Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

"Now this is not the end..." hay thái độ tiếp cận một bệnh nhân giai đoạn cuối

by Linh H. Vo (Notes) on Wednesday, July 3, 2013 at 2:53pm

Từ ý kiến của các bạn bè trên facebook
Xuân Hậu: “Chổ mình làm thường hay đón nhận các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vào viện để yêu cầu truyền máu mà nếu vào các BV công thì chắc chắn khó được có chỉ định như vậy. Theo bạn thì chúng ta thực hiện truyền máu cho những bệnh nhân này thì có gọi là NHÂN BẢN hay không? Dù biết rằng làm thế sẽ mất đi 1 cơ hội dùng những đơn vị máu này cho những người khác, có chỉ định khác, cơ hội sống còn cao hơn !”
Dungdaodien: “Tôi có nguời nhà mắc bệnh này nhưng những ngày cuối cùng chỉ là thuốc giảm đau cho ng bệnh mà thôi. Gia đinh tôi cũng không phải là không có điều kiện để vô máu, và bác sỉ gia đình giải thích cho chúng tôi hiểu đến giai đoan cuối thì giảm đau chính là giúp cho ng bệnh o phải gắng chịu đựng sức tàn phá của căn bệnh vì lúc bấy giờ tất cả các thuốc đều bị vô hiệu. Nên việc truyện máu vô tình sẽ kéo dài sự mỏi mòn của bn trong đau đớn mà cũng là vô ich. Nguời thân có thể nguyện cầu phép lạ và nguyện cầu luôn cho sự kết thúc o đau đớn cho nguời thân của mình .”

“Now this is not the end. It is not even the beginning of the end...” (Winston Churchill)

Khi chúng ta nói về bệnh giai đoạn cuối hay ung thư giai đoạn cuối, điều đó không có nghĩa là người bệnh đang ở những giây phút cuối của cuộc đời họ. Từ “giai đoạn cuối” thường dùng để mô tả một giai đoạn tiến triển của bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, hoặc bệnh đã diễn tiến đến một giai đoạn không thể chữa lành hoàn toàn. Tuy nhiên, từ thời điểm đó, người bệnh vẫn có thể sống vài giờ, vài ngày... thậm chí vài năm và mỗi thời khắc mà họ sống, họ vẫn cần đến điều trị, vẫn cần được đối xử như một người bệnh như bất kỳ những người bệnh nào khác, như những người chỉ bệnh nhẹ hoặc bệnh chưa tiến triển vào giai đoạn cuối.
Một bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối nếu được điều trị tốt có thể sống đến hơn 5 năm. Một bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối với di căn nhiều nơi vẫn có thể sống đến 2 năm. Với khoảng thời gian đó, họ vẫn cần những điều trị theo như những chỉ định điều trị phù hợp. Thí dụ, bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến này có ổ di căn chèn ép tủy sống gây đau và các triệu chứng thần kinh khu trú, chúng ta vẫn có thể dùng xạ trị để giải quyết khối di căn chèn ép đó. Nếu bệnh nhân này vào viện vì xuất huyết tiêu hóa nhưng có tiên lượng sống hai năm về góc độ ung thư tiền liệt tuyến, họ vẫn cần được truyền máu để điều trị xuất huyết tiêu hóa khi có chỉ định. Nếu một bệnh nhân bị tắc ruột già do ung thư không còn chỉ định điều trị ngoại khoa triệt để (radical surgery) để cắt khối u, họ vẫn có thể cần một phẫu thuật (palliative surgery) mở đại tràng ra da để giải áp nhằm làm bớt đi những đau đớn và khó chịu do chướng ruột trong ba tháng còn lại của cuộc đời họ. Một bệnh nhân bị ung thư thực quản giai đoạn cuối vẫn có thể cần được mở dạ dày ra da để nuôi ăn, để không bị chết vì suy dinh dưỡng. Trong quá trình phẫu thuật, nếu như họ bị chảy máu, họ vẫn có thể cần được truyền máu.
Hơn lúc nào hết, đây là những lúc mà những nguyên tắc y đức cần soi đường cho các quyết định của các bác sĩ, đặc biệt khi cùng người bệnh thảo luận về những quyết định cuối đời (bao gồm cả end-of-life decision vì end-of life decision là quyết định kết thúc sự sống). Chỉ định điều trị vẫn được tiếp tục cho người bệnh cho đến những giây phút cuối đời của họ, nếu như điều trị đó phù hợp với những lợi ích tốt nhất (best interests) cho người bệnh.
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô?
Ở đây chúng ta cũng nên bàn về một quan điểm sai lầm về tính vô thường của cuộc sống, mà nhiều bác sĩ lấy đó làm quan điểm điều trị cho bệnh nhân giai đoạn cuối.
Từ “vô thường” hay dùng để mô tả tính biến đổi vô cùng của một sự vật, của một thế giới phức tạp với vô vàn mối liên hệ ràng buộc và nhân quả với nhau. Người ta thường nói: “sinh, trụ, dị,diệt, vô thường”. Một sự vật do nhân duyên và nhân quả mà ra đời (sinh), tồn tại trong một khoảng thời gian với những hình thể và tính chất của nó (trụ), rồi nó thay đổi (dị), nó mất đi (diệt) để chuyển sang một dạng mới và cứ thế lại tiếp diễn cái vòng “sinh trụ dị diệt” đó, và người ta gọi nó vô thường, thế giới vô thường... Sự vật vô thường vì nó biến đổi vô cùng tận.
Tuy nhiên, vào thời khoảng mà một sự vật “trụ”, thì có nhiều vấn đề liên quan phát sinh và cũng “trụ” trước khi nó thay đổi (dị). Khoảng thời gian đó có thể là một cái chớp mắt, một vài giây hoặc cả một đời người kéo dài bảy tám mươi năm... Khi chúng ta chỉ nhìn sự vật ở tính vô thường của nó mà phủ nhận thời khắc, thời khoảng mà sự vật đang tồn tại (trụ) là chúng ta phủ nhận thực tại có thật (tạm thời) chưa thay đổi trong một thời khoảng của vòng xoắn “sinh trụ dị diệt vô thường”, là chúng ta chưa “quán chiếu” đúng được cái “tánh” của vũ trụ ta bà này, là có thể chúng ta đang có một quan điểm không phù hợp khi tiếp cận một bệnh nhân giai đoạn cuối!
Nhiều bác sĩ khi tiếp cận một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối sẽ nghĩ là trước sau gì người bệnh cũng chết, mọi điều trị điều vô ích, chỉ tốn kém vô ích... Có bác sĩ đem tính "vô thường" của cuộc đời ra giải thích cho một người bệnh còn đang choáng váng khi biết mình mắc bệnh ung thư. Điều chúng ta cần nói rõ ở đây là, trong thời khoảng đó, bệnh ung thư là có thật, nó vừa mới “sinh” và đang “trụ”, với nỗi đau đớn khôn cùng do ung thư là có thật, với nỗi sợ hãi khi biết mình sắp chết là có thật, với nhu cầu được điều trị là có thật... Tất cả đều còn đang “trụ”, chưa có mất đi, chưa có “dị”...
Do đó, cách  tiếp cận đúng đắn với người bệnh lúc đó là phải biết cách báo tin buồn cho người bệnh (breaking bad news), cùng người bệnh thảo luận các phương thức điều trị với căn bệnh hiểm nghèo của họ, để giúp người bệnh chuẩn bị cho những quyết định cuối đời, để sống không đau đớn với chất lượng cuộc sống cao nhất có thể được trong khoảng thời gian còn lại. Tuyệt đối chúng ta không nên mang quan niệm sai lầm về tính vô thường để phủ nhận hiện tại, để lấy đó làm lý do bỏ mặc cho người bệnh về nhà “muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn...” để chờ chết. Chúng ta cần nhớ rằng có rất nhiều điều chúng ta có thể làm để chăm sóc một bệnh nhân giai đoạn cuối.
Những nỗi đau đớn, khổ sở mà người bệnh đang chịu đựng luôn có thật, đó là điều chúng ta cần phải nhận biết và thấu hiểu. Những đau đớn và thống khổ của người bệnh dù sẽ “vô thường” như vạn vật trong thế giới vô thường này, nhưng trong thời khoảng mà chúng ta chăm sóc họ, chúng đang “trụ” và có thật, và chúng ta phải cùng người bệnh giải quyết điều đó. “Nothing is unchanged. If it’s not better, it’s going worse”. Dù căn bệnh của họ diễn tiến “better” hay “worse”, người bệnh giai đoạn cuối luôn cần được chăm sóc cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời họ. 

Không có nhận xét nào: