăn dòng nước mắt. Bạn tôi dừng xe lại một quán nước ở đường kênh Nhiêu Lộc. Có một đêm Saigon tương đối yên ắng, mùi nước kênh quen thuộc phảng phất. Tôi nghĩ về một dự án làm sạch giòng kênh. Tôi chợt nhớ tôi có nhà một người dì họ xa nằm trên dòng kênh; khi giải toả, nhà dì tôi còn một nửa và biến thành mặt tiền. Lâu lắm rồi tôi chưa có dịp đến thăm dì, và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác mình được ăn một ly chè sâm bổ lượng ngon như vậy.
Cô y tá đưa cho tôi phiếu xét nghiệm tế bào :
- Kết quả bình thường, chiều mai bác sĩ hội chẩn trường hợp của chị.
Cả phòng tôi mọi người cười nói lao xao, câu chuyện nối tiếp câu chuyện, vui mừng không giấu giếm vì ai cũng được xuất viện ngày hôm sau. Buổi chiều các chị vui quá tràn ra ngoài hành lang chuyện trò rôm rả. Tôi cũng thấy vui lây dù còn chút xíu lo lắng về kết quả hội chẩn ngày mai. Một chị nói với tôi :
- Thôi mổ quách cho rồi, thiếu gì người mổ, người ta còn không chịu đẻ bình thường mà còn chủ động đẻ mổ nữa là. Không sao đâu.
Tôi hơi bị bất ngờ khi sáng sớm hôm sau vị bác sĩ gọi tôi lên phòng khám và cho xuất viện :
- Trường hợp của chị chưa đáng phải mổ. Tôi cho chị về uống thuốc, ba tháng sau tái khám.
Thấy tôi còn hơi băn khoăn về bệnh trạng của mình, người bác sĩ trấn an:
- Đã có các bác sĩ chuyên khoa hội chẩn rồi, chị dừng quá lo lắng. Chúng tôi sẽ làm hết sức để chị được mạnh khoẻ.
Tôi cám ơn bác sĩ và bước ra khỏi phòng. Việc đầu tiên là nhắn tin cho chồng : “Bác sĩ cho ra viện. Ngày mai em về”. Chồng tôi nhắn lại : “Sao không mổ luôn cho rồi!”. Ôi, người đàn ông vụng về và chân thật của tôi! Tôi nhắn lại : “Bác sĩ chưa chỉ định mổ”. Chồng tôi nhắn tiếp : “Con thi tốt lắm. Khi về nhớ mua cho con món đồ chơi“.
Tôi ra ga mua vé. Bên ngoài bệnh viện vẫn nhộn nhịp đông đúc, có dòng người với túi xách lỉnh kỉnh theo cô y tá vào nhập viện giống như tôi tuần trước. Phòng bán vé trống trơn làm tôi có cảm giác như cô bán vé đang ngồi chờ tôi. Ngày mai tôi sẽ về nhà. Một đêm trên xe lửa, rồi tôi sẽ thấy lại tháp chuông nhà thờ Chánh Tòa im lìm trong sương sớm; có những con chim đuổi bắt, lượn vòng quanh cây thập tự giá chào đón bình minh. Phố biển sẽ như bông hoa lặng lẽ nở ra chào đón tôi trở về. Tôi chợt nhớ đến hai cây hoa sữa bên hông nhà nồng nàn mùi hương trong đêm mùa đông và giàn hoa màu vàng trên sân thượng cùng những chậu sứ nở đầy hoa đỏ. Hình như tôi đã xa nhà từ lâu lắm!
Tôi ra Saigon tìm mua cho con một món đồ chơi và tìm cho mình một cuốn sách. Bước chân tôi gõ nhẹ trên vỉa hè đường Nguyễn Huệ, tự nhiên thấy mọi thứ đều lạ lẫm dù nơi này mình đã đi mòn vẹt gót giày. Tôi dừng chân trước một cửa hiệu bán những món quà lưu niệm cho khách nước ngoài; những bức tranh đủ màu sắc, nhiều kích cỡ cùng với những chiếc bình đủ loại làm nên một không gian lộn xộn sắc màu. Tôi săm soi những chai rượu màu vàng bên trong có những con rắn được sắp xếp thật khéo léo : con rắn lục màu xanh đang quấn quanh mình con rắn hổ mang có cái đầu vươn cao thẳng đứng, phía sau con rắn hổ mang loằng ngoằng cái rễ cây màu trắng. Tôi dừng lại trước khách sạn Palace và ngắm nghía cái khung sắt chất kín những chậu cây nho nhỏ kết nên tấm thảm thực vật màu xanh thật mịn. Người bảo vệ đang tưới nước cho giàn cây bằng chiếc vòi phun nước như sương. Đã gần mười giờ sáng mà con phố chính như mới vừa thức dậy. Hơi máy lạnh từ bên trong các khách sạn toả ra tạo cảm giác dễ chịu; những người bảo vệ đang làm công việc hút bụi cho các tấm thảm chuẩn bị một ngày bận rộn đến khuya. Tôi đứng lại và nhìn tổng quan một lần nữa khung cảnh trung tâm thành phố. Cuộc sống đẹp đến từng milimét vuông đất. Tôi bước đi thong thả trên vỉa hè như cố tình tận hưởng cảm giác của một du khách nhàn nhã. Khi băng qua đường để sang môt con phố khác, tôi chợt nhớ mình vừa được bác sĩ cho xuất viện sáng nay.
5 nhận xét:
Bài này hay quá thầy ạ, em thấy nhiều lúc mình cứ cho chỉ định BN nhập viện, làm cái này cái nọ mà hình như mình chưa bao giờ suy nghĩ nếu như mình là BN mình sẽ đón nhận nó như thế nào. Thật là 1 điều đáng để suy nghĩ. Em cám ơn thầy :D
thầy cũnh thấy rất hay nên xin phép tác giả cho đăng lại trên blog,
cảm ơn em
Bài blog rất hay thầy ạ. Lần trước em đọc bài này trong blog của 1 nhóm bs, hình như là Y77 hay gì đó em không nhớ rõ. Vị bs đó nay đang ở Canada, có mấy bài viết blog rất hay ạ.
bài này thầy post từ tháng 3 - 2012 mà . Đào t thanh Tuyền kh phải là BS mà là 1 nhà văn. Phương Dung Nguyễn
Bài viết hay lắm thầy ạ.Con cũng đã từng nhập viện để mổ khối u,chờ đợi kết quả đúng là hoang mang.....
Đăng nhận xét