Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

CHUYỆN KỂ VỀ HAI ÔNG TÂY CỦA CỤ VƯƠNG HỒNG SỂN

Vương Hồng Sển
ảnh minh họa: Chợ Lớn cũ - Ra đời sau khi người Hoa từ Cù Lao Phố về đây lánh Tây Sơn (1776). Ảnh này chụp đầu thập niên 1920. Địa danh Chợ Lớn phát xuất từ đây: ngôi chợ lớn nhất vùng...
1- Tôi có một người bạn đồng nghiệp nay qua ở bên Pháp. Lối 1940-1943, Ngân và tôi cùng làm thơ ký nơi dinh thống đốc Nam Kỳ. Ng. có thuật cho tôi nghe một chuyện vì sao không ghét được người Pháp.
Ng. từ ra trường, có một bịnh kinh niên là đau bụng. Chạy chữa đủ thầy Tây Tàu Miên Nam, nhưng bịnh vẫn hoàn bịnh. Lúc mạnh thì không có gì, vẫn cười giỡn như thường, đến khi đau là mười phần nguy kịch. Ng. đã có lên Nam Vang chịu cho thầy Miên đốt theo khoa châm cứu, khi Ng. cởi trần nơi chung quanh rún có ba cái thẹo bằng đầu ngón tay thấy mà ghê. Khi Ng. cưới vợ ở Sa Đéc, có đem thuốc tễ vò viên theo để đề phòng. Ng. dấu gói thuốc dưới gối trên đầu nằm. Ng. ra ngoài tiếp khách đãi rượu thì trong buồng tân hôn, cô dâu bắt gặp gói thuốc, tưởng gặp chồng ghiền, giận quăng bỏ, may sao nhờ mừng có vợ mới, bịnh không hành. Lấy nhau được vài năm, gia đình đầm ấm sanh con đẻ cái, rồi Ng. xin đổi về tùng sự dinh thống đốc, bỗng một hôm bịnh phát đau dữ hơn mọi lần. Chuyến nầy mặc dầu sợ mổ, nhưng cũng phải chở Ng. vô dưỡng đường Chợ Rẫy chớ không còn nơi nào trị nổi. Lúc ấy phương pháp rọi kiếng còn sơ sài, bác sĩ điều trị nói với ông giám đốc bịnh viện Chợ Rẫy lúc đó là bác sĩ trứ danh Lalung Bonnaire, và kết luận tình trạng bệnh nhân khác lạ, có lẽ Ng. đau nơi bọng đái, và Chợ Rẫy không đủ phương tiện điều trị. Bác sĩ Lalung Bonnaire là người đạo đức, thêm gần đến ngày hồi hưu nên động lòng trắc ẩn, bèn ký thơ gởi Ng. qua bệnh viện Grall và bổn thân qua hội kiến với ông viện trưởng chính là bác sĩ Grall, hai người đích thân khám và rọi kiếng thật kỹ. Lần này cũng y lần trước, thấy bọng đái của Ng. có một nhánh như cái túi nhỏ, chính cái túi nầy khi chứa chất dơ quá nhiều thì sanh chứng đau bụng, và nếu cắt bỏ cái túi họa may khỏi bịnh. Ngặt nỗi bọng đái cắt mổ thì được nhưng sợ khó lành . . .Tuy vậy, hỏi Ng. thì Ng. bằng lòng, nên hai ông bác sĩ vị tha nhất định đưa Ng. qua phòng mổ. Cuộc giải phẫu được an toàn, nhưng nên nhớ là thuở ấy thuốc trụ sinh chưa có. Mổ xong khiêng Ng. về phòng thì phát ra biến chứng và có cữ sốt. Bịnh mười phần nguy kịch. Bà sơ, nữ y ta ngả lòng nói nhỏ với bà Ng. nên lo việc hậu sự cho chồng. Bà Ng. là người đàn bà can đảm, quyết tranh sống với tử thần, nên bôn ba chậy tuốt vô Chợ Rẫy, khóc lóc níu áo ông Lalung-Bonnaire. Thuở đó lại chưa có ngân hàng máu và cách sang máu cũng "cầu may", không phân biệt máu "O" hay máu gì, miễn có người tình nguyện thì nối mạch máu sang ngay từ người cho máu qua bịnh nhơn ... nên nay, hai cánh tay của Ng. còn vết thẹo chằng chịt. Rốt lại, nhờ hai anh sơn đá, một anh Tây trắng, một anh Tây đen, bằng lòng cho máu nên Ng. được cứu thoát. Tôi quên nói khi chở Ng. vô Grall, không biết sắp Ng. nằm hạng nào. Grall là bịnh viện dành cho nhà binh. Thấy Ng. làm việc nơi dinh thống đốc (cũng gọi dinh phó soái), nên họ cho Ng. nằm chung một trại với các võ quan cao cấp, vì vậy mà Ng. có hai lính lang sa phuc sự hẳn hoi.
Khi gần mạnh, Ng. bắt đầu nói chuyện được, nên tỏ lòng cảm ơn hai anh.
Hai anh nói: - Chúng tao đâu biết mầy là ai, nhưng miễn sao mầy mạnh là chúng tao đủ mừng. Đừng nói chuyện ơn nghĩa vì hiện hai tao ăn phần ăn của mầy, uống phần rượu của mầy, như vậy là đủ hả hê. Như mầy biết điều, thì hãy rán giữ sao cho nội đêm nay đừng lên cơn sốt mà mai chúng tao bị bác sĩ quở, như vậy là đủ trả ơn rồi. Hai tao định tối nay leo rào ra chợ thăm bồ và xem hát. Rán liệu hồn và hãy ngoan đừng sốt nhé. Ô rơ voa!
Mạnh rồi ra nhà thương, Ng. tìm ông LaLung Bonnaire tại nhà nói, ông bác sĩ tiếp đón niềm nở. Ông nói: Tôi là bác sĩ có phận sự cứu người. Như anh nhớ ơn tôi thì hãy năng viết thơ cho tin tức tình trạng sức khỏe của anh là đủ, vì tôi sắp về hưu đây. À mà như anh thật muốn dâng quà cho tôi, thì sẵn đứa con trai tôi năm tuổi nó đòi nuôi vịt, vậy xin anh ra chợ mua cho nó hai con vịt nhỏ thứ vừa mới nở đem lại đây cho nó, nó vui thì vợ chồng tôi đủ mừng!
Cũng vì thế, Ng. tiếp lời nói với tôi, cũng vì thế cho nên khi năm 1945, ai nấy xuống đường tìm Tây làm khó dễ , tôi từ chối không đi. Muốn giết tôi thì giết, Ng. nói, đây hai tay tôi còn thẹo sang máu, và Tây với tôi, ơn thì có chớ nhĩ ngã vô thù!
Nếu hết thảy đều như vậy thì đâu có chuyện Pháp và Việt mất niềm hòa khí. Và đây, một chuyện nhỏ thuật lại nghe chơi, và chuyện sau nầy đã làm hoen ố ít nhiều nghề vị tha của Tổ nghề thuốc là ông Esculape.

2- Chuyện một ông Tây xấu. - Năm 1942 tôi đau vô nằm nhà thương Cần Thơ, có mục kích một thảm trạng khá bi thương. Có một đứa gái độ mười hai mười ba tuổi, con một người bồi làm cho Tây, được chở vô nhà thương bằng một xe nhà chói lộng. Nó đau bụng dữ dội, vì nó có kinh nguyệt lần đầu, và vì nó còn trinh nữ, tấm màng trinh che bít huyết  không ra được nên đau. Lẽ đáng ông lấy dao nhỏ chích rách tấm trinh là con nhỏ ra về tức khắc, nhưng vì ông thấy nó đi xe sang trọng nên có ý nhóng tiền, có ngờ đâu nó là con một anh bồi, vì thấy nó lăn lộn đau khóc, vị chủ nhân nóng ruột cho xe nhà đưa vô nhà thương nên mới ra cớ sự ấy. Một vài hôm sau gì đó, máu ứ thét làm rách tấm trinh, con nhỏ hết bịnh khỏi trị. Ông bác sĩ tức mình kiếm chuyện rầy ông phụ tá và nghi ông này phỗng tay trên.
Vị bác sĩ trưởng này (tên L.) gốc gác người cù lao Ile de la Réunion, trước gọi là Ile Bourbon nên ta gọi thổ dân là người "Bòn-bon". Bọn nầy da ngâm ngâm đen màu cà phê sữa, và vốn là người mất gốc mà không hay. Cù-lao Réunion thuộc A-phi-lợi-châu và nằm trên biển Ấn-Độ-dương. Bị Tây chiếm từ năm 1642 và họ xưng là Tây cũ. Cù lao được dựng làm khu vực hành chánh thiệt thọ của Pháp quốc (departement) từ năm 1946, nhưng trước đó họ đã kể họ không phải Chà, và họ là Tây màu (Francais de couleur). Họ mê phó mát, muốn làm Tây thiệt. Tánh họ chỉ biết vơ vét ham làm giàu, ô danh đã có nước Pháp gánh chịu.

Không có nhận xét nào: