SGTT.VN - Ngày 8.7, bé Lê Thành Phụng, hai tuổi, nạn nhân của
vụ cuồng sát tại TP.HCM trong tháng qua đã xuất viện khoẻ mạnh. Trước đó ít
ngày, người anh họ Lê Trung Lợi, sáu tuổi, cũng là nạn nhân hôm đó, đã về nhà
an toàn sau hai tuần điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1.
Có thể xem đây là một trường hợp may mắn, nhưng đó là kết quả
tất yếu của một quy trình an toàn bệnh nhân được bệnh viện Nhi Đồng 1 triển
khai nhiều năm qua.
Kỳ tích của những y bác sĩ
Sáng ngày 9.7, bà Nguyễn Thị Xê, 82 tuổi, bà nội của Phụng
và Lợi, vui mừng nói: “Thật tình tôi nghĩ hai cháu của mình mười phần chết đến
chín. Các bác sĩ giỏi quá, tôi mang ơn họ rất nhiều”. Là một trong những người
chứng kiến Phụng, Lợi bị đâm nhiều nhát trên người, nên bà Xê cứ ám ảnh mãi. Đó
là chiều ngày 25.6, trong khi cùng bạn bè chơi trước nhà, Lợi bị một thanh niên
sống cùng chung cư rượt đuổi và đâm nhiều nhát trên người. Sau đó, hung thủ
quay sang túm lấy bé Phụng núp gần đó rồi đâm tiếp.
Sau khi chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện An Bình, hai bé được
chuyển sang bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ Đào Trung Hiếu, phó giám đốc kiêm trưởng
khối ngoại bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: “Cả hai bé trong tình trạng sốc do mất
máu nghiêm trọng, ruột lòi hẳn ra ngoài”. Mặc dù thời điểm tiếp nhận hai bé đã
sau 16 giờ, y bác sĩ đều mệt nhọc và chuẩn bị về nhà nghỉ ngơi, nhưng ngay lập
tức toàn bộ kíp trực ngoại được huy động, đồng thời, bệnh viện huy động thêm một
kíp hồi sức ngoại khác đang nghỉ ở nhà và mở thêm một phòng mổ để giải quyết
cùng lúc vì hai ca đều rất nặng.
Mỗi ca phẫu thuật phải cần nhiều bác sĩ tham gia vì nhiều bộ
phận trong cơ thể hai bé bị tổn thương. Bé Lợi bị thủng đại tràng, ruột non và
hoại tử 30cm ruột non, thận bị đâm xuyên thấu; còn bé Phụng, ruột non và đại
tràng bị thủng nhiều chỗ, cơ hoành và dạ dày bị thủng, rách gan, đứt gân hai
bàn tay... Mỗi bé cần đến hơn ba giờ phẫu thuật và truyền hơn 1.000ml máu,
nhưng cả hai đều qua khỏi.
Khi an toàn bệnh nhân đặt lên trên hết
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, người chỉ huy hai ca phẫu thuật, cho
biết có nhiều yếu tố dẫn đến việc cứu sống thành công hai bé Phụng, Lợi, nhưng
quyết định nhất chính là, việc bệnh viện áp dụng quy trình “báo động đỏ” từ bốn
năm nay. Theo ông Hiếu, mỗi khi khoa cấp cứu tiếp nhận một ca nguy kịch cần đến
can thiệp của phẫu thuật, bộ phận này phát lệnh báo động cho toàn bộ quy trình
cấp cứu khẩn cấp gồm: các chuyên khoa cấp cứu, hồi sức, ngoại khoa, gây mê, hồi
sức, chẩn đoán hình ảnh, ngân hàng máu và xét nghiệm. Tất cả các bộ phận này đều
vào quy trình, phối hợp nhịp nhàng và bằng mọi cách phải cứu sống bệnh nhân với
khả năng cao nhất.
“Trong quy trình này, chúng tôi bỏ qua những bước như xét
nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh. Nghĩa là bệnh nhân phải được chuyển đến phòng mổ
nhanh nhất, còn xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh sẽ làm sau. Từ lúc bệnh nhân
vào cấp cứu cho đến khi chuyển vào phòng mổ chỉ trong vòng năm phút. Lúc này,
các bác sĩ, kỹ thuật viên đã có mặt sẵn sàng để can thiệp”, bác sĩ Hiếu nói.
Có lẽ bệnh viện Nhi đồng 1 là một trong những số ít bệnh viện
trên cả nước xây dựng được quy trình “báo động đỏ” để cứu chữa những ca nguy kịch.
TS.BS Tăng Chí Thượng, giám đốc bệnh viện, là người xây dựng quy trình này sau
chuyến tham quan một bệnh viện nhi đồng tại Melbourne (Úc). Ông nói: “Thuật ngữ
“báo động đỏ” là do chúng tôi nghĩ ra thôi, chứ thật ra ở bệnh viện Melbourne,
người ta bật đèn xanh để báo động. Khi đó, tôi thấy quy trình này quá hay và
quyết tâm khi về nước bắt chước làm cho bằng được”.
Phải mất nhiều công sức để xây dựng quy trình, tập luyện thuần
thục mới có được như ngày hôm nay. Thế nhưng, trong bốn năm qua, nhờ “báo động
đỏ”, bệnh viện Nhi đồng 1 đã cứu sống được rất nhiều ca ngoạn mục. Bác sĩ Hiếu
đơn cử một trường hợp bệnh nhân vỡ gan từ Tiền Giang chuyển lên, vào đến khoa cấp
cứu bệnh viện Nhi đồng 1 thì mạch và huyết áp đều không đo được. Khi đó, bác sĩ
cấp cứu sờ nắn bụng, có cảm giác vỡ một nội tạng trong người và phát lệnh “báo
động đỏ”. Nhờ thế mà ca bệnh này đã được cứu sống. Thời gian tới, bệnh viện Nhi
đồng 1 sẽ tổng kết những ca “báo động đỏ” để rút kinh nghiệm và làm tốt hơn. Có
lẽ một khi các y bác sĩ đặt an toàn bệnh nhân lên trên hết và thực hiện điều
này bằng những việc làm cụ thể, thì không có ca bệnh khó nào mà họ bó tay.
Phan Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét