Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

LỢI ÍCH CỦA CÁC DANH MỤC KIỂM TRA TẠI BỆNH VIỆN - Kỳ 1

Atul Gawande*

Ngày 30 tháng 10 năm 1935, tại căn cứ không quân Wright ở thành phố Dayton, Ohio, không quân Mỹ tổ chức cuộc thi giữa các nhà sản xuất để chọn loại máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới. Nhưng người ta lại không nghĩ đây thực sự là một cuộc thi. Ngay từ đầu, chiếc máy bay bằng hợp kim nhôm sáng bóng kiểu 299 của hãng Boeing được đánh giá cao hơn hẳn các thiết kế của hai đối thủ cạnh tranh là Martin và Douglas. Chiếc máy bay này có khả năng chuyên chở gấp năm lần số bom mà quân đội yêu cầu, đồng thời bay nhanh hơn và tầm xa hơn gấp hai la62nso với những máy bay ném bom trước đó.Chỉ vứa thoáng nhận ra chiếc máy bay mới khi nó đang bay thử nghiệm ngang thành phố Seatle, một nhà báo ở đấy đã gọi nó là "pháo đài bay", và cái tên ấy ngay lập tức đã gắn liền với chiếc máy bay đó. Theo nhà sử học quân sự Phillip Meilinger, cuộc thi này chỉ mang tính hình thức, bởi quân đội Mỹ đã lên kế hoạch đặt mua của Boeing ít nhất 65 chiếc.
Đoàn quân nhạc, đại diện không quân Mỹ và các nhà sản xuất cùng hồi hộp theo dõi khi chiếc máy bay thử nghiệm kiểu 299 này chạy trên đường băng. Trông nó thật đẹp và ấn tượng với sải cánh dài hơn 30 mét, bốn động cơ nhô ra ngoài cánh thay vì chỉ có hai như vẫn thường thấy ở các kiểu khác. Chiếc máy bay gầm rú lao đi trên đường băng rồi nhẹ nhàng cất cánh vút lên cao đến hơn 100 mét. Nhưng ngay sau đó, chiếc máy bay dường như mất điều khiển. Nó rơi tự do, đâm sầm xuống đất tạo ra một tiếng nổ vang trời và bốc cháy. Hai trong số năm thành viên đội bay tử nạn, kể cả viên phi công Major Ployer P. Hill.
Ủy ban điều tra cho biết nguyên nhân vụ nổ không phải do hỏng hóc động cơ mà xuất phát từ "lỗi của người lái". Được thiết kế phức tạp hơn nhiều so với các thế hệ trước , chiếc máy bay ném bom tầm xa kiểu 299 đòi hỏi phi công phải điều khiển cùng lúc bốn động cơ, mỗi động cơ lại sử dụng hỗn hợp nhiên liệu khác nhau. Bên cạnh đó, anh ta còn phải điều khiển bộ phận hạ cánh, cánh phụ, bộ phận điều khiển cân bằng trọng tải, cánh quạt được điều khiển bằng hệ thống thủy lực để máy bay ngóc lên hoặc chúc xuống, và nhiều tính năng khác nữa. Lúc đó Major Hill đã quên không mở khóa bộ phận điều khiển bánh lái độ cao và cánh đuôi đứng. Lập tức, báo chí cho rằng thiết kế mới của Boeing có quá nhiều bộ phận làm cho việc điều khiển trở nên phức tạp. Sau đó, không quân Mỹ thông báo sẽ mua kiểu máy bay của hãng Douglas. Còn Boeing suýt nữa thì phá sản.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ vẫn quyết định đặt vài chiếc 299 của Boeing vì có người tin rằng chiếc máy bay na2yse4 phục vụ tốt cho nhiệm vụ của không quân. Do đó, một số phi công chuyên lái máy bay thử nghiệm đã nhóm họp và đưa ra phương án tối ưu để điều khiển chiếc 299.
Quyết định họ đưa ra khá bất ngờ. Họ không yêu cầu các phi công phải có số giờ bay nhiều hơn, bởi thật khó tin rằng một ai đó sẽ có kinh nghiệm dầy dạn hơn Major Hill - chỉ huy trưởng phi đội lái máy bay thử nghiệm của không quân Mỹ. Thay vào đó, họ đưa ra một giải pháp rất đơn giản  nhưng không ngoan: Lập danh mục các việc phi công cần làm. Vào thời kỳ đầu, việc làm cho một chiếc máy bay cất cánh có thể làm cho cảm thấy rất căng thẳng. Nhưng việc này hầu như không quá khó, chỉ như lái một chiếc xe hơi ra khỏi bãi đậu nên chẳng ai cần đến tờ giấy ghi chú làm gì. Nhưng lái chiếc 299 lại khác, nó rắc rối đến mức không ai có thể nhớ hết, ngay cả khi đó là một chuyên gia.
Các phi công chuyên lái máy bay thử nghiệm đã lập ra một danh sách gói gọn trong một tờ giấy ghi chú, với đầy đủ trình tự các bước cần kiểm tra khi cất cánh, hạ cánh và chạy trên đường băng. Có thể nói đây chính là công việc mà bất kỳ viên phi công nào cũng biết, như kiểm tra để biết chắc chắn đã thả phanh, cài đặt các máy móc thiết bị , đảm bảo cửa chính và cửa sổ đã được đóng, hay bộ phận điều khiển bánh lái đã mở. . . toàn là những việc đơn giản. Bạn có thể nghĩ bảng danh mục này chỉ là trò vớ vẩn và chẳng ích lợi gì. Nhưng nhờ có danh mục này mà chiếc 299 tiếp tục bay hơn 3 triệu km mà không có một vụ tai nạn nào xảy ra. Kết quả, quân đội Mỹ đã mua tổng cộng gần 13.000 chiếc và đặc cho nó tên mới là B-17. Và khi tìm ra cách điều khiển con chim sắt khổng lồ này, quân đội Mỹ đã dành được ưu thế trên không trong thế chiến thứ hai. Thậm chí, B-17 còn là trợ thủ đắc lực trong chiến dịch dội bom đánh Đức Quốc Xã.
Ngày nay, chúng ta cũng đang lâm vào tình huống như khi điều khiển chiếc máy bay B-17 vậy. Nghĩa là công việc của các kỹ sư phần mềm, giám đốc tài chính, nhân viên cứu hỏa, cảnh sát, luật sư hay bác sĩ đều quá phức tạp và họ không thể thực hiện hoàm hảo mọi công việc nếu chỉ dựa vào trí nhớ của mình. Nói rộng hơn, rất nhiều công việc trong xã hội hiện đại trên nhiều lĩnh vực chẳng khác gì việc lái chiếc máy bay  đó là mấy. Nghĩa là có quá nhiều việc phải làm.
Tuy nhiên, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng nếu ai cũng nắm được bí quyết đơn giản như danh mục kia. Qủa là chúng ta hay mắc lỗi, thậm chí là những lỗi rất tai hại, nhưng ai cũng biết là công việc mà chúng ta đang làm vô cùng phức tạp rất khó tóm lược vào trong một bản danh sách. Chẳng hạn như các loại bệnh tật - chúng còn phong phú, đa dạng hơn cả ciếc máy bay Boeing B-17. Theo một nghiên cứu trên 41.000 người bị chấn thương tại Pennsylvania thì đã có đến 1.224 loại vết thương khác nhau, tương ứng với 32.261 quy trình chẩn đoán. Như thế nghĩa là sẽ phải có 32.261 loại máy bay khác nhau mà các viên phi công phải biết cách điều khiển. Chính vì thế, việc sắp xếp các bước được thực hiện theo một trình tự hợp lý  cho từng trường hợp sẽ là rất khó. Các bác sĩ điều trị còn nghi ngờ rằng một mảnh giấy nhỏ sao lại có khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng trong ngành y.
Tuy vậy, chúng ta vẫn còn chút hy vọng. Chẳng hạn, nếu không thể lập một danh sách những việc cần làm  thì mỗi bệnh viện sẽ dựa vào các triệu chứng nào để đánh giá tổng trạng của bệnh nhân? Đó là dựa vào bốn đặc điểm sinh lý: thân nhiệt, mạch, huyết áp và nhịp thở. Và chỉ cần bỏ quên một dữ liệu cũng vô cùng nguy hiểm. Vì nếu bạn nhận tháy ba trong bốn dấu hiệu là bình thường và nhìn bệnh nhân có vẻ ổn, bạn sẽ bảo rằng:"Ồ, cô ấy khỏe và có thể về nhà được rồi". Nhưng nếu yếu tố thứ tư là cô ấy bị sốt, huyết áp thấp hoặc nhịp tim tăng nhanh, thì việc bỏ qua dấu hiệu thứ tư của bạn có thể sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của bệnh nhân. Tuy vậy, cho dù bác sĩ lâm sàng nào cũng đều biết rằng việc kết hợp bốn triệu chứng đó lại với nhau  sẽ giúp họ đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chính xác hơn, nhưng họ vẫn không làm thế.
Trong môi trường làm việc ngày càng phức tạp, các chuyên gia thường phải đối mặt với hai trở ngại chính. Đầu tiên, họ để phạm sai lầm do không nhớ và thiếu chú ý. Điều này thường xuyên xảy ra, ngay cả khi đó chỉ là những công việc hàng ngày. Nhưng khi rơi vào các tình huống căng thẳng, họ lại càng dễ dàng bỏ quên các chi tiết. (Ví dụ lúc bệnh nhân của bạn bị nôn ói mà người nhà của họ lại giận dữ căn vặn lý do, bạn sẽ quên mất rằng bạn chưa kiểm tra mạch cho anh ta). Quên và xao nhãng trong công việc là những nguyên nhân cực kỳ nguy hiểm trong quá trình mà các kỹ sư gọi là "tất cả hoặc không có gì" cho dù đó là việc chạy ra cửa hàng mua nhiên liệu làm bánh, chuẩn bị cho máy bay cất cánh hay đánh giá sức khỏe của người bệnh. Chỉ cần bỏ sót một chi tiết quan trọng nào đó là mọi công sức của bạn sẽ trở nên vô ích.
Trở ngại thứ hai, rất khó nhận biết, là con người tự cho phép bỏ qua các bước ngay cả khi họ vẫn nhớ. Vì suy cho cùng, trong các quy trình phức tạp chắc chắn vẫn có một số bước không quan trọng. Chẳng hạn như bộ phận điều khiển bánh lái độ cao  máy bay luôn được mở và việc kiểm tra gần như là vô nghĩa. Hay trong số 50 bệnh nhân chỉ có môt bệnh nhân thực sự cần được kiểm tra đồng thời bốn triệu chứng nói trên. Mà chúng ta thì thường nói :"Thì từ trước đến giờ có vấn đề gì đâu". Nhưng rồi một ngày, "vấn đề" sẽ xảy ra.
Danh mục kiểm tra có thể giúp ngăn ngừa những lỗi như trên bằng cách nhắc nhở chúng ta về các bước cần thiết tối thiểu, đồng thời, làm cho các bước ấy trở nên rõ ràng dễ hiểu. Ngoài ra, hành động này còn giúp cho người thực hiện biết tuân thủ kỷ luật trong làm việc nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Nghĩa là các bác sĩ luôn luôn phải kiểm tra đầy đủ bốn dấu sinh hiệu của bệnh nhân, dù họ có thể không tin vào danh mục kiểm tra.
Trước kia, việc ghi lại bốn dấu sinh hiệu chưa được đưa vào quy định. Mãi đến những năm 60, các y tá mới nhận ra tầm quan trọng của chúng. Thế là họ lập biểu đồ và bảng biểu để ghi lại các triệu chứng của bệnh nhân, nhưng chủ yếu là để giúp họ tự kiểm tra được công việc. Bằng cách ghi lên đó tất cả những công việc mà y tá phải thực hiện trong một ngày, từ phát thuốc, băng bó vết thương cho đến khắc phục các sự cố, biểu đồ này đảm bảo cứ mỗi sáu tiếng, hoặc ít hơn tùy vào đánh giá của mình, các y tá sẽ kiểm tra mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ và nhờ vậy, biết được chính xác tình trạng của bệnh nhân.
Hiện nay, ở hầu hết các bệnh viện, y tá lại thêm vào một triệu chứng nữa là "cơn đau", được bệnh nhân mô ta mức độ từ một đến mười. Ngoài ra, họ còn đưa ra sáng kiến lập bảng tóm tắt kế hoạch chăm sóc và lịch phát/ tiêm thuốc cho mỗi bệnh njha6n. Chẳng ai gọi chúng là danh mục kiểm tra nhưng về bản chất thì đúng là như thế. Và dù được sử dụng rộng rãi trong hoạt động điều dưỡng danh mục kiểm tra vẫn chưa được các bác sĩ áp dụng trong quá trình điều trị. "Biểu đồ và bảng kiểm tra? Ồ, đó là việc của điều dưỡng. Chán ngắt. Các bác sĩ như chúng ta, vốn được đào tạo nhiều năm và chuyên môn hóa sâu sẽ chẳng cần đến những thứ đó làm gì", họ nghĩ vậy.

Nguồn: "The Checklist Manifesto" - tên bài do blog tự đặt
* Chú thích: tác giả Atul Gawande là bác sĩ phẫu thuật nội tiết và tổng quát ở Boston. Ông còn là cộng tác viên của tờ The New Yorker và là giảng viên trường y thuộc đại học Harvard, ngoài ra, ông còn điều hành chương trình "Phẫu thuật an toàn" của tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2006 ông đoạt giải thưởng MacArthur Fellowship, một trong những giải thưởng cao quý nhất trong các ngành khoa học, xã hội, nhân văn, nghệ thuật.
Xem tiếp kỳ 2

1 nhận xét:

Khương nói...

Bài viết hay quá thầy ơi !