Ngô Kim Lương
Vương Hải Nhi lên sáu
tuổi thì bố mất, mẹ góa họ Lý ở vậy nuôi con, không nghĩ đến chuyện lấy chồng. Hơn mười năm đã qua đi,
địa phương làng xóm tiến cử Lý thị được nhận một tấm biển "trinh tiết"
dựng trước của nhà.
Lúc này Vương Hải Nhi
đã mười sáu tuổi, bắt đầu am hiểu chuyện đời. Một đêm mùa hè, chợt nghe có tiếng
thì thầm trong buồng mẹ:"Sao ướt cả quần cả tất thế này?". Giọng đàn
ông đáp:"Đêm qua mưa to, nước sông dâng cao, mấy tảng đá ngập hết, phải chịu
vậy thôi". Vương Hải Nhi biết đó là người đốn củi trong rừng, định xông
sang buồng mẹ để hỏi tội. Chợt nghĩ lại: con trai bắt quả tang mẹ đẻ thông dâm
thì xử sự thế nào? Theo luật thời xưa, người nào được vua phong hai chữ
"trinh tiết" mà còn mắc tội gian tình là "khi quân", sẽ bị
tùng xẻo.
Lại nghĩ, mẹ mình góa
chồng từ thời còn trẻ, ở vậy mười năm, thi thoảng không giữ được đạo làm vợ thì
cũng chẳng đáng tội chết. Huống hồ danh tiếng là chuyện nhỏ, tính mạng mới là
chuyện lớn . . . Nghĩ xong, thấy sợ hãi, quay về buồng ngủ. Từ đó càng tỏ ra ân
cần chăm sóc mẹ góa hơn.
Người đốn củi vẫn đến
thường xuyên, cứ tối đến sáng về. Vương Hải Nhi nín thinh không nói, giả đò
không hề hay biết.
Một hôm, Vương Hải
Nhi rủ bạn bè lên núi chặt gỗ, bắc một chiếc cầu qua con sông nhỏ trước cửa. Vì
cậu nghĩ, người đốn củi tuổi mỗi ngày một cao, gặp hôm mưa gió, nước sông dâng
cao sẽ không qua sông được. Vương Hải Nhi nhìn sắc mặt mẹ, đầy tình cảm nhớ
mong, sốt ruột thường biểu hiện qua lời nói, cho nên cậu quyết định bắc một chiếc
cầu.
Vài năm sau, bà mẹ
góa mắc bệnh qua đời, Vương Hải Nhi tổ chức đám ma trọng thể. Tròn hai mươi mốt
ngày, Vương Hải Nhi mặc áo tang, cầm dao sắc, vượt sông trong đêm trăng, đâm chết
người đốn củi. Xong việc, Vương Hải Nhi ra đầu thú. Quan huyện hỏi: "Đã biết
mẹ góa có gian tình, sao lại còn bắc cầu cho người đốn củi qua sông? Đã hận người
đốn củi làm nhục gia đình, sao không ngăn chặn sớm để đến giờ thành án mạng?"
Vương Hải Nhi lầm bầm:
"Ngày trước, đắp đường bắc cầu là để báo hiếu với mẹ, bây giờ chém chết
gian phu là để báo thù cho bố. Xin nhận tội chết." - Nói xong quỳ xuống chịu
tội.
Những người biết chuyện,
ai ai cũng xin quan huyện tha thội cho Vương Hải Nhi. Họ nói: "Biết nhịn
nhục trước để trả thù sau, thật là một người con hiếu thảo hiếm có trong thiên
hạ. Xin quan cho Vương Hải Nhi được sống."
Vương Hải Nhi nghe vậy
quỳ xuống cúi đầu cảm ơn khắp lượt rồi đập đầu vào tường mà chết.
Xét theo quan niệm hiện
nay thì thời đó, Vương Hải Nhi cũng rất hiểu tình người. Sự ngấm ngầm chịu đựng
của Vương Hải Nhi quả là sự ngấm ngầm chịu đựng phù hợp tính "nhân đạo"
theo đạo đức luân lý phong kiến. Như Lỗ Tấn đã nói, giữa các hàng chữ chỉ có ba
chữ "ăn thịt người". Quan niệm đạo đức phong kiến đã "ăn" mất
tuổi trẻ của họ Lý, đã ăn mất một
"cuộc tình", đã ăn mất hai mạng người là Vương Hải Nhi và người đốn củi.
Nhiều người cho rằng
Vương Hải Nhi có một trái tim vàng, tiếc thay, đã bị đạo đức luân lý phong kiến
ăn sống nuốt tươi. Nhưng điều tàn nhẫn thật sự là cái thứ quan niệm giết người
không nhìn thấy máu kia.. .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét