BS Linh
H. Vo (facebook) July 16,
2013 at 1:30pm
Một bạn đồng nghiệp đến thăm tôi.
Nhìn con trai lớn của tôi đang hớn hở leo trèo chạy nhảy, bạn tôi hỏi: “Bé được
mấy tuổi rồi?”. Tôi trả lời như một phản xạ tự nhiên: “21 tháng và 13,3 kg”.
Thật sự, anh bạn đồng nghiệp của tôi không quan tâm và ấn tượng đến con số 13,3
kg mà tôi rất tự hào, mà tôi cũng không thể kìm chế mình để không thốt ra con
số đó! Đơn giản là vì bạn tôi chưa bao giờ nuôi con, chưa bao giờ trải qua giai
đoạn làm cha mẹ đầy căng thẳng khi con mình trong giai đoạn biếng ăn, khi mà
con mình suốt mấy tuần liền “chẳng tăng được gờ ram nào hết”, có khi còn sụt
ký… Thật sự là vợ của anh đồng nghiệp này đang có thai lần đầu mới được 7 tháng
thôi. Cũng chỉ vài ngày trước đó, một đồng nghiệp khác lại nhìn con trai tôi
với ánh mắt ít nhiều “ghen tị” (cũng có thể là do tôi quá chủ quan nghĩ thế!),
khi con trai anh đã 18 tháng nhưng chỉ nặng khoảng 9 kg.
Khi con tôi bước vào khoảng tháng thứ 12, giai đoạn biếng ăn bắt đầu. Đây là
giai đoạn cực kỳ căng thẳng, nhất là đối với chúng tôi, những người làm cha mẹ
lần đầu. Tôi là người được đào tạo về y khoa, đã tin rằng mình có kiến thức y
khoa để nuôi con, đã tin rằng giai đoạn biếng ăn này chỉ là thoáng qua, con tôi
sẽ ăn khi nó đói, rằng con tôi ăn uống theo nhu cầu… Nhưng rồi tôi dần dần có
cảm giác những kiến thức tôi có là “rác rưởi”… Dần dần tôi không còn tự tin
rằng mình có kiến thức nuôi con, nhất là khi con tôi không tăng cân suốt cả
tháng liền, khi vợ tôi cũng bị căng thẳng về chuyện đó. Tôi phải học hỏi kinh
nghiệm từ những người chuyên nghiệp, phải đọc sách nuôi con mới biết mình có
quá nhiều lỗ hổng kiến thức về vấn đề này…
Chuẩn bị cho giai đoạn biếng ăn
Chúng tôi đã cho con mình ăn dặm từ lúc 6 tháng tuổi. Khi đó sữa tuy vẫn là
nguồn dinh dưỡng chính nhưng không còn là nguồn năng lượng đủ cho sự phát triển
của em bé. Khi con tôi bắt đầu mọc răng, chúng tôi bắt đầu cho con mình ăn thức
ăn đặc hơn rồi dần dần chuyển sang dạng “cục mềm” để em bé phải nhai khi ăn.
Nhai là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà chúng ta phải giúp em bé phát triển
trong giai đoạn này. Nhai giúp cho em bé tiết nước bọt, tạo cảm giác ngon
miệng, tiết các men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn. Nhai là kỹ năng cần có để
giúp em bé vượt qua giai đoạn biếng ăn về sau. Nhiều bà mẹ mắc phải sai lầm
giai đoạn này khi tiếp tục cho em bé ăn thức ăn lỏng như cháo, tập tính “lười
ăn” cho em bé vì chỉ nuốt chứ không phải nhai. Em bé không có kỹ năng nhai sẽ
làm cho giai đoạn biếng ăn về sau càng trầm trọng hơn. Càng về sau việc giúp em
bé tập nhai càng khó, bé càng biếng ăn…
Cũng trong giai đoạn này, chúng tôi bắt đầu cho em bé ngồi ghế cao (high
chair) cùng bàn và bữa ăn với chúng tôi. Chúng tôi tập cho em bé bốc các thức
ăn mềm và tự cho vào vào miệng (finger food). Finger food giúp em bé làm quen
với cách tự ăn uống và giúp em bé bớt khó chịu khi bực bội hoặc khi mọc răng.
Ngồi ghế cao rất có lợi trong việc giúp bé làm quen với bữa ăn chung của gia
đình, tuy nhiên chúng tôi thường phải dọn dẹp "bãi chiến trường" sau
mỗi bữa ăn. Con trai tôi thường vứt thức ăn khắp nơi quanh ghế, hoặc có khi nó đội
úp cả chén thức ăn lên đầu!
Vượt qua giai đoạn biếng ăn
Khi bắt đầu bước vào tháng thứ 12, con trai tôi như bắt đầu trở thành một em
bé hoàn toàn mới, với rất nhiều thay đổi trong cách ứng xử hàng ngày. Tuy nhiên
sự thay đổi làm chúng tôi căng thẳng nhất là con trai tôi không còn muốn ăn
thức ăn mà trước đây bé thường ăn, không chịu ngồi yên khi ăn, đòi bốc thức ăn
và vứt khắp nơi quanh ghế. Về mặt phát triển sinh lý, thời điểm này em bé bắt
đầu thể hiện sự “tự chủ” của mình bằng nhiều cách, trong đó có việc bỏ ăn!
Chúng tôi vẫn tiếp tục giữ các “thường quy” mà trước đây áp dụng cho em bé
nhưng với sự kiên nhẫn cao hơn. Chúng tôi vẫn cho con trai mình ngồi ghế cao
cùng bàn ăn, cho bé ăn, cho bé bốc thức ăn, chấp nhận bé xả thức ăn quanh ghế…
Tuy nhiên, chúng tôi giới hạn bữa ăn không quá 45 phút. Nếu bé không ăn hết
thức ăn thì chúng tôi kết thúc bữa ăn luôn, chờ cho đến bữa kế tiếp mới cho ăn
lại. Chúng tôi cũng ngưng cho bé uống sữa formula và thay bằng sữa tươi khoảng
7-800 ml mỗi ngày. Chúng tôi kiên quyết để bé ngồi trên ghế trong suốt bữa ăn.
Có rất nhiều cha mẹ đã sai lầm trong giai đoạn này khi tiếp tục cho con uống
sữa formula, thậm chí còn tăng số lượng hàng ngày để bù vào chỗ bé bỏ ăn. Sữa
formula béo hơn sữa tươi sẽ làm em bé càng biếng ăn, nhưng không thể cung cấp
đủ các yếu tố vi lượng (đặc biệt là sắt) cho bé. Có một số cha mẹ cho con chạy
chơi vòng vòng để dỗ cho con ăn. Có người để con lên xe chạy một vòng rồi quay
lại để người kia đút cho con một muỗng, rồi chạy tiếp một vòng khác… Những hành
động này sẽ làm bữa ăn kéo dài, bé không tập trung vào bữa ăn, không nhai tốt,
làm bé càng biếng ăn…
Khi tham khảo cách sách hướng dẫn nuôi con, chúng tôi hiểu rằng có rất nhiều
cặp vợ chồng khác cũng cùng tâm trạng lo lâu khi đứa con yêu quý của mình trải
qua giai đoạn biếng ăn sinh lý. Chúng tôi may mắn đã nhận được những lời khuyên
tốt từ sách vở, từ những người được đào tạo chuyên nghiệp về cách chăm sóc trẻ.
Có một giai đoạn con trai tôi không tăng cân, thậm chí sụt cân nhưng cháu vẫn
ăn ngủ tốt, phát triển tâm sinh lý bình thường và cân nặng đạt yêu cầu theo
biểu đồ tăng trưởng.
Sự thử thách và niềm vui khi nuôi dạy con cái
Trước đây, tôi không bao giờ có thể tưởng tưởng ra nổi sự thử thách và niềm
vui khi nuôi dưỡng con cái. Chúng bé nhỏ nhưng lớn lên và thay đổi hàng ngày.
Thế giới của chúng là sự trưởng thành từ bản năng nhờ vào sự nuôi dưỡng của
chúng ta. Chúng lớn lên với tính cách và thể chất tùy vào kiến thức và sự hiểu
biết của chúng ta về cách nuôi dạy con cái, cách ứng xử và tình yêu mà chúng ta
dành cho chúng. Sự thử thách khi nuôi dạy con cái rất lớn, nhưng niềm vui do
chúng mang lại là bất tận.
Hơn một năm nữa thôi, anh bạn đồng nghiệp của tôi sẽ trải qua một giai đoạn
nuôi con biếng ăn đầy căng thẳng như chúng tôi và nhiều cặp cha mẹ trẻ khác.
Khi đó, tôi tin rằng anh bạn đồng nghiệp sẽ hiểu tôi tự hào với con số “21
tháng và 13,3 kg” như thế nào.
Sydney, tháng 8 năm 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét