Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ)
là một rối loạn chuyển hóa mạn tính có đặc điểm chính là glucose
huyết trong máu tăng cao. Glucose tăng cao trong máu lâu ngày sẽ làm tổn
thương nhiều tổ chức, cơ quan trong cơ thể. Một trong những tổn thương
quan trọng nhất xảy ra ở hệ thống mạch máu, do đó biến chứng chính
của bệnh ĐTĐ bao gồm biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch
máu nhỏ. Tuy nhiên bệnh ĐTĐ cũng gây ra nhiều tổn thương ở các cơ quan
khác như da, răng miệng…
Biến chứng mạch máu nhỏ
của bệnh ĐTĐ bao gồm:
Biến
chứng ở đáy mắt còn gọi là bệnh võng mạc ĐTĐ
Biến
chứng ở thận còn gọi là bệnh thận ĐTĐ
Biến
chứng thần kinh còn gọi là bệnh thần kinh ĐTĐ
Biến chứng mạch máu lớn
của bệnh ĐTĐ có tổn thương chính là tình trạng xơ vữa động mạch với
các hậu quả chính trên lâm sàng sau đây:
Đột
quị (do thiếu máu não, xuất huyết não), hoặc cơn thiếu máu não
thoáng qua.
Bệnh
cơ tim thiếu máu, nhồi máu cơ tim.
Bệnh
mạch máu ngoại vi.
Yếu tố nào gây ra biến
chứng của đái tháo đường?
Tùy từng loại biến chứng
cơ chế sinh bệnh có thể thay đổi, nhưng yếu tố luôn hiện diện là
tình trạng tăng glucose huyết kéo dài. Tuy nhiên có một số bệnh nhân
dù glucose huyết tăng cao lâu ngày, nhưng biến chứng rất ít. Một số
bệnh nhân khác chỉ bị bệnh một thời gian ngắn nhưng lại nhiều biến
chứng nặng. Do đó ngoài tăng glucose huyết có thể còn có thêm ảnh
hưởng của di truyền, môi trường hoặc các bệnh đi kèm như tăng huyết
áp, rối loạn mỡ máu…
Có cách nào để giảm
bớt hoặc ngăn chặn biến chứng của bệnh ĐTĐ?
Nhiều nghiên cứu đã chứng
minh giảm glucose huyết, giảm được biến chứng. “Nghiên cứu tiến cứu về bệnh ĐTĐ tại Vương Quốc
Anh” theo dõi trong vòng 20 năm, khoảng 5000 bệnh nhân ĐTĐ type 2 mới
chẩn đoán được chia làm 2 nhóm, một nhóm giảm glucose huyết tích cực
và một nhóm chỉ điều trị sao cho bệnh nhân không có triệu chứng uống
nhiều, tiểu nhều. Sau thời gian theo dõi trung bình 10 năm, nhóm giảm
glucose huyết tích cực giảm các biến chứng liên quan đến ĐTĐ khoảng 25% so với nhóm điều trị không
tích cực; nghiên cứu sau đó được kéo dài thêm 10 năm, trong thời gian
này cả hai nhóm đều được điều trị tích cực như nhau nhưng biến chứng
mạch máu nhỏ và cả biến chứng mạch máu lớn (nhồi máu cơ tim) vẫn
ít hơn ở nhóm được điều trị tích cực ngay từ đầu.
Ở bệnh nhân ĐTĐ type 1
cũng có nghiên cứu cho kết quả tương tự: nghiên cứu mang tên “Kiểm
soát ĐTĐ và các biến chứng [Diabetes
Control and Complications Trial –viết tắt là DCCT]” được thực hiện
ở 1441 bệnh nhân ĐTĐ type 1, sau thời gian theo dõi trung bình 6,5 năm,
nhóm được điều trị giảm glucose huyết tích cực có biến chứng mạch
máu nhỏ (ở thận, đáy mắt và thần kinh) ít hơn nhóm giảm glucose
huyết kém tích cực. Sau đó các bệnh nhân được tiếp tục theo dõi thêm
khoảng 17 năm, lúc này cả hai nhóm cũng đều được điều trị tích cực như
nhau, nhưng ở nhóm điều trị tích cực ngay từ đầu các biến chứng
mạch máu nhỏ và cả các biến cố tim mạch đều ít hơn nhóm điều trị
không tích cực.
Kết quả của hai nghiên
cứu này đưa đến kết luận quan trọng: ngay từ khi mới chẩn đoán bệnh
ĐTĐ, nếu điều trị giảm glucose huyết thật tốt, sẽ giảm được cả biến
chứng mạch máu nhỏ và mạch máu lớn.
Một nghiên cứu khác quan
trọng ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 đã có albumin niệu - nghiên cứu Steno
(được thực hiện tại trung tâm ĐTĐ Steno ở Đan mạch)- cho thấy nếu điều
trị tích cực và toàn diện tất cả yếu tố nguy cơ tim mạch của bệnh
ĐTĐ như tăng glucose huyết, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, ngưng hút
thuốc cùng với ăn uống đúng và luyện tập thể lực, có thể giảm
được biến chứng ở mắt, thận, thần kinh sau 8 năm; hơn thế nữa sau khi
theo dõ thêm 13 năm, nhóm được điều trị tích cực ngay từ đầu giảm
được 50% biến cố tim mạch và 50% tử vong.
Từ các kết quả nghiên
cứu trên, mục tiêu điều trị của bệnh ĐTĐ đã được xác định.
- Mục tiêu glucose
huyết HbA1c < 7%
- Huyết áp <140/80
mmHg hoặc <130mmHg
- LDL cholesterol
< 100 mg/dL (2,6 mmo/L) khi bệnh nhân chưa bị biến cố tim mạch và <70 mg/dL (1,8mmol/L) ở bệnh nhân ĐTĐ đã
bị biến cố tim mạch.
- HDL cholesterol
> 40 mg/dL(1mmol/L) ở nam giới hoặc >50 mg/dL(1,25mmol/L) ở nữ giới
- Triglycerid <
150 mg/dL (1,68mmol/L)
- Ngưng hút thuốc
lá
- Giảm cân nếu
có thừa cân, béo phì.
Để đạt được các mục tiêu
trên:
Bệnh nhân nên tuân thủ điều trị, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
và cần lưu ý sử dụng thuốc luôn luôn phải đi cùng với ăn uống điều
độ và luyện tập thể lực đều đặn. Chế độ luyện tập thay đổi tùy
theo sức khỏe của bệnh nhân, đơn giản nhất là đi bộ ít nhất mỗi ngày nửa tiếng, nếu bệnh
nhân đã lớn tuổi đau khớp có thể chia ra đi bộ nhiều lần trong ngày
thí dụ đi bộ 10-15 phút sau 3 bữa ăn sáng, trưa, chiều.
Chế độ ăn lành mạnh là
chế độ ăn có nhiều chất xơ, giảm chất béo (nhất là chất béo bão
hòa có trong mỡ động vật hoặc chất béo trans có trong các loại thức
ăn chiên rán ngập dầu, margarine, bánh bích qui), giảm muối, lượng bột
đường vừa đủ. (Xin tham khảo thêm bài “có thể phòng ngừa bệnh đáitháo đường bằng cách ăn uống hợp lý?”).
Cũng cần chú ý duy trì
nếp sống điều độ như ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh ngồi lâu chơi
vi tính hoặc xem truyền hình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét